Thứ Tư, 14 tháng 2, 2018

HOÀI THƯỢNG DỮ HỮU NHÂ N BIỆT Trịnh Cốc (Đỗ Chiêu Đức diển giãi)


        Đây là bài viết riêng tặng cho Anh Suôi HUỲNH THANH SƠN, người đã có chung cảm xúc hoài cổ bồi hồi, man mác, bâng khuâng... khi đọc câu :
                     ... Sổ thanh phong địch ly đình vãn,...
              và   ... Quân hướng Tiêu Tương ngã hướng Tần !.

                         .............................................................................................

Thơ Tuyệt cú từ sau Đỗ Mục và LÝ Thương Ẩn của thời Vãn Đường thì dần dần chuyển sang phong cách nghị luận mà giảm dần đi tính cách du dương trữ tình. Trịnh Cốc là người còn giữ được vẻ mượt mà tình tứ với âm điệu thiết tha đầy hình tượng của thuở Thịnh Đường....
Bây giờ là " Mùa Chia Tay ". Sau Tết, Việt kiều về nước định cư, còn Việt Nam thì ở lại ... Xin mời tất cả cùng đọc một bài thơ tả cảnh chia tay giữa 2 người bạn thân với nhau nhé !




Chân dung TRỊNH CỐC




淮上與友人別 HOÀI THƯỢNG DỮ HỮU NHÂN BIỆT





揚子江頭楊柳春, Dương Tử Giang đầu dương liễu xuân,
楊花愁殺渡江人。 Dương hoa sầu sát độ giang nhân.
數聲風笛離亭晚, Sổ thanh phong địch ly đình vãn,
君向瀟湘我向秦。 Quân hướng Tiêu Tương ngã hướng Tần.





鄭 谷 Trịnh Cốc.



CHÚ THÍCH :


1. HOÀI : là đất Dương Châu. HOÀI THỦY là tên con sông chảy qua thành Dương Châu. Bài thơ nầy còn có một tên khác gọn hơn là : HOÀI THỦY BIỆT HỮU ( Giã từ bạn trên dòng sông Hoài ).
2. DƯƠNG TỬ GIANG : Một nhánh của sông Trường Giang từ Trấn Giang đến Dương Châu của tỉnh Giang Tô, xưa gọi là Dương Tử Giang.
3. SẦU SÁT : Cái Sầu làm chết người ! Chỉ nỗi sầu ray rức, ta nói là " Buồn Thúi Ruột !"
4. LY ĐÌNH : ĐÌNH là cái mái che không có vách, cất theo dọc đường ngày xưa để cho người đi đường ngồi nghỉ chân. Cứ 5 dặm thì có một Tiểu Đình và 10 dặm thì có một Trường Đình. Đọc trong Kiều ta cũng thấy :
Bề ngoài mười dặm TRƯỜNG ĐÌNH,
Vương ông đặc tiệc tiễn hành đưa theo.


vì thường dùng làm nơi đưa tiễn, cho nên còn gọi là LY ĐÌNH, là nơi chia tay ly biệt.


5. TIÊU TƯƠNG : chỉ vùng đất ở tỉnh Hồ Nam hiện nay.
6. DƯƠNG HOA : Hoa của Dương liễu, còn gọi là Liễu Nhự thường tung bay theo gió, phất phơ trắng xóa một vùng. Thơ Á Nam Trần Tuấn Khải có câu :



" Liễu rơi trước gió ngỡ là bướm bay ! "...



7. TẦN : Chỉ Đô Thành Trường An thuở xưa, thuộc tỉnh Thiểm Tây hiện nay.
8. PHONG ĐỊCH : Tiếng sáo chập chờn đưa theo gió.





DỊCH NGHĨA :
GIÃ BIỆT BẠN TRÊN DÒNG SÔNG HOÀI



Vẻ xanh tươi của dương liễu trên dòng sông Dương Tử với hoa dương liễu cuốn bay theo gió phất phơ khiến lòng người qua sông buồn muốn thúi ruột ! Văng vẳng đâu đây mấy tiếng sáo thiết tha réo rắc quyện đưa theo gió trong buổi chiều bên ly đình vắng vẻ , thôi thì đất Tiêu Tương bạn cứ đến còn tôi, tôi sẽ đi về đất Tần của xứ Trường An ngàn năm văn vật !



Bài thơ gợi cảm với cảnh chia tay mỗi người mỗi ngả, những từ Dương Tử Giang, Dương Liễu, Ly Đình, Phong địch... nhất là từ Tiêu Tương khiến người đọc dễ cảm xúc ngẩn ngơ vì những câu thơ trong tiểm thức đã biết được trong Chinh Phụ Ngâm Khúc :



Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại,
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang.
Bến Tiêu Tương cách Hàm Dương,
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.!!!...






