Thứ Tư, 24 tháng 10, 2018

Nhà Thơ TTKh Là Ai ?

   
                             T.T.Kh là ai?
       Những ai yêu thơ, nhứt là loại thơ tình lãng mạn, cũng đều đã đọc qua những bài thơ nổi tiếng của thi sĩ mang bút danh T.T.Kh.
       Nhưng T.T.Kh là ai?
       Sau một thời gian dài tìm hiểu và truy tầm tung tích, qua nhiều chứng cứ, người ta đã tiên đoán và tìm ra được bí mật của thi sĩ lãng mạn T.T.Kh nầy, lần lần cũng tạm gọi là khá chính xác. Theo đó xin trình bày lần lượt như sau:
       T.T.Kh lúc đầu được xem là bút hiệu của một nhà thơ đã từng ẩn danh trong phong trào Thơ mới (19301945), tên thật là Trần Thị Khánh. Bà là tác giả bài "Hai sắc hoa Ti-gôn" nổi tiếng nhất.
      Vào khoãng tháng 7 năm 1937, tuần báo Tiểu thuyết thứ BảyHà Nội có đăng truyện ngắn "Hoa Ti gôn"của nhà văn Thanh Châu. Khoãng 2 tháng sau, thì "Tòa soạn nhận được một phong bì dán kín do một thiếu phụ trạc 20 tuổi, dáng bé nhỏ, thùy mị, nét mặt u buồn mang đến gửi cho chủ bút tờ báo trên, trong ấy chỉ vỏn vẹn có bài thơ “Hai sắc hoa ti gôn”, dưới ký tên tác giả là T.T.Kh...Có thể nói đây là lần duy nhất người thiếu phụ ấy xuất hiện".... Trong bài thơ đó có những câu sau:
...Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời,
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi.
Mà từng thu chết, từng thu chết,
Vẫn giấu trong tim bóng một người...  
      Bà Trần Thị Khánh chính là người yêu của nhà thơ trẻ Thâm Tâm. Hai người yêu nhau, lúc đó bà 17 tuổi; còn Thâm Tâm 19. Nhưng biết không lấy được nhau, cả hai hẹn giữ kín mối tình, để đỡ phiền đến gia đình của nhau sau này.   
      T.T.Kh chỉ đăng trên tờ Tiểu thuyết thứ Bảy có 3 bài thơ, đó là: "Hai sắc hoa Ti-gôn" (đăng ngày 23 tháng 9 năm 1937). Bà Trần Thị Khánh đọc Tiểu thuyết thứ bảy in truyện ngắn Hoa ti-gôn của Thanh Châu (số tháng 9-1937) xúc động, tự thổ lộ câu chuyện riêng bằng bài thơ Hai sắc hoa ti-gôn.
      Rồi "Bài thơ thứ nhất" (đăng ngày 23 tháng 11 năm 1937). Bài thơ “Hai sắc hoa Ti-gôn” in ra gây xôn xao trong làng văn chương như ông Hoài Thanh ghi nhận. Tiếp đó để giải thích lý do viết bài Hai sắc hoa ti-gôn, T.T.Kh. gửi đến Tiểu thuyết thứ bảy một bài nữa, với tiêu đề là Bài thơ thứ nhất và viết tặng riêng Thâm Tâm về bài thơ Đan áo.
      Rồi "Bài thơ cuối cùng" (đăng ngày 30 tháng 10 năm 1938). Ông Thâm Tâm hồi ấy còn trẻ, với tính hiếu thắng của tuổi trẻ, ông đã gửi báo Phụ nữ đăng bài thơ Đan áo để minh chứng với thiên hạ rằng T.T.Kh chính là người yêu của mình. Tất nhiên vì không có sự đồng ý của T.T.Kh. và thế là T.T.Kh đã giận ông Thâm Tâm, cô viết bài thơ lấy tiêu đề “Bài thơ cuối cùng” gửi đăng ở Tiểu Thuyết Thứ Bảy, có vẻ vừa hờn vừa giận đầy yêu thương, và cũng từ đấy tên tuổi T.T.Kh "tắt lịm" trên thi đàn mãi cho đến ngày nay.
      Một tài liệu mới đây có ghi lại: Câu chuyện bắt đầu cách đây 70 năm, ngày 27/9/1937 trên tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy, số 174 xuất bản tại Hà Nội, có đăng truyện ngắn Hoa ti gôn của Thanh Châu, nội dung kể lại mối tình tan vỡ của đôi trai gái ngày trước đã hò hẹn dưới giàn hoa ti gôn. Ít lâu sau, có người đàn bà trẻ, dáng dấp bé nhỏ, nét mắt u buồn, mang đến tòa soạn Tiểu Thuyết Thứ Bẩy một phong bì dán kín, gửi cho ông chủ bút, trong có bài thơ Hai sắc hoa ti gôn, ký tên TTKh. Bài thơ Hai sắc hoa ti gôn được đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bẩy số 179, ra ngày 30/10/1937, và sau đó còn ba bài nữa cũng ký tên TTKh được gửi bằng đường bưu điện đến tòa soạn:  
- Bài thơ thứ nhất, Tiểu Thuyết Thứ Bảy số 182 (20/11/1937).
- Đan áo cho chồng, đăng trên Phụ Nữ Thời Đàm.
- Bài thơ cuối cùng, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, số 217 (23/7/1938).
      Ngay khi Hai sắc hoa ti gôn ra đời, giới văn nghệ sĩ đã xôn xao, thi sĩ J. Leiba, người cùng tâm sự với TTKh và là tác giả hai câu thơ nổi tiếng "Người đẹp vẫn thường hay chết yểu. Thi nhân đầu bạc sớm hơn ai", chép lại nguyên văn bài Hai sắc hoa ti gôn trên Ngọ Báo với lời mở đầu: 
Anh chép bài thơ tự trái tim,
Của người thiếu phụ lỡ làng duyên.
Lời thơ tuyệt vọng ca đau khổ,
Yên ủi anh và để tặng em.
       Nhà thơ Nguyễn Bính sau khi đọc Bài thơ thứ nhất đã viết bài Dòng dư lệ để tặng TTKh, in lại trong tập Lỡ bước sang ngang và Thâm Tâm cũng có ba bài Màu máu ti gôn, Dang dở Gửi TTKh, và nhiều thế hệ sau còn có những bài thơ khác nữa cũng sụt sùi thương cảm cho số phận của nàng TTKh.
       Được biết sau nầy, người quen biết bà Trần thị Khánh (T.T.Kh?) có nói là bà Khánh về sống âm thầm với gia đình ở tỉnh Thanh Hóa, không biết bây giờ bà còn hay mất. Nếu nay còn, bà có lẽ đã trên 95 tuổi rồi vì năm 1937 bà đã 17 tuổi.
Ngôn từ mới “Người ấy là ai?”. 
       Trong văn xuôi Việt Nam, hai chữ “người ấy đã được Nguyễn Trọng Quản dùng để chỉ “người tình” trong truyện ngắn Thày Lazaro Phiền từ 1887. Vậy Nguyễn Trọng Quản là người đầu tiên đưa danh từ Người ấy vào trong văn Việt. Và Thanh Châu xướng lên hình ảnh Hoa ti gôn trong truyện ngắn đăng trước bài thơ của TTKh một tháng, trên Tiểu Thuyết Thứ Bẩy. 
      Nhưng tác giã TTKh là người đầu tiên sử dụng hai chữ "người ấy" và hình ảnh "Hoa ti gôn" vào thơ, như một hình tượng nghệ thuật mơ hồ và phiếm định về người tình và cuộc tình tan vỡ. Về mặt tâm lý xã hội, người đàn bà có chồng những năm 1936 - 1937, mấy ai dám nói đến người tình một cách công khai? TTKh đã viết nên những lời tâm sự của bao nhiêu người đàn bà cùng cảnh ngộ ngang trái, sống trong xã hội Khổng Mạnh đầu thế kỷ:
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời,
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi.
Mà từng thu chết, từng thu chết,
Vẫn giấu trong tim bóng "một người".
      Nhậy báo Sống tại thành phố Sài gòn số ra ngày 15/4/1967, ông Nguyễn Tố, xác định đã từng sống chung với nhà thơ Thâm Tâm năm 1936, cùng với Trần Huyền Trân, Vũ Trọng Can. Ông cho biết: Thâm Tâm có mấy bài thơ ký tên TTKh như bài Hai sắc hoa ti gôn. Lúc đó Trần thị Khánh là người mà Thâm Tâm yêu say đắm. Lúc cô Khánh đi lấy chồng, Thâm Tâm đau khổ gần như phát điên. Lũ chúng tôi vừa giễu cợt, vừa khuyên lơn. Chính trong thời gian thất tình, Thâm Tâm viết được mấy bài thơ ký tên ẩn danh là TTKh, ngầm ý viết tắt lấy tên của Trần thị Khánh, để nhớ về người yêu của ông.
      Nhưng ngược lại, trong báo Nhân Loại, bộ mới số 108 ra tháng 7 năm 1958 cũng tại Sàigòn, ông Anh Đào lại đưa ra một giai thoại mới trong giai thoại này. Theo ông, cũng nói do “chính Thâm Tâm” kể lại. Ông Anh Đào nói rằng: Năm 1941, trong một đêm thu lạnh lẽo, ông được ngồi giữa hai nhà thơ Nguyễn Bính và Thâm Tâm bên một bàn đèn thuốc phiện và chính ông được nghe Thâm Tâm tâm sự. Thâm Tâm nói rằng: “TTKh là tên một thiếu phụ mà trước kia tôi yêu”. Và Thâm Tâm xác định những bài thơ đăng trên báo là của nàng, và ông Anh Đào kết luận rằng Thâm Tâm xứng đáng là "người ấy" của TTKh. 
       Cuối cùng, mãi đến năm 1969, ở miền Nam, thi sĩ kiêm văn sĩ Nguyễn Vỹ -vốn là người đã ra làm báo trước 1945 ở Hà Nội- là bạn của Thâm Tâm, đã viết đến 15 trang (từ trang 253 đến trang 267) trong “Văn-Thi-sĩ tiền chiến” (Nxb Khai Trí -1969) kể lại khá tỉ mỉ một chuyện tình: Khoảng tháng 2/1936, lúc bấy giờ Thâm Tâm là thi sĩ kiêm họa sĩ (họa sĩ Nguyễn Tuấn Trình), mới 19 tuổi làm quen với cô gái tên Trần Thị Khánh 17 tuổi, nhà ở phố Sinh Từ, Hà Nội nơi vốn được trồng nhiều antigone (hoa ti gôn). Nhà cô Khánh cũng gần vườn Thanh (THANH GIÁM: miếu thờ Khổng Tử được xây từ thời nhà Lý, lúc bấy giờ ngoài tên Temple de Confucius Pháp vẫn hay gọi nơi này là Pagode des corbeaux - chùa Quạ). Thâm Tâm hò hẹn tại nơi đây được hai lần thì cô Khánh bỏ đi lấy chồng - một người chồng giàu có - khiến Thâm Tâm vô cùng đau khổ. Để đỡ niềm yêu nhớ đơn phương, bớt mặc cảm vì bị người yêu phụ rẫy và cũng để làm cho mấy người bạn khỏi chế nhạo, đùa bỡn, chính Thâm Tâm đã thức suốt một đêm làm bài thơ Hai sắc hoa ti gôn rồi nhờ một cô em họ, con của một bà cô ở phố Cửa Nam chép bằng nét chữ con gái, bỏ vào bì niêm kín mang đến gửi tại tòa soạn Tiểu Thuyết Thứ Bảy
       Trong những trang sách này, Nguyễn Vỹ cũng đã khẳng định chắc chắn rằng “Cô Khánh không biết làm thơ. Cô chưa bao giờ làm thơ cả!” Có người còn nói cô Khánh mới học đến lớp 4. Tất cả những bài thơ ký tên T.T.Kh. đều do Thâm Tâm làm và gửi đăng báo. 
       Đọc kỹ những trang viết của Văn-thi-sĩ tiền chiến, ta hình dung được đây là những kỷ niệm kể khá chân thực qua hồi ức nhiều năm tháng của một đời làm báo. Chỉ tiếc một điều là Nguyễn Vỹ, người bạn thân thiết của Thâm Tâm đã ra đi bởi tai nạn xe ở Long An năm 1971. Nguyễn Vỹ đã xác nhận: Cô Khánh không biết làm thơ. Và theo lời Tuấn Trình (tên thật của nhà thơ Thâm Tâm), cô Khánh ghét những bài thơ của Thâm Tâm. Sau khi nhận được bức thư cuối cùng của Khánh, trong thư Khánh tỏ ý không bằng lòng, vì biết Tuấn Trình đã mượn tên cô để làm thơ kể lễ chuyện tình duyên cũ trên báo, có thể làm hại đến cuộc đời của cô (lúc nầy cô đã có chồng và sống hạnh phúc). Trong lá thư phản đối đó, cô Khánh xưng “tôi” với Thâm Tâm, chứ không còn xưng “em” nữa. Thâm Tâm lấy lại những lời, những chữ trách móc giận dữ của Khánh trong thư để làm “Bài thơ cuối cùng” cũng ký tên TTKh, với những câu:
Trách ai mang cánh “ti gôn” ấy,
Mà viết tình em được ích gì?
                    *
Bài thơ “Đan áo” nay rao bán,
Cho khắp người đời thóc mách xem.
Là giết đời nhau đấy biết không?
Dưới giàn hoa máu tiếng mưa rung.
Giận anh em viết dòng dư lệ,
Là chút dư hương điệu cuối cùng.
Từ nay anh hãy bán thơ anh,
Còn để yên tôi với một mình.
       Có thể nhiều tác giã sau nầy cũng đồng ý TTKh là Thâm Tâm và hỏi có phải chàng thi sĩ Thâm Tâm vì sĩ diện và lòng tự ái trong cảm xúc đau khổ tột cùng cuả sự mất mát hụt hẫng mà viết ra ra thơ chăng? Bình thường ra làm thơ rất khó nếu không phải là loại người đa cảm đa tình và biết qua một số nguyên tắc làm thơ, sẽ ngẫu nhiên tuôn ra thay cho những dòng nước mắt. Chàng đã viết ra 4 bài thơ tình và ký tên T.T.Kh, còn nhờ em gái mình, hay một cô gái nào đó chép lại và tự mang đến toà soạn để khỏi bẽ mặt mình. Cả 4 bài thơ này rất hay, cảm xúc dạt dào bi ai, sầu cảm vô cùng. Nhưng xin phép thưa với các bạn: Theo tôi nghệ thuật chưa phải vào hàng cao thủ như các ông Tản Đà, Nguyễn Bính, Hồ Dzech thời bấy giờ trong loại thơ 7 chữ. Lục bát cũng có giới hạn cuả nó. Nhiều người làm thơ lưu loát, điêu luyện hơn nhưng vẫn không dễ gì đi vào lòng người bằng những câu những chữ bình dân, mộc mạc của tác giả TTKh. Tác giả cũng tỏ ra là người thành thạo trong loại thơ 7 chữ cách gieo vần tương đối chuẩn theo dạng thơ tứ cú, nhiều người gọi là thơ tứ tuyệt viết theo lối mới không có đối chữ.   
      Xuyên qua các nguồn tài liệu đã xác định như trên, rõ ràng TTKh chính là bút hiệu ẩn danh của Thâm Tâm và Thâm Tâm người viết thay cho người tình xưa mang tên Trần thị Khánh (TTKh) để nhớ đến cuộc tình lãng mạn, đầy nước mắt của hai người. Nhưng chính những giọt nước mắt nầy đã tạo ra những áng thơ lãng mạn xuất sắc nhứt mở đầu cho phong trào thơ văn tình lãng mạng của Việt nam ở thế kỹ 20.
      Sau đây là 4 bài thơ chính của TTKh:

1- BÀI THƠ CUỐI CÙNG
Anh ạ, tháng ngày xa quá nhỉ!
Một mùa thu cũ, một lòng đau...
Ba năm ví biết anh còn nhớ,
Em đã câm lời có nói đâu!

Ðã lỡ, thôi rồi! Chuyện biệt ly,
Càng khơi càng thấy luỵ từng khi.
Trách ai mang cánh "ti-gôn" ấy,
Mà viết tình em, được ích gì?

Chỉ có ba người đã đọc riêng,
Bài thơ “đan áo” của chồng em.
Bài thơ “đan áo” nay rao bán,
Cho khắp người đời thóc mách xem...

Là giết đời nhau đấy, biết không?
...Dưới giàn hoa máu tiếng mưa rung,
Giận anh, em viết dòng dư lệ,
Là chút dư hương: điệu cuối cùng!

Từ nay, anh hãy bán thơ anh,
Còn để yên tôi với một mình,
Những cánh hoa lòng, hừ! Đã ghét,
Thì đem mà đổi lấy hư vinh.

Ngang trái đời hoa đã úa rồi,
Từng mùa gió lạnh sắc hương rơi...
Buồng nghiêm thơ thẩn hồn eo hẹp,
Ði nhớ người không muốn nhớ lời!

Tôi oán hờn anh, mỗi phút giây,
Tôi run sợ viết, bởi rồi đây.
Nếu không yên được thì tôi... chết,
Ðêm hỡi! Làm sao tối thế này?

Năm lại năm qua cứ muốn yên,
Mà phương ngoài gió chẳng làm quên;
Và người vỡ lỡ duyên thầm kín,
Lại chính là anh, anh của em!

Tôi biết làm sao được hỡi trời?
Giận anh, không nỡ! Nhớ không thôi!
Mưa buồn, mưa hắt, trong lòng ướt...
Sợ quá đi, anh... “có một người”!...

2- BÀI THƠ THỨ NHỨT:
Thuở trước hồn tôi phơi phới quá,
Lòng thơ nguyên vẹn một làn hương...
Nhưng nhà nghệ sĩ từ đâu lại,
Êm ái trao tôi một vết thương.

Tai ác ngờ đâu gió lại qua,
Làm kinh giấc mộng những ngày hoa.
Thổi tan tâm điệu du dương trước,
Và tiễn người đi bến cát xa.

Ở lại vườn Thanh có một mình,
Tôi yêu gió rụng lúc tàn canh;
Yêu trăng lặng lẽ rơi trên áo,
Yêu bóng chim xa nắng lướt mành.

Và một ngày kia tôi phải yêu,
Cả chồng tôi nữa lúc đi theo.
Những cô áo đỏ sang nhà khác,
Gió hỡi! Làm sao lạnh rất nhiều?

Từ đấy không mong không dám hẹn,
Một lần gặp nữa dưới trăng nghiêm.
Nhưng tôi vẫn chắc nơi trời lạ,
Người ấy ghi lòng: “Vẫn nhớ em!”

Đang lúc lòng tôi muốn tạm yên,
Bỗng ai mang lại cánh hoa tim.
Cho tôi ép nốt dòng dư lệ,
Rỏ xuống thành thơ khóc chút duyên?

Đẹp gì một mảnh lòng tan vỡ,
Đã bọc hoa tàn dấu xác xơ!
Tóc úa giết dần đời thiếu phụ...
Thì ai trông ngóng, chả nên chờ!

Viất đoạn thơ đầu lo ngại quá,
Vì tôi còn nhớ hẹn nhau xưa:
“Cố quên đi nhé, câm và nín,
Đừng thở than bằng những giọng thơ!”

Tôi run sợ viết, lặng im nghe,
Tiếng lá thu khô xiết mặt hè.
Như tiếng chân người len lén đến,
Song đời nào dám gặp ai về!

Tuy thế tôi tin vẫn có người,
Thiết tha theo đuổi nữa, than ôi!
Biết đâu... tôi: một tâm hồn héo,
Bên cạnh chồng nghiêm luống tuổi rồi.
(Từ Tiểu thuyết Thứ Bảy số 182, ngày 20-11-1937)

3- ĐAN ÁO CHO CHỒNG:  
Chị ơi! Nếu chị đã yêu,
Đã từng lỡ hái ít nhiều đau thương.
Đã xa hẳn quãng đời hương,
Đã đem lòng gởi gió sương mịt mùng.

Biết chăng chị? Mỗi mùa đông,
Đáng thương những kẻ có chồng như em.
Vẫn còn thấy lạnh trong tim,
Đan đi đan lại áo len cho chồng.

Như con chim hót trong lồng,
Hạt mưa nó rụng bên sông bơ thờ.
Tháng ngày nổi tiếng tiêu sơ,
Than ôi! Gió đã sang bờ ly tan...

Tháng ngày miễn cưỡng em đan,
Kéo dài một chiếc áo len cho chồng.
Như con chim nhốt trong lồng,
Tháng ngày mong đợi ánh hồng năm nao!

Ngoài trời mưa gió xôn xao,
Ai đem khoá chết chim vào lồng nghiêm?
Ai đem lễ giáo giam em?
Sống hờ trọn kiếp trong duyên trái đời...
Lòng em khổ lắm chị ơi!
Trong bao tủi cực với lời mỉa mai.
Quang cảnh lạ, tháng năm dài,
Đêm đêm nghĩ tới ngày mai giật mình!
(Trích Phụ Nữ Thời Đàm; ngày 23-7-1938)

4- HAI SẮC HOA TI GÔN:
Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn,
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn. 
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc, 
Tôi chờ người đến với yêu đương.    

*
Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng
Dải đường xa vút bóng chiều phong.
Và phương trời thẳm mờ sương, cát, 
Tay vít dây hoa trắng chạnh lòng. 
   
Người ấy thường hay vuốt tóc tôi, 
Thở dài trong lúc thấy tôi vui. 
Bảo rằng: "Hoa, dáng như tim vỡ, 
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi!"
 
Thuở ấy, nào tôi đã hiểu gì,
Cánh hoa tan tác của sinh ly. 
Cho nên cười đáp: "Màu hoa trắng,
Là chút lòng trong chẳng biến suy".
    
Đâu biết lần đi một lỡ làng, 
Dưới trời đau khổ chết yêu đương. 
Người xa xăm quá! - Tôi buồn lắm, 
Trong một ngày vui pháo nhuộm đường... 
   
Từ đấy, thu rồi, thu lại thu, 
Lòng tôi còn giá đến bao giờ. 
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ... 
Người ấy, cho nên vẫn hững hờ. 

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời,
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi. 
Mà từng thu chết, từng thu chết, 
Vẫn giấu trong tim bóng "một người".    

Buồn quá! Hôm nay xem tiểu thuyết,
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa. 
Nhưng hồng tựa trái tim tan vỡ,
Và đỏ như màu máu thắm pha! 

Tôi nhớ lời người đã bảo tôi,
Một mùa thu trước rất xa xôi... 
Đến nay tôi hiểu thì tôi đã, 
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi!  
  
Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ, 
Chiều thu, hoa đỏ rụng chiều thu. 
Gió về lạnh lẽo chân mây vắng, 
Người ấy sang sông đứng ngóng đò. 

Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng,
Trời ơi! Người ấy có buồn không? 
Có thầm nghĩ tới loài hoa... vỡ 
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng?
  • T.T.Kh
(Tiểu thuyết thứ bảy, số 179, ngày 30-10-1937)
     Chính 4 câu thơ cuối của bài thơ Hai sắc hoa Ti-gôn nầy đã soi thấu và đâm thủng bao nhiêu trái tim của người yêu thơ cũng như các người thất tình, khiến nó trở nên áng thơ tình lãng mạng hấp dẫn nhất trong lịch sử Làng Thơ Lãng Mạn Việt nam. Người sưu tầm tài liệu nầy cũng không khỏi không xúc động mà nãy ra mấy câu hội ngộ cùng tác giã TTKh để kết thúc tài liệu nghiên cứu nầy.
Nếu biết rằng em đã có chồng,
Tôi thà để lạnh trái tim đông.
Từ nay chẳng dám cho tim hở,
Khóa chặt thương đau lánh bóng hồng!
                                        (Hồ Nguyễn)   
____

Bài viết do Hồ Xưa sưu tầm từ nhiều nguồn:
1- Wikipedia.vn
2- Tiểu thuyết thứ bảy, số 179 (ra ngày 30-10-1937 
3- Tiểu thuyết thứ bảy, số 182 (ra ngày 20-11-1937)
4- Phụ nữ thời đàm.
5- Tiểu thuyết thứ bảy, số 217 (ngày 23/07/1938)
6- Tiểu thuyết thứ bảy, số 307 (ngày 04/05/1940)
7- Thi nhân Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học- 2005


                                            __________________________________
Ảnh nhà thơ Thâm Tâm từ THI VIỆN

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...