Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2017

CĂN NHÀ CÓ NHỮNG CỤM HOA MƯỜI GIỜ THÔI NỞ - Thuyên Huy


    Năm đệ tứ, thứ bảy, đôi ba lần, nếu không về dưới Long Giang, trên đường tới nhà Bình, thằng bạn chơi thân cùng lớp từ năm đệ thất, buổi sáng lối hơn mười giờ, đi ngang qua cái biệt thự tường màu nâu nhạt, nhà của đứa con gái học cùng một lớp tên Đoan Nghiêm, gia đình có cơ sở làm ăn đâu đó dưới Sài Gòn, do người chị thứ hai coi sóc, ba Đoan Nghiêm, bác Thật, là chủ tịch hội đồng tỉnh, anh trai kế đang du học ở Tân Tây Lan, Bình biết nhưng không gọi là quen, Hiển thì chưa lần gặp mặt, nằm giấu mình sau cái sân vườn trải sỏi trắng, quẩn quanh đâu đó mấy cây bông sứ lỏng khỏng già, cành lá khẳng khiu, dăm ba cánh hoa lẻ loi lưa thưa, vàng không hẳn vàng, buồn thinh héo úa, không xa ngã ba đường xuống chợ cũ, Hiển không quên nhìn tới nhìn lui, những cụm hoa Mười Giờ trồng dọc theo hai bên con đường lát lác đác mấy tấm đá đen nhạt rong rêu, từ ngoài cái cổng sắt cũ sét, hình như nắng mưa gì cũng thấy khép hờ, không ai buồn đóng, vào tới tận bậc tam cấp lên cửa trước, đua nhau nở một màu tím đỏ, giống hệt đám hoa Mười Giờ mọc hoang, từng cụm, bên bờ mương chạy dọc theo một bên con đường đất mịn, đi ngang qua trường làng về hướng cuối xóm chợ, nơi mà Hiển cùng đám bạn, ngày còn nhỏ, lang thang lên xuống, ngắt từng chùm hoa một, thản nhiên vui cười, mặc kệ cành lá mềm nhủng, thách nhau xếp thành tên mình, đứa nào làm xong trước thì thắng cuộc chơi, rồi kéo nhau ra cái sạp bán bánh kẹo, của bà bảy già, sống một mình, mua thưởng cho mấy cục kẹo dừa, bỏ mặc mấy cái tên  kết bằng những cánh hoa tươi, nằm co mình ở lại, héo xèo, phơi mình giữa trời nắng nung người, xơ xác bụi.

    Cuối hè năm đó, ba của Bình, bác hai Quân, là công chức bên ty thuế vụ tỉnh, nhận chức vụ mới, đổi xuống Sài Gòn, cho nên cả gia đình dọn theo ông  hết, căn nhà chỉ còn bà ngoại và dì Quyên, em của mẹ Bình, chưa lập gia đình, mà Hiển đã gặp khi đến nhà, đang là y tá ở bệnh viện tỉnh, sát bên cạnh tòa án và ngó qua quân y viện, xe nhà binh lớn nhỏ ra vào nườm nượp. Hôm chia tay, trước ngày bải trường, sửa soạn về quê, hai thằng rủ nhau ra cái quán nước quen, ngay ngã ba đường ngó qua cổng trường, ngồi nhìn nhau không biết nói chuyện gì vì có quá nhiều chuyện muốn nói, rồi thì có nấn ná, có tiếc nuối cho mấy cũng phải chia tay, Bình đưa cái địa chỉ nhà ở dưới Sài Gòn, cho biết sẽ vào đệ tam trường Mạc Đĩnh Chi, có gì nhớ viết thư và hẹn gặp nhau mùa thi năm tới. Vào học trở lại, Hiển dọn khỏi căn nhà nhiều phòng, đối diện chùa, cho học trò nhà quê lên tỉnh trọ, từ bao năm qua, của bà bác Nhiên già, người tu tại gia, khăn gói vào trong ký túc xá nam sinh, do hội phụ huynh học sinh mới xây, trên ngọn đồi dốc thoai thoải ngó xuống trường, sát cái đình Hiệp Ninh cũ xưa rờn rợn âm u, bên kia đường không hơn một tầm mắt, Hiển đã không mấy khi có dịp đi ngang căn biệt thự  trồng hoa Mười Giờ từ dạo đó.

