Thứ Ba, 23 tháng 10, 2018

Trại chó - Chuyện Ngắn của Đỗ Trường


Năm đó, cái rét dường như đến sớm. Trời mới sang thu mà lạnh đến bất ngờ. Tuy vậy, đầu tuần đường phố vẫn nhộn nhịp những bước chân. Chuẩn bị cho hàng quán xong, tôi ngồi đọc báo, và nhâm nhi ly cà phê sáng. Bất chợt, có tiếng chân người đuổi nhau, la hét, chạy vòng ra đằng sau phía Kaufhalle (chợ). Chắc chắn là mấy gã bán thuốc lá, băng nhạc lậu bị thuế vụ, hải quan đuổi bắt. Chuyện thường xảy ra ở huyện, nên tôi bình tâm ngồi uống tiếp. Lúc sau, có một người đàn ông bước vào quán, cười cười, rút thẻ Hải quan công vụ chìa trước mặt: Chúng tôi liên ngành công an, hải quan, thuế vụ vừa bắt được một người đồng hương của ông bán thuốc lá và băng đĩa lậu. Nhưng anh ta không nói được tiếng Đức. Do vậy, chúng tôi cần sự giúp đỡ của ông.
Tôi từ chối, bởi đang phải làm việc. Người hải quan năn nỉ, không mất nhiều thời gian của ông đâu. Và chúng tôi sẽ trả tiền sòng phẳng cho thời gian ông trợ giúp. Tôi đành phải đứng dậy, bỏ dở cốc cà phê.
Hắn nằm nghiêng dưới đất, hai tay bị bẻ ngoặt ra phía sau, thít chặt bằng sợi dây nhựa. Loại dây chuyên dùng trong xây dựng, càng cựa quậy càng thít chặt. Bởi vậy, hai cổ tay hắn hằn lên những vệt máu đỏ thâm. Mặt trắng bệch ra, lúc này, nhìn hắn cứ như chú cầy tơ chuẩn bị mang đi cân hơi, chọc tiết, thui với riềng mẻ, mắm tôm vậy. Khi tôi đến, người ta dựng hắn đứng dậy. Một khuôn mặt lạ, lần đầu tôi gặp. Có lẽ, hắn đến từ Nga, Tiệp hoặc Balan… và mới hành nghề.
Dù đã cầm thẻ tị nạn trên tay, với cái tên Trương Anh Tử cùng ngày tháng năm sinh đã được ghi ở đó, song người thuế vụ vẫn hỏi lại rất kỹ, khi lập biên bản… Người thuế vụ viết xong, đưa cho tôi bảo, đọc cho hắn nghe. Viên cảnh sát đứng cạnh cắt dây trói, và hỏi hắn đồng ý thì ký vào biên bản. Tử đưa mắt về phía tôi, dường như muốn hỏi… Biết chắc chắn mấy ông hải quan thuế vụ này không mang theo máy ghi âm, tôi nói nhanh với hắn: Ông nên ký, họ sẽ thả ngay. Nhưng sau chữ ký, nên viết thật láu ở dưới: Tôi không đồng ý, thay cho tên họ Trương Anh Tử. Tuy băn khoăn, ngơ ngác, song hắn vẫn ký và viết như ý tôi. Khi Tử ký xong, viên hải quan bảo tôi, đưa tên tuổi, địa chỉ để người thuế vụ viết vào biên bản, sau này làm hóa đơn trả tiền cho thời gian phiên dịch. Tôi trả lời, không cần ghi. Bởi, tôi không phải là phiên dịch, và không nhận khoản tiền đó. Rồi tôi bỏ đi ngay.
Lúc sau, tôi đang làm việc, Tử đến với dáng hình bơ phờ, đầy lo âu. Bởi, vụ này đưa ra tòa sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chiếc đơn xin tị nạn chính trị của hắn. Tôi an ủi, ông đã phủ nhận bán hàng trốn thuế, và số thuốc thuốc lá, băng đĩa đó cũng không phải của mình, bằng thủ thuật bất ngờ khi nãy. Ngay lúc đó, không một hải quan, thuế vụ nào nghĩ đến chiêu trò này, bởi họ hoàn toàn không đọc được tiếng Việt. Với hàng chữ, tôi không đồng ý ấy, dù bằng tiếng Việt trong biên bản, song nó là cơ sở để cho luật sư bác bỏ lời buộc tội của hải quan, thuế vụ, nếu phải ra tòa. Hơn nữa, người xử lý tiếp vụ việc, không phải là người bắt ông, mà là những người khác, làm việc ở văn phòng. Do vậy, sự việc sẽ nhẹ đi rất nhiều. Tôi tin hải quan, thuế vụ sẽ đóng hồ sơ lại, không thể truy tố ông ra tòa.
Nghe tôi an ủi và giải thích, hắn vâng dạ, cảm ơn rối rít, song khuôn mặt vẫn còn hằn sâu nét căng thẳng, lo âu.
Quả thực, chỉ vài tháng sau, qua điện thoại, thư tín, luật sư xã hội của Trương Anh Tử đã giải thích, và bác bỏ, hải quan không thể truy tố hắn ra tòa. Họ buộc phải đóng hồ sơ lại. Hắn mừng lắm, đến thông báo cho tôi ngay. Kể từ đó, có vẻ tin tưởng vào những trò lưu manh vặt của tôi, nên có việc quái gì hắn cũng đến hỏi. Lúc đó, tôi mới biết hắn nguyên là học sinh Violon của Nhạc viện Hà Nội và Nga Xô, mới chuồn sang Đức, cùng gốc gác Nam Định.
Thời gian sau bán thuốc lá lậu rất khó khăn, bởi sự kiểm tra liên ngành ráo riết hơn. Trương Anh Tử và bạn bè phải liên kết thành một nhóm. Người bán, kẻ canh chừng hải quan, thuế vụ. Thuốc lá bán trong ngày phải mang giấu ở những bụi cây, cống rãnh từ đêm hôm trước. Tuy nhiên, số thuốc lá này, sáng sớm hay bị chó đi đái, ỉa bậy sục thấy. Và chủ chó lấy mất hết. Có điều lạ, lần nào cũng vậy, nếu Tử mang giấu, thì không bao giờ mất. Không những thế, dần dần mọi người còn khám phá ra một điều thú vị, từ chó bé đến chó lớn, chó cảnh hay becgie chiến đấu cứ nhìn thấy, hoặc ngửi hơi người Tử là sợ hãi, trốn chạy. Dù Tử chẳng làm gì cả, mà có khi hắn còn rất yêu chó là đằng khác. Chẳng vậy, có lần hắn bảo, sau này có điều kiện chắc chắn sẽ xây một trại chó. Điều kỳ lạ này, gần đây, được Tâm sáo, cũng là học sinh Nhạc viện Hà Nội, bạn cùng thời bán thuốc lá, và biết rất rõ về gia đình Trương Anh Tử, nhân một lần nhắc lại chuyện cũ, hắn mới kể:
Gia đình họ Trương sống lâu đời ở cửa sông vùng biển Nam Định. Nơi tụ tập thuyền bè, và các tay anh chị giang hồ. Do vậy, nhu cầu ăn nhậu, cờ bạc diễn ra và kéo dài quanh năm. Không biết, cái nghề giết, mổ chó nó vận vào họ Trương từ khi nào. Song đến đời cụ nội, và ông nội của Tử người ta cứ quen gọi liền tên tục với nghề: Bảy chó, Tám chó. Cụ Tám chó có khí vía rất đặc biệt. Chó dữ, dù có đang lên cơn điên, Tám chó chỉ cần hắng giọng một phát, y rằng ngoan ngoãn đứng khự lại, tự động chui cổ vào cái thòng lọng trên tay của cụ. Người ta bảo, Tám chó là chúa của các loại chó, không biết đúng sai thế nào. Nhưng có một điều u uất, đàn bà, con gái họ gia đình họ Trương này phải gánh nặng cái nghiệp sát sinh. Từ lúc sinh ra, họ đã mang hình thù, tính khí rất cổ quái, nên đều trở thành những bà cô trong họ. Nỗi u buồn đó dường như đi qua nhiều đời. Cũng may, đến đời Chín chó, cha của Tử, đã phá ngang. Ông tự đổi tên thành Trương Ngọc Lĩnh, rồi đi theo Phường bát âm. Và chính cái nghề này đã đưa Trương Ngọc Lĩnh về Hà Nội, đến với trung ương. Bằng không, Tử sẽ mang cái tên nối nghiệp: Mười chó là cái chắc. Tuy nhiên, dù có chuyển chỗ, đổi nghề, thì cái khí vía của gia đình họ Trương vẫn còn nặng lắm…
Ấy vậy, sang đến Đức rồi, không ngờ, khí vía gia truyền đó lại giúp được Trương Anh Tử trong hoàn cảnh bi đát này. Hắn được cử làm nhiệm vụ giấu thuốc đêm, canh chừng ban ngày. Bảo đảm, bố thằng chó, con chó nào dám bén bảng đến. Công việc này nhẹ nhàng, đỡ nguy hiểm hơn trực tiếp đứng bán.
Từ đó, có chút tiền, đâm ra ngứa ngáy, Tử cùng mấy ông bạn thuốc lá, lập ra ban nhạc Freude. Tuy nhiên, ban nhạc của hắn chỉ tập, chơi với nhau cho đỡ nghiền thôi. Chứ người Đức không ai nghe cái thứ nhạc sên sến của hắn. Còn người Việt, đang tranh tối, tranh sáng mải húc kiếm tiền, còn thời gian nào dành cho cái thứ được cho vô bổ, không có cũng chẳng chết ấy.
Đúng lúc rỗng túi, Tử và bạn bè lần lượt nhận được giấy bác đơn tị nạn. Lệnh trục xuất bắt đầu có hiệu lực. Thằng nào thằng đấy lo thọt dái lên cổ. Con đường duy nhất phải có được một đứa con với người Đức. Hoặc phải kết hôn cho nhanh, dù em người Đức này có nghiện ngập, cùi đui, mẻ sứt… hoặc gì gì đi chăng nữa. Kiểu gì cũng chơi tuốt, Tử dằn mình như vậy. Nhưng cái khó cho hắn là ngôn ngữ, và rỗng túi. Thế rồi, giời cũng không tiệt đường sống của hắn. Qua đi, qua lại, người nọ giới thiệu người kia, hắn kiếm được một em cũng cho là tạm được. Cái gì phải diễn tả bằng tay, bằng chân để hiểu nhau, chứ cái khoản ấy thì Á, Âu, trắng vàng chẳng cần đến thứ ngôn ngữ nào cũng hiểu nhau ngay. Cày thật lực, thế là một mầm sống ra đời, hắn thở phào nhẹ nhõm.
Tuy tạm thời được ở lại Đức, nhưng con đường phía trước của Tử rất mịt mù. Thời gian sau, Mỹ bỏ cấm vận, đầu tư ồ ạt đổ vào Việt Nam. Song chính trị vẫn độc diễn, dẫn đến mọi giá trị xã hội bị đảo lộn tùng phèo. Sự nhộn nhạo ấy chính là cửa mở cho những những kẻ cơ hội, và có tham vọng.
Nhận ra điều đó, Tử quyết định trở về tắm lại ao nhà. Trong cái dở, lại đẻ ra cái may cho Tử. Trước tòa, hắn được quyền nuôi con và đưa về Việt Nam, bởi người đàn bà Đức lật khật, không có khả năng nuôi dưỡng.
Với cái chân rết của ông bố và sự giúp đỡ, bảo trợ của Phường bát âm, một thời gian ngắn Tử đã có vị trí khá vững chắc trong giới âm nhạc mì ăn liền. Cùng đó, Tử được bố giới thiệu, làm quen với gia đình họ Đậu. Họ Đậu cùng đồng hương Nam Định. Cũng như họ Trương, họ Đậu đã trải qua nhiều đời làm nghề chọc tiết lợn nơi bến sông. Rồi cùng giải nghệ, chuồn về Hà Nội đấu thầu xây dựng, song đàn ông trong gia đình họ Đậu này thường vắn số. Họ Đậu có cô con gái thứ tên Lĩnh Mi mới bước chân vào nghiệp hát. Cô này có chất giọng, nhưng có lẽ, do di truyền, hay ám ảnh từ cái nghề sát sinh, nên hay mắc phải âm lỗi rất ngớ ngẩn trước công chúng. Nhiều khán giả của cô kể, trên sân khấu có lúc nhìn Lĩnh Mi rất đẹp, và đôi khi khuôn mặt biến dạng một cách kỳ quái, trông giống như học trò của thày Đường Tăng, trên đường thỉnh kinh vậy. Điều này, thật khó lý giải. Có lẽ, luật nhân quả, hay do ảo ảnh của tâm lý chăng?
Trương Anh Tử không chỉ kết hợp với Lĩnh Mi về mặt tình cảm, mà những chương trình ca nhạc mì ăn liền làm chung cũng rất nổi đình đám. Tiền bạc cứ vô đều đều. Làm cho dáng đi, giọng nói của vợ chồng Trương Anh Tử kỳ này mạnh bạo và dõng dạc lắm. Mới đầu nghe Tâm sáo từ Việt Nam sang kể, tôi cũng chưa tin cho lắm. Nhưng khi Tử gọi điện, qua trường độ nặng nhẹ hơi thở của giọng nói, tôi mới tin hắn đang lúc phát lộc thật.
Mấy năm gần đây, nghe nói vợ chồng Trương Anh Tử, Đậu Lĩnh Mi kiếm được mảnh rừng cách không xa trung tâm thành phố. Mua hay chiếm, hoặc phá rừng ở một xã hội khi tiền, và quyền thay cho luật pháp, thì không có gì đáng phải ngạc nhiên cả. Nhưng điều vợ chồng Trương Anh Tử, Đậu Lĩnh Mi bộc phát căn bệnh gia truyền cùng một lúc làm tôi giật mình. Ngay sau đó, tôi liên lạc, nói chuyện với Tử qua FB thì qủa thật, cái tính trưởng giả của vợ chồng hắn đã đến mức vô cảm. Đây quả thực là căn bệnh khó có thể chữa, nếu không đưa vào trại. Và để kết thúc cuộc đàm thoại tẻ nhạt ấy, tôi hỏi Tử cho lấy lệ, ước mơ xây dựng trại chó của ông đã đến đâu rồi. Hắn vồn vã đáp, em đã và đang tiếp tục xây anh ạ… Đặt máy xuống, tôi cứ vẩn vơ nghĩ: Không biết, hắn đã nuôi cái thứ gì ở trong cái trại ấy.
Leipzig ngày 17-10-2014
Đỗ Trường

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...