Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2024

ĐI QUA NẮNG HẠN Nguyễn Thanh Bình

Ra Tết *, trời phương Nam nắng rừng rực. Mỗi sáng, dự báo thời tiết liên tục cập nhật trong ngày 36, 37 độ. Dọc đường nhựa nóng run rẩy, chỉ muốn tìm bóng cây dừng lại…
Bạn đồng nghiệp ở Tây Ninh nhắn tin: “Nắng nung người”. Dải vùng biên còn nóng hơn nữa khi ao hồ sông suối đã cạn dần. Tôi cập nhật thông tin về cơn nắng hạn mà nghe mướt mồ hôi. Một phóng sự ảnh trên tờ báo ghi lại cảnh sống của hàng chục hộ dân trong các căn phòng trọ chật hẹp ở Xóm Củi (quận 8, TPHCM). Người tứ xứ về đây, thuê căn phòng được bao bọc lại bằng những tấm tôn cũ. Trên đầu, tứ phía quây lại là tôn. Mỗi tháng tiền thuê khoảng 1,5-2 triệu đồng, chủ nhà bao luôn điện nước. Những người lao động nghèo phải vật lộn, chống chọi với nắng ngoài trời khi đi làm và nóng bức của gian phòng trọ khi quay về. Chỉ có cánh quạt quay mỗi đêm vùn vụt, đem chút hơi gió phả vào không gian chật chội.
Ở miền Tây, nhiều nơi mặn xâm nhập vào sâu trong sông đến 40-50 ki lô mét. Nước ngọt hiếm dần, những dãy lu cạn chờ mưa. Người dân đồng bằng thường phải chống chọi với hạn mặn, khô khát nhất là thời gian ra Giêng cho đến tháng Tư, tháng Năm. Hạn kỳ nắng nóng như một định luật bất di bất dịch của trời đất. Điều này khiến tôi nhớ đến câu chuyện năm nào đi về Bến Tre, có một đơn vị tài trợ chục cái giếng khoan cho bà con xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri. Khi chú trưởng phòng của đơn vị tài trợ kéo chiếc cầu dao điện, nước ngọt từ hệ thống bơm phụt lên, bà con cả xóm reo hò hân hoan sung sướng. Có những người đàn ông cởi trần sẵn, sà vào dòng nước xuýt xoa mát mẻ. Còn cánh phụ nữ chủ yếu là các bà các cô đi xe đạp, đội nón lá chỉ trỏ trầm trồ. Họ vui, một niềm vui trước ánh nắng đang bừng lên gay gắt.
Sống với hạn mặn bao năm, người dân miền Tây cũng đã rút ra bài học khi sản xuất. Họ xuống giống lúa vụ đông – xuân sớm hơn tầm một tháng, nên năm nay đã thu hoạch xong, lại được mùa. Lúc ấy, sông dần cạn, biển mới đẩy mặn vào ruộng đồng chỉ còn trơ gốc rạ.
Nhưng còn vùng Đông Nam bộ? Hầu hết các vùng chuyên canh các loại cây ngắn ngày như bí đỏ, đậu các loại, thuốc lá, bắp… đành chịu trận. Cỡ tầm tháng Hai qua tháng Ba, là nguồn nước ngầm cạn kiệt. Có vắt đất ở giếng sâu cũng trơ vòi tưới. Mỗi năm, mạch nước ngầm ở những vùng đất đỏ hoặc đất đen pha cát ấy lại kiệt đi. Mà đây vốn là những vùng khá trù phú xanh tươi khi mưa về. Với thời tiết cực đoan của Nam bộ mùa này, câu ca “trông trời trông đất trông mây…” dường như vô hiệu, khi mỗi bình minh mặt trời đỏ lừ nhô lên phía chân trời, và tịnh không một bóng mây. Trời trong veo một cách… đe đọa!
Mới hai hôm trước, ông anh từ huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) lên Sài Gòn chơi, nửa khoe nửa rầu, nói rằng mùa thuốc lá vừa rồi trúng giá, trồng năm công đất, bán “mão” (là bán nguyên thửa cây thuốc đang độ sắp thu hái) tại vườn cho thương lái tự hái cắt, được hơn 50 triệu đồng, trừ đi khoảng gần chục triệu đầu tư, cũng đỡ. Còn nửa đoạn kia khi tâm sự, lại như héo ruột héo gan, anh buông một câu: Nước uống còn khó, nói chi nước tưới.
Lại nhớ mỗi dịp trước và sau Tết Đoan Ngọ, đi qua những vùng chôm chôm, sầu riêng, măng cụt trĩu quả ở An Lộc, Long Khánh, Bình Lộc, Bảo Định… là những địa danh nổi tiếng cây trái của Đồng Nai, lại thấy tươi tắn nụ cười trên môi của những nông dân bám đất. Tíu tít ngã giá, tíu tít bán mua.
Bây giờ, với ngọn nắng gắt gỏng như vầy, họ còn phải gắng sức đi tìm mạch nước, gắng đi qua nắng hạn, để khi mùa thu hoạch đến, có thêm chút tiền trang trải tiền ăn, tiền học cho con. Câu chuyện lo âu muôn đời của những nhà vườn mà tôi từng gặp, từng biết.
Có chăng, mỗi mùa mỗi năm đi qua, thời tiết lại như khắc nghiệt hơn. Nên gồng gánh trên vai của họ cũng nặng hơn, từng ngày!
 
NTB
TheSaigontimes.vn

 * Tết 2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ĐỆ BÁ NIÊN HOẰNG KHAI ĐẠI ĐẠO- TAM KỲ PHỔ ĐỘ ( Nhứt Bách Niên nhân Rằm Hạ Ngươn Giáp Thìn)

                Múa Rồng Nhang ngày Đại Lễ   Thánh Thất khắp nơi đã tổ chức Đại Lễ Rằm Hạ Ngươn Giáp Thìn rất trọng thể Đại Lễ kính mừng Đệ...