Giếng đình Mông Phụ, Đường Lâm. Ảnh: Lê Bích.
Ở Việt Nam ta, làng quê nào mà chẳng có một vài cái giếng làng. Cũng giống như cây đa, bến nước, mái đình, cái giếng làng là nơi chứng kiến bao nhiêu thay đổi của làng xã. Giếng nước thôn làng đã đi vào tục ngữ, ca dao như một biểu tượng đẹp nhất của làng quê Việt Nam. Trong ca dao, tục ngữ có những cái giếng làng có địa chỉ rất cụ thể, có những cái giếng vô danh, mang tính ước lệ, nhưng cái giếng nước thôn làng nào cũng đẹp và có biết bao điều ý vị, tình tứ xung quanh giếng nước ấy.
Giếng làng. Sao lại gọi như vậy? Ấy là vì ngày xưa (ngày xưa là bao giờ tùy thuộc vào mỗi làng, mỗi vùng) cả làng chung một hoặc vài cái giếng. Giếng làng do dân làng góp công của xây dựng nên và cùng sử dụng. Mà lạ, chắc không phải vì nghèo mà dùng chung đâu, có làng giàu lắm, nhiều người đỗ đạt nên quan, vậy mà cũng chỉ có vài cái giếng. Phải chăng giếng làng cũng biểu hiện tính tập thể trong cộng đồng làng xóm ở Việt Nam.
Giếng làng là của cả làng nên giếng rộng, đường kính từ năm đến tám mét. Ở vùng trung du, giếng làng – được xây bằng đá ong loại tốt. Đá ong là “đặc sản” của miền trung du sỏi đá, là vật liệu “đắc địa” trong xây dựng, kiến trúc. Đã có rất nhiều đình, chùa, đền, miếu hàng trăm, hàng nghìn tuổi vẫn còn đó được xây cất bằng chất liệu đá ong. Giếng làng miền trung du đất cằn sỏi đá đã ngày đêm cố vắt ra cho người thứ sữa nguyên lành nhất của mình. Có một nhà thơ xứ Đoài đã ví mắt người thiếu nữ như giếng nước thôn làng; giếng làng được đặt ngang với mắt người thiếu nữ, đủ thấy nước giếng thông làng tuyệt vời như thế nào. Giếng nước ở các làng vùng đồng bằng thì được “xây dọc xây ngang” bằng thứ gạch Bát Tràng cỡ lớn màu gan gà, nhưng kể về độ mát và trong thì giếng làng miền trung du hơn hẳn giếng nước vùng thấp. Một người có tiếng là cầu kỳ và lịch lãm như nhà văn Nguyễn Tuân mà đã rất say sưa kể về một cái giếng nước ở miền trung du trong cuốn Vang bóng một thời của mình. Và, cái trang viết ấy đã là một trong những trang hay nhất trong một cuốn sách hay vào bậc nhất của Nguyễn Tuân và văn học Việt Nam hiện đại.
Giếng làng đã để lại nhiều kỷ niệm trong lòng người dân quê Việt Nam. Nếu đình làng là nơi tụ họp và chuyện trò về những việc, những chuyện nghiêm trang hệ trọng của làng ngước (gọi là việc làng), và cũng là nơi tụ tập của riêng đám đàn ông trong làng, thì giếng làng là nơi người ta nói chuyện đời thường, giếng làng lại là xứ sở của các cánh đàn bà, con gái. Bên giếng làng, chị em kháo nhau những chuyện muôn thuở của làng quê: chuyện mẹ chồng nàng dâu, chuyện chồng con, chuyện về một cô gái “khôn ba năm dại một giờ”.
Xung quanh cái giếng làng cũng đã có bao nhiêu chuyện tình ý vị. Xưa, giếng làng tôi có một cái gầu để dùng chung và thế là tự nhiên, tự nhiên thôi cái gầu ấy đã làm nên hò hẹn. Đôi trai gái làng hẹn nhau qua một mối dây gầu. Trai gái muốn hẹn nhau, chiều đi gánh nước ngấm ngầm thắt một nút trên sợi dây gầu, và họ nhận ra tín hiệu. Một mối dây gầu thắt lại, ấy là hò hẹn, là dấu hiệu đêm ấy họ gặp gỡ nhau ở điểm đã hẹn, đêm ấy có một cô gái trốn nhà đi chơi. Mối dây gầu như một thông điệp, như thắt chặt mối tình đôi người yêu mến nhau nơi thôn dã. Mối dây nên vợ nên chồng, nên ông nên bà cả một trăm năm.
Bao năm rồi, giếng làng vẫn còn đấy, “đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt”; giếng làng rêu phong cổ kính chứng kiến bao vui buồn nơi thôn xóm. Bây giờ làng tôi, nhà nào cũng có giếng riêng, bao nhiêu làng quê khác cũng vậy,những kỷ niệm giếng làng thì vẫn còn được người dân quê gìn giữ, trân trọng và kể lại cho con cháu cùng biết.
15/9/1991
NXD
Xem Thêm :TIẾNG LÀNG - Nguyễn Xuân Diện
Ngày xưa làng nào cũng phải có giếng làng
Trả lờiXóa