Thứ Tư, 24 tháng 4, 2024

Cuộc Chiến Hao Mòn (TC.Da Màu )

♦ Chuyển ngữ:  

 CARLEIGH BAKER là nhà văn và giáo sư có dòng máu nêhiyaw âpihtawikosisân pha Âu châu. Sinh ra và lớn lên ở lãnh thổ Stó:lō, bà hiện đang sống trong các vùng đất không chịu cắt nhượng của các sắc tộc xʷməθkʷəy̓əm (Musqueam), Skwxwú7mesh (Squamish) và səl̓ilwəta (Tsleil-Waututh).

Tập truyện đầu tay của bà, Bad Endings, 2017 (tạm dịch Kết Thúc Không Có Hậu) đoạt giải City of Vancouver Book Award, và được vào chung kết của giải Rogers Writers’ Trust Fiction cũng như Emerging Indigenous Voices Award. Truyện ngắn War of Attrition (Cuộc Chiến Hao Mòn) dưới đây là truyện mở đầu trong tập truyện này.

Là giáo sư và nhà nghiên cứu, bà đặc biệt chú tâm vào vai trò của tiểu thuyết hiện đại đối với tình trạng khủng hoảng khí hậu, Cuốn tiểu thuyết bà đang viết, Mudlarkers (Kẻ Bới Bùn), có cái nhìn châm biếm “đen” về các phong trào của những người bảo thủ đương thời đã át giọng của nhiều dân tộc bản địa trong vấn đề quản lý đất đai. Bà dạy môn sáng tác trong niên khoá 2019-2020 tại trường đại học Simon Fraser.

________________________________________________


Cuộc sống vợ chồng của chúng tôi đang đến hồi kết thúc, và lỗi là tại tôi. Trong phòng bên, Andrew đang ngáy như sấm. Tôi nằm trên cái xô-pha, đắp một tấm chăn lông cừu mỏng mảnh phủ trên làn da trần trụi, mượt mà từ đầu xuống chân, không một tì vết. Hãy cố đừng mong cái lạnh sẽ đến. Hé nhìn qua vuông cửa sổ tối tăm, chờ nghe tiếng mưa, nhưng chỉ là để đủ can đảm chống chọi lại với những gì không tránh được. Tôi dậy lúc năm giờ sáng: áo len, áo choàng, đôi dép với ra là lấy được ngay. Lôi hết chúng nó vào dưới chăn trước đã. Vặn lò sưởi gas lên chỉ làm cho trong nhà thêm quá dễ chịu. Ấm nước đã được bắc lên lò trong lúc tôi mặc quần áo sửa soạn đi làm: đồ lót dài, áo ấm lót, áo len. Hai lớp vớ, tuy đó cũng chẳng phải là một điều hay. Làm hại đến tuần hoàn của máu, Andrew vẫn thường bảo vậy. 


Quần sợi tổng hợp. Bốt cao-su. Một cái áo khoác trượt tuyết ván bằng vải Scotchgard nhưng chưa bao giờ mặc. Một cái mũ, bên ngoài là nón Sou’wester trùm tai và gáy, tôi mua từ lúc Andrew và tôi thường đi chèo thuyền với nhau. Găng tay hở ngón. Lớp ngoài cùng là cái áo khoác của toà báo Metropolitan News, phía trước có túi để đựng găng tay và giấy lau mặt, phía sau là lớp plastic để bỏ xấp báo trong ngày.

Đứng bên cửa sổ, tôi cầm một tách trà, uống chỉ vài hớp, và nghe tiếng ngáy của Andrew. Trong mấy tháng hè, thời khắc buổi sáng như thế này thật riêng tư và êm đềm, nhưng khi mùa đông đến, đó chỉ là cảm giác cô đơn. Trời mưa—thật ra chỉ là mưa bụi—cái ướt át xâm nhập cơ thể tôi lúc buổi sáng rạng dần lên. Chất ẩm đọng trên các thanh sắt nằm ngang ở ga Skytrain trên đầu tôi rỏ nước xuống mỗi lần có xe lửa chạy ngang. Cứ ngẩng mặt lên là tôi bị những giọt nước đó rơi vào mặt.

Đi xuống bốn tầng cầu thang trong đôi bốt cao-su. Căn phòng của chúng tôi ở tầng trên cùng, nhìn xuống khu chung cư và dòng sông lúc ban ngày. Tôi sẽ không bao giờ có được như thế này sau khi không còn sống với Andrew nữa.

***

Trên chuyến xe lửa đầu ngày, hiếm khi thấy nhân viên cảnh sát Skytrain nào. Họ cũng chẳng bao giờ quấy rầy tôi trên chuyến xe về nhà; cái áo Metropolitan dường như có thể che giấu tôi đi. Mặc nó trên người, tôi trở thành sinh vật cuối cùng trong chuỗi thức ăn, đúng như vị trí của mình. Lana đã bày tôi lúc nào cũng giữ một tấm vé đã hết hạn để phòng hờ. Cô bảo người ta thường để ý đến vẻ tội lỗi của mình hơn là ngày tháng ghi trên tấm vé.

Lana thực ra là đối thủ của tôi; cô giao tờ 48 Tiếng Đồng Hồ. Cô biết rõ cách hoạt động trong guồng máy, thật đúng kiểu người Nga, hay ít nhất cô cũng đã nói như vậy. Tôi không gặp nhiều người Nga là mấy.

“Đời buồn như giấy đi cầu,” cô ta nói thế với giọng Nga của Bác Sĩ Zhivago. Ngày ngày chúng tôi lấy báo buổi sáng ra rồi gấp từng tờ lại. “Lấy chồng bác sĩ, qua Canada sống, rồi chồng bỏ mình để ngủ với mấy cô y tá, rồi mình phải lấy anh bán thịt để được ở lại. Để đổi lấy cái gì? Canada. Ở đây cũng có tốt đẹp gì đâu.”

***

Cô nói với giọng đầy thuyết phục đến nỗi tôi phải gật gù tán đồng. Cô thường tuyên bố là mình đã qua thời xuân sắc nhưng đôi môi của cô hãy còn căng mọng, hai gò má cao, và hẳn là cô có thân hình của một cô siêu kiểu mẫu bên dưới cái áo khoác có mũ viền lông thú và chiếc quần sợi tổng hợp. Cũng khó mà đoán. Cô đội một cái mũ len có tua, kéo xuống sùm sụp.

“Cái này thật là buồn cười.” Cô nói, chỉ vào cái tua. “Nhưng chính vì vậy tôi mới mua để mặc mà giao báo. Công việc này cũng buồn cười.” Cô ngẫm nghĩ. “Nhưng cũng vì họ bán hạ giá cái mũ.”

Cả hai đã sẵn sàng cho đợt phát báo cấp tốc đầu ngày. Chuẩn bị sẵn một xấp báo để vào sau áo để chỉ việc rút ra thì bao giờ cũng tiện hơn; làm nửa chừng mà hết báo là mất hết 20 đến 30 tờ báo. Mỗi chúng tôi nhận một chồng báo khoảng bảy trăm tờ mỗi buổi sáng, được bó lại bằng dây nhựa để sẵn ở lối vào ga xe lửa. Nếu may mắn, tôi có thể phát ba trăm tờ. Lana phát ra ít nhất là gấp đôi chỗ đó.

Một người đàn ông lớn tuổi với mái tóc bồng tiến lại gần chúng tôi. “Svetlana!” ông gọi, và cô chìa má ra cho ông hôn, kèm theo một tờ báo. Tôi cũng đưa ra một tờ Metropolitan nhưng ông ta không buồn để ý. “Đó là Tom,” Lana vừa nói vừa vẫy tay chào lúc ông ta quay đi. “Rất trung thành với tờ 48 Tiếng Đồng Hồ.” Cô không thể không nhếch một cái cười khinh bạc. Dù gì thì chúng ta cũng là đối thủ của nhau.

“Ní hảo!” Lana cất tiếng chào mấy người đàn ông người Hoa, những người Hoa ngày nào chúng tôi cũng gặp, họ cũng đáp trả Ní hảo, hơi nghiêng người xuống lúc đỡ lấy tờ báo trên tay cô. “Ní hảo! Chúc các ông một ngày tốt lành. Chúc các ông một ngày tốt lành,” cô tíu tít nói. Và lúc họ đi khuất, cô thêm vào, “Đàn ông Trung Hoa tiền thì nhiều mà chim thì nhỏ.”

“Cô không nghĩ đó chỉ là thành kiến thôi chứ?” Tôi hỏi.

Lana ngúng nguẩy mái tóc bềnh bồng. “Thành kiến là sự thật đấy.”

***

Tôi bỏ Andrew không phải vì đã gặp một người khác. Anh không đánh đập tôi, không chửi mắng mà cũng không lừa dối tôi. Tôi ra đi vì không muốn cố gắng nữa. Chúng tôi đã thử một đôi lần. Chẳng có gì để nói với một luật sư chuyên về ly dị, với bố mẹ hay bạn bè tôi, ngoại trừ có lẽ vì anh đã cho tôi quá nhiều. Anh thường bảo vậy, và tôi cũng đồng ý. Tôi không phải đi làm, nấu ăn, dọn dẹp hay lo lắng về bất cứ chuyện gì. Andrew lo hết mọi thứ.

Cả hai chúng tôi đều biết rằng tôi không thể ra đi cho đến khi nào tôi có được đồng lương ổn định. Metropolitan là nơi duy nhất chịu mướn tôi lập tức mà không thắc mắc gì về khoảng trống trong bản tóm tắt kinh nghiệm của tôi suốt năm năm vừa qua. Họ phái tôi đến nhà ga trên dường số 22, không xa chỗ Andrew và tôi ở là mấy. Sáng sáng, có một người đàn ông  thường hát opera bằng tiếng Ý lúc ông ta đi bộ xuống về hướng tôi đang đi. Ông ta chẳng bao giờ lấy báo mà chỉ cúi chào và làm như đang bỏ tiền vào một cái nón vô hình. Một nhóm các cô gái Đại Hàn mặc đồng phục phòng giải phẫu nhìn tôi cười khúc khích, gần như là tán tỉnh tôi vậy.

Cô Metro! Các anh thợ làm đồ gỗ gọi tôi như thế trên đường đi ra Đảo Annacis. Họ vẫn có mùi mạt cưa, dù đã mặc quần áo lúc nào cũng mới giặt sạch sẽ. Nếu tôi bảo họ hôm nay là một ngày ế ẩm, họ sẽ lấy hai tờ báo. Vào ngày lễ Tình Yêu, một người trong bọn họ tặng tôi một đoá cẩm chướng. Tôi cài bông hoa lên chỗ dây kéo của cái áo khoác trượt tuyết trong vài tiếng đồng hồ rồi vất đi, để Andrew khỏi thắc mắc lôi thôi. Đôi khi anh lái xe đến đón tôi sau ca làm việc, dù anh biết giữa chúng tôi chẳng còn gì nữa. Điều này lúc nào cũng khiến Lana phản ứng mạnh mẽ.

“Bà điên thật! Bà có chồng, có xe.” Cô cầm một tờ 48 Tiếng Đồng Hồ vẫy phơ phất trên đầu. “Vậy mà bà bỏ đi. Ít nhất phải lấy xe.”

“Tôi lái xe dở lắm,” tôi nói.

“Bà đúng là điên. Bà phải lấy một nửa.”

“Tôi không muốn một nửa.” Chắc Lana sẽ nghẹn ngào nếu chứng kiến tôi ngoảnh mặt đi với những chiếc ly không có chân hiệu Riedel dùng để uống rượu vang hay bộ soong nồi. Các món này vào thời đó dường như hết sức cần thiết.

“Corrrina, nghe này.” Cô chồm lại gần tôi, nhưng vẫn chìa tay phải ra để phân phát báo. “Để tôi nói với bà một chuyện.” Cô thở ra thật mạnh. “Tôi… thật ra không phải là người Nga.”

“Ồ, vậy sao?”

“Phải, tôi nói dối với chồng. Ông ta muốn vợ người Nga.” Cô bấu lấy cánh tay tôi.

“Ồ.” Cả hai chúng tôi dường như cùng đang xúc động mạnh, nhưng tôi cũng không hiểu tại sao.

