Thứ Năm, 11 tháng 10, 2018

VÔ NGÔN THÔNG : Thuyết ĐỐN NGỘ (Đỗ Chiêu Đức)

  VÔ NGÔN THÔNG ( 無言通 ), 759?-826, là một vị Thiền sư Trung Quốc, đệ tử của Thiền sư nổi tiếng Bách Trượng Hoài Hải.
         Sư họ Trịnh 鄭, quê ở Quảng Châu 廣州, xuất gia tại chùa Song Lâm 雙林寺, Vụ Châu 務州. Tính tình sư điềm đạm ít nói, nhưng thông minh nên người đời gọi là Vô Ngôn Thông 無言通 (Cảnh Đức Truyền đăng lục ghi là Bất Ngôn Thông 不言通).  
        Một hôm, sư lễ Phật, có một thiền khách hỏi: "Toạ chủ lễ đó là ai?", sư thưa: "Là Phật." Khách liền chỉ tượng Phật hỏi: "Đây là Phật gì?", sư không trả lời được. Đến tối, sư y phục chỉnh tề đến lễ vị khách, vị này chỉ đến Mã Tổ. Sư lên đường đến Mã Đại sư nhưng nghe tin Tổ đã viên tịch bèn đến Bách Trượng. Nhân nghe Bách Trượng trả lời một vị tăng khác là " Nếu giữ bản tâm ta được tịnh không, thì mặt trời trí huệ tự nhiên sẽ chiếu đến " (tâm địa nhược không, huệ nhật tự chiếu 心地若空惠日自照) sư bỗng triệt ngộ ( giác ngộ một cách triệt đễ ). 
         Năm 820 ( Canh Tí ), niên hiệu Nguyên Hoà đời nhà Đường, Sư sang An Nam ở chùa Kiến Sơ làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ở đây mấy năm liền Sư chỉ quay mặt vào vách toạ thiền và không ai biết tông tích của Sư. Vị trụ trì nơi đây là Cảm Thành thầm biết Sư là Cao tăng đắc đạo nên hết sức kính trọng. Sắp sửa tịch, Sư gọi Cảm Thành đến đọc bài kệ này. Đọc xong Sư chắp tay viên tịch. Cảm Thành thiêu lấy hài cốt và xây tháp thờ trên núi Tiên Du. Sư thành lập phái thiền Vô Ngôn Thông, mất năm 826, và phái thiền của sư kéo dài được 17 thế hệ.
          Bài kệ có tên là THỊ TỊCH  示寂  là " Lời bày tỏ trước khi Viên tịch " thuộc Thiền phái VÔ NGÔN THÔNG ( không cần phải dùng lời mà thông suốt tất cả ). Nguyên văn như sau :

       示寂                                 THỊ TỊCH
一切諸法皆從心生       Nhất thiết chư pháp giai tòng tâm sinh,
心無所生法無所住       Tâm vô sở sinh pháp vô sở trụ. 
若達心地所住無礙       Nhược đạt tâm địa sở trụ vô ngại,
非遇上根慎勿輕許       Phi ngộ thượng căn thận vật khinh hứa.

Nghĩa của bài kệ :
     Câu 1. NHẤT THIẾT là Tất cả; CHƯ PHÁP là Mọi ý niệm kể cả thiện ác; GIAI là Đều. TÒNG là từ ... Nên Câu 1 có nghĩa :
     " Tất cả mọi PHÁP đều từ lòng ta sinh ra "
     Câu 2. VÔ SỞ SINH là Không có cái được sinh ra; VÔ SỞ TRỤ là Không có cái được giữ lại. nên Câu 2 có nghĩa :
     " Nếu lòng không có cái gì được sinh ra, thì Pháp cũng không có cái gì để giữ lại " Câu nầy nghe có vẻ " huề vốn ", nhưng chính những cái nghe như đơn giản nhất là những cái mà người ta sơ hốt lơ là nhất mà không buồn nghĩ  đến cái huyền vi của nó : Ta có luôn luôn giữ được cho lòng mình " không có cái gì được sinh ra không ?". Rất khó ! Vì lòng người luôn luôn chuyển động !.
      Câu 3. NHƯỢC là Nếu như; TÂM ĐỊA là Lòng dạ ( chớ không phải " lòng đạt đất " gì gì cả !); SỞ TRỤ là Cái mà được giữ lại; VÔ NGẠI là Không có trở ngại, không có vấn đề rắc rối nào cả. Nên Câu 3 có nghĩa :
      " Nhược bằng lòng dạ đạt đến mức có thể giữ lại được tất cả những cái phát sinh mà không có trở ngại gì cả ".
      Câu 4. PHI là Trừ phi; NGỘ là gặp được; THƯỢNG CĂN là người có căn cơ thượng thừa, ta nói là " Người có căn cơ tốt ". THẬN là Thận trọng, cẩn thận; VẬT là Đừng , là Không nên; KHINH là nhẹ, là khinh suất, là tùy tiện; HỨA là Hứa hẹn, là Đồng ý, là Chấp nhận. Nên Câu 4 có nghĩa :
     " Trừ phi đó là người có căn cơ tốt và phải rất thận trọng không dễ dàng mà chấp nhận cái gì đó hoặc ai đó cả !".

Có nghĩa :
               Vạn pháp đều do lòng sinh ra,
               Lòng không sinh pháp giữ chi mà ?
               Nếu lòng chứa được muôn điều phát,
               Là đấng thượng căn chớ lở qua !

                                            Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

        Thiền phái Vô Ngôn Thông nhấn mạnh thuyết Đốn Ngộ 頓悟, chủ trương con người ai cũng có sẵn Phật tánh, nên đều có thể trong một phút giây nào đó bỗng nhiên giác ngộ, mà khỏi cần đi qua nhiều giai đoạn tiệm tiến tu tập lâu dài. Vô Ngôn Thông, ngay từ buổi đầu tại pháp hội của Bách Trượng, đã nghe một câu hỏi về vấn đề đốn ngộ do một vị thiền giả hỏi Bách Trượng rằng : "Pháp môn đại thừa nào có thể giúp ta đạt được giác ngộ tức khắc" ( 如何是大承頓悟法門?Như hà thị đại thừa đốn ngộ pháp môn?). Chính câu trả lời của Bách Trượng đã làm cho Vô Ngôn Thông bừng tỉnh:" Nếu giữ bản tâm ta được tịnh không, thì mặt trời trí huệ tự nhiên sẽ chiếu đến " (tâm địa nhược không, huệ nhật tự chiếu 心地若空惠日自照). 
        Đốn Ngộ 頓悟 cũng có nghĩa như câu :" Phóng hạ đồ đao lập địa thành Phật 放下屠刀立地成佛, có nghĩa : Buông con dao đồ tể (vừa sát hại sinh linh) xuống, (rồi do một cơ duyên nào đó đưa đến) là có thể thành Phật ngay tức khắc.
        Ở Việt Nam ta, những Thiền sư quan trọng của dòng thiền Vô Ngôn Thông này là Khuông Việt (?-1011), Thông Biện (?-1134), Mãn Giác (?-1096), Minh Không (mất 1141) và Giác Hải. Thế hệ cuối cùng là khoảng cuối thế kỷ 13. Phái Vô Ngôn Thông theo đúng dòng Thiền của Huệ Năng, chủ trương đốn ngộ (giác ngộ nhanh chóng). Các vị thiền sư dòng Vô Ngôn Thông đều có tâm hồn thi sĩ. Riêng thiền sư Không Lộ vừa được cho là thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông, nhưng cũng thuộc thiền phái Thảo Đường.

              Inline image  Image result for 頓悟
      *  Đáp lời thầy Nguyễn Văn Trường hỏi về Đốn Ngộ ...
Thưa Thầy,

       Câu hỏi của Thầy nằm trong Phật Môn Đại Thừa Thiền Tông ĐỐN NGỘ MÔN của Đại Châu Tuệ Hải Thiền Sư lấy TÔNG, CHỈ, THỂ, DỤNG làm lý luận nhập môn. Theo Vấn Đáp sau đây :

问:此顿悟门以何为宗。以何为旨。以何为体。以何为用?
Vấn : Thử Đốn Ngộ Môn dĩ hà vi TÔNG, dĩ hà vi CHỈ, dĩ hà vi THỂ,
         dĩ hà vi DỤNG ?
Hỏi : ĐỐN NGỘ MÔN nầy lấy gì làm TÔNG, lấy gì làm CHỈ, lấy gì
         làm THỂ, lấy gì làm DỤNG ?

答:以無念为宗。妄心不起为旨。以清净为体。以智为用。

Đáp : Dĩ VÔ NIỆM vi TÔNG, VỌNG TÂM BẤT KHỞI vi CHỈ, dĩ
         THANH TỊNH vi THỂ, dĩ TRÍ vi DỤNG.
Đáp : Lấy VÔ NIỆM làm TÔNG, VỌNG TÂM BẤT KHỞI làm CHỈ, lấy THANH TỊNH làm THỂ, lấy TRÍ làm DỤNG.

       Bây giờ thì ta tìm hiểu từng Từ, từng Vế một :

    1. Lấy VÔ NIỆM làn TÔNG :
        TÔNG 宗 còn được đọc là TÔN, là cái Ý Đồ, cái Mục Đích mà ta nhắm tới, là cái Tôn Chỉ.
        VÔ NIỆM 無念 là không còn ý niệm, tạp niệm,không còn những suy nghĩ vẩn vơ. Nên ...
       " Lấy VÔ NIỆM làm TÔNG " là " Giữ lòng cho không còn những tạp niệm vẩn vơ khác mà chỉ hướng tới mục tiêu chính ( TÔNG ) mà thôi.

    2. VỌNG TÂM BẤT KHỞI làm CHỈ :
        CHỈ 旨  là Chiếu Chỉ, là Chỉ Thị, ở đây có nghĩa là Cách Thực Hiện, Cách Làm.
        VỌNG TÂM 妄心 là cái Lòng suy nghĩ vượt qúa lẽ thường, đòi hỏi, yêu cầu qúa đáng. BẤT KHỞI là Không trổi dậy. Nên ...
       "VỌNG TÂM BẤT KHỞI làm CHỈ " là Khi Thực Hiện tu tập phải giữ sao cho cái Vọng Tâm đừng có trổi dậy.

   3. Lấy THANH TỊNH làm THỂ :
       THỂ là cái Bản Thể, là cái Thực Thể Vốn Có của con người, đó chính là Phật Tánh của mỗi người.
      THANH TỊNH 清净 THANH là Trong, TỊNH là Sạch, là Yên Lành. THANH TỊNH là Rất Trong Sạch An Lành, không chút vẩn đục nào cả ! Nên ...
     " Lấy THANH TỊNH làn THỂ " là  giữ cho cái Bản Thể, Cái Phật Tánh vốn có luôn luôn trong sạch không chút vẩn đục nào cả !.

    4. Lấy TRÍ làm DỤNG :
        DỤNG 用 là Dùng, ở đây là Cái Trí Tuệ, cái Bát Nhã mà ta có được.
        TRÍ 智  là Trí Tuệ, là Trí lực. Nên ...
       " Lấy TRÍ làm DỤNG " là Những cái Trí Tuệ có được do cái Tâm Thanh Tịnh tác dụng sinh ra chớ không phải do Vọng Tưởng sinh ra.

       Nói tóm lại :

       ĐỐN NGỘ lấy TÔNG, CHỈ, THỂ, DỤNG làm lý luận nhập môn cũng giống như là ta muốn xây một Căn Nhà vậy :

     1. TÔNG là Cái Ý Định, Cái Mục Tiêu là XÂY 1 CĂN NHÀ. ( Lấy
         Vô Niệm làm TÔNG là Xây nhà thì chỉ lo xây nhà thôi đừng
         nghĩ đến xây ... cái khác nữa ! ).
     2. CHỈ là Cái Bản Vẽ chỉ CÁCH XÂY CĂN NHÀ. ( lấy Vọng Tâm
         Vô Khởi làm CHỈ là đừng nổi hứng sảng đổi cách xây nhà
         cho khác thường thì coi chừng nhà sẽ bị ...xập!).
     3. THỂ là Gạch Ngói Vật liệu vốn có để XÂY NHÀ. ( Lấy Thanh
          Tịnh làm THỂ là dùng vật liệu vốn có để xây nhà chớ khỏi
          phải tìm đâu xa nữa !).
     4. DỤNG là Công dụng của CĂN NHÀ khi đã xây xong. ( lấy TRÍ
         làm DỤNG là Tiện nghi của căn nhà như cái Trí tuệ được
         sinh ra từ tác dụng của sự tu tập vậy !).

      Thưa Thầy,
             Trên đây chỉ là Ví dụ ngô nghê của em, so sánh tạm cho dễ hiểu, chớ lý luận Phật Môn về Đốn Ngộ rất cao siêu, càng dùng từ cầu kỳ thì lại càng dễ làm " rối loạn " tư duy và càng dễ " Tẩu hỏa nhập ma " hơn.
             Mong Thầy châm chước mà hiểu cho !
                                                                    Nay kính,
                                                       Đỗ Chiêu Đức  

              Image result for 頓悟  Inline image
* Thêm một nhận xét khác

Kính anh Đỗ Chiêu Đức,
Cám ơn anh đã cho đọc một bài viết rất công phu về Thiền Sư Vô Ngôn Thông.
Có một chi tiết nhỏ xin được góp ý về bài thơ được cho là của Sư. Thực ra là Sư dùng lại bài kệ của Nam Nhạc Hoài Nhượng, pháp từ của Lục Tổ Huệ Năng, và chỉ đổi có 1 chữ ở câu 1 và 4 chữ ở câu cuối.
Nguyên văn bài của Nam Nhạc Hoài Nhượng :
一切法 皆從心生。
心無所生,法無所住。
若達心地,所作無礙。
非遇上根,宜慎辭哉!
Bài này được ghi trong Chỉ Nguyệt Lục
(Xin xem nguyên tác tại:  
)
Bài này được ghi lại trong Ngũ Đăng Toàn Thư.
(Xin xem nguyên tác tại:
)
Bài cũng được Thiền Sư Thích Thanh Từ trích và dịch  trong cuốn "Trung Hoa Chư Thiền Đức Hành Trạng" như sau:
Tất cả các pháp đều từ tâm sanh, tâm không chỗ sanh, pháp không thể trụ. Nếu đạt tâm địa việc làm không ngại, không phải thượng căn dè dặt chớ nói. (Nhất thiết chư pháp giai tùng tâm sanh, tâm vô sở sanh, pháp vô sở trụ. Nhược đạt tâm địa sở tác vô ngại, phi ngộ thượng căn nghi thận từ tai.)
(Xin xem bài của Thiền Sư Thích Thanh Từ tại đây:
    
Một lần nữa, cám ơn anh Đỗ Chiêu Đức rất nhiều.
Kính,
TranvanLuong (tranvluong@gmail.com)

1 nhận xét:

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...