Ngồi trên một mỏ khoáng sản lớn và từng đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, nhưng kinh tế Mông Cổ lại đang trở nên điêu đứng do quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Hãng tin Bloomberg vừa có bài phân tích nêu nên thực trạng đáng ái ngại của nền kinh tế Mông Cổ
Cách đây không lâu, Mông Cổ là nền kinh
tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Nhưng giờ đây, nước này gần như đang
rơi vào thảm cảnh. Nợ quốc gia phình to, đồng tiền mất giá mạnh, và
ngân sách đang thâm hụt với một tốc độ đáng báo động. Đầu tư nước ngoài
cạn kiệt, và tốc độ tăng trưởng kinh tế đã ngừng lại. Thậm chí những con
linh dương cũng đang bị đói khát và bệnh dịch bủa vây.
Vấn đề còn tồi tệ hơn khi một số khoản
tiền đi vay sắp đến hạn phải trả. Chính phủ Mông Cổ, cùng với một ngân
hàng phát triển thuộc sở hữu nhà nước, đang chuẩn bị phải trả hơn 1 tỷ
USD trái phiếu đáo hạn trong năm tới, bắt đầu bằng một khoản thanh toán
580 triệu USD vào tháng 3 tới. Về phần mình, người dân địa phương đang
rất lo lắng vì họ có khi phải hiến những con ngựa của mình để giúp quốc
gia tránh khỏi tình trạng vỡ nợ.
Rất may là vẫn còn có những lựa chọn tốt
hơn. Trong tuần này, chính phủ Mông Cổ đang thương lượng với Quỹ Tiền
tệ Quốc tế (IMF) để xin một gói cứu trợ – lần thứ sáu nước này xin cứu
trợ trong vòng chưa gần 3 thập kỷ. Trung Quốc cũng có thể sẵn sàng giúp
một tay, nhưng chắc chắn với một cái giá không hề nhỏ.
Tuy nhiên, ngay cả khi tránh được vỡ nợ, Mông Cổ cũng sẽ vẫn trong tình trạng đáng cảnh báo trong nhiều năm tới.
Ngồi trên một đống khoáng sản khổng lồ
và có chung đường biên giới dài với Trung Quốc, Mông Cổ từ lâu đã trở
trở thành một nơi hấp dẫn để đầu tư.
Nền kinh tế này đạt tốc độ tăng trưởng
tới 17% trong năm 2011 – tốc độ nhanh nhất thế giới, khi các mỏ khoáng
sản của nước này sản xuất ra một lượng lớn than và đồng để đáp ứng nhu
cầu của đất nước láng giềng Trung Quốc.
Tuy nhiên, một điều đáng ngại là chi
tiêu chính phủ cũng tăng mạnh tới 56% trong năm đó. Với mức lãi suất
thấp một cách bất thường, Mông Cổ là một trong số những quốc gia có độ
tín nhiệm không cao nhưng vẫn có thể đi vay tiền do có những điều khoản
hấp dẫn để thu hút những nhà đầu tư đang tìm kiểm lợi suất cao hơn.
Trong năm 2012, Mông Cổ đã phát hành 1,5
tỷ USD “Trái phiếu Chinggis” để vung tiền xây dựng các công trình công
cộng. Tiền lương cho cán bộ công chức tăng, và chi phí cho các khoản cho
vay bất động sản thế chấp tăng lên. Các chính trị chi tiền nhiều hơn.
Một loạt các cửa hàng thời trang sang trọng, khách sạn đắt tiền mọc lên,
và những bức tượng khiếm nhã lớn đi ngược truyền thống xuất hiện rải
rác khắp các thảo nguyên.
Rồi thời hoàng kim cũng kết thúc như nó
luôn phải thế. Nguyên nhân là nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc, giá
khoáng sản giảm mạnh, và Mông Cổ thấy mình gặp phải một đống hệ lụy.
Tăng trưởng kinh tế của Mông Cổ chững
lại, còn nợ phình to. Với việc kho dự trữ ngoại hối đang suy giảm, cán
cân thanh toán của nước này đang có nguy cơ khủng hoảng, và có thể chỉ
được ngăn chặn với sự giúp đỡ của ngân hàng trung ương Trung Quốc.
Một gói cứu trợ mới của IMF sẽ giúp ngăn
chặn được một vụ vỡ nợ sắp xảy ra, nhưng Mông Cổ cần nhiều hơn thế.
Ngành khai khoáng của Mông Cổ đang chiếm tới gần 1/4 sản lượng kinh tế
và chiếm tới 90% xuất khẩu, nên nước này chắc chắn cần phải tìm cách đa
dạng hóa nền kinh tế. Điều này đòi hỏi Mông Cổ phải có một hệ thống giáo
dục tốt hơn và một cách tiếp cận mới đối với các nhà đầu tư nước ngoài –
tầng lớp mà chính phủ vẫn có thái độ đối kháng trong những năm gần đây.
Ngoài ra, nước này còn phải giải quyết
vấn đề tham nhũng. Ngân sách cũng phải được kiểm soát chặt chẽ để các
khoản thu ngân sách có thể được sử dụng để xây dựng một quỹ đầu tư quốc
gia nhằm can thiệp khi giá hàng hóa biến động.
Nếu giải quyết được tất cả những điều
này, tương lai của Mông Cổ sẽ vẫn tươi sáng, vì nước này có dân số trẻ,
một nền dân chủ gần như ổn định, và một phong trào khởi nghiệp đang phôi
thai. Theo tính toán của IMF, mỏ khoáng sản của Mông Cổ có thể mang lại
3 nghìn tỷ USD theo thời gian.
Hạo Nhân
rất hay
Trả lờiXóa