“Tôi là người… Ukraine.” Chữ sau cùng tuột khỏi đôi môi của Lana như một tiếng thở dài. Cô lùi lại như thể sợ tôi tát cho cô một cái.

“Ông ta không muốn vợ người Ukraine à?”

“Không.” Lana sụt sịt đáp. Một đám đông trên chuyến xe từ King Eward vừa bước xuống, lũ lượt đi qua trước mặt chúng tôi. Lana và tôi phát những tờ báo buổi sáng bằng cả hai tay một cách vô hồn như những cái máy bán hàng. Khách quen của Lana lộ vẻ thất vọng vì không được cô chú tâm đến như mọi ngày, nhưng cô cứ lờ đi như không biết.

“Chẳng ai muốn vợ Ukraine. Đàn bà Ukraine chỉ làm điếm là giỏi.”

“Lana, không thể như thế được.”

“Thật mà. Quai hàm cô nghiến lại, hai má hóp vào. Cô lấy một miếng giấy trong cái áo khoác 48 Tiếng Đồng Hồ ra để chùi mũi. “Nhưng người Nga là kẻ thù của Ukraine.”

“Như Canada với Hoa Kỳ vậy, phải không?”

Cô đứng thẳng người lên. “Người Canada ngu lắm, chẳng biết cái gì cả,” cô bảo, “Nói bà đừng buồn.”

“Tôi không buồn đâu.”

“Tôi cho đi tất cả để có chồng bác sĩ.” Gương mặt cô sa sầm xuống. “Tôi cho cả chính con người thật của tôi. Vậy mà hắn ta ngủ với y tá.”

“Lana, tôi hiểu bà muốn nói gì,” tôi đáp, ít nhất điều này là sự thật. Nhưng chẳng có gì là mới mẻ đối với tôi cả. Chỉ có ai điên mới bỏ một người đàn ông đối xử với mình như một nàng công chúa.

“Ôi, Corrrina ơi,” Lana lại rên lên, hai vai chùng xuống. “Nếu bà hiểu biết, bà chẳng bỏ chồng tốt đâu.”

Lúc chín giờ rưỡi, mưa trở thành cơn tuyết đổ. Andrew dừng xe lại, bên trong đã có sẵn hai ly latte và hệ thống sưởi được mở lớn. Tôi biết anh giận lắm, anh chưa bao giờ nguôi giận, nhưng anh vẫn làm những việc như thế này. Vào xe ngồi cạnh bên anh thì có vẻ quá thoải mái, nhưng da dẻ sẽ tan bớt cái lạnh như cắt này.

“Hôm nay ra sao?” Anh mỉm cười hỏi, nhưng mắt vẫn nhìn ra phía trước.

“Cũng như mọi ngày,” tôi đáp. “Cám ơn anh đã đến đón em.”

“Trời lạnh quá em không nên đi bộ về.” Anh chỉ vào cái túi nằm ở băng ghế sau. “Tối nay anh sẽ ngủ lại ở nhà Tom.” Anh dừng xe lại trước nhà. “Em không muốn ly latte này à?”

“Em đang bỏ cà-phê,” tôi nói. “Và sữa nữa.”

***

Andrew đã bắt đầu dồn một ít đồ đạc của tôi vào dưới chân cầu thang. Còn lại nhiều chỗ trống trên mấy cái kệ mà trước đây tôi để cái ấm trà có hình Mao Trạch Đông và bức ảnh hai cha con tôi chụp lúc đi câu cá hồi. Tôi sẽ cất bức ảnh vào ba-lô. Ấm trà, đồng hồ treo tường, tấm bích chương tuyên truyền sẽ nằm dưới cầu thang đến khi nào Andrew đem cho người khác. Tôi không nhớ vì sao mình đã sưu tầm mấy món đồ của Mao. Tôi cầm một cái áo len của Andrew lên ngửi, cố khơi dậy một chút cảm xúc nào đó, nhưng vô ích. Tôi muốn ứa nước mắt, nhưng cảm giác đó thoáng qua trước khi những giọt lệ kịp lăn xuống. Có chăng là tôi thương xót chính mình. Một cái email Andrew gửi kèm theo các đường liên kết đến những căn chung cư giá bình dân trên craiglist. Chính tôi phải tự kiếm chỗ ở mới, vì tôi mới là người dứt áo ra đi. Thậm chí anh còn đề nghị trả tiền cho tháng đầu.