    Chiến tranh loáng thoáng đâu đó từ mấy năm qua giờ xem ra có phần lan rộng, khắp nơi, tiếng súng tiếng bom, ngày nghe càng xích tới gần làng xã hơn trước, ban đêm quân du kích  mò ra đắp mô gài mìn, chận đường xe chở lính VNCH, xe đò xe hàng, từ Tây Ninh về Sài Gòn xảy ra thường thường, riết rồi cũng quen, thỉnh thoảng vài lần, có người không may đi xe đò bị mìn nổ chết, hay bị thương, tình hình không còn mấy yên ổn như trước. Dưới quê, mấy miếng ruộng của nhà Hiển, phía trong vàm, một hai năm nay thường bị mất mùa, thương cho ba Hiển, một thân một mình, dãi dầu mưa dầm nắng cháy, cũng không khá hơn, mỗi lần nghỉ học về thăm nhà, thấy ba mình khổ cực, nhìn ông chắt mót từng thúng lúa bịch gạo ngoài mái hiên lá sau, Hiển thầm thấy lòng xót xa vô hạn, thương ông muốn khóc, tội nghiệp, từ ngày mẹ mất vì bị cảm nặng, ông thui thủi lẻ loi, không lấy vợ khác, đơn độc ở vậy nuôi con, tính ra cũng gần tám chín năm, đôi lúc thấy ông bó gối, ngồi trước nhà, thở dài, lặng lẽ nhìn xa xăm, Hiển cũng buồn theo nhưng lại không biết phải nói gì với ông, lần nào cũng vậy, lúc trở lên tỉnh lại, hai cha con đèo nhau trên cái xe đạp cà tàng, cọc cạch qua cây cầu gỗ nhỏ, bắt ngang cái đầm  rộng, mùa nào cũng nở đầy một màu sen trắng, từ Long Giang qua Bến Cầu, đón tàu lớn đi Cẫm Giang, ông xoa đầu Hiển, không biết bao nhiêu lần, dặn dò một hai “ráng học nghe con”, tàu tách bến ra khá xa rồi, ông vẫn còn dựng cái xe đạp ở đó ngó theo, Hiển buồn so, rươm rướm, đứng trên mui sàn tàu nhìn lại, cũng thì thầm hai tiếng “ba ơi” như những lần trước.

    Dạo này, ít khi về dưới quê, đường xá không mấy an ninh, còn có mỗi hai cha con, rũi ro có chuyện gì thì không biết làm sao, ở lại tỉnh, thứ bảy nào cũng vậy, đám có nhà không xa, xe cộ dễ đi, miệt Bến Kéo Cẫm Giang, Bàu Nâu Thạnh Đức, chiều thứ sáu, sáng thứ bảy kéo nhau đi không còn một đứa, ký túc xá vắng hơn phân nửa, loanh quanh nhớ nhà nhớ cửa, bài vở chưa quá bề bộn, như mấy anh đệ nhị đệ nhất, bù đầu bù cổ, học ngồi học đứng từ trong nhà ăn, ra tới ngoài sân, mang theo cả lên giường ngủ, Hiển theo Bi, quê ở Khiêm Hanh, nhà cũng nghèo, thằng bạn cùng lớp, nằm giường trên, đón xe lôi máy vào cửa số Hai, từ sáng sớm, rồi theo xe chở đi làm công việc phụ hồ, bưng gạch cho ông sĩ tải Hội, thầu xây cất của tòa thánh, xây nhà cho người quanh vùng chợ Long Hoa, Thương Binh, Trường Lưu, Trường Thọ hay Phước Ninh, Thanh Điền,  tới chiều, xe chở về lại tòa thánh, cũng như buổi sáng, hai thằng đón xe lôi máy về ký túc xá kịp lúc, trước giờ cơm chiều, có phần mệt mỏi nhưng vui, số tiền kiếm được, dành dụm, đủ để đóng tiền cơm, mua sách mua vở, chưa kể một vài hộp bánh lạt, hộp trà nhỏ cho ba mình ở nhà, Hiển vui với niềm vui nhỏ nhoi đó, tết tới năm đó, về Long Giang, mới đầu còn giấu, nói quanh nói co là tiền để dành, vì ở trong ký túc xá không tốn kém gì như trước nhưng rồi, khi ba mình gặn hỏi hoài, thấy ông tư lự, Hiển đành thú thật chuyện đi làm ngày thứ bảy, ông ôm Hiển khóc rấm rứt trước bàn thờ của vợ, miệng cứ lập đi lập lại “trời ơi, bà ơi, tội nghiệp cho con quá”, hai cha con không nói tiếng nào, cứ ôm nhau mà thúc thít khóc.

