Thứ Năm, 9 tháng 2, 2017

Suy ngẫm dưới chân tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông - Nguyễn Khắc Mai




Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông trên núi Yên Tử. Ảnh: tác giả gửi tới

Tôi lại về Yên Tử, lần này là để dự Hội thảo về Quy hoạch bảo tồn và tôn tạo Vùng thiêng Yên Tử (tôi không gọi là khu Di tích Yên Tử), và dự lễ khánh thành Tượng của Phật hoàng.
Chúng tôi dậy sớm, để kịp lên đỉnh An Kỳ Sinh, nới an trí tượng của ngài. Từ bãi đỗ xe, đường vào vẫn là thăm thẳm núi rừng, khiến càng thêm thú vị về cái câu của Phạm Thái “Lên Yên Tử, Rất non cùng”. 
Cú pháp nghịch ngợm, mà ba chữ rất non cùng, khiến cho cái ấn tượng hun hút, sâu thẳm của núi rừng cứ đọng mãi trong cái nguồn mỹ cảm, dù có bao nhiêu sự miêu tả khác, rất non cùng vẫn là cái khái quát tuyệt vời thú vị. Dễ có cả mấy vạn khách đi trẩy hội, dự Đại lễ 705 năm ngày viên tịch của Ngài.
Ngồi trên cáp treo, thấy núi rừng trùng điệp, không thể không nhớ tới bài thơ của Nguyễn Trãi, Đề Yên Tử sơn Hoa yên Tự, mà cụ Đào Duy Anh đã dịch, khó có bài dịch hay hơn:
“Trên non Yên tử chòm cao nhất,
Trời mới canh năm đã sáng tinh.
Vũ trụ mắt đưa ngoài biển cả,
Nói cười người ở giữa mây xanh.
Muôn hàng giáo ngọc tre gài cửa,
Bao giải tua châu đá rủ mành.
Dấu cũ Nhân Tôn còn vẫn đấy,
Trùng đồng thấy giữa áng quang minh”.
Quả thật con người khi đến với “Dấu cũ Nhân Tôn” đã lớn lên ngang tầm vũ trụ. “Vũ trụ mắt đua ngoài biển cả. Nói cười người ở giữa mây xanh”. Chúng ta đến với Người là đến với một tầm cao làm người, khiến ta không thể không vươn lên, để làm người tử tế. Người xưa từng để lại một giá trị minh triết, coi con người là ngôi Nhân hoàng, nghĩa là một trong ba ngôi lớn của vũ trụ. Nhớ lại hình như nước mình đã vào cái Hội Nhân quyền của thế giới, liệu có thật sự biết tôn trọng con người hay không. Làm cho xã hội biết tôn trọng con người, làm cho mỗi người cũng tự biết tôn trọng mình là cái lẽ thiện lớn lao dường nào.
Từ cái ý niệm ấy, tôi bèn niệm câu thần chú Kim Cương, Gatê, gatê, Paragatê, Parasamgatê. (vượt lên, vượt lên, cố vượt lên, hãy quyết vượt lên. ) Ngồi trên cáp treo mà vượt lên thì đơn giản quá. Cái khó là sự vượt lên của con người vốn tham sân si, mà hai ngàn năm trăm năm dư, vẫn hễ có tí quyền lực (hoặc là quyền chính trị, quyền kinh tế, quyền trí thức, kể cả quyền tôn giáo, là lại tham sân si ). Nghĩ xa rồi lại nghĩ gần, phút chốc đã lên đến Hoa yên. Rồi lại phì phò leo dốc. Tuổi U 90, lại phải tự động viên mình thôi. . , lại Gate, Gate, vượt lên, cố vượt lên. Nói như đồng bào miền núi, khắc đi khắc đến. Chúng tôi đã ngồi dưới chân tượng của Ngài.
Tôi ngồi tỉnh taị, niệm kinh Kim cương “quán hạnh Bồ tát, thực hành sâu Prajna Pâramita…”, để làm cho Tâm mình lắng lại , đặng có thể tiếp nhận, lắng nghe mọi âm sắc chung quanh. Những bài diễn văn quá nhiều ngôn từ, những tiếng niệm Phật, những lời bình luận, trò chuyện của hàng ngàn thiền tử. Chữ thiền tử là chữ của Phật hoàng để chỉ những người tu Phật. Trời lồng lộng, nắng vàng, gió nhẹ, những cờ phướn lay động. Và rực rỡ trên cao là pho tượng của ngài, được đúc tại chỗ, với biết bao công phu và công đức. 68 tấn đồng và hàng trăm tấn vật liệu được đưa từ chân núi lên chỉ bằng sức thủ công, dàn giáo lớn bằng bê tông để cho 6 lò đúc đồng hoạt động.
Giờ đây bức tượng của Phật hoàng uy nghi, ánh vàng lấp lánh, thỉnh thoảng lại có một hồi quang sáng lòa lên. Tôi chợt nghĩ hào quang của bức tượng lóe lên hay tâm tôi bừng sáng. Chung quanh tôi là hàng vạn cái tâm đang hướng về tượng của ngài. Nhưng nhớ lại Ngài từng dạy “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”. Ngài cũng từng nói “Có có Không không. Dây khô cây đổ. Mấy vị Thầy tu. Dập đầu trán vỡ”. (Bài giảng tại chùa Sùng Nghiêm. TNT toàn tập Lê Mạnh Thát, tr430)Thế thì lập tượng của Ngài với cái tâm vô hay cái tâm hữu. Và hôm nay chiêm bái di tượng của Ngài với cái tâm vô hay hữu. Không được quên lời dạy của Ngài “Câu có, câu không. Từ nay, từ xưa. Quên trăng giữ ngón. Chết đuối trên bờ”. Nhìn với cái tâm hữu, sẽ thấy sắc đồng vàng óng, dáng đẹp uy nghi, đắp y kiểu Nam tông. Hình tướng này có thâm ý gì đây… Đó là “giữ ngón”, còn “trăng” là thế nào. Hãy quên tượng đi để nhập được vào cái Tâm của Ngài. Ôi cái Tâm Vô của Ngài mênh mông và nhiều biết bao.
Ngồi bên cạnh tôi là một người bạn mới quen, vui vẻ, xởi lởi, chu đáo. Anh là mgười hướng dẫn, chăm lo cho chúng tôi, một nhóm những người nghiên cứu được mời tham dự đại lễ. Hóa ra anh từng là một doanh nhân quốc doanh khá thành đạt, không phải như Vinashin hay Vinaline. Mười mấy năm nay từ khi về hưu, anh thành tâm lo Phật sự. Nghe các bài diễn văn, anh nói, mấy trăm năm nay chẳng ai làm được như Phật hoàng, bỏ ngôi vua như quẳng chiếc dép rách: đánh giặc xong, chiến thắng oai hùng vẫn không cho tán tụng, ngợi ca, ông thấy không, cả một cuộc chiến chống xâm lăng thắng lợi vang dội sang cả Ba tư, cũng chỉ có một vài bài thơ ca ngợi xa xôi, mà nào có kể công của người lãnh đạo, mà chỉ nói đến công lao của nhân dân. “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã. Sơn hà thiên cổ điện kim âu”. Chiến tranh là chia rẽ. Sau chiến tranh cho đốt hết hồ sơ những kẻ hàng giặc. Cố kết thu phục nhân tâm đến như thế là cùng. Tại sao những bài học lịch sử đẹp như thế mà không học lấy chút nào.
Tôi bảo có một hiền triết phương Tây nói, nhân loại chẳng bao giờ học được cái gì ở lịch sử cả. Thật là bi kịch. Cái tâm của chúng ta hôm nay sao lại cách xa nghìn trùng so với tiền nhân như thế. Nhớ lại, hôm qua, khi dự Hội thảo Quy hoạch Vùng Thiêng Yên Tử, tôi có thưa với một vị Tăng trong Ban Văn hóa của Giáo hội. Rằng chúng ta bàn đủ thứ để quy hoạch. Nhưng có một việc cơ bản nhất, quan trọng nhất, là để giữ được cái tính thiêng của Yên Tử, thì trên hết là phải có những danh tăng trụ trì ở đây. Người xưa nói, núi phải có tiên mới danh. Nước phải có rồng mới thiêng. Giáo hội nên tính đến chuyện này. Vị sư bảo đúng, nhưng mà khó đấy
Trên đường hạ sơn trở về, tôi thầm nghĩ. Những Minh triết Ngài để lại còn phải nghiền ngẫm nhiều lắm.
Bây giờ ngồi viết những dòng này, tôi chợt nhớ tới Nguyễn Du từng nói mình đã đọc cả ngàn lần kinh Kim Cương, bèn giở sách coi lại. Nguyễn Du từng có bốn câu thơ tuyệt hay:
“Ngã độc Kim cương thiên biến linh,
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh.
Cập đáo phân kinh thạch đài hạ,
Tài tri vô tự thị chân kinh.”
Nghĩa là, Ta đã đọc kinh Kim cương cả ngàn lần, thế mà những điều sâu xa trong đó đều không hiểu rõ. Chỉ khi đên dưới đài phân kinh này, mới biết kinh “không chữ” mới là chân kinh. (Bài thơ Đài đá phân kinh của thái tử Lương Chiêu Minh)
Phải đem cái tâm nào đây để ‘đối cảnh” với Phật hoàng, để có thể thâm nhập vào cái Tâm của Ngài. Liệu tôi có thể chẳng trụ vào đâu cả mà đón nhận được cái Tâm của Ngài chăng. Cái chân kinh vô ngôn mà Ngài trao lại sẽ tu và học thế nào đây.
Nam mô Hương Vân Đầu đà Điều ngự Phật hoàng.

Ô Đồng Lầm tháng Một Quý Tỵ, năm thứ 705 ngày Phật Hoàng Viên tịch.

Ðề Yên Tử sơn Hoa Yên tự- Nguyễn Trãi

Yên sơn sơn thượng tối cao phong,
Tài ngũ canh sơ nhật chính hồng.
Vũ trụ nhãn cùng thương hải ngoại,
Tiếu đàm nhân tại bích vân trung.
Ủng môn ngọc sóc sâm thiên mẫu,
Quải thạch châu lưu lạc bán không.
Nhân miếu đương niên di tích tại.
Bạch hào quang lý đỗ trùng đồng.



 


1 nhận xét:

EM MÙA THU, CHIỀU MƯA THÁNG MƯỜI - Thơ Ngọc Ánh

Tranh Hứa Xuân Trường EM MÙA THU Em ďi dưới nắng Xuân hồng đó Mái tóc mây trời trong trắng bay Má đào đã ửng hây hây đỏ Em thướt tha ngời tr...