Tôi vào Google tìm đề tài “chiến tranh Nga-Ukraine.” Tôi kiếm ra nhiều nguồn tin rất khác nhau, từ chuyện nước Nga là ông chủ lớn của Ukraine đến kẻ thù không đội trời chung của xứ sở này, tuỳ theo phe nào đang kể chuyện. Có bài về Holodomor—nạn đói trong những năm 1930 ở Ukraine—đổ tội cho người Nga làm cho người Ukraine đói khát hòng đập tan phong trào đòi độc lập của họ. Hàng triệu người đã chết, nhưng Ukraine không chịu thua. Lana nói đúng. Tôi quả là ngu dốt. Và sướng quá sinh tệ. Mà có lẽ cũng điên thật.

***

Buổi sáng thật êm ả. Không có mưa. Không cả tiếng ngáy. Lúc anh vắng nhà, tôi không tài nào ngủ được, dù hai chân buông thõng xuống chiếc xô-pha. Sự im lặng sao mà dày đặc, đến nỗi tai tôi như bị một sức ép. Tôi thở thật mạnh. Hít vào. Thở ra. Vào-ra-vào-ra-vào-ra. Sáng nay không có thì giờ để ăn điểm tâm, nuốt vội một nhúm đậu phọng cũng xong.

Lúc tôi đang trên xe lửa, Andrew gởi mấy dòng text. Đã tìm ra cho em một chỗ. Chắc tuần tới em nên dọn ra.

OK Tôi text lại.

Anh sẽ giúp em dọn đồ đạc.

Không cần đâu. Anh không biết tôi chỉ mang theo cái ba-lô. Đi xa thì nên mang nhẹ thôi.

***

 Ngày nào Lana cũng đến chỗ lấy báo trước tôi; cô đáp một chuyến xe lửa từ Edmonds, chỉ dừng có một lần. Cô đang đứng tại ga, môi cong tớn lên. Cô cầm một chùm bong bóng bay. “Của bà nè,” cô nói, vừa đưa cho tôi vừa nghiêng đầu, và trong một khoảnh khắc tệ hại, tôi nghĩ rằng đó là của Andrew, hay chắc là của gã đàn ông từng tặng hoa cẩm chướng—nhưng không. “Ông giám thị Metro ghé ngang, đưa cho bà đó.”

“Tôi biết làm gì với mấy trái bong bóng này đây?”

Lana cười khụt khịt. “Vừa cầm bong bóng vừa phát báo, và rao M là Metropolitan, chữ của phẩm chất hảo hạng dành cho quý vị.”

“Cái gì? Thế có nghĩa là gì mới được chứ—”   

“—À không, xin lỗi, bà phải rao như thế này: M là Metropolitan, chữ của phẩm chất hảo hạng dành cho quý vị!”

“Cái gì?”

“Rao to lên.”

“Lana, bà không đùa đó chứ?”

“Rao đi, Corrrina,” cô ra lệnh, buộc mấy cái bong bóng lên mũ áo của tôi. “Bà muốn bỏ cái sướng để ra đây làm việc với những kẻ thua cuộc mà—”

“—Bà là một kẻ thua cuộc xinh đẹp.”

“Tôi biết.” Cô ta không chớp mắt. “Đáng lẽ ra tôi nên làm một con điếm xinh đẹp thua cuộc, đằng này lại đi lấy một tên bác sĩ chẳng ra gì.”

“Hồi tối tôi đọc về Ukraine.” Tôi đổi đề tài. “Holodomor.”

“Tụi Nga lấy hết mọi thứ, nhưng chúng không thể làm suy sụp tinh thần chúng tôi!” Cô vung tay lên trời. “Nhưng bà đừng đánh trống lảng nhé.”

“M là Metropolitan.” Tôi lấy một quả bong bóng buộc vào mớ tóc bồng của Lana. Thêm một quả nữa vào khuỷu tay của cô.

“Kìa, tôi chưa nghe bà rao đấy nhé.” Lana buộc bong bóng vào hai bím tóc của tôi, vào sợi dây của cái nón Sou-Wester.

“Cho tôi một tờ 48 Tiếng Đồng Hồ đi!” Có người nói lớn.

Lana chỉ vào chồng báo trên lề đường “Chưa đến sáu giờ, lại mà lấy!” Quay sang tôi, cô hỏi:

“Sao đây?”

Tôi rụt rè rao “M là Metropolitan, chữ của phẩm chất hảo hạng dành cho quý vị.”

“Tệ quá.” Lana cười mũi. “Bà muốn mất việc à? Muốn về lại với ông chồng tử tế có xe hơi không?”

“Cho bà ông ấy đó,” tôi lầu bầu.

“Bà nói sao?”

“Bà cứ việc lấy ông chồng của tôi đi, cả chiếc xe của ông ấy luôn.”

“Rồi sao nữa?” Lana giật giật mớ bong bóng trên hai bím tóc của tôi, và tôi chỉ muốn tát cho cô ta một cái.

“Rồi thì… M là Metropolitan, chữ của phẩm chất hảo hạng dành cho quý vị!” Một đoàn người đi làm xa ăn mặc sang trọng nhìn tôi cười râm ran. Cổ họng tôi đau rát.

“Khá hơn rồi đó.” Lana bảo. “Bà cảm thấy thế nào?”

“Thấy mình là một kẻ ngốc.”

“Thì đây là cuộc sống bà đã chọn mà.”

***

Khoảng 8 giờ sáng, nhiệt độ xuống thấp hơn một chút nữa. Tôi bắt đầu run cầm cập. Nhờ vậy mà thỉnh thoảng lại có vài người ái ngại lấy giùm tôi một tờ báo. Nhưng chuyện này cũng có giới hạn của nó, làm hơi quá một chút thì thiên hạ lại bực mình mà tránh ra xa ngay. Nếu tôi cố tươi cười như một chiến sĩ dũng cảm thì chắc mọi sự sẽ tốt đẹp vào giờ chót. Nhưng nhiệt độ càng lúc càng thấp hơn, đến một lúc đầu óc tôi bắt đầu choáng váng và mấy quả bong bóng cũng rũ xuống. Người qua kẻ lại chậm chạp trước mắt tôi, cổ áo họ bẻ lên trùm kín mít. Một người đàn ông đi lướt qua Lana và tôi, hai hàm răng nhăn nhở, ôm kè kè cô vợ đang mang bầu như một tên vệ sĩ.

“Mấy cô ấy phát báo ăn xin đó,” ông ta nói. Cả hai người đều không nhìn chúng tôi.

Lana đứng sững trong giây lát. “Bà uống một chút trà gừng không?” Cô hỏi.

“Tôi không sao đâu.”

“Tôi cũng vậy,” cô nói.

Gần chín giờ rưỡi, tôi lại thấy xe của Andrew trờ tới.

“Lana,” tôi kêu lên. “Hôm nay tôi về sớm một chút nhé.” Tôi thoát ra khỏi tầm mắt của Andrew, biến vào nhà ga, nhảy lên cầu thang từng hai bậc một.

“Nhưng, chồng tốt mà!” Lana gọi với theo. “Đồ điên! Bà điên thật rồi!”

***

Người trên xe lửa ai cũng nhìn tôi chòng chọc. Điện thoại của tôi rung lên liên hồi trong cái túi áo trước, mấy quả bong bóng xìu xuống, phất phơ theo hai bím tóc. Hơi nóng tăng dần lên, đôi chân tôi vã mồ hôi trong hai lần vớ. Đoàn tàu đi vào ga Columbia, trạm gần nhà tôi nhất. Các cánh cửa bật mở, nhưng tôi vẫn tiếp tục đi.

https://joylandmagazine.com/uncategorized/war-attrition/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cẩm Giàng: Thị trấn tôi yêu- Khúc Hà Linh

Cẩm Giàng: Thị trấn tôi yêu Khúc Hà Linh Gần đây một cuộc thống kê ngẫu nhiên về danh tính qua 3654 người dân ở 19 xã, thị trấn của huyện Cẩ...