Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017

Câu chuyện ly kỳ về 'Hoàng đế gangster' Mỹ


Ngay từ thời có bộ phim "Scarface" đầu tiên cách đây hơn 8 thập niên, điện ảnh Mỹ rất lưu tâm tới tên bố già gangster ở Chicago này. Trước khi Al Pacino, người đóng vai chính trong bộ phim ăn khách "Dick Tracy", nhiều thế hệ diễn viên sừng sỏ của Hollywood đã "tranh nhau" thủ vai Al Capone (1899-1947). Vậy hắn là ai?
Cái tên được nhắc nhiều nhất trong thời đại khủng hoảng
Trong những tên trùm gangster Mỹ cộm cán nhất, không có tên bố già nào khiến viên sếp kỳ cựu của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Edgar Hoover (1895-1972) đau đầu như với Al Capone. Ông từng gọi hắn là "kẻ thù số 1 của nước Mỹ", hay "tên gangster của mọi thời".
Thực ra Al Capone không phải là kẻ bắn súng bằng 2 tay hay "giết người như ngóe". Với hắn, những hành động đó chẳng thấm tháp gì, mà bọn đệ tử theo lệnh hắn thường thực thi. Hắn là kẻ chủ mưu, tổ chức, là sếp lớn (big boss) của thế giới ngầm Hoa Kỳ. Cuộc đời Al Capone, ngay cả dù cho giới phim trường không lưu tâm đưa hình ảnh hắn liên tục lên màn bạc đi chăng nữa, với lịch sử tội phạm học, Al Capone vẫn là một nhân vật huyền hoặc.
Câu chuyện ly kỳ về 'Hoàng đế gangster' Mỹ ảnh 1 Hình Al Capone trong hồ sơ lưu của FBI.