    Trưa thứ bảy, vì thiếu xi măng, chú Điền, cai trông coi người làm, cho nghỉ sớm, xe chở về tòa thánh trời vừa lưng lửng trưa, một chút gió đâu đó từ hướng núi Bà Đen, lùa nắng đi xa, về ngang mát dìu dịu, cũng đã trễ giờ cơm trưa, ngồi xe lôi máy, hai người đi thẳng luôn ra chợ thay vì về ký túc xá, từ dốc tòa hành chánh nhìn xuống, con đường Gia Long vắng tanh, không mấy người đi, đám chim hoang mặc tình đuổi nhau trên vĩa hè gạch hâm hấp nóng. Từ quán Đông Đề ra, còn sớm, hai người quyết định thả bộ về thay vì tốn thêm cuốc xe nữa, bù lại đã xài cho hai tô hủ tiếu mì rồi, lửng thửng nói cười, vừa qua ngang tiệm thuốc tây, nghe tiếng ai đó gọi Hiển, hai người đứng lại, cùng lúc cô Nguyệt Quỳnh, đang dạy toán lớp họ, đi ra, hai ba cô con gái bẽn lẽn theo sau, nhìn trên nhìn dưới, thấy quần áo hai anh còn bám đầy bụi đất, cô nhăn mặt cười “bộ hai em mới đi đá banh về hả?”, hơi ngượng, Hiển vả lả cười trừ mà không trả lời, Bi hai tay xuýt xoa lắc đầu, theo sau cô, cả bọn đi xuống cái xe bán chè “sâm bổ lượng” dưới bờ sông, ngay đầu chợ cá, bên kia bờ, hàng phượng già đã có lưa thưa vài chùm hoa nở sớm, chưa trọn màu đỏ thắm, lại một mùa hè nữa, thoáng chút bỡ ngỡ đầu, không bao lâu, đám học trò thôi hết e dè, hỏi chuyện này chuyện nọ, cô Nguyệt Quỳnh, thỉnh thoảng thêm thắt vài ba tiếng, chia tay, cô cùng mấy đứa con gái trở lên đầu chợ, đứng ở cuối cầu Quan, chờ băng qua đường, từ dốc ngã ba nhìn xuống, cô trò đi hàng ngang nói cười, trong đó có Đoan Nghiêm, nhà ở cái biệt thự, có những cụm hoa Mười Giờ mà Hiển đã có nhiều lần đi qua, nghe Bình đôi khi nói tới.

    Về Long Giang nghỉ hè, sau đêm Bắc quân từ  phía biên giới Miên, tràn qua tấn công một số làng ấp, từ Long Chữ , Long Khánh qua tới Long Giang, không chiếm được đất nhưng cũng phá sập nhiều đồn bót và trụ sở của làng xã, nhất là bắt dẫn theo một số trai tráng dân làm ruộng khi rút đi, may mà ở nhà không có gì, ba Hiển lo sợ cho con, nên Hiển lên tỉnh trở lại, dù còn tới gần mười mấy ngày nữa mới tựu trường, hai cha một già một trẻ, thêm một lần bịn rịn chia tay, ký túc xá chưa mở cửa, Hiển qua tạm đằng nhà bà bác Nhiên, chỗ cũ, nơi anh ở trọ từ năm mới chân ướt chân ráo lên trường tỉnh.

    Buổi sáng, một lần nữa, ký túc xá xôn xao nhộn nhịp như cái nhộn nhịp xôn xao những năm trước, còn một ngày nữa mới nhập học, nhưng ở đây mở cửa sớm, để dân “nhà quê”, nhất là mấy đứa học trò năm đệ thất, năm đầu trường tỉnh, có chỗ ăn chỗ ở đàng hoàng trước, xe lôi xe kéo, người khuân kẻ vác nườm nượp, đám cũ lăng xăng mầy mầy tao tao, chuyện ruộng chuyện đồng, đám mới thập thò, lơ ngơ nhìn nhìn ngó ngó, tiếng hỏi tiếng chào át cả tiếng ve lẻ loi, nuối tiếc gọi chờ sang mùa đâu đó trên cành mấy cây cỗ thụ già quanh sân đình, hàng phượng hai bên con đường đất sỏi đi lên từ dưới cổng, vẫn còn lưa thưa năm ba chùm hoa đỏ bầm cuối mùa, đong đưa theo chiều gió nhẹ từ hướng bờ sông lùa về, pha hơi sương man mác lạnh. Hết chuyện này tới chuyện nọ, tới gần trưa, vẫn chưa thấy Bi, dạo này làng ấp xa xa, không còn bình yên lắm, Khiêm Hanh nghe nói chắc cũng vậy, lo cho thằng bạn lên trễ, Hiển nói với cô Sáu quản lý cho đóng tiền thay hắn trước và dành chỗ ngủ trên của cái giường đôi cho Bi, như hai người đã có năm ngoái, xong xuôi đâu đó Hiển bỏ về nhà trọ sửa soạn, trời bắt đầu nóng gắt, nắng lên cao, cái nắng cuối mùa hạ.

    Tới ngã ba, cái quán nước quen đóng kín cửa, bỗng dưng nhớ lá thư nhận được của Bình gởi trước ngày bải trường, trong đó nhắc tới tên Đoan Nghiêm, một Đoan Nghiêm vừa quen ngoài chợ tỉnh, sáng thứ bảy cách đây không lâu, bất chợt Hiển thấy lòng mình có chút nao nao gì khó nói, Hiển quyết định đi về hướng nhà cô ta, con đường mà đã từ lâu lắm rồi không có dịp đi qua và chưa có lần nhìn lại những cụm hoa Mười Giờ ở đó. Hiển ngài ngại, đi theo phía lề bên kia đường, đứng giả vờ trốn nắng dưới bóng cây trứng cá già trước sân quán Đào Viên, ngay đầu ngả đường, nhìn qua, cái cổng sắt cũng vậy và vẫn khép hờ như những ngày năm trước, mấy cụm hoa Mười Giờ, giờ này không còn tím đỏ như lúc mới nở mười giờ nhưng dầy đặc, cánh cửa sổ mở rộng, lộ rõ tấm màn vải che hồng nhạt, Hiển  đứng ở đó thật lâu, dường như nấn ná muốn chờ nhưng không hiểu lòng mình muốn chờ gì, bên kia, căn biệt thự vắng vẫn vắng. Nhanh nhưng chưa kịp qua khỏi đường, thì từ trong nhà, Đoan Nghiêm cùng cô bạn, cái cô mà có lần Hiển gặp dưới chợ, cười toe cười toét ra tới cổng, Hiển đứng khựng lại, làm bộ tình cờ đi ngang, ngại ngùng chào rồi bỏ đi, xuống tới khúc quanh một quảng khá xa, quay lại, hai người cũng còn đứng ở đó nhìn theo, bỗng dưng Hiển thấy vui trên suốt đường về.

     Vào học không lâu, độ hơn một tuần, để các lớp đệ nhị làm quen với nhau, cô Nguyệt Quỳnh, cùng cô Thư dạy vạn vật, tổ chức ngày đi thăm cô nhị viện của tòa thánh, sáng thứ bảy, cô trò nói cười, quen lạ chào hỏi, theo hai chiếc xe đò Tân Nguyên Thành, mướn từ mấy hôm trước chở vào trong đó khá sớm, xong xuôi, từ cô nhi viện ra, trời cũng vừa giữa trưa, nắng cũng cái nắng phơn phớt của những ngày đầu thu, cả đoàn, cô trò, kéo nhau vào  trai đường , ăn cơm chay trưa, bữa cơm miễn phí dọn cho khách các nơi  đến thăm, mà người của tòa thánh nấu hàng ngày, theo lời của cô Nguyệt Quỳnh, cô Thư thay vì trở về trường liền. Ai nấy lăng xăng, tụm nhau tìm lấy bàn, có quen biết trước chút đỉnh, không đợi hỏi, Bi nhanh chân giành cái bàn dài nhiều chỗ ngoài cùng, ngó qua bên kia sân rộng thênh thang, người qua kẻ lại trước tòa nhà chánh, Hiển cùng Đoan Ngiêm và mấy cô bạn đã gặp lần trước theo vào, ở cái bàn nơi góc trong, cô Nguyệt Quỳnh ngồi nhìn qua, nhoẻn miệng cười, một nụ cười như đã hiểu ra điều gì đó. Xe chở về lại trường, chia tay, đứng chờ không còn ai nữa trước cổng Hiển mới chịu bỏ đi, nắng giữa chiều chênh chếch ngã bóng dài trên đường về ký túc xá, đêm đó, Hiển không xuống phòng học như những đêm trước, một mình, lang thang trong sân, nhìn xa xa, lòng chợt cứ nhớ cứ nhung, cứ ray cứ rứt bữa cơm chay buổi sáng.

    Lá thư viết đi viết lại sau mấy đêm trằn trọc, đọc tới đọc lui, định gởi nhưng cứ nấn ná, lần lựa nhiều ngày, mang đi rồi mang về, cuối cùng để nó nằm yên trong hộc tủ, mân mê đọc cho riêng mình nghe mà buồn vời vợi, nhìn lại mình, thân phận con nhà nghèo làm ruộng, bữa đói bữa no, còn lo chưa xong, đành an lòng làm kẻ thương thầm, không dám ngỏ, từ đó, ngày đến ngày qua, hai buỗi đi về, cứ lặng lẽ, lủi thủi một đời “em tan trường về, anh theo Ngọ về”, mỗi lần thấy Hiển, sau bữa cơm chiều, đứng thẩn thờ nhìn xuống dưới cổng trường, thương bạn, Bi không nói ra nói vô, nhưng nhắc nhỡ “nhớ năm nay thi nghe mậy” vậy thôi. Cuối năm, cũng như Bi, Hiển đậu tú tài một, ngày xuống Sài Gòn thi, hai người ở nhà của Bình như đã hẹn, ba mẹ Bình niềm nở ân cần, lo cho từng li từng chút, thi xong, hôm chia tay ở bến xe đò, Bình hỏi chuyện Đoan Nghiêm tới đâu rồi, Hiển lắc đầu, không nói gì hơn “cái thư viết lần đầu ngày đó, gần một năm rồi vẫn chưa gởi đi”, cả ba buồn buồn nhìn nhau, giọt cà phê cuối cùng chợt nghe mặn đắng, người lơ xe chạy tới chạy lui, hối hành khách tiếng một tiếng hai, trời đã có chút nắng sớm, hai người lên xe, Bình nói vói theo “ráng, dù gì cũng phải cho xong một kỳ nữa nghe mậy”, Hiển quay lại ngó xuống gật đầu cười, nụ cười không vui không buồn. Bữa tiệc nhỏ, mừng thi đậu ở nhà Đoan Nghiêm, có mặt cô Nguyệt Quỳnh và cô Thư, cả bọn chụp chung tấm hình trước sân nhà, người đứng người ngồi, dọc theo hàng cụm hoa Mười Giờ, bên cạnh Đoan Nghiêm, Hiển chợt thấy lòng mình thoáng có chút gì đó quặn đau nhè nhẹ khó nói, hoa nở rực một màu tím đỏ giữa cái nắng trưa của những ngày cuối hạ.

    Ba Hiển mất vì đạp phải trái đạn B40 chưa kịp nổ trên ruộng, sau trận đánh ác liệt, kéo dài mấy ngày trời giữa quân Bắc Việt từ bên kia biên giới Miên tràn qua và lính sư đoàn 25 của VNCH, trước ngày cuối năm đệ nhất không bao lâu, hay tin, Bi chạy đi đâu đó mượn được cái xe Honda, hai người bỏ học vài ngày, về Long Giang qua ngả Gò Dầu, Trà Cao. Có khóc cho nhiều, đau buồn cho lắm rồi cũng thôi, nhờ người quen lối xóm, xúm nhau phụ một tay, vài ba nén nhang, cái khăn tang trắng, không kinh không kệ, Hiển đem ông chôn gần mấy cái mả quen trên một khoảng đất gò cao cuối ấp, nhờ hai vợ chồng bác Được, cũng người làm ruộng, ở cạnh bên, cách nhau bờ đê ruộng thấp trông chừng giùm. Phượng nở rực một màu đỏ thẳm trong sân trường, trên đường phố, một lần nữa, mùa thi tới, bạn bè chia tay, hẹn gặp lại nhau đâu đó, hôm đến từ giã Đoan Nghiêm, những cụm hoa Mười Giờ trong sân nhà rộn rã nở tròn những cánh tím đỏ, tím đỏ rực như trong tấm hình chụp chung ngày Hiển đến đó lần đầu và cũng là lần duy nhất.

    Hiển rớt tú tài hai, không buồn không vui, về Long Giang vài hôm, bên mộ ba mình, ngày nào cũng mưa dầm lất phất, gió từ ngoài đồng, ngoài vàm lùa về, nước mắt lất phất chảy dài trên mặt không khác gì mưa, trở xuống Sài Gòn, ở chơi với Bình một hai ngày, không kịp gặp lại Bi, đã về Khiêm Hanh sau ngày có kết quả, rồi khăn gói vào quân trường Thủ Đức, mang theo lá thư xếp đã thành nếp nhăn, giấy có chút phai màu trắng, và tấm hình ngồi bên cạnh Đoan Nghiêm trước sân nhà, để còn có chút gì mà nhớ. Bình tiếp tục lên đại học, Bi cũng đậu nhưng lại tình nguyện vào trường sĩ quan Cảnh sát, Đoan Nghiêm tốt nghiệp sư phạm, về dạy sử địa tại trường trung học Lý Thường Kiệt, Hốc Môn. Ra trường, Hiển vào binh chủng Nhảy Dù, theo đơn vị ruỗi dong rừng sâu núi ngàn, đồng hoang sông rộng, trước ngày ra đóng quân tận Triệu Phong, không mấy xa bên này bờ Thạch Hản, ngày cũng như đêm  cứ nhớ về Tây Ninh nhưng chưa có lần nào được trọn vẹn, sau lần tan trận Phước Long, được nghỉ chân, chờ đi thay cho quân bạn ở mặt trận cao nguyên, có lẽ cũng gần ba năm, kể từ ngày lặng lẽ bỏ Tây Ninh, buồn cứ buồn, quên cố quên nhưng không làm sao quên, lần nghỉ phép sau cùng, ghé ở nhà Bình một hai ngày rồi lại trở lại đơn vị sớm, có ai quen đâu mà nấn ná, về Đoan Nghiêm, Bình cũng không biết gì hơn, như trước, tiễn nhau, Bình dặn một dặn hai “nhớ cẩn thận, súng đạn lắm khi vô tình nghe mậy”.
 Đầu năm 1971, VNCH mở chiến dịch Lam Sơn 719, Hiển theo tiểu đoàn tiến vào đất Hạ Lào qua đường số 9, mấy ngày sau, giữa lúc chiến trận càng lúc càng ác liệt, Hiển bị thương ở cánh tay khá nặng, trực thăng di tản không kịp vì mưa pháo, và tấn công biển người, chiếm căn cứ 31, cao điểm 543, do hai tiểu đoàn 3 và 6 Dù trấn giữ, cách phía bắc Bản Đông chừng bảy cây số giữa tháng 2 năm 1971, Hiển bị bắt làm tù binh, bặt tin từ đó.

    Hiển được thả về, trong một trong những đợt trao trả tù binh hai bên sau ngày hiệp định Ba Lê ký kết, và sau một thời gian làm một số thủ tục cần thiết cho việc giải ngủ, cụt mất gần hơn nửa tay trái, Sài Gòn giờ thành xứ lạ, bạn cũ không còn ai, Bình ra trường, đổi xuống một cái quận xa nào đó dưới miệt Long Xuyên, Bi thì ra bộ chỉ huy cảnh sát Pleiku, ở tạm một đêm tại nhà người bạn lính cùng binh chủng, bị nhốt chung bên Lào, cũng được thả cùng đợt trên Gò Vấp, rồi về Long Giang, tàn tật sống phần đời còn lại, cái nhà, bỏ đi bao nhiêu năm, nhờ vợ chồng hai bác Được coi sóc, vẫn còn chịu đựng nắng mưa, mộ ba Hiển cũng được hai bác dọn dẹp gọn gàng, mấy luống cải rau, hai ba giàn bầu mướp xanh một màu xanh thăm thẳm, láng giềng kẻ hỏi người thăm, cũng cảm thấy lòng còn đôi chút ủi an, có Hiển ra vào, cái bàn thờ nghèo không còn bụi “bám nhện giăng khói nhang tẻ lạnh”, những khi chiều tim tím xuống bên kia sông, ngồi nhìn ra xa, man mác buồn, nổi buồn trộn ray rứt nhớ nhung mà chỉ có riêng mình anh hiểu.

