Thứ Năm, 15 tháng 2, 2018

MỘT MÓN TẾT THẬT MẶN MÀ - Võ Đình

Thập niên 80 âm u giọng hát Khánh Ly « Ai trở về xứ Việt, nhắn giùm tôi người ấy ở trong tù…», không mấy thuyền nhân tin có thể trở về xứ Việt. Thập niên 80, tôi ước ao trở về Huế. Về Huế! Chỉ có hai chữ này thôi mà sao âm vang cả hồn mình. Âm vang như tiếng ngâm của Võ Đình. Giữa đêm khuya, tiếng ngâm của người họa sĩ già trên 60 tuổi, cất cao, khỏe, mà buồn bã. « Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay »,chữ « thiu » buồn tênh. « Hoa bắp lay », tức là cảnh vật còn, còn gọi, còn nhắc, mà sao anh không về?
Võ Đình không ngâm cho tôi. Ông ngâm cho kiếp lưu dân hiu quạnh. Đêm thâu, tiếng ngâm của Võ Đình vang xa như tiếng hò khuya của người Huế xưa, trên sông Hương. Chúng tôi nhớ Huế. Đọc Một Món Tết Thật Mặn Mà của Võ Đình mới biết ông nhớ Huế chừng nào. Ông lấy pâte d’anchois, một thứ cá muối dầu thật mặn của Tây đánh nhuyễn ra làm mắm, rồi luộc thật chín mì ống làm bún, rồi chan, rồi chấm, để có chút chất quê trong mình. Tết ở Tây, cuối tháng Giêng, lạnh cứng người. Võ Đình sinh ở Huế, nhớ Huế đã đành, nhưng tôi cũng nhớ Huế, dù chưa từng đến, mà vẫn nhớ hàng rầm thượng, bức mành vàng chanh, hàng dậu dâm bụt, với những hồn âm đi qua cầu Tràng Tiền về phía thành Nội, trong truyện Võ Đình.
Và nhớ nhất, Một Món Tết Thật Mặn Mà của ông. 
Trần Vũ

Trong tủ sách của tôi hiện nay không có cuốn Hà Nội Ba Mươi Sáu Phố Phường của Thạch Lam, thật đáng tiếc. Bù lại, ông Vũ Bằng hiện diện với cả hai cuốn Miếng Ngon Hà Nội và Thương Nhớ Mười Hai. Thỉnh thoảng, tôi đem sách ra nhâm nhi vài trang. Đọc văn hay đã thú, mà đọc văn hay nói chuyện ăn ngon lại càng thú. Và cũng thỉnh thoảng, tôi bỏ bê ông Vũ Bằng để nhâm nhi mấy bài tùy bút của ông Võ Phiến. Ông này thật tình không chủ tâm nói chuyện ăn uống nhưng những đoản văn của ông như Bánh Tráng, Ăn Uống Sự Thường, Chè và Văn Minh, Mắm và Dân tộc, đọc cũng thật sướng. Sướng cái sướng văn chương.
Có những lúc khác, dẹp văn chương sang một bên, tôi nhâm nhi một cách “hiện thực” hơn: tôi đọc dăm ba trang trong cuốn Những Món Ăn Nấu Lối Huế của bà Hoàng Thị Kim Cúc. Đọc mà chơi, đọc không phải để đỡ thèm, như chúng ta thường nói, mà thật là để mà thèm. Thèm chưa đủ hay sao mà còn phải đọc để thèm? Người người nhớ tiếc đất mẹ, người người thèm của ngon vật lạ Bắc Trung Nam, thèm quay quắt, thèm miên man. Không về nước được thì kéo nhau đi ăn tiệm. Chán ăn tiệm thì ở nhà hì hục nấu nấu nướng nướng, rồi xúm nhau lại xì xà xì xụp đã đời. Còn tôi thì đọc để mà thèm, có vô duyên chưa? Chắc hẳn bạn đọc đã chưng hửng nhận ra rằng nếu tôi không phải là anh lập dị thì cũng là đứa ngớ ngẩn, ơ hờ với cả miếng ngon của dân tộc. Sự thật không phải thế.
Sự thật, tôi cũng là một tay “nhậu” có hạng. Bạn bè tôi có thể chứng minh điều đó. Rắc rối chăng là với tôi, “nhậu” chỉ có nghĩa là uống rượu. Còn ăn thì một chút gì đó cũng được, vài hạt đậu phụng, dăm ba con tôm khô, củ kiệu, tôi đã cho là đủ. Tôi không phải là tay nhậu “đúng nghĩa”, tay nhậu cầu kỳ. Tôi không mằn mò lao tâm lao lực tìm ra cho được gân gấu với mỡ trạch, hay gan phượng với tim trĩ mới hài lòng. Với tôi, “hai con ba đĩa” (?) đã là vượt xa, quá xa, nhu cầu.
Có kẻ khắt khe xấu mồm đã từng chê tôi (sau lưng) là đi xa quê quá lâu, ăn cơm Tây cơm Mỹ đã mòn răng, cho nên tôi không còn tha thiết với những món này món nọ, kỳ quan tuyệt vời của quê hương muôn thuở. Người ta nói tôi làm văn nghệ, tôi bàn về văn hóa, về truyền thống nhưng tôi không bồn chồn tấc dạ khi nghe nói đến những món ngon vật lạ của đất nước ngàn đời mến yêu. Nhận định đó thật hàm hồ. Quả thật tôi không tha thiết cho lắm với miếng ngon Hà Nội-hay với cả miếng ngon Huế, hay miếng ngon Sài Gòn, những miếng ngon đã được công nhận và tuyên dương bởi bao thế hệ sành sỏi cái ăn cái uống. Nhưng sự thờ ơ đó, chẳng phải vì tôi đi xa quê quá lâu. Chẳng phải vì tôi ăn cơm Tây cơm Mỹ mòn răng. Miếng ngon Paris, miếng ngon Ý Đại Lợi, Tây Ban nha, Ả Rập, Do Thái, miếng ngon New York, miếng ngon Hạ Uy Di, tôi cũng đã từng. Nhưng khổ nỗi, tôi cũng chẳng thiết tha, và xa cách lâu ngày tôi cũng chẳng tơ tưởng.
Lại có kẻ, nhân từ hơn, chê tôi (trước mặt) rằng sự thờ ơ đối với của ngon vật lạ của tôi, ấy chính vì tôi là một người “trí thức”, coi trọng triết lý đạo đức, văn học nghệ thuật, hơn là chuyện nhậu nhẹt vui anh vui em. Trời đất ơi, tôi không nghĩ thế. Nếu thật là thế thì tôi xấu hổ biết bao. Nói quanh nói quẩn không bằng nói thật: đã có lúc tôi ngồi lẩm cẩm xét lại vì đâu mà có cái lãnh đạm của mình, cái lãnh đạm mà tôi coi như một thiếu sót vô tội, mà người khác coi như là không có… “Việt Nam tính”!
***
Tôi sinh ra và lớn lên ở Huế, cho đến ngày xuất ngoại khi chưa đến tuổi hai mươi. Nhà cha mẹ tôi trong Thành Nội, ở một xóm sau lưng hoàng thành. Tôi sống qua những năm niên thiếu trong một không khí vừa cổ kính vừa tàn tạ. Cha tôi làm công chức, tính cương nghị, thích yên tĩnh. Mẹ tôi không buôn bán chi, chỉ ở nhà trông nom việc nhà, trồng hoa, trồng rau. Cha tôi vóc dáng lực lưỡng, siêng làm việc chân tay, ăn uống điều độ, giản dị. Còn mẹ tôi vốn đã cần mẫn việc dâng hương, tụng kinh, bà cũng không phải là một thứ kiện tướng trong việc bếp núc.
Anh chị em chúng tôi lớn lên với những “mơ nuy” rất căn bản: các món kho, xào, các thứ canh, dưa, tầm thường thôi. Năm thì mười họa, mới kêu một gánh bún, gánh chè chiếc gì đó vào sân, rồi cha tôi mới đãi cả nhà một bữa no cành hông. Cha mẹ tôi thường nói rằng ăn quà vặt, không đẹp, ăn uống cầu kỳ không tốt, không nên bắt chước những người ở “ngoài thành”, ở “ngoài phố”, ăn uống tào lao, không “đàng hoàng.” Có lần, ghé nhà bạn gần cửa Thượng tứ, thấy bạn kêu một “mụ” bán bánh vô rồi bạn và anh của bạn thản nhiên ngồi chén, chén xong thản nhiên trả tiền, mọi người khác trong nhà thản nhiên đi qua đi lại, coi như chuyện bàng quan, tôi lấy làm lạ vô cùng. Bạn mời, tôi cũng có ăn dăm ba cái bánh bèo, nhưng lòng thấy không yên. Về nhà không dám kể lại, sợ cha mẹ chê.
Bây giờ, mấy chục năm sau, nhìn lui lại thời gian đó (1945-1946) nếu tôi có nhớ đến cái ăn thì nổi bật nhất vẫn chỉ là những thức ăn ở nhà, quá ư tầm thường, do chính tay mẹ hay chị nấu: các thứ cá kho khô, kho nước, các thứ xào nhiều rau ít thịt, canh rau muống, canh tần ô, dưa cải muối trường, dưa giá, muối sả và ruốc kho mỡ những ngày đông rét mướt. Cầu kỳ hơn thì chỉ có các thứ nộm (gỏi). Lâu lâu được ăn một bữa bún cá: cá ngừ hay cá sòng kho nước, có bỏ ớt tươi xanh, ăn với bún lá chua chua. Lâu lâu thôi, vì ăn cá biển cha tôi bị ngứa, và mẹ tôi thì nói ăn bún chua độc!