Trong cuốn sách "Lịch sử cuộc Đại khủng hoảng 1929-1934", tên hắn được người ta nhắc tới nhiều hơn tên của cả 4 đời tổng thống Mỹ cộng lại - những vĩ nhân từng chèo lái con thuyền Mỹ quốc trong thời gian Al Capone làm mưa làm gió với "Đế chế hư hỏng" của mình. Nếu như có một bức tranh toàn cảnh mô tả thế giới tội phạm có tổ chức trong toàn bộ lịch sử nước Mỹ, thì bóng dáng của Al Capone "phải chiếm phần lớn vị trí trung tâm" - như nhận định của đích thân Cục trưởng E. Hoover gạo cội lúc sinh thời.
Al Capone chào đời ngày 17-1-1899. Tuy giới tội phạm học quốc tế đều nhất trí về mốc thời điểm này, nhưng nơi sinh của hắn vẫn là điều gây tranh cãi: Naples (Italia) hay New York (Mỹ)? Tên đầy đủ của hắn là Alphonse Gabriel Capone, với một tuổi thơ đầy sóng gió tại khu Brooklyn ở New York. Đường phố là trường học của hắn.
Ngay từ lúc 13 tuổi, Alphonse đã là hội viên của băng "5 chấm" quậy phá ráo riết tại vùng bán đảo Manhattan. Từ đây trở đi cái họ Capone (gọi một cách coi trọng) đã lấn át tên tục riêng Alphonse, biểu tượng cho sự "tiến thủ" của hắn trên bước đường tội phạm. Capone lanh lợi hòa đồng trong băng và thực hiện những tội ác đầu tiên với quả đấm sắt hoặc gậy sắt, sau đó là vũ khí dùng đạn.
Trong một lần ẩu đả, hắn bị thương vì dao chém vào má phải. Vì đặc điểm này mà Al Capone mang cái tên "scarface" (mặt sẹo), biệt danh do bọn tội phạm đặt cho và cũng là một bằng chứng "vinh hiển" cho nghề chuyên gây tội ác của hắn. Một kẻ đểu giả, ưa gây sự, hay tên gangster khát máu… là những định nghĩa hoàn toàn đúng với bản chất của Al Capone.
Năm 1930, khi đi lại liên tục giữa Chicago và Miami, nơi gia đình hắn cư ngụ, Capone mời một ký giả nổi tiếng đi cùng trong một toa xe đặc biệt dành riêng cho hắn, để "ghi lại những nhận định công khai về sự khủng hoảng trong xã hội Mỹ, về chính trị cũng như về đời tư cá nhân". Bằng cách này hắn muốn quên đi tuổi thơ cực nhục của mình, bởi vì tên "vua của thế giới tội phạm" khởi đầu từ con số không, nên hắn muốn quên đi quá khứ.
Mọi sự bắt đầu từ khi hắn là vệ sĩ riêng của Frankie Yale (1893-1928), chủ nhân một dòng họ Naples trong thế giới ngầm New York. Rồi Capone tới Chicago, chiếm được lòng tin của Johnny Torrio (1882-1957) - "ông trùm" của những sòng bạc phi pháp. Ảnh hưởng của hắn ngày càng lớn, quyết định mọi sách lược của Torrio với thế giới tội phạm Chicago. Al Capone thừa hiểu, rằng một khi muốn thâu tóm toàn bộ quyền lực, cần phải áp dụng những phương sách "hiện đại hữu hiệu" hơn. Bước đầu trước hết hắn gạt sạch bọn Italia ra ngoài và “làm cỏ” các băng đảng thù địch gốc Ireland.
Lần lượt các băng ÓDonel và ÓBanion bị xóa sổ. "Dùng bạo lực đè bẹp bạo lực" - đó là phương châm của Al Capone. Với 3 phát súng bắn vào gáy, hắn bắt buộc tên người Italia cuối cùng phải rời bỏ đấu trường Chicago - cái nôi của thế giới tội phạm Mỹ. Capone rảnh tay quay lại vực nhóm Naples dậy và kiểm soát toàn bộ ngành nấu rượu lậu (ở Mỹ lúc ấy đang cấm rượu). Thậm chí hắn còn mua chuộc được một vài nhân viên công lực và giấu rượu ngay dưới tầng hầm của đồn cảnh sát.
Với "trụ sở chính" đặt tại hotel Lexington, Capone mặc sức tung hoành, nhâm nhi (rượu giấu trong ủng) và quyết "giáng cú chót" vào bọn người Ireland. Tên sếp mới của băng Ireland là Hymie Weiss bị hạ ngày 11-10-1926, gần 2 năm sau kẻ thay thế hắn là Bugs Moran vi phạm thỏa thuận hòa bình, buộc Capone phải áp dụng theo lối "những căn bệnh mới đòi hỏi các phương thuốc mới".
Al Capone gài bẫy tiêu diệt toàn bộ băng nhóm Ireland trong một ga-ra để xe trên phố North Clark vào hôm 14-2-1929, khiến đường phố này trở nên nổi tiếng khắp nước Mỹ (sau này một viên gạch gỡ ra từ cái ga ra đẫm máu ấy được bán với giá "lưu niệm" là 1.000 USD cho du khách. Một chủ bar người Canada đã mua hẳn cả một bức tường về dựng lại trong cửa tiệm của ông ta). Chỉ có B. Moran là kẻ duy nhất thoát chết (chính hiệu nước ngọt "7 up" phát sinh từ sự kiện này, do Moran là kẻ thứ 7 may mắn).
Bóng đen chưa tan hẳn
Al Capone thường "thể hiện quyền lực" của mình qua chiếc nhẫn bằng vàng khối có gắn viên kim cương nặng 11,5 ly. Hắn trở thành thống soái ở Chicago và không phải chia sẻ quyền hành với ai nữa cả - sau vụ cài bẫy nói trên.
Quyền hạn vô song khiến hắn mờ mắt và phạm 2 lỗi lầm lớn: một là giết phóng viên Jake Lingle (1891-1930) gây ra phản ứng dây chuyền dữ dội trong giới báo chí; thứ nữa là định "làm thịt" vài người thuộc FBI, khiến những kế hoạch cứng rắn nhất đã được vạch ra từ phía nhà chức trách liên bang nhằm tiêu diệt hắn. Al Capone luôn được 5 tên chuyên viên thuộc "bộ tổng tham mưu" tháp tùng, hắn gọi những kẻ tin cẩn này là "các thành viên hội đồng quản trị".
Câu chuyện ly kỳ về 'Hoàng đế gangster' Mỹ ảnh 2 Buồng giam Al Capone tại nhà tù liên bang trên đảo Alcatraz.

Al Capone được bọn tội phạm tôn vinh bằng những mỹ từ trọng vọng nhất như "Hoàng đế của gangster", "Huân tước Gang" (thần tượng của thế giới gangster Mỹ), hay "Mãnh hổ đêm đen"… Hắn thường nốc thứ rượu cognac được nhập khẩu riêng cho hắn từ Pháp và ưa lặp đi lặp lại cái câu "Cognac là quà tặng của Chúa!". Thứ rượu giúp Capone ngoi lên đỉnh cao quyền lực cũng là thứ nước đắng làm hắn chết ngụp sau này.
Các nhân viên FBI - "những người không thể mua chuộc" - luôn bám sát hắn. Còn trong một kỳ "đại hội bất thường" của thế giới tội phạm Mỹ, quy tụ các nhóm Ireland, Sicily cùng nhiều băng đảng tội phạm khác, tuy Al Capone không bị kết án, nhưng mafia bắt đầu mất niềm tin vào hắn, chính bởi hắn không chịu đem tổ chức của mình gia nhập - liên kết với mafia. Dĩ nhiên mafia đã bán đứng hắn.
Ngày 16-5-1929, FBI cất vó Capone cùng tên cận vệ trước cửa một rạp hát. Chúng bị bắt vì tội mang vũ khí trái phép và bị kết án một năm tù, khoảng thời gian đủ để Cục trưởng E. Hoover tìm kiếm thêm các bằng chứng khác.
Câu chuyện ly kỳ về 'Hoàng đế gangster' Mỹ ảnh 3 Hiện trường vụ gài bẫy trên phố North Clark ở Chicago.

Nhà lãnh đạo FBI thừa hiểu, rằng một kẻ luôn phản đối cách ghi chép tỉ mỉ của "cha đỡ đầu" J. Torrio về các thương vụ phi pháp, nên trong người Capone chẳng có mảnh giấy nào khả dĩ có thể làm hại hắn. Sau những nghiệp vụ chuyên môn, kể cả gắn máy nghe trộm điện thoại, các nhân viên FBI đã thu thập đủ chứng cớ truy tố Capone về tội trốn thuế trong thời gian 5 năm, từ 1924-1929. Lần này hắn bị xử 11 "cuốn lịch".
Ngày 5-12-1933, đạo luật số 21 được ban hành, xóa bỏ "tình trạng khẩn trương đặc biệt" trên toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ. Từ xà lim trong tù, Capone biết mình đã biến thành "người hùng trên màn bạc", khi đạo diễn Howard Hawks dựng cuốn phim "Scarface" vào năm 1932. (Sự nghiệp điện ảnh" của Al Capone bắt đầu và kéo dài mãi cho tới ngày nay, với thiên truyền hình Boardwalk Empire dài 11 tập, khởi chiếu từ ngày 19-9-2010 trên kênh HBO).
Đến đầu tháng 8-1934, tên "vua của thế giới tội phạm" này được chuyển qua phòng giam đặc biệt trong nhà tù Alcatraz, một nơi lừng danh bởi chưa có kẻ nào vượt ngục nổi - trừ trên phim của John Frankenheimer. Do lâm bệnh nặng - hậu quả từ những cuộc ăn chơi quá độ thời trước, hắn được trả tự do vào tháng 11-1939 và về sống trong ngôi "biệt thự hư hỏng" ở Miami. Chỉ những kẻ thân cận mới được tiếp xúc với tên vua "về chiều" này. Al Capone chết ngày 25-1-1947.
Các sự kiện dồn dập sau Thế chiến II đã choán hết tin tức về hắn. Tới cuối thập niên 50 thế kỷ trước, nền văn hóa giật gân Mỹ lại lôi "bóng ma" Capone từ quá khứ ra, tái hiện hắn qua phim trinh thám cùng tiểu thuyết hình sự, tôn vinh hắn như một nhân vật huyền thoại.
Câu chuyện ly kỳ về 'Hoàng đế gangster' Mỹ ảnh 4 Hotel Lexington thời trùm gangster Capone còn "làm mưa làm gió".

Gần 4 thập niên sau khi Al Capone lìa đời, ngoài những "viên gạch bằng vàng" trong cái ga ra đẫm máu nói trên, chiếc xe hiệu Chrysler đời 1933 được bán tới 56.000 USD qua một cuộc đấu giá ở London (Anh). Chiếc xe này được dùng trong một âm mưu đào tẩu của Capone khi bị giải tới nhà tù Alcatraz ở giữa vịnh San Francisco.
Theo kế hoạch, hắn sẽ nhảy từ trên tàu hỏa xuống, chiếc xe nói trên chờ sẵn chở Capone tới một sân bay bí mật, để từ đó hắn bay qua Mexico và sang châu Âu. Nhưng không hiểu sao cái kế hoạch táo bạo ấy lại không thành.
Al Capone đã chết từ lâu, nhưng tai tiếng chưa hết. Sở Thuế Liên bang Hoa Kỳ cho tới giờ vẫn đòi chủ nhân hiện nay của khách sạn Lexington ở Chicago phải nộp 805 triệu USD, gồm 200 triệu USD  thuế lợi tức mà Capone còn nợ nhà chức trách và 605 triệu USD số tiền lãi phát sinh của khoản tiền đó tính từ năm 1947 cho đến nay.
Bởi lẽ khách sạn này từng là "đại bản doanh" của Al Capone từ năm 1928-1931. Trong 3 năm đó hắn đã cho xây những két bí mật tại nhiều tầng khác nhau của tòa khách sạn, kể cả khoảng tường giữa tiền sảnh và tầng ngầm...
Hiệp hội Senboi hiện là chủ sở hữu khách sạn thì khăng khăng phủ nhận, họ nói: "Nếu chúng tôi tìm ra các xác chết, chứ không phải tiền bạc hay châu báu, thì liệu chúng tôi có phải gửi chúng cho sở thuế không?!". Mọi việc vẫn chưa ngã ngũ, ngoại trừ khi người ta dỡ bỏ tòa khách sạn đồ sộ ấy. Đến lúc ấy lại thêm một bằng chứng nữa về "Huân tước Gang" huyền thoại…
Theo CAND

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...