    Tây Ninh vào hạ, phượng bắt đầu phơn phớt hồng che bóng nắng, bỏ đi xa lâu rồi giờ về cũng vậy, xuống xe ngay ngã ba, học trò đã nghỉ học từ mấy ngày trước, sân trường lớp học vắng hoe, Hiển ngập ngừng, chần chừ, đưa cánh tay còn lại, mằn mò trong túi quần lính màu hoa dù bạc mốc, cái thư và tấm hình, vẫn còn giữ được, hôm bị bắt làm tù binh, trong lúc lụt xét đồ đạc cá nhân tại một cái nhà ngụy trang cây lá làm bệnh xá dã chiến, cũng may người sĩ quan bộ đội chỉ huy, gốc miền nam, còn chút cảm thông nào đó, không tịch thu làm gì, Hiển nhìn lên, kéo cái nón che khuất mặt, ống tay áo trái thả lòng thòng, lặng lẽ đi lên hướng ngã tư.

    Một lần nữa, Hiển đứng nép dưới bóng cây trứng cá già nua trước quán Đào Viên, lá lưa thưa xuyên dăm ba vệt nắng, nhìn qua bên kia nhà Đoan Nghiêm, trời chập chững vào trưa, xác pháo một màu đỏ nhạt trải ngập sân trước, vẫn còn ươn ướt hơi sương đêm, xem ra đã nằm ở đó mấy ngày rồi, căn nhà trước sau vắng tanh, Hiển đau nhói buột miệng “chẳng lẽ”, chị phụ việc trong quán bước ra, lấy gì đó, cười chào, không đợi Hiển hỏi, chị nhanh nhẩu cho biết “đám cưới cô Đoan Nghiêm, con gái ông chủ tịch hội đồng tỉnh vừa xong mấy hôm nay, cả nhà đã theo bên chồng rước dâu về Sài Gòn hết rồi”, Hiển đứng lặng người, không kịp hỏi gì thêm, mà có hỏi thì hỏi gì đây, chị đã trở vào trong quán, Hiển bỏ đi ra, băng nhanh ngang qua ngã tư, lần này cái cổng sắt cũ sét khép kín, những cụm hoa Mười giờ nằm dọc theo con đường vào tới cửa trước nhà, lúc nào cũng rộn ràng tím đỏ mỗi lần Hiển đi qua  thuở nào, sáng nay lạnh lùng buồn thiu, thôi nở, mặc dù đã quá mười giờ từ lâu.

    Hiển thẩn thờ một lúc, lặng lẽ đi trở ngược cái cổng đường vào ký túc xá, ngồi bệt xuống bên lề, chờ đón chuyến xe đò nhỏ chạy đường Tây Ninh Gò Dầu, về lại Cẫm Giang, kéo lá thư nhăn nhúm và tấm hình nhạt mờ trong túi quần ra, nhìn một lần nữa, lần cuối cùng rồi thôi, Hiển bất chợt cười, dùng cánh tay còn lại, chầm chậm xé lá thư và tấm hình, thả tung, mảnh từng mảnh lừng lững bay, theo chiều gió vừa lên từ phía dưới xóm chài ven sông, rồi lả tả rơi trên những chùm hoa đỏ thẳm của mấy gốc phượng già ở một góc sân trường, như những cánh bướm giấy, thấy mà thương, xe ngừng lại chờ, bước lên,  đám bướm giấy vẫn còn lang thang vờn bay ở đó, bổng dưng Hiển bật khóc.



Thuyên Huy

Canberra 2016



   
   
   

   
   

   

   
     

   
   
   
   
   
   

1 nhận xét:

Thơ Xướng Họa : NIỀM RIÊNG -: Trần Văn Dật & Hoàng Đằng

  Niềm Riêng - Trần Văn Dật & Thơ họa: Niềm Riêng - Hoàng Đằng   Niềm Riêng Quê hương nhìn lại ngái xa rồi Từ giã ra đi lúc thiế...