Lúc còn trẻ, tôi cứ ngẩn ngơ mãi khi đọc 2 câu cuối của bài thơ :



Sổ thanh phong địch ly đình vãn,
Quân hướng Tiêu Tương ngã hướng Tần !


nhất là câu cuối cùng âm điệu cứ như còn quyện mãi ở trong lòng người đọc : " Quân hướng Tiêu Tương ngã hướng Tần ! ". Ôi, sao mà buồn và nên thơ quá thế ?!!!













Bản viết tay của ĐCĐ


DIỄN NÔM :



Dương liễu xanh xanh Dương Tử Giang,
Liễu bay sầu chết khách sang ngang.
Sáo ai réo rắc chiều ly biệt,
Bạn đến Tiêu Tương tớ đến Tần.



Lục Bát :



Vẻ xuân dương liễu giang đầu,
Qua sông lòng khách nghe sầu chứa chan.
Sáo ai réo rắc ly tan,
Tiêu Tương bạn đến, tôi sang đất Tần !






TIỂU SỬ TÁC GIẢ :


TRỊNH CỐC ( 851-910 ), tự Thủ Ngu, người đất Viên Châu Nghi Xuân ( nay là Huyện Nghi Xuân tỉnh Giang Tây ). Thi nhân của cuối đời Đường ( đầu đời Ngũ Đại ), tự nhỏ nổi tiếng thông minh, ở tuổi cởi ngựa trúc đã biết Phú Thi. Đậu Tiến Sĩ năm Khải Quang, từng giữ các chức Tham Quân xứ Kinh Triệu, Hữu Thập Di, sau chuyển sang chức Đô Quản Lang Trung, nên người đời thường xưng là Trịnh Đô Quản. Trịnh Cốc thường hay xướng họa với Tiết Năng, Lý Tần, Trương Kiều, Hứa Đường... mười người, được người đời xưng tụng là " Hàm Thông Thập Triết ". Sau cùng xướng họa với nhà sư TỀ KỶ, được TỀ KỶ tôn là " Nhất Tự Sư " ( ông thầy một chữ, đúng ra là ÔNG THẦY CHỮ NHẤT ) theo tích sau đây :



TỀ KỶ là nhà sư nổi tiếng về thơ cuối đời Đường, đầu đời Ngũ Đại. Một lần vào cuối Đông, sau một đêm tuyết lớn, sáng ra phát hiện có mấy đóa mai đà hé nở ở đầu thôn, bèn làm một bài thơ " TẢO MAI " để ca ngợi hoa mai nở sớm, trong đó có 2 câu :


Tiền thôn thâm tuyết lí, 前村深雪里,
Tạc dạ sổ chi khai. 昨夜数枝开.


Có nghĩa :


Trong bãi tuyết trắng mịt mùng ở đầu thôn, Đêm hôm qua có mấy đóa mai đà nở rộ.



Nhà sư rất đắc Ý với 2 câu thơ trên, mới đem bài thơ của mình ra khoe với Trịnh Cốc. Không ngờ sau khi đọc tới đọc lui một hồi, Trinh Cốc bèn góp Ý rằng : " Mấy đóa mai nở đã nhiều và phồn thịnh lắm rồi, không nêu bật được cái Ý " SỚM " nữa, sao không đổi lại là " Nhất Chi Khai " ( chỉ có một đóa nở thôi ! ) có phải SỚM hơn không ?!. Nhà Sư TỀ KỶ chợt tỉnh ra và khen hay luôn miệng, bèn đổi chữ " SỔ " trong câu thơ thành chữ " NHẤT " và bái tạ Trịnh Cốc đã điểm hóa cho mình. Người đời sau bèn gọi Trịnh Cốc là " Nhất Tự Sư " của nhà sư TỀ KỶ là vì thế.













Nhân chuyện này làm ta nhớ đến bài CÁO TẬT THỊ CHÚNG của Mãn Giác Thiền Sư Việt Nam ta, trong đó có 2 câu :
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, 莫謂春殘花落尽,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai. 庭前昨夜一枝梅.



Có nghĩa :


Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước một cành mai !



Một nhà sư tả cảnh Mai Sớm, một nhà sư tả cảnh Mai Muộn, một nhà sư ở miền Bắc, một nhà sư ở miền Nam, một nhà sư ở đời Ngũ Đại ( 907-979 ) bên Trung Hoa, một nhà sư ở đời LÝ ( 1009-1225 ) của Việt Nam,một bên chuyên chú về văn chương, một bên chuyên chú về thiền : Mãn Giác (滿覺), 1052-1096, là một Thiền sư Việt Nam thuộc đời thứ 8 của dòng Thiền Vô Ngôn Thông. Nhưng cả 2 cùng có một cái CHUNG là cùng gặp nhau trong Ý NIỆM về văn chương, cùng một cảm xúc trước một cành mai, một loại hoa tượng trưng cho sự thanh cao liêm khiết trong cảnh thiên nhiên bao la vô cùng tận....





1 nhận xét: