Thứ Năm, 11 tháng 10, 2018

Nguyễn Xuân Diện: VỀ NGÔI NHÀ CỔ Ở ĐƯỜNG LÂM



Nguyễn Xuân Diện

Thật xúc động! Thật tự hào! Cảm tạ tổ tiên đã để lại cho con cháu nếp nhà này. Và bác trưởng vẫn còn gìn giữ từ vật chất đến tinh thần của ngôi nhà dù biết bao gạ gẫm, cám dỗ nhưng không làm bác thay đổi. Đây là ngôi nhà bác trưởng họ, nơi thờ cúng tổ tiên của Nguyễn Xuân Diện.

Ngôi nhà qua nhiều lần thay các cấu kiện. Nhưng khi khởi dựng, lúc khánh thành có thực hiện 1 lễ cầu an, do Pháp sư cúng, và toàn bộ bài văn chữ Hán cúng cầu an được viết lên một tấm gỗ, hiện vẫn còn. Vì vậy, nếu lấy thời gian khởi dựng và khung nhà thì có thể nói ngôi nhà này có tuổi đời khoảng 324 năm (1694 - 2018).

Ngay từ 2003, tôi đã dặn bác trưởng Nguyễn Văn Hùng gìn giữ ngôi nhà này nguyên bản. Tôi còn đề nghị bác sưu tầm các vật dụng xưa (cối đá, cày bừa, quạt hòm, lờ, rập, bẫy cò, gàu sòng, gầu giai, đó, lờ, chũm....) để tiến tới làm một bảo tàng nông cụ cho khách thăm (khi ấy làng cổ chưa được xếp hạng). Việc này chưa thực hiện được.

Cuối năm 2007 sang Tết 2008, Đài TH Hà Tây lên vào lúc chập tối 30 Tết, đưa ít tiền đòi quay cảnh cúng giao thừa ở căn nhà này, để về kịp phát giao thừa. Bác Trưởng họ Nguyễn Văn Hùng bảo: Xin các anh đợi đến giao thừa rồi ở đây uống rượu với gia đình. Chứ chúng tôi chỉ cúng giao thừa vào đúng giao thừa, chứ có đưa tôi bao nhiêu tiền tôi cũng không cúng bây giờ. Làm thế phải tội với tổ tiên chúng tôi. Thế là họ đành quay cảnh luộc gà, chuẩn bị mâm cỗ rồi về.

Rất nhiều công ty du lịch đặt vấn đề muốn đầu tư để có vài phòng trọ cho khách tây trong khuôn viên ngôi nhà, nhưng bác trưởng tôi cũng không đồng ý.
_______________________

Ngôi nhà cổ gần 400 tuổi trả tiền tỷ không bán ở Hà Nội
 

VietNamnet
09/10/2018 05:30 GMT+7

Ngôi nhà gần 400 năm của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng (51 tuổi, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) đã qua 12 đời sinh sống. Trải qua nắng mưa, ngôi nhà vẫn giữ được nét đẹp cổ kính.

Làng cổ Đường Lâm cách trung tâm Hà Nội khoảng 47 km. Tại đây có nhiều nhà vườn độc đáo được xây dựng bằng đá ong nguyên bản và gỗ có tuổi đời lên đến 300, 400 năm.


Căn nhà cổ bằng gỗ có tuổi đời gần 400 năm thuộc sở hữu của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng (51 tuổi, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Gia đình ông Hùng là thế hệ thứ 12 sinh sống tại đây.



Cổng nhà được xây bằng đá ong. Ông Hùng cho biết: "Khi làm nhà, đàn ông trong mỗi gia đình thường đi đào những tảng đá ong nằm sâu dưới lòng đất, về cắt xén thành bản vuông xếp chồng lên nhau, sau đó lấy bã trấu, bùn để tạo chất kết dính".


Ngôi nhà chính được kết cấu theo kiểu 5 gian 2 dĩ. 3 gian giữa là nơi để thờ cúng tổ tiên, bên cạnh bài trí bộ trường kỷ dùng để tiếp khách. 2 gian bên cạnh dùng làm phòng để ngủ. 



Hệ thống cửa chính ngôi nhà được thiết kế để tháo ra vào dễ dàng. Gia chủ cho thiết kế như vậy để phòng khi nhà có việc lớn (cỗ tiệc hiếu, hỉ, giỗ, khao thọ…) thì có thể tháo ra đặt xuống đất thay chiếu và tạo cảm giác thông thoáng trong nhà.


Theo ông Hùng, nhờ hệ thống cửa chính và cửa sổ thoáng đãng, dù trời nắng nhưng trong nhà rất mát mẻ.




Hệ thống vì, kèo bằng gỗ được chạm trổ hoa văn rồng tinh xảo.


Bên trong căn nhà bài trí nhiều đồ cổ có giá trị về mặt văn hóa, niên đại như: bình sứ, bát sứ, mâm đồng 3 chân...
  

Chiếc mâm 3 chân, có niên đại hơn 3 thế kỷ. Thời đó, chiếc mâm này chỉ nhà khá giả mới có điều kiện dùng.


Ngôi nhà còn lưu giữ một chiếc mâm gỗ cổ.


Bộ tràng kỷ, tủ chè cổ vẫn được gìn giữ như cách đây hàng trăm năm.


Trước đây chiếc chạn bát này được kê dưới bếp nhưng hiện nay gia chủ đặt trong nhà chính cho du khách tiện tham quan.


Gian bếp của khu nhà vườn treo những chiếc đó và nơm bắt cá. Đây là nét đặc trưng của khu vực đồng bằng Bắc Bộ.


Khoảng sân rộng rãi, lát gạch để vui chơi. Gia chủ còn đặt một chiếc bàn gỗ lấy chỗ uống nước và những chiếc chum vại chứa nước mưa.

Trải qua bao mưa nắng và những thăng trầm của thời gian, đến nay một số hạng mục của ngôi nhà đã xuống cấp nhưng gia đình ông Hùng không vội tháo dỡ, thay mới, mà dùng biện pháp chống đỡ tạm, giữ lại đúng nguyên trạng khung nhà, cột kèo...


Ông Hùng cho biết: "Ngôi nhà là một phần giá trị truyền thống mà cha ông đã để lại, con cháu không nỡ tháo bỏ hoặc xây mới...”. Vào năm 2008 ngôi nhà được Ban quản lý Làng cổ Đường Lâm tiến hành đo đạc và thẩm định trùng tu ngôi nhà, tổ chức Jica và Sở Văn hóa đã đứng ra bảo tồn và phục chế tôn tạo ngôi nhà.



Cũng theo ông Hùng, trước khi được công nhận là di sản văn hóa cần được bảo tồn, một số khách ở xa đã tìm về hỏi mua toàn bộ khu nhà với giá hơn 1 tỷ nhưng gia đình kiên quyết không bán. 


Hạnh Nguyên - Minh Anh

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...