Sau thời gian đó giai đoạn tản cư, hồi cư, hỗn loạn và bất an. Tản cư thì ăn đói, ăn củ chuối, ăn dưa chua làm với thân cây chuối thời bình chỉ để cho heo ăn, ăn cơm độn khoai, độn sắn. Hồi cư thì một thời gian dài cha tôi phải ở không. Mẹ tôi giật gấu vá vai, nuôi cả nhà, mặc dù cả đời trước đó bà chưa hề biết buôn bán là cái gì. Đến khi cha tôi đi làm lại, bọn tôi đi học lại, cuộc sống dễ thở hơn được một hai năm chi đó thì hoàn cảnh đẩy đưa, tôi bị gởi đi “Tây” du học như thể tôi cũng là con ông cháu cha như ai!
Ở Pháp tôi sống cuộc đời sinh viên nghèo mà chỉ có những ai từng du học thời đó mới thấm. Tháng này qua năm nọ, chúng tôi ăn “cơm Tây” ở các quán rẻ tiền dành cho sinh viên. Một bữa cơm có bánh mì, có thịt, có khoai, “phó mát”, “xà lách”, “đét-xe” mà chỉ 100 quan, hay 20 xu Mỹ bấy giờ. Một bạn du học hồi ấy từng phán một câu để đời. “Thật rẻ, hắn nói, rồi trầm ngâm một lúc, đoạn gật gù, “mà cũng thật dở hơi!” No mà không sướng. No mà trống trải. Chuyện ăn là vậy, chuyện ở của sinh viện tại Paris những năm 50 càng tệ hơn, không phong lưu quá cỡ như tại Mỹ hiện nay.
Tôi may mắn thuê được 1 cái phòng nhỏ ở một khách sạn rẻ tiền ngay trong xóm La tinh, và như tôi thường ngày hay khoe với bạn bè, “ngay trong bóng mát của lầu chuông (đại học) Sorbonne”. Căn phòng vừa đủ chỗ cho hai khuỷu tay! Khách sạn cho thuê phòng tháng cấm nấu nướng. Cấm tiếp khách quá chín giờ đêm. Khách…phái đẹp thì tuyệt đối, oui, absolument interdit, tuyệt đối cấm… suốt ngày. Thế mà tôi cũng lén lút nấu được cơm.
“Nấu được cơm” chỉ là một cách nói. Một hai cái soong nhỏ. Bếp là cái đèn cồn tí xíu. Rau thịt thì giấu kín vào…cặp da, cứ cộm lên như thế đầy ứ toàn là sách với vở, và có thể mới qua lọt cặp mắt cú vọ của mụ “concierge” trấn nhiệm tầng trệt, nơi móc chìa khóa phòng. Các “cố tri” ở hải ngoại, như Tú Chương, Vĩnh Ấn, Thi Vũ ở Paris, Trúc Chi ở Cali, hẳn còn nhớ cái món “bún bò” nổi tiếng của tôi. Nói đúng hơn, bún…ngựa. Ở Pháp, người ta ăn thịt ngựa là thường, vừa ngọt vừa rẻ. Cứ xào thịt ngựa lên với hành tây, cho…xốt cà chua vô cho nó đỏ đỏ, quậy thêm một chút paste d’anchois. Giò heo không, sả không có, cũng chả chết ai. Cứ việc luộc thêm một kí spaghetti nữa là có thể đãi bạn bè một chầu “bún bò” nóng hổi, cay xé miệng. Gia vị quan trọng nhất là óc tưởng tượng, mà bạn bè toàn là những mầm non văn nghệ cả, thiếu gì thiếu, tưởng tượng chỉ có thừa. Ăn “bún bò” kiểu đó mà uống gros rouge (vang đỏ rẻ tiền nhất, đi mua phải đem chai đi theo!) thì nhất định là của không ngon, đông (…?) cũng hết.
Món “bún bò” không giò heo, không sả, không ruốc của tôi được bạn bè mến mộ hết lòng. Nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn kín đáo hãnh diện về một món độc đáo khác. Đó là “rau khoai” chấm “nước tôm kho đánh.” Lối Huế, dĩ nhiên. “Rau khoai” là rau e1pinard của Pháp, hay spinach của Mỹ. “Mắm ruốc”để làm nước chấm là một thứ cá cơm xay nhuyễn với dầu và muối, mua cả ống như ống thuốc đánh răng, người Pháp gọi là paste d’anchois, ăn như một thứ giao đầu, hors d’oeuvre. Đóng cửa lại thật kín, đốt đèn lên, xào tỏi cho vàng rồi khuấy “thuốc đánh răng” vào, thế là có “nước tôm kho đánh” của chốn thần kinh! Sau này nghe Trúc Chi, Thi Vũ, và cả Hồ Trường An mới qua Paris sau này, kể rằng Vĩnh Ấn đã trở thành một thứ “Escoffier an-na-mít” danh trấn Paris , tôi lấy làm thích thú và…ngạc nhiên. Ba mươi mấy năm về trước, Vĩnh Ấn không bao giờ làm bếp. Vĩnh Ấn chỉ làm người thưởng thức cái tài luộc rau chấm nước “ruốc” của tôi thường xuyên nhất, trung thành nhất. Một món ăn xoàng xĩnh nghèo nàn xứ Huế, mà lại thấm sâu, thấm bền nhất vào tâm hồn chúng tôi. Bún bò không có sả mà lại có xốt cà chua, nước tôm đánh kho với “thuốc đánh răng”, ôi, “thời oanh liệt nay còn đâu”!
Những năm 60, tôi đã lưu lạc sang Hoa Kỳ. Từ New York sang Cali, không nơi nào mà tôi không “lê gót giang hồ”. Cái ăn cái uống từ nay có khá hơn vì bắt đầu lai rai bán được tranh. Tuy nhiên, cái thích cái thèm của tôi vẫn giới hạn như cũ. Thịt cá ở Mỹ ê hề, làm cho tôi càng thờ ơ. Thỉnh thoảng cũng có nhớ về những “miếng ngon xứ Huế”. Nem, chả, tré, long, mắm mòi, tôm chua, bánh nậm, bánh khoái, bánh bèo, cơm hến, bánh ướt thịt nướng, bánh ướt tôm chấy, bánh bột lọc tôm thịt…Nhớ thì có nhớ, nhưng không thiết tha quay quắt, không ngẩn ngẩn ngơ ngơ, lòng chỉ ước ao làm ao kiếm ra cho được một muỗng…mắm ruốc mà người Huế chỉ gọi là r-u-ố-c thôi. Một muỗng mà thôi, thật mặn, thật hôi, nghĩa là mắm ruốc, để rửa hận ăn “thuốc đánh răng” ở Paris.
Một hôm, năm 1961 thì phải, năm tôi trưng bày tranh trong triển lãm cá nhân đầu tiên ở New York, tôi lang thang ở phố Tàu San Francisco, tình cờ thấy một cái lọ nhỏ, cái hình con tôm, bên trong màu hồng hồng tím tím rất quen thuộc. Tôi tóm lấy nó, mở ra, ngửi một phát, và suýt…ngã ngửa, bất tỉnh nhân sự. Ruốc Hồng Kông thì cũng là ruốc, Lee kum kee là cái con khỉ chi không biết, chỉ biết món “nước tôm kho đánh” của tôi tức tốc thoát ra khỏi hai cái dấu kép kể từ cái ngày đẹp đẽ đó.
Và cũng kể từ đó, tôi thường ngồi chiêm nghiệm (nhâm nhi?) một chân lý vô cùng đơn giản và hiển nhiên. Ở đời, vâng, ở đời, cái gì cũng…tương đối . Mà tương đối nhất là cái uống cái ăn. Ông Tản Đà đã từng nói “thức ăn ngon, người cùng ăn không ngon, chỗ ngồi ăn không ngon, không còn .v.v…” Câu nói bất hủ đó, ai cũng biết rồi. Ý rằng cái ngon, nó không tuyệt đối, phải như vầy, như vầy…nó mới ngon. À, thì ra thế. Tôi đâu có ngờ, cái chân lý đơn giản và hiển nhiên đó một ngày lại được biểu hiện một cách thật bất ngờ, thật kỳ cục. Mỗi khi nhớ lại, vẫn thấy còn cay cay con mắt. Nhất là trong những ngày năm tàn tháng tận.
***
Vài tuần qua, tôi “bị” liên tiếp mấy lá thư, mấy cú phôn giục bài. Giục bài khéo nhất của chủ bút Làng Văn. Nhạc sĩ kiêm văn sĩ kiêm thi sĩ kiêm chủ báo viết: “Nhận được “hỏa tốc thư” này, kính mong quý quan viên ngồi xuống khai bút cuối năm ngay mới kịp, Giáng sinh cũng hãy còn hơi xa xa, Tết tây ta nữa, mà phải ngồi xuống tìm vần lựa chữ cho bài Tết ta, quả là một chuyện cưỡng bách văn chương, thật đáng tội!” Không phải ai cũng khéo như ông Nguyễn Hữu Nghĩa. Mới đầu Tháng Mười Một dương lịch, không thấy bài Tết, chưa chi đã có người lên giọng cay đắng, hờn lẫy rồi. Riêng phần tôi, người bị thúc bài, cuối năm nhìn ra cửa thấy cỏ cây xơ xác, lòng mình cũng xác xơ. Viết với lách! Xuân chưa đáo tha hương, bất kiến hoàng mai, mà đã sầu Việt điểu. Con chim Việt nó rầu thì nó ráng chịu, biết làm sao khi tâm thì hoài cố quận, mắt thì thưởng chiêm bạch tuyết, nên nó chẳng có cách gì hơn là mộng nam chi. (*)
Cũng vì mộng nam chi, mà hôm qua tôi tẩn mẩn bắc cái ghế đẩu, leo lên, kéo cái hộp, nguyên là hộp đựng giầy, xuống từ tầng kệ cao nhất, sát trần nhà. Những chiếc ảnh cũ, mới nhất cũng đã mười bốn năm rồi. Cầu Tràng Tiền, sông Hương, trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Cửa Hiền Nhơn. Vợ chồng họa sĩ Đ.C và ba cháu nhỏ. Cha tôi ngồi phì khói thuốc lào. Mẹ tôi ngồi làm chi đó giữa đám cải con xanh mởn. Ủa, cái chi đây nè? Một tấm ảnh màu, loang lổ nhạt nhòa. À một cái cảnh “pô” hư vì trục cuốn phim không đều. Hình ảnh chập chùng lẫn lộn, đậm nhạt bay bướm và liều lĩnh như một họa phẩm trừu trượng của trường phái New York. Tôi ngắm nghía tấm ảnh kỹ hơn. Tôi nhận ra đó là một toán người, à, một gia đình nào đó, có bà cụ già, có đàn ông, có đàn bà, con nít. Thôi, phải rồi, cái cảnh này, chính tôi là người đã chụp nó, đã làm hư nó. Gia Đình cô Tâm trong xóm. Tôi chụp ảnh gia đình cô Tâm Tết Giáp Dần, 1974, khi tôi về nước sau trên hai năm xa cách.
Cô Tâm… cô Tâm…Khuôn mặt nhỏ xíu, mờ ảo trong chiếc ảnh hư. Sáng mồng hai Tết Giáp Dần đó, tôi ngồi uống trà với cha tôi ở “nhà trên”. Có tiếng lào xào ở “nhà dưới”. Con cháu Quế, năm ấy 12, rón rén bước lên:
– Thưa Ôn, thưa Cậu, có vợ chồng dì Tâm qua…
– Ừ, con nói họ lên đây!
Ở tuổi bảy mươi, giọng cha tôi vẫn sang sảng, và nghiêm nghị, như xưa. Hai người lạ mặt khép nép lại gần. Họ vòng tay, nói:
– Dạ, thưa Ôn, thưa Anh…Tụi con qua xin phép được chúc thọ Ôn và chào Anh mới về…
– Ừ, vợ chồng Tâm đó hả? Ngồi xuống đây!
Hai vợ chồng tôi chưa từng gặp riu ríu đứng yên bên cột nhà:
– Dạ, tụi con không dám…Ôn để tụi con…Dạ, thưa Anh, Anh mới về…
Thốt nhiên, tôi ngụp lặn, tôi chìm đắm vào cả bầu không khí xưa cũ: mồng hai Tết trong thành nội cố đô, ngạt ngào hương trầm, những bước chân rón rén, lời nói thưa thưa dạ dạ, “Anh mới về…” Câu nói lơ lửng, lễ phép, ý tứ, Huế sễ sợ, Huế da diết…
Tôi đoán hai vợ chồng quá lắm cũng chỉ khoảng giữa tuổi ba mươi. Nhưng tôi không quên rằng tuổi ba mươi của những con người lam lũ đã sống đã chết với Huế trong mấy chục năm trời không phải là tuổi ba mươi của con người Paris, New York, hay cả con người Đà Lạt, Saigon. Cả hai đều gầy gò, anh chồng mắt sâu, miệng hô, răng đen, đen vì khói thuốc lá. Mặt tái mét, nhiều đường nhăn sâu, khắc khổ, gần như lì lợm. Anh đứng ngượng nghịu trong bộ “đồ Tây” cứng đơ, chiếc cà-vạt xa-tanh màu xanh dương, có gắn cái phù hiệu nhỏ xíu cờ vàng ba sọc đỏ, cái nơ thắt méo xẹo. Chị vợ có vẻ thoải mái hơn, mặc áo dài nội hóa màu dưa cải muối trường, quần đen. Tóc bới củ hành, miệng hơi móm nhưng ánh mắt nụ cười lại phảng phất nét tinh nghịch khó hiểu. Tôi thấy cổ tay chị gầy guộc, khô đét, nhưng hai bàn tay thật to, đốt xương như sưng lên, sần sùi, nứt nẻ. Cả hai vợ chồng, tụt guốc, để lại dưới tam cấp, đứng chân không.
– Răng, mấy đứa ngoan hả?
Cha tôi hỏi thăm. Hỏi thăm mà như ra lệnh. Chị vợ lanh lẹ:
– Dạ, thưa Ôn, Ôn mạnh, dạ thưa Anh, Anh đi xa về, Ôn Mệ vui, tụi em mừng..
“Ôn” với “tụi con” nói đi thưa lại dăm câu nữa rồi “Ôn” khoát tay:
– Ừ, tụi bây về. Mai Ôn với Anh qua thăm. Mai Ôn cho quà tụi nhỏ. Ừ, thôi, về đi. Năm mới làm ăn giỏi nghe không!
Tôi đứng dậy tiễn khách xuống đến “nhà dưới”, rồi quay lên ngồi bên cha và khai trà. Xa nhà lâu quá, tôi ngơ ngác trong mấy ngày Tết, chẳng biết khách khứa thân sơ ra làm sao cả. Cha tôi nói:
– Răng, con không nhớ con Tâm à? Con mụ Thành đó mà. Ừ, mà mụ Thành chồng chết dọn vô xóm ni một hai năm chi đó thì con đi Tây, con quên cũng phải. Rứa là họ ở trong xóm ni với mình cũng đã hơn phần tư thế kỷ rồi đó chứ chơi mô.
Tôi lắc đầu:
– Dạ, con thưa thật với Thầy (tôi gọi cha bằng thầy), con có trí nhớ tốt lắm con ngó thấy cái chi là con nhớ hoài. Rứa mà con có nhớ mấy người ni mô. Mụ Thành, con Tâm, dạ không, thật là con không nhớ…
Hồi nớ con có để ý đến cái chi. Chỉ lo viết lách vẽ vời, học thì không lo chỉ lo tranh đấu bữa ni với truy niệm bữa tê! Rồi con đi Tây, con đi tuốt hai mươi bốn năm mới về. Hồi mụ Thành dọn vô xóm, con Tâm mới chín tuổi, mười tuổi chi đó. Hắn rọm như que củi, nhưng hắn thông minh dễ thương. Mẹ con thương hai mẹ con Tâm lắm, khi chai dầu, khi lon gạo, bà chăm bồ hoài. À, con có nhớ cái bữa cây đổ không?
– Dạ, không, cây đổ ở mô, thưa Thầy?
– Năm 48, 49 chi đó, Thầy quên. Bữa nớ gió dễ sợ, bão chi đó thổi qua từ bên Phi Luật Tân… Cây mít khô nhà mụ Thành đổ cái ầm, đè bẹp một mái nhà. May mà không ai bị đè chết. Con đi học về, chưa kịp thay đồ ở nhà, sơ mi quần trắng tinh rứa mà tức tốc chạy vô xóm giúp dỡ cây dỡ lá “giải phóng” cái nhà mụ Thành! Con nhớ không?
Không, tôi không nhớ. Trong ngàn ngàn kỷ niệm tuổi nhỏ, không có chuyện tôi mặc quần trắng tinh mà nhảy vô dọn cây kéo cành cho nhà hàng xóm. Ở tuổi mười lăm mười sáu tôi chỉ thuộc hàng chục bài thơ trong Gửi Hương Cho Gió (1) trong Lửa Thiêng (2), trong Thi nhân Việt Nam (3). Tôi chỉ biết theo vết chân ngựa lên đồi nắng vườn cam chở người con gái lạ (và đẹp!) trong Đợi Chờ (4) và mê mẩn ngắm ánh đèn xa dần, xa dần trong sương mù ở đoạn cuối truyện Đôi Bạn (5). Tôi chỉ “thanh đấu”, để bị bắt, bị đánh, được thả, bị bắt lại, lại được thả, rồi làm giấy tờ “đi Tây”. Tôi đâu có liên hệ gì với cây mít gió thổi đổ bẹp chái nhà bà hàng xóm nghèo nàn. Tôi đâu có nhớ cô bé Tâm này, trong hơn hai chục năm lưu lạc của tôi, đã lớn lên, đã ở lì tại căn nhà tranh khiêm tốn trong xóm tôi, đã lấy chồng lính nghèo, đã đẻ sáu đứa con, đã trở thành một người đàn bà mới ba mươi mấy tuổi mà già khọm, với cái miệng móm có nụ cười tinh nghịch khó hiểu, và hai bàn tay tần tảo sớm hôm trở nên cục mịch sần sùi, quái đản như những bàn tay trong các phim kinh dị.
Trưa mồng ba Tết, cha con tôi lửng thửng vô xóm đáp lễ gia đình cô Tâm. “Mụ” Thành, mẹ cô Tâm, nhìn tôi, cười hả hê, răng sún cả:
– Xì, cậu quên tụi tui, chớ tụi tui mô có quên cậu! cậu đi Tây đi Tàu, cậu “dớ” ôn mẹ là giỏi rồi, là đại hiếu rồi, cậu “dớ” tụi tui làm chi cho mệt thân! Nói giỡn cậu rứa chớ nớ mà không có cậu chạy vô giúp một tay thì túi đó mô có chỗ ngủ! Tôi nói có Trời Phật chứng giám, bữa nớ tôi ngó cái áo sơ mi trắng tinh của cậu xác xơ dơ bẩn cả mà tui muốn khóc! Dạ, thưa Ôn, chớ có cậu về là tụi con mừng rồi, rứa là Trời Phật thương Ôn Mệ thiệt là phước…
“Mụ Thành” nhỏ tuổi hơn mẹ tôi nhiều mà trông “mụ” già gấp đôi. Tôi hô cả nhà ra sân chụp ảnh. “Mụ” Thành ngồi giữa, con gái và rể hai bên, rồi em út con cái cháu chắt chi đó lố nhố một lũ mười mấy người. Tôi bấm máy, có gì trục trặc, tôi bấm luôn mấy “pô” cho chắc ăn, vẫn có gì trục trặc. Tụi con nít được chụp ảnh, được Cậu chụp ảnh, sướng quá, chí cha chí choét…
Chiều mồng ba Tết, trời trở lạnh hơn, âm u buồn thảm. Tôi tự nhủ: “À, cái lạnh da diết trứ danh của Huế đây!” Hàn thử biểu chỉ 52 độ F (tức chừng 16 độ C) mà không có sưởi, cửa ngõ mở trống huếch trống hoác, gió thổi vào lạnh thấu xương. Tôi đang thiu thiu trên tấm phản ở “nhà dưới” thì nghe có tiếng người thì thầm bên cạnh. Tôi tỉnh dậy, thấy Hằng, cô em tôi năm ấy cũng đã ba mươi sáu lớn hơn cô Tâm.
– Anh ạ, dì Tâm đem quà qua cho Anh đó. Em nói cứ để đó, Anh dậy, tui thưa Anh, mà dì không chịu, dì đòi đưa tận tay Anh tê.
– À, cô Tâm, chi rứa đó? Quà cáp chi rứa? Bày vẽ!
Cô Tâm chiều mồng ba Tết trông còn tiều tụy hơn cô Tâm sáng mồng hai. Cô mặc áo dài vải nhuộm củ nu đã bạc màu, vá ở cùi tay. Khuôn mặt cô là một bà già trên năm mươi dãi nắng dầm mưa, thức khuya dậy sớm. Cô bưng một cái mâm son đã tróc vỏ, trên có cái chén và một đĩa đậy kín. Trông khuôn mặt hốc hác già trước tuổi đó, đôi mắt mệt mỏi không ánh sáng và nụ cười ở cái miệng móm vẫn còn phảng phất nét tinh nghịch, ừ cái tinh nghịch của một cô bé chín tuổi nào đó ham chơi “đi chợ về chợ” những đêm trăng thuở nào, xa xôi quá rồi…
Cô Tâm đặt mâm lên phản, rồi rút lui đứng cạnh cô em tôi:
– Dạ, Anh đừng cười, em nghe Anh thích, em bưng qua, Anh đừng cười…
Cô im lặng hai tích tắc, rồi lưỡng lự nói:
– Dạ, xin Anh đừng cho mẹ em biết, mẹ em la em chết! Anh đừng cười anh hí!
Tôi nhỏm người dậy, đưa tay mở:
– Chi rứa cô Tâm? Để tui coi nà!
Trên cái mâm son tróc vỏ là một đĩa rau luộc. Một đĩa rau dền đỏ. Và bên cạnh là một chén nước tôm kho đánh. Mùi rau dền chính cống và mùi nước ruốc chính hiệu nai vàng thơm lừng. Rau mới luộc, tươi ngon. Nước mắm mới kho, lấm tấm màng mỡ ớt đỏ rực, còn nóng, còn bốc khói. Cô Tâm nói:
– Em bưng qua Anh thời cơm túi. Anh đừng cười Anh hí. Em mô dám bày vẽ.
Tôi nhìn cô Tâm, rồi nhìn cô Hằng em tôi, rồi tôi nhìn xuống đĩa rau và chén nước chấm. Tôi muốn khóc. Nhưng tôi chỉ cười. Tôi nói:
– Trời ơi ! ngon quá ri!
Cô Tâm phân trần:
– Anh đừng chê, Anh hí. Có chi mô…Em hỏi cháu Quế chớ rứa Cậu thích ăn cái chi. Quế nói Cậu không thích ăn chi cả. Em mới nói, thiệt không, răng lại không thích chi cả. Cháu Quế mới nói, thiệt dì nợ, bữa nớ Cậu bên Mỹ mới về, Mệ có hỏi con đi Tây đi Mỹ cao lương mỹ vị đã từng, chứ về nhà rồi, ưng ăn chi cứ nói, mẹ nấu cho mà ăn. Cậu thưa với Mệ là Cậu chẳng thèm chi cả. Mệ hỏi hoài Cậu mới nói Cậu thèm canh mít non có bỏ lá sân lá lốt. Mệ la, trời ơi, cái thằng ni, mi đi Tây đi Mỹ mi học cái chi mà mi về đòi ăn canh mít non! Lại phải có lá sân lá lốt! Tết “dứt” lạnh lẽo như ri mít non mô mà kiếm cho ra. Mệ nói có bánh tét, có thịt đông, có chả lụa, có ram, có tré đó, nhưng cậu chỉ cười. Rồi em hỏi cháu Quế, rứa ngoài món canh mít ra, cậu có ưng chi nữa không, thì cháu nói là dì nợ, cháu có nghe Cậu nói với mẹ cháu là từ khi về nước đến chừ cứ Tết “dứt” hoài, chưa ăn được một miếng rau dền thiệt ngon chấm nước tôm kho đánh thiệt ngon. Anh đừng cười, Anh hí…Em tìm hoài mới được chừng đó rau dền…
Như đã lỡ thì liều, cô Tâm nói liên tu bất tận. Tôi nhìn cô em tôi. Cả hai chúng tôi cùng sững sờ. Tối hôm đó, mồng ba Tết Giáp Dần một năm trước ngày miền Nam thay ngôi đổi chủ, tôi ngồi ăn cơm với đĩa rau luộc chấm nước ruốc. Tôi ăn ngon lành, tôi ngồi ăn như “ông khó tính” của Nguyễn Bá Trạc. Trong khi mọi người trong nhà còn ăn “cơm Tết”. Tôi ngồi ăn mà nhớ lại những dĩa rau luộc ở Paris, New York, ở San Francisco, những đĩa rau như là rau dền, nhưng chén nước chấm như là nước tôm kho đánh…
***
Mười bốn năm trôi qua. Cha mẹ tôi nay đã khuất núi. Thư Việt Nam qua nói căn nhà trong thành nội quá đỗi quạnh quẽ xác xơ. Vườn xưa, cây cối đổ gãy, cỏ mọc um tùm. Chẳng biết bây giờ mụ Thành và vợ chồng cô Tâm ra sao. Mười bốn năm rồi, nếu cô Tâm còn sống e còn hốc hác tiều tụy hơn trước nhiều. Ngày về nước, tôi đã quên béng cô Tâm chín tuổi ngày xưa nhà bị gió thổi gãy cây mít già, làm cho bọn thiếu niên mười sáu là tôi hồi ấy phải chạy vô xóm giúp dọn dẹp cả một buổi chiều. Nhưng bây giờ, râu đã nhiều muối hơn tiêu, tôi sẽ nhớ mãi cô Tâm của năm Tết Giáp Dần nọ, cô Tâm mới ba mươi mấy mà đã già khọm, với hai bàn tay sần sùi chai đá. Cô Tâm mặc áo vải nhuộm củ nu vá ở cùi tay, bưng cái mâm son tróc vỏ trên đặt một dĩa rau dền luộc với chén nước ruốc. “Em bưng qua, Anh thời cơm túi. Anh đừng cười Anh hí. Em mô dám bày vẽ”…
Vâng, ở đời cái gì cũng tương đối. Mà tương đối nhất là cái uống, cái ăn. Khi xuân đáo tha hương thì tâm hoài cố quận, mỗi người trong chúng ta đều có những kỷ niệm, những hình ảnh đặc biệt của mình. Riêng trong tôi, cái cô Tâm gầy gò xơ xác đó đương nhiên được phép đứng lẫn lộn trong tấm ảnh ký ức tập thể mang bóng dáng biết bao nhiêu người thân yêu của tôi. “Có chi mô”, chỉ vì mồng ba Tết cô đã cả gan mặc áo dài, băng hàng rào, bưng một dĩa rau luộc qua làm quà “nhậu” Tết cho ông anh hàng xóm khó tính, ông anh lưu lạc năm châu bốn bể một phần tư thế kỷ mới về.
Ông Vũ Bằng “thương nhớ mười hai” tháng liền liền, tháng nào cũng có một món thật ngon, ngon hết chỗ nói, ngon chết người. Còn ông Võ Phiến, giản dị hơn ông Vũ mà cũng sâu sắc hơn, thì lại nói về một đôi thứ lẩm cẩm xoàng xĩnh, như cái bánh tráng, như thìa nước mắm, ngon đâu không thấy chỉ thấy ông làm cho người đọc buồn thiệt là buồn, buồn hết chỗ nói, buồn chết người. Còn tôi tuổi đời thua hai ông nhiều đã đành, mà tài viết lách chỉ vào hạng con em, còn cái rành rọt về chuyện ẩm thực thì chỉ đáng làm …cháu. Thế mà ngày Xuân, viết bài Tết, lại con cà con kê về một đĩa rau dền luộc chấm nước ruốc, thật chẳng còn thể thống cái gì cả. Tôi chỉ còn biết nhìn tấm ảnh nhỏ trong tay, đưa lại gần hơn, cố nhận ra nét mặt của mụ Thành, của vợ chồng cô Tâm. Nhưng tôi không thấy được gì cả ngoài cái lộn xộn, ẩn ẩn, hiện hiện, nhạt nhòa buồn bã của tấm ảnh chụp hư. Nhạt nhòa buồn bã như cuộc tang thương bất tận ở quê nhà.
clip_image001
Tranh: Thắm Nguyễn
Đông 87-88

 

1 nhận xét:

CỎ NỘI HOA ĐỒNG - Thơ Thái Huy Và 12 Bài Họa Của Các Thi Hửu

                                                       Tranh của Hugues Merle (1823-1881) - Người Pháp Bài Xướng : CỎ NỘI HOA ĐỒNG Thân em ...