Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2024

Phan: NHẬU MÌNH ÊN (từ Trang T.Vấn và Bạn Hửu )

                         Hoang Vu – Tranh (sơn dầu): MAI TÂM

1.

Là con nhà người bắc di cư nên tôi hay bị người lớn trong nhà trách nhẹ mà thấm hơn đòn roi. Như có lần mẹ tôi nói khi thấy tôi đi ngang bếp mẹ đang nấu ăn, “Con lấy cho mẹ cái muôi trong xạn chén đó”. Tôi cũng chẳng biết là cái “muôi” hay cái “mui” vì từ nào tôi cũng thấy vô nghĩa khi chỉ cái dùng để múc canh. Rồi cái chạn là cái tủ lưới để thức ăn cho khỏi bị ruồi muỗi, dưới bốn chân chạn có bốn chén nước cho kiến khỏi bò lên, có khi mẹ tôi nói tiếng Pháp là cái garde manger mà những người di cư khác Việt hoá cụm từ ra tiếng Việt luôn là cái gác-măng-rê như bà ngoại  nhà bên cạnh. Đến cái xạn mới nhức đầu, người trong nam gọi là cái xống chén. Rửa chén xong thì úp lên cái xống chén cho nó khô ráo và sạch sẽ. Người bắc lại gọi là cái xạn chén. Cả hai từ xống và xạn đều chẳng có ý nghĩa gì hết; ví dụ từ xa xưa, nếu tiền nhân gọi đàn ông là con bò thì con cháu cũng sẽ gọi bò cha, bò con, bò ông nội… để phân biệt những con bò. Ít nhất là tôi suy nghĩ như thế khi còn nhỏ ở nhà.

   Hồi mẹ đang bận tay nên tôi để cái muôi bên cạnh người, rồi đi làm việc của mình. Mẹ tôi lại hỏi, “Mẹ bảo con đưa cho mẹ cái muôi, con không nghe à?” Tôi đến bên mẹ, đưa cái muôi mẹ đã không thấy tôi để bên cạnh người, và nói, “Cái vá tổ cha như vầy mà mẹ không thấy…”

   Mẹ tôi có chút tư lự, sau đó hỏi tôi, “Cái này người nam gọi là cái “vá” hay cái “giá”?

   Tôi lại không thông nên trả lời, “Con cũng không biết. Chỉ nghe người thì nói là cái vá, người khác lại nói là cái giá. Chắc tại người nam không nói khác nhau được vần ‘v’ và vần ‘d’, vần ‘gi’… Xe đạp của bạn con cán đinh nên nó đi ‘dá’ xe đạp; nó không nói được từ ‘vá’. Như người bắc không nói được cái lon sữa bò mà cứ nói là cái non, cái non sữa bò…”

   Mẹ tôi cười khó hiểu là khen thằng con giỏi, hiểu biết, hay chê dở tệ khi đưa ra nhận xét về phát âm tiếng Việt với người Hà nội. Mẹ tôi nói chữ “những”, từ “vỡ lẽ” thì nghe rõ dấu ngã chứ không nghe dấu hỏi như người nam nói “nhửng người bất tử”, hay “bây giờ tôi mới dzở lẻ được chuyện đó!”. Dường như người nam không nói được dấu ngã, “vẽ tranh” nhưng họ luôn nói là “vẻ tranh”. ‘dẻ chanh”… Lẽ ra chuyện không có gì để nhớ mãi lần trò chuyện với mẹ đẻ trong gian bếp, tiện tay phụ mẹ dọn bữa ăn chiều cho cả nhà. Mẹ tôi như nói, như tâm sự, nhưng cũng như trải lòng người mẹ với đứa con ngộ tánh, “… nhà mỗi mình con nói giọng Nam, ăn tôm rang có đường mới ăn, lại không ăn canh chua mẻ… Mẹ nấu cho cả nhà ăn thì con không ăn, nhưng bỏ đường vô tôm rang, nấu canh chua me cho con ăn thì cả nhà mình không ăn…”

   Hết chuyện đột ngột vì những thành viên trong nhà đã xuống bếp để ăn cơm. Cũng không, chưa bao giờ hai mẹ con tôi có cơ hội, có dịp trò chuyện tiếp về câu chuyện dang dở nên nhớ hoài khi cầm cái muôi, cái mui, cái vá, cái giá múc vào tô canh chua me hay canh chua mẻ chỉ hơn thua nhau một dấu hỏi có xá gì? Quan trọng là nhớ mẹ khi ngồi vào bàn ăn nhưng không còn mẹ, khi đi tới gần hết đường đời, gần cuối thế gian này không ai quan tâm tôi nói giọng Bắc hay giọng Nam, ăn tôm rang có bỏ chút đường cho bớt mặn muối, hay không ăn canh chua mẻ vì ám ảnh mấy con mẻ bò loe ngoe…

   Bây giờ mẹ ở trên trời nên không nói được với người, “không quan trọng việc con nói giọng Nam hay Bắc. Con ăn gì cũng được mẹ ơi vì mồ côi liếm lá đầu đường, con còn có cái ăn để sống qua ngày đã là ân sủng.”

2.

Thuở còn đi học, chẳng biết ai là tác giả mà trong bạn học rất phổ biến câu, “cho mượn sách là dại, nhưng mượn được sách rồi mà đem trả là dại hơn.” Tôi ít tin ai lắm khi đang tuổi trẻ tự tin ngút trời nên dùng uy tín cá nhân để mưọn cô bạn gái của tôi vài quyển sách cho thằng bạn (thân lúc ấy) nó học thi vì nó bị thi lại, nhưng tiền ăn không có thì tiền đâu mua sách.

   Cũng không ai ngờ ba mươi năm sau tôi mới gặp lại nó. Nó xin lỗi chuyện ngày xưa nó đã nói láo là làm mất, cho nó thời gian kiếm tiền mua lại mấy cuốn sách cho bạn gái của tôi. “Vậy nói thật đi, đã ba mươi năm rồi…” Tôi nói vậy với người bạn thân thuở còn đi học. Câu trả lời đè nặng tim tôi thêm mười năm không gặp sau lần họp mặt bạn bè. Bạn tôi nói, “tao đã bán mấy cuốn sách lấy tiền đi uống cà phê với con bồ, sau này thành con vợ đã bỏ tao vô tù, chắc mày cũng nghe bạn bè kể rồi chứ?”

   “Phải. Thôi hãy quên đi mấy cuốn sách thời đi học, nhưng đừng bao giờ truyền lại câu nói ngày xưa, ‘cho mượn sách là dại…’ vì cái giá của mấy cuốn sách là đã làm hỏng hai cuộc đời chúng ta. Chúng ta chỉ còn đủ thời gian để cầu chúc cho mọi người được bình an…”

3.

Ông Kent là Mỹ đen, người Mỹ đen khả ái về đối nhân xử thế, khả kính về tính tình. Chuyện gì ông cũng nói thẳng, nói hoạch toẹt ra, nhưng giải quyết xong thì thôi, không để bụng. Ông nói thẳng với sếp, “tôi đi làm hay không là tùy vợ tôi. Sáng nào cũng vậy, vợ tôi nói ông đi làm thì tôi đi làm. Bà ấy nói hôm nay ông ở nhà đi, thì tôi ở nhà. Tôi xin lỗi không thể làm theo lệnh sếp.”

   Ai cũng thấy lạ đời cho ông già Mỹ đen nói chuyện với sếp mà không sợ bị đuổi việc. Riêng tôi hỏi ông, “Nếu ông bà không cần tiền thì ông còn đi làm làm gì? Ông tới tuổi hưu chưa?”

   “Tới rồi… nhưng không có tiền nên vợ tôi mới nói vậy! Tôi hiểu nên thương vợ tôi hơn khi còn trẻ vì từ khi tôi cưới bà ấy đến nay đã tới tuổi về hưu, chưa bao giờ chúng tôi không thiếu nợ. Con cái lớn khôn sống riêng ra thì nợ từ khi chúng còn nhỏ vẫn đeo bám vợ chồng tôi. Nên sáng nào vợ tôi thấy tôi không khoẻ thì bà ấy bảo tôi ở nhà… Tôi không có dư tiền như bạn nghĩ…”

   “Vậy ông tính sao cho tương lai?”

   “Khả năng tôi có thể là bán nhà ở Dallas, nhà tôi chưa trả hết nên chỉ được ít tiền. Tôi với vợ tôi về bên Oklahoma sống cho chi phí nhẹ hơn, nhưng phúc lợi xã hội cho người già bên đó khá hơn bên Dallas.”

   “Nhưng phần tiền ông có được từ việc bán nhà có bị những nơi ông còn nợ thu giữ gì không?”

   “Không. Phần tiền bán nhà có được tôi để dành trả tiền lời cho những nơi tôi còn nợ tới tôi chết thì xin lỗi mọi người…”

   Ông ấy trả thẻ cho bà sếp, xin lỗi bà đã hết sức giúp tôi, nhưng tới lúc tôi phải đi. Ông chào từ giã mọi người, lững thững những bước chân già nua theo lá bay ra bãi đậu xe. Mùa thu khép lại với những bông tuyết đầu mùa nhảy múa như trẻ nhỏ…

4.

Sau nhà tôi, qua cánh đồng cỏ không xa cũng không gần là một tiệm rượu khá lớn, tấp nập khách hàng sau giờ làm việc cả ngày thường. Nhưng đêm khuya tĩnh lặng thì nơi thùng rác của tiệm rượu thỉnh thoảng tôi lại thấy ánh đèn pin, hình như là có người? Vậy ai làm gì trong đêm khuya ở thùng rác của tiệm rượu? Hôm tôi ghé mua mấy chai rượu sau khi đi làm về, tiện thể tôi ghé qua thùng rác của tiệm rượu xem thử. Trong ba bức tường xây vây quanh thùng rác lớn còn khá rộng rãi và khá sạch sẽ vì rác tiệm rượu chỉ là những hộp giấy các tông, không có mùi hôi như rác nhà hàng… chắc một người không nhà nào đó, họ tá túc qua đêm.

    Đâu ngờ một hôm vào giấc chiều về tối, cũng sau giờ làm về nhà, tôi cào lá cây sồi trước sân vì quá dầy lá, sợ chết cỏ. Thình lình có cô Mỹ trắng chừng ba mươi tuổi cất tiếng chào tôi. Tôi chào cô như người hàng xóm. Cô mặc quần lính Thủy quân lục chiến, chân đi giày lính, cái áo thun cô mặc cũng là đồ lính, chỉ cái áo gió khoác bên ngoài hiệu Nike cũ mèm… Cô khen tôi là người đàn ông tốt, biết chăm sóc nhà cửa. Tôi hỏi cô nhà ở đâu, sao tôi chưa thấy cô bao giờ trong những người hàng xóm quanh đây đều biết nhau…

   Cô nói cô là homeless, cô phải đi loanh quanh đến tiệm rượu đóng cửa cô mới về nghỉ ngơi ở thùng rác của tiệm rượu được…

   Tôi không biết làm gì được, có thể làm gì được để giúp người cựu lính này trong những ngày cuối năm, khi bất chợt nhớ tới cô. Hôm cuối đi làm về là nghỉ lễ Giáng sinh, tôi ghé tiệm rượu mua cho tôi phần thưởng thêm một năm đi làm vẫn chưa bị đuổi việc. Tôi mua cho cô một chai Jack Daniels làm quà Giáng sinh. Nhưng phải về nhà vì trời chưa tối, tiệm rượu chưa đóng cửa thì biết cô đâu mà tìm.

   Rồi cũng tới giờ tiệm rượu tắt đèn. Tôi chờ ánh đèn pin nơi thùng rác tới khuya không thấy nên lái xe qua tiệm rượu vì trời lạnh nhiều rồi. Câu muốn nói với cô vẫn không biết là có nên nói ra hay không nữa, đại khái là hôm nào trời lạnh quá, cô có thể đến nhà tôi ngủ qua đêm. Tôi chưa nói với cô cháu gái của tôi đang ở cùng nhà, nhưng hy vọng cháu tôi sẽ đón nhận cô như người chị, người bạn của nó…

   Chưa bao giờ tôi có cảm giác nôn nao gặp một người vì tôi đã sớm biết gặp nhau rồi cũng chia tay nên không cần vội. Cô cảnh sát có lẽ hiểu tôi nên cô ghé lại thùng rác tiệm rượu trên đường tuần tra của cô. Cô hỏi tôi, “Tôi có thể giúp gì cho bạn?”

   “Chào cô cảnh sát. Tôi mang quà Giáng sinh đến cho người cựu binh ngủ ở đây, nhưng hôm nay không thấy cô ta đâu…”

   Cô cảnh sát hết cảnh giác tôi nên cô xuống xe, bước đến xe tôi để trò chuyện, “Bạn quen cô ta à?”

   “Thưa không. Nhà tôi kia, sau nhà tôi là tiệm rượu này. Một hôm cô cựu binh thả bộ buổi chiều, cô đã chào hỏi tôi khi thấy tôi cào lá trước sân nhà. Chúng tôi trò chuyện nên mới biết cô ngủ ở đây. Hôm nay tôi chỉ muốn mang chút quà Giáng sinh đến cho người cựu binh mà tôi luôn ngưỡng mộ và kính trọng…”

   “Vậy tôi xin thay cô ấy nói lời cảm ơn với bạn. Tôi cũng không vui gì với người cựu binh của chúng ta ngủ ở thùng rác. Tôi xấu hổ đã âm thầm thu xếp cho người ta đưa cô về trung tâm cai nghiện rượu đã mấy ngày… vì trời mỗi ngày lạnh hơn về cuối năm. Tôi đã không ngủ được nhiều đêm vì suy nghĩ về cô ấy. Mong cô ấy hiểu cho tôi khi bị đưa vào trung tâm…”

   Giọt nước mắt cô cảnh sát sáng hơn mọi vì sao đêm Giáng sinh loang vào đêm tối. Tôi ước gì được ôm cô để chia sẻ lòng cảm kích với những người lính. Và Chúa cho toại nguyện.

5.

Nhậu mình ên vì có ai bạn cùng. Những giây đèn Giáng sinh vẫn lập loè xanh đỏ, ngoài lộ lớn tiếng xe thể thao đi chơi đêm về vẫn xé nát màn đêm Chúa sinh ra đời, tiếng xe lửa đêm khuya mệt mỏi với hành trình Mừng chúa Giáng sinh cũng đã về tới thành phố trước trời sáng, chỉ có chai Jack đen không tài nào uống hết trước mặt trời mọc…

Phan

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ XH : ( Ngủ ngôn,Đồng Âm ) EM MONG ANH VỀ :Lý Quang Nghĩa,Ngọc Ánh, Liên Bùi

Bài Xướng : [ Ngũ Ngôn ] Đồng Âm ♡♡ EM MONG ANH VỀ ♡♡ ☆♡☆ ♡ ĐÔNG về Anh ...