Chủ Nhật, 18 tháng 2, 2018

Bức tranh tôn giáo “Phật Ông, Phật Bà” gây nhiều tranh cãi ( Trịnh Thanh Thủy -Tạp Chí Da Màu )


Trong một chuyến du lịch hai nước Nepal và Bhutan, tôi được dẫn đi thăm các đền đài, Bảo Tháp linh thiêng của Phật Giáo Mật Tông Tây Tạng. Hình ảnh đập vào mắt du khách thường là các hình tượng tôn giáo được vẽ trên tường (bích họa) hay hoạ thành tranh tôn giáo Thangka (Tangka, Thanka) được treo khắp tu viện hoặc nơi thờ phượng. Phần lớn là các bức ấy vẽ Mandala, Phật Tara Xanh, Phật Tara Trắng, hay những câu chuyện tôn giáo về Đức Phật đản sinh.
Sau khi viếng một Bảo Tháp Tây Tạng ở Kathmandu, thủ đô Nepal, chúng tôi được đưa vào khu mua sắm đồ kỷ niệm. Một anh bạn trong đoàn bỗng yêu cầu người dẫn đoàn đưa anh đi mua một bức tranh mà người Việt mình thường gọi là Phật Ông, Phật Bà. Tôi bỗng nhớ tới một bức tranh rất lạ được nhìn thấy trên mạng, đã gây nên rất nhiều tranh cãi. Tranh vẽ hình một cô gái khoả thân đang ôm Đức Phật trong tư thế ngồi kiết già trên toà sen, có lẽ là bức này.
Tôi và vợ chồng anh bạn được đưa vào phòng tranh của một họa sĩ Tây Tạng tị nạn nổi tiếng ở Nepal. Ba bốn bức cùng chủ đề được đem ra cho khách lựa chọn, giá cả có khác nhau tùy theo phong cách vẽ của từng bức, màu sắc cũng như số lượng bột vàng có trên tranh. Tranh Thangka ở Nepal, có giá thấp hơn ở Bhutan. Tuy nhiên giá bán có thể cao từ vài ngàn tới vài chục ngàn tùy theo số bột vàng dùng nhiều hay ít trên tranh, nhiều bột vàng sẽ khiến bức tranh sáng và đẹp rực rỡ. Bức Phật Ông, Phật bà trong hình vẽ này được bán với giá trên 400 đô cho những du khách nào có sở thích sưu tầm tranh Thangka của Mật Tông. Thật thú vị khi tôi được tận mắt ngắm những họa phẩm rất đẹp được vẽ tỉ mỉ, công phu theo hình tượng “yab-yum” (cha-mẹ) thường thấy ở các đền đài, chùa chiền Phật Giáo Mật Tông ở Nepal, Bhutan và Tây Tạng.

Pic 1 Tranh Phật Ông Phật Bà
Tranh vẽ Phật Ông, Phật Bà của một họa sĩ Tây Tạng
Bức tranh này đã gây cho khách du (nhất là Tây Phương) nhiều ấn tượng và có cái nhìn sai lầm rằng nó thuộc về loại tranh khiêu dâm hay sắc dục như kiểu Kama Sutra. Tìm hiểu kỹ bức tranh, bạn sẽ khám phá thoạt nhìn mình có thể nghĩ sai lầm về nó, vì tiềm ẩn trong ấy là những ý nghĩa thiêng liêng hàm chứa những triết lý rất sâu xa của Phật Giáo Mật Tông.
Tượng hay tranh vẽ theo hình tượng "Yab-Yum" này đã làm nhiều người xem khó chịu, nhất là các phật tử những giáo phái khác vì họ cho rằng hình ảnh khiêu dâm này phỉ báng Phật Giáo. Tuy nhiên với bên Mật Tông, chẳng có gì là lạ, tranh ảnh trong tư thế đậm tính sắc dục này vừa rất phổ biến mà lại là một phương pháp tu tập thiền định đi đến giác ngộ của phái Kim Cang Thừa.
Bạn sẽ phải ngạc nhiên và bất mãn lắm khi nghe điều này và tự nhủ rằng " Tu kiểu này không khéo chỉ tẩu hoả nhập ma chứ làm sao mà thành Phật được?" Tuy nhiên, không phải như bạn nghĩ đâu, tư thế "Cha-Mẹ" ấy chính là sự hợp nhất của trí tuệ, từ bi và năng lượng để đi đến giác ngộ. Hình tượng đầy sắc dục ẩn dụ này biểu thị giai đoạn cao nhất của thiền định, lúc không còn phân cực, hay phân biệt và sự thật không thể chia cắt, kiên cố như kim cương. Phật Giáo Mật Tông đã dùng hình tượng Nam và Nữ này cho khái niệm song sinh của từ bi và trí tuệ. Vị Phật nam đại diện cho từ bi và người nữ cho trí tuệ. Sự kết hợp của từ bi và trí tuệ tượng trưng cho trạng thái hợp nhất của Bồ đề tâm, hoặc tâm giác ngộ. Việc này được thể hiện bằng mắt bằng cách cho người ta thấy hai vị thần hay Phật hợp nhất qua sự kết hợp tình dục.

Thánh thư cổ Brihadaranyaka Upanishad của Hindu đã viết, "người đàn ông nuôi dưỡng thị giác thuần khiết bằng cách nhìn người đàn bà như một vị thần, cơ quan tình dục của cô như ngai vàng của sự giác ngộ, và chất lỏng tình dục của cô như mật hoa thần linh. Đùi của cô ấy là bàn thờ tế lễ. Tóc cô là cỏ dại. Chiều sâu của cơ quan tình dục của cô, ngọn lửa ở giữa…". Như vậy, theo Brhadaranyaka Upanisad, sự kết hợp tình dục cũng tạo thành một sự dâng hiến thiêng liêng, như được thực hiện bởi vị thần sáng tạo Prajapati khi tạo ra người phụ nữ.
Pic 2 Tượng Đồng Phật Ông Phật Bà

 Tượng đồng Phật Ông, Phật bà ở Viện Bảo Tàng Nepal
Thường thường người nữ là mẹ trong hình được vẽ hay tạc theo thế ngồi với hai chân vòng quanh eo người nam là cha. Cả hai nam và nữ xuất hiện trong tư thế kết hợp và độc lập giống như mối quan hệ phức tạp của sự tương đồng và khác biệt, của trí tuệ (nữ) và từ bi (nam), trong trạng thái giác ngộ. Tuy nhiên họ đều là biểu tượng của Đức Phật. Người nữ nhìn chằm chằm vào tâm hồn mình cũng như người cô, đầu cô để nâng cao tinh thần hứng khởi. Hai tay cô ôm chặt lấy cổ người nam. Hai cánh tay ông thì ôm lấy người phối ngẫu, một tay giữ Vajra và tay kia giữ chuông, cổ tay chéo ngang lưng cô. Cử chỉ này biểu thị sự kết hợp không thể tách rời của phương pháp và sự khôn ngoan.
Đối với người Tây Tạng mộ đạo, hình ảnh này là bằng chứng cụ thể về sự tồn tại của sự thành đạt cao tột của tinh thần. Người nữ (mẹ) đại diện cho sự khôn ngoan siêu việt: nhận thức trực tiếp về thực tại như đức Phật đã trải qua và đã giảng dạy. Người nam (cha), đại diện cho lòng trắc ẩn đối với tất cả chúng sinh, đó là biểu hiện tự nhiên của trí tuệ vậy. Sự kết hợp của họ, mặc dù hạnh phúc kỳ diệu, cuối cùng được thực hiện từ lòng trắc ẩn cho thế giới. Sự hiệp thông thiêng liêng của Đức Phật người nam và người nữ này tạo ra làn sóng hạnh phúc và hòa hợp làm cho thế giới trở thành một Mandala (thùng chứa tinh túy) và thổi một cơn mưa mật hoa đáp ứng sự đói khát thiêng liêng trong trái tim của chúng sinh ở khắp mọi nơi.

Pic 3 Tranh vẽ ở tường một chùa Tây Tạng

Tranh vẽ trên tường ở một chùa Tây Tạng
Người Tây Tạng mô tả những hình ảnh này trong tiếng Phạn ngữ thể hiện là yuganaddha (cặp thống nhất). Do đó, từ yuganaddha làm sáng tỏ yab-yum là biểu tượng hợp nhất cho một cách tu tập thiền định KHÔNG hướng đến mục đích phóng đãng tính dục hoặc các kiểu tương tự mà bao gồm một phương pháp hành thiền đặc biệt.
Phương pháp này khác với các hình thức khác của hành thiền bởi nó sử dụng các năng lượng quan trọng vượt ra ngoài bản năng giới tính. Không giống như tình dục, có xu hướng thải năng lượng ra, ngược lại nó tập trung và xây dựng thêm năng lượng, rèn luyện ý chí tỉnh thức đưa đến giác ngộ.
Trịnh Thanh Thủy

1 nhận xét:

Thơ Xướng Họa :THÁNG NGÀY CÒN LẠI - Vũ Linh Duy Và Các Thi Hửu

                                               Đồng Cỏ-Tranh của Vua Hàm Nghi THÁNG NGÀY CÒN LẠI Ngày tháng thoi đưa cứ tiếp liên, Sống vui,...