Năm 1986, ra trường tôi về Cà Mau dạy học (hồi đó là tỉnh Minh Hải, gộp chung Bạc Liêu và Cà Mau). Ngày ấy, chưa có cầu Mỹ Thuận và cầu Cần Thơ, mỗi lần đi hoặc về phải qua hai chuyến phà “nghẹt thở” với nhiều kỷ niệm buồn vui.
Hồi đó, ra Xa Cảng Miền Tây đón được xe đi Minh Hải là cả một thành công lớn. Và ngồi xe từ đó về đến Cà Mau lại thêm một chặng đường khổ ải mười mấy tiếng (kể cả thời gian chờ phà). Có lần tôi đi từ Sài Gòn lúc 5 giờ sáng mà mãi đến 1 giờ sáng ngày hôm sau mới đến nơi, bị kẹt phà đến mấy tiếng đồng hồ.
Đến bến phà, lơ xe yêu cầu hành khách xuống xe theo quy định, trừ những người lớn tuổi hoặc những người đau yếu thì vẫn được ưu tiên ngồi lại trên xe. Nhưng vẫn có nhiều người trước đó vừa nói chuyện rổn rảng ồn ào cả xe bỗng dưng ôm đầu ôm bụng rên rỉ kiếm cớ ngồi lại trên xe. Cũng có nhiều người lơ đãng, khi xuống xe không chú ý biển số xe, màu xe, hiệu xe… nên khi qua phà rồi thì lại í ới nhốn nháo kiếm xe, có khi bị lỡ xe thật tội nghiệp.
Tôi vẫn còn nhớ hoài, không sao quên được những gánh hàng rong, từ bắp nấu, trứng cút đến mía ghim, thuốc lá và những tiếng rao hàng nghe rất vui tai. Chỗ này ồn ào tiếng chào mời “Nem Lai Vung đây, nem Lai Vung đây!”, chỗ kia í ới tiếng rao ngộ nghĩnh “Lá, lá, lá đây!” (Thuốc lá đây). Và còn có rất nhiều tiếng rao hàng khác nữa nghe như hát. Có thể nói những gánh hàng rong ngược xuôi tất tả là điểm đặc trưng của những chuyến phà ngày xưa đó.
Và chuyện rọc túi, móc túi nữa chớ. Những nơi đông người là chỗ thuận lợi cho đội quân “hai ngón” giở trò. Không ít lần tôi đã chứng kiến nhiều người ngẩn ngơ mếu máo bị mất sạch tiền chỉ vì vài phút lơ là không để ý.
Giữa những âm thanh ồn ào của những tiếng rao hàng, tiếng í ới gọi nhau, tiếng cãi lộn quát tháo, cả tiếng con nít khóc và tiếng máy phà xình xịch, tôi thường lặng nhìn những đám lục bình trôi lững lờ trên dòng nước mênh mông của sông Tiền, sông Hậu với nỗi niềm ưu tư của một kẻ xa nhà.
Những chuyến phà ngày ấy giờ đây chỉ còn trong ký ức…
Lê Quang Huy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét