Thứ Tư, 14 tháng 2, 2018

Lê Thị Minh Hà: CÁC MÓN ĂN TRUYỀN THỐNG TẾT MIỀN BẮC


Mỗi dịp Tết truyền thống, lại là dịp mỗi gia đình sum họp, quây quần bên nhau làm những món ăn đặc trưng trong ngày Tết

Người ta vẫn nói “đói cả năm no ba ngày Tết”. Ấy là chỉ ra rằng dù trong năm có khó khăn, đói kém thế nào thì đến Tết cũng vẫn được đủ đầy, no ấm. Tết ở miền Bắc có rất nhiều món ăn cầu kỳ trong cách chế biến, vừa tinh tế lại vừa mang nhiều ý nghĩa, tượng trưng cho sự may mắn, đủ đầy của cả năm.


Xôi gấc, gà luộc

Mâm cơm cúng tất niên chiều 30 Tết nhất định không thể thiếu được xôi gấc với màu đỏ tươi, thể hiện sự may mắn, tốt lành sẽ đến. Nguyên liệu chỉ đơn giản là gạo nếp và quả gấc chín, đồ xôi gấc cũng không phải khó nhưng để làm nên đĩa xôi gấc đỏ tươi, vừa dẻo, vừa thơm lại vừa mềm thì không hề đơn giản.

Xôi gấc và gà luộc là hai thức không thể thiếu trong mâm cỗ Tết

Trong làn hương khói, cạnh con gà luộc vàng ươm miệng ngậm bông hồng đỏ, đĩa xôi gấc đỏ tươi như làm cho mâm cỗ Tết đặc sắc hơn, nhiều màu sắc hơn... Không thể thiếu cũng là món gà luộc trong các mâm cỗ tất niên hay đầu năm mới. Gà tượng trưng cho ý nghĩa của sự đủ đầy, phúc đức, cầu gì được nấy.

Xôi và gà có mặt ở cả ba miền Bắc Trung Nam vào dịp Tết, dù bất cứ là vùng miền nào, địa phương nào thì hai món này vẫn là không thể thiếu ở mâm cỗ Tết.

Bánh chưng

Nhắc đến Tết là người ta nhắc đến bánh chưng xanh. Một món ăn truyền thống mà trong mỗi gia đình đều có, không phân địa vị, không kể giàu nghèo cứ đến Tết là mỗi nhà đều có bánh chưng. Từ xa xưa, thời vua Hùng dựng nước, bánh chưng xanh đã là món ăn không thể thiếu được trong dịp Tết cổ truyền của người Việt ta.

Ở miền Bắc, từ khoảng giữa tháng Chạp, nhiều nhà đã chuẩn bị đậu xanh, lá dong, gạo nếp, ống giang để chẻ lạt gói bánh chưng. Ai nấy đều cố gắng chuẩn bị những nguyên liệu tốt nhất để bánh chưng nhà mình Tết đó được thơm ngon nhất.

Bánh chưng, món ăn truyền thống ngàn đời của người Việt

Nguyên liệu làm bánh chưng khá cầu kỳ, tùy thuộc mỗi nơi và có thể tăng giảm những nguyên liệu khác nhưng nhất định phải có là gạo nếp cái hoa vàng, đậu xanh, lá dong, thịt vai gáy lợn và các loại gia vị khác. Nguyên liệu phải sạch, chuẩn bị kỹ lưỡng thì bánh chưng gói xong mới xanh, mới dẻo và thơm lại bảo quản được lâu mà không bị hư hỏng.

Thường thì mỗi nhà vẫn tự gói bánh chưng trong mỗi dịp xuân về. Gói bánh chưng không chỉ là chế biến một món ăn trong dịp Tết mà đó còn là một dịp để gia đình sum họp, quây quần bên nhau. Bên bếp lửa hồng, bên nồi bánh chưng đang sôi trên bếp, mỗi thành viên trong gia đình kể cho nhau nghe về những điều đã qua, những dự định tương lai và bao câu chuyện khác. Từ đó tình cảm gia đình thêm gắn kết, bền chặt hơn.




Dưa hành

Dưa hành, món ăn dân giã cũng không thể thiếu trong dịp Tết. Câu ca xưa truyền bao đời nay về Tết Việt đó là “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.” Dưa hành ăn cùng bánh chưng, thịt đông, thịt luộc... những đồ ăn béo, dễ ngấy và khó tiêu để làm tăng hương vị, lại dễ tiêu hóa thức ăn trong những ngày Tết.

Dưa hành ngày Tết như một món giải ngán, dễ tiêu.

Thịt đông

Thịt đông là món đặc trưng của Tết cổ truyền miền Bắc với tiết trời lạnh. Trời càng lạnh, ăn món này lại càng ngon. Thịt đông thường được nấu từ thịt chân giò cùng với nấm hương, mộc nhĩ, vừa béo ngậy lại vừa thơm ngon, càng ăn càng thấy hấp dẫn. Đặc trưng của món thịt đông là phải nấu thật nhừ, đến khi có một lớp mỡ sánh trên bề mặt thì mới đạt tiêu chuẩn.

1 nhận xét: