Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2018

Tàn một cuộc chơi…(Về Cụ Vương Hồng Sển)

 Cụ Vương Hồng Sển thời trung niên và khi về già

 Đoàn Dự ghi chép 

Rốt cuộc, mọi người đều thấy đời mình chỉ là  một cuộc chơi
Nhạc sĩ Phạm Duy

THƯA QUÝ BẠN, cổ nhân có câu: “Nhân tình như chỉ, trương trương bạch. Thế sự như kỳ, cục cục tân” – (Nhân tình như giấy, mỗi trang đều trắng. Chuyện đời như cờ, mỗi ván đều mới)Trước đây tôi đã trình bầy hầu quý bạn đời sống như một cuộc chơi của vị học giả kiêm nhà “cổ ngoạn” – người chơi đồ cổ – nổi tiếng Vương Hồng Sển. Nay, tôi xin trình bầy tiếp chuyện sau khi “cuộc chơi” của cụ đã tàn thì con cháu cụ ra sao. Sự thực, ngay người con trai duy nhất của cụ – anh Vương Hồng Bảo – đời sống của anh cũng giống như một cuộc chơi vậy thôi và anh đã chết trong tù. Trước khi mời quý bạn coi chuyện con cháu cụ Vương hiện nay, tôi xin thuật lại các chuyện về cụ để quý bạn hiểu rõ…
  1. Thân thế, tình yêu và sự nghiệp của cụ Vương Hồng Sển
Cụ Vương Hồng Sển là người mê đồ cổ. Nhưng mê đến nỗi hai lần bị vợ bỏ và tự mình viết cuốn “Hơn nửa đời hư” hết sức thành thật để kể lại chuyện “hư” do tính đam mê đó thì thật hết mức!
Trước đây, nghe nói về những cổ vật và các cuốn sách không ai có nổi của Vương lão gia, nhiều người tự hỏi rằng ông lấy tiền đâu mà mua được như vậy? Sau này, đọc sách do ông tự thuật, người ta mới hiểu thì ra trời sinh ra ông có những đam mê thì cũng sinh ra ông có những gặp gỡ khiến ông “nặng túi”, dư sức mua các báu vật. Ví dụ đang không lấy gì làm giàu có lắm, cưới vợ xong, gia đình bên vợ cho vợ chồng ông số tiền hồi môn tới 600 đồng – một con số khủng khiếp lúc bấy giờ – cộng với một ngôi nhà ở ngoài mặt đường La Grandière (đường Gia Long cũ, bây giờ là Lý Tự Trọng, quận 1), trị giá tới 1.000 đồng, đâu phải chuyện nhỏ? Thế rồi, lần cưới vợ thứ hai, đang làm nhân viên tại Trường Máy (nay là trường Kỹ thuật Cao Thắng) ở Sài Gòn, ông đổi về làm nhân viên kế toán tại tòa bố (tòa tỉnh trưởng) Sa Đéc, hai vợ chồng phải ở nhà thuê. Tự dưng bà cô vợ là một trong số 4 người giàu có nhứt miền Tây lúc ấy, cho hai vợ chồng ông 240 mẫu ruộng ở Hoà Tú, Sóc Trăng, cộng với một hộp gồm 320 hột xoàn, ấy là chưa kể các hộp khác đựng vòng vàng, xuyến vàng, cà rá, bông tai…, ông “nghèo” sao được?
Lúc còn sinh tiền, ngoài 80 tuổi Vương lão gia vẫn tiếp tục là người bộc trực, vui tính và… thích tiếu lâm. Quý bạn thấy trong sách của ông có những câu “tả chân” như thế này thì cũng… hết chỗ nói luôn:
“Hai quả núi vàng pha núm tuyết
 Một khe hang ngọc nức mùi hương”
Ông kể trong cuốn Một nửa đời hư:
“Tôi sanh năm Nhâm Dần (1902), ngày 27 tháng 9 ta. Nhà cha tôi ở châu thành Sóc Trăng nhưng khi sanh, mẹ tôi về quê, sanh tôi tại làng Xài Cá Nả (bây giờ là làng Đại Tâm).
Học giả Vương Hồng Sển được người đời tôn vinh là nhà khảo cổ tầm cỡ thế giới. Nhưng về tình duyên ông thiếu may mắn: Hai lần đổ vỡ. Điều này chúng ta có thể thấy được qua những trang sách hóm hỉnh, sâu sắc trong tập hồi kýHơn nửa đời hư­ của ông. Ông viết rất nôm na, chân thật, không chút giấu diếm.
Người vợ đầu tiên của ông tên Trần Thị Thố. Lúc bấy giờ, ông đã đậu bằng Brevet Elémentaire (ngoài Bắc thường gọi là bằng Diplôme) tại trường Chasseloup Laubat (nay là trường Lê Qúy Đôn) ngày 18. 6.1923. Sau đó ông thi đậu cuộc thi tuyển chọn người làm thư­ ký cho nhà nước và được bổ nhiệm công tác tại “Trường Máy” trên đường Đỗ Hữu Vị (nay là đường Huỳnh Thúc Kháng) Sài Gòn.
Sau khi làm việc được một năm thì ông cưới vợ. Đám cưới diễn ra vào ngày 16. 6.1924 theo đủ lễ, có coi tuổi, coi ngày chu đáo. Nàng sinh năm 1910, lúc ấy mới 14 tuổi. Còn chàng, sinh năm 1902, lúc ấy 22 tuổi, quá đẹp! Thế nhưng, chỉ chín tháng sau hai vợ chồng trẻ đã đưa nhau ra tòa và ngày 12.4.1926 tòa cho ly dị dù “chư­a nát chiếc chiếu tân hôn”.
Lỗi thuộc về ai? Sau này, ông viết: “Lỗi tại người đàn bà theo mặt luật pháp, mà đúng ra lỗi về người đàn ông ham mua sách và mê đọc sách đến quên người vợ trẻ nằm kề bên. Tiền hồ đám cưới được 600 bạc là một số tiền kếch xù, lại tiền ông nhạc cung cấp mỗi tháng không phải là nhỏ, cộng với sáu bảy chục bạc tiền lương, chỉ vèo trong mấy tháng, kết quả tủ sách không còn chỗ để, mà ái tình đã nhẹ bước ra đi. Ai chịu nổi với thằng chồng ­nh­ư vậy?
Sau khi ly dị, ông còn lại căn nhà ở số 214 đường La Grandière (trước là Gia Long, nay Lý Tự Trọng, Sài Gòn), đem bán được 1,000 bạc. Không dám giữ số tiền quá lớn này trong mình vì ông biết tính mình quen tiêu xài lớn, sợ xài hết tiền, ông đem gửi một người bạn thân tên Nguyễn Văn Xuân. Không ngờ “đem trứng gửi cho ác”, đến lúc cần lấy lại thì bạn đã đánh bạc thua sạch!
Chừng hơn năm sau, tiếng sét ái tình lại đến với ông. Cô t­ư Dương Thị Tuyết, cháu bà Phủ An (đây là “Phủ” hàm, trong Nam không có chức quan phủ, quan huyện như ngoài Bắc). Đám cưới diễn ra vào ngày 9.11.1927. Nàng sinh năm 1911, lúc ấy 16 tuổi. Còn chàng, 23 tuổi. Hôm đám hỏi, ông bà nhạc (tên là ông Kính, trong lời tự thuật không hiểu sao ông thường gọi là “thầy Kính”) chê lên chê xuống là không có kim cư­ơng hột xoàn mà chỉ có mư­ời l­ượng vàng đôi (vàng đã đánh thành đồ gia bảo, từng đôi một như cặp xuyến, cặp kiềng, theo số chẵn để tiện khi cưới hỏi). Nhưng đối với ông, đây là vốn liếng của mẹ ông khi chết để lại cho ông nên nó vô giá, bên vợ đâu có hiểu điều đó, họ cứ chê trách.
Hôm ấy đám cưới thật linh đình, thân phụ của nghệ sĩ Hữu Phước (ông nội ca sĩ Hương Lan) là ông Bảy Cảnh làm phụ rể. Không biết rể phụ bưng thế nào mà cái chạo rượu lễ khi rót ra không còn một giọt! Điềm gở chăng? Lại nữa, căn phòng tân hôn đêm đó được cha mẹ cô dâu “m­ượn tạm” làm chỗ đánh bạc khiến hai người không có chỗ ngủ!
Cưới vợ xong, ông ở chung với gia đình vợ tại ngôi nhà số 260 đường Richaud (trước 75 là đường Phan Đình Phùng, Đa Kao, nay là đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.1). Thời gian này họ sống với nhau cực kỳ hạnh phúc và ăn xài “như­ nước vỡ bờ”. Sau đó, họ dọn về nhà số 69 đường Taberd (nay là đường Nguyễn Du).
“Vợ tôi mới 16 tuổi, không biết lo gì hết. Lương tôi tám chục đồng, vừa bằng với lương thông phán của ông già vợ nhưng tôi dạy thêm Việt ngữ cho bốn anh Tây, mỗi anh hai chục, mỗi tháng kiếm thêm được tám chục nữa, vậy mà tháng nào cũng sạch bách, nhiều bữa ngồi sụ một đống, mẹ vợ đi đánh bài tứ sắc về phải cho 5 đồng, hai đứa dẫn nhau đi ăn cơm nhà hàng Yeng Yeng chớ không bao giờ ăn cơm nhà…”.
Rồi mẹ vợ mất. Bản thân ông đã rời Trường Máy, đổi về tòa bố Sa Đéc. Vợ ở Sài Gòn, chồng ở Sa Đéc.
“Lúc này thân tôi nh­ư chiếc thuyền bé gặp cảnh bão táp, tai họa dập dồn. Vì không lo xa nên không dành dụm được xu nào” . Vợ chồng ông bèn cùng dọn về Sa Đéc, ngụ tại nhà số 106 đường Vĩnh Long, ít lâu sau lại dọn về nhà số 2 đường Vĩnh Phước – sát với dốc cầu Sa Đéc. “Tại đây, cách xa gia đình nhà vợ, tình duyên của tôi và Tuyết đằm thắm như­ hai con chim thoát khỏi ổ mẹ, ríu rít trên cành, rất tự do, đói bụng mà vui, nghèo mà hạnh phúc…”.
Nếu cứ như­ thế mãi chắc họ sẽ không chia lìa nhau. Số là ngày 20 tháng 11 năm 1928, họ gặp cứu tinh là bà Phủ hàm Lê Văn An, nghiệp chủ ở Sóc Trăng. Bà lên Sa Đéc dự tiệc cưới tại nhà thầy Cai tổng Nguyễn Tấn Cao tự Keo. “Tôi và Tuyết cũng có mặt ở đó. Tuyết kêu bà là bà nội nhưng sự thiệt là bà cô ruột (tức em ruột của ông nội). Bà cháu nhận nhau, tôi còn nhớ lời bà nói hôm ấy:
“Tao nghĩ tội nghiệp cho con cháu nội của tao nay đã côi cút, mất mẹ. Chớ nếu mẹ nó còn sống, dầu nó ngậm ngọc mà nói tao cũng không màng. Thằng Tư­ (tức là tôi) mầy không biết chớ mẹ nó lúc trước cùng với chồng nó là thằng Kính đi kiện bà đây đặng tranh gia tài, bà còn tích giận. Nay thấy vợ chồng bây nghèo túng bà động lòng thương. Bây ráng ăn ở cho có hậu thì bà không bỏ tụi bây đâu”.
Ba năm sau, ngày 6 tháng 5 năm 1931, bà Phủ An qua đời. Trước khi mất, bà để lại di chúc, cho vợ chồng ông Vương Hồng Sển 220 hecta ruộng tốt trong làng Hoà Tú, 8.000 đồng tiền mặt và một số tư trang gồm không biết bao nhiêu là kim cương hột xoàn, riêng một hộp cũng đã có 320 hột, không kể bông tai, cà rá bằng vàng, nhiều không tưởng tượng nổi…
“Nhưng than ôi, cũng vì tiền quá nhiều mà nhơn tâm thay đổi. Sau 19 năm, từ 1927 đến 1946, vợ chồng đang ăn ở với nhau như bát nước đầy bỗng Tư sanh tâm ôm cầm sang thuyền khác. Án ly dị đề ngày 7 tháng 7 năm 1958. Thế là tan vỡ duyên nợ. Em bảo chia ruộng, chia vàng bạc, chia kim cương hột xoàn, tôi bảo để cho em hưởng trọn”.
“Em ôm mớ hột xoàn và các vòng vàng, xuyến vàng, cà rá, bỏ tôi bơ vơ một mình với mớ đồ cổ cùng các chén bát cũ, các sách rách bìa xác xơ mà em cho là vô dụng cũng như chủ của nó…”.
Sau đó ông ở với người khác, không có hôn thú, không có đám cưới đám hỏi nhưng lại bền chặt và hạnh phúc cho đến cuối đời. Người đó chính là bà Nguyễn Kim Chung, một nghệ sĩ lừng lẫy danh tiếng trên sân khấu miền Nam thuở trước với nghệ danh Bà Năm Sa Đéc.
Về cuối đời, học giả Vương Hồng Sển đã dành cho bà nhiều tình cảm trân trọng và đầy yêu dấu: “Người thứ ba nầy đã khóc với tui biết bao nhiêu là nước mắt”. Và theo ông: “Một khi đã có con trai nối dõi, tờ hôn thú vẫn là thừa”.
Bà Năm Sa Đéc Nguyễn Kim Chung (1907-1988).

bà Năm Sa Đéc qua đời 29 năm sau, tức năm 1987. Còn ông mất sau đó mư­ời năm, tức năm 1996, thọ 94 tuổi. Trước khi mất, ông lập di chúc tặng tòan bộ các bảo vật, đồ cổ, sách ốc và cả ngôi nhà của ông cho nhà nước CSVN và các thế hệ mai sau.
 Đây là một kho tàng vô giá không ai có thể xác định rõ được giá trị của nó như thế nào. Ví dụ chiếc giường của một vị quý phi triều Nguyễn; một bộ gồm đầy đủ 211 số Nam Phong Tạp Chí mà theo ông cho biết, năm 1954, chỉ cần 60 số thôi ông cũng đã phải đổi cho một bà người Bắc vừa di cư vào Nam một căn nhà lầu đủ cho gia đình bà ở. Rồi thủ bút của học giả Petrus Trương Vĩnh Ký, thủ bút của học giả Huình Tịnh Của với cuốn Quấc âm Tự vị in lần thứ nhất khi tiếng Việt hãy còn manh nha. Rồi các lọ độc bình, các chóe cổ từ đời Tống, đời Minh..vv.. Không vàng bạc nào có thể mua được. Chúng sẽ bị hao hụt đi thôi.
Chúng ta nên nhớ Thư viện Khoa học Xã Hội & Nhân Văn (ngày trước gọi là Thư viện Gia Long, nằm trên đường Gia Long, đối diện Bộ Quốc Phòng VNCH, khoảng giữa đường Tự Do nay là đường Đồng Khởi và đường Pasteur) đã có từ thời Pháp thuộc, giá trị như thế, sang trọng như thế, đã có biết bao nhiêu con người, bao nhiêu thế hệ thành công trên đường học vấn từ thư viện này. Nhưng nay, nếu bạn muốn mượn một cuốn sách, số hiệu trong thư mục thì có nhưng sách thì không. Người ta đã lấy trộm hoặc bán trộm mất rồi.
Kho tàng đồ cổ và các sách cổ quý còn hơn vàng của đại lão gia họ Vương rồi cũng sẽ thế thôi, không thể hơn được, đáng tiếc thay! Tại sao lại mất? Bởi vì các nhân viên thay nhau trực hàng đêm. Đêm nay người này lấy trộm một hai món. Đêm mai người khác lấy trộm một hai món. Vài ba năm kiểm tra lại một lần, đối chiếu với danh sách thấy mất nhưng không biết ai lấy, chẳng lẽ lại đuổi tất cả? Hơn nữa “cấp trên” đi kiểm tra cũng có trách nhiệm, thôi thì im lặng là hơn!
Bà Dương Thị Tuyết mất ngày 4-7-1992, thọ 81 tuổi. Bà Trần Thị Thố mất ngày 18-1-1992, thọ 82 tuổi. Cả hai bà đều không có con với ông. Riêng bà Năm Sa Đéc thì có, cả con trai lẫn con gái, người con trai tên Vương Hồng Bảo nhưng tài năng kém xa ông, không nối được nghiệp của cha.
Chuyện gia đình tang thương của cụ Vương Hồng Sển
 “Tôi lấy anh Vương Hồng Bảo năm 1979, có ba đứa con. Chúng là tài sản lớn nhất của tôi”. Chị Liên con dâu cụ Vương Hồng Sển mở đầu câu chuyện kể về đời làm dâu gian truân của mình như thế. Ngoảnh lại, thấy bố chồng, chồng mình đều đã ở nơi chín suối. Cuộc đời vàng son như trong Hồng Lâu Mộng…”.
 
Ngày xưa lá ngọc cành vàng
Vương Hồng Bảo, chồng chị Liên, mất năm 1998 trong tù. Các con chị Liên đã lớn. Chị nói: “Ngày trước tôi rất sợ chết vì lo các con mồ côi cha, mồ côi mẹ. Nay các con tôi đều đã trưởng thành, tôi nhắm mắt cũng được rồi… Tiếng là làm dâu cụ Vương Hồng Sển, danh gia vọng tộc mà tôi chẳng nhận được một cái gì. Hộ khẩu tôi cũng chẳng có ở nhà này. Nhưng thực lòng tôi không tiếc”.
Chị Võ Ngọc Liên (sinh năm 1951) và anh Vương Hồng Bảo cùng học trường Tây, quen nhau từ nhỏ. Lớn lên, chị lập gia đình với một bác sĩ người Pháp, có một đứa con, rồi ông bác sĩ mất. Còn anh Bảo, chính chị đã làm mai mối anh Bảo cho người bạn gái gốc Ấn Độ rất đẹp. Họ có hai con, mất một con. Năm 1978, người vợ Ấn này đưa đứa con gái đi khỏi Việt Nam. Chị Liên và anh Bảo, người góa chồng, người không có vợ, về sống với nhau (năm 1979).
Khi đó họ cùng làm trong một hãng phim của nhà nước CSVN. Anh làm kế toán, chị làm chuyên viên hóa trang. Chị về làm dâu cụ Vương Hồng Sển, bước vào tòa nhà cổ lừng lẫy danh tiếng tại đường Nguyễn Thiện Thuật Gia Định với hàng ngàn món đồ cổ quý giá. Nhưng chị không có hộ khẩu trong gia đình dù đã sinh ba đứa cháu nội cho cụ Vương.

Chiếc bình cổ quý giá đời Tống có miệng cẩn vàng ròng.
Chị nhớ lại: “Lúc đó cây cối um tùm. Nhà cửa thâm u. Khi tôi sanh cháu nội cho ông, ông nói với má tôi: “Con Liên nó trúng số độc đắc”. Có lần, ông chỉ những món đồ cổ quý giá cho tôi coi. Ông nói: “Con ơi, món này 30 cây, món kia 200 cây…”. Ông sợ rằng khi ông chết, tôi không biết giá trị của chúng, sẽ làm tiêu tán tài sản nên dặn dò như vậy”.
Chị Liên kể tiếp: “Cụ Vương có ba đời vợ. Nửa đời mới có được một con trai là anh Bảo trong khi người Hoa rất quý con trai. Bây giờ tôi sanh cháu nội, cụ mừng lạ thường”.
Làm dâu nhà cụ Vương Hồng Sển – một nhà sử học danh tiếng, một nhà văn hóa đã viết trên 20 cuốn sách, một người chơi đồ cổ nổi tiếng hạng nhất Sài Gòn, một biểu tượng của văn hóa miền Nam – quả không phải chuyện dễ dàng. Chị cho biết, khi có khách đến chơi, khách cỡ nào thì đứng ở ngoài cửa nói chuyện, khách cỡ nào thì được mời vào bàn trà ở phía bên trong, khách cỡ nào được mời đến cái bàn ở bên trong nữa, phía trước bàn thờ, khách cỡ nào thì được mời vô phòng khách…, tất cả những việc đó cụ Vương đã quy định rõ ràng, mọi người phải theo.
“Tôi là một chứng nhân sống trong ngôi nhà danh tiếng ấy – chị Liên nói – Ông cụ sống rất giản dị. Mẹ chồng tôi là bà Năm Sa Đéc cũng góp phần gây dựng nên sự nghiệp, nhưng sự thực bà cụ chưa được hưởng gì”.
Tiếng là làm dâu nhưng chị Liên chẳng có gì: “Cái xe hơi riêng tôi cũng không có. Đi học lái xe, ông cụ sợ gây tai nạn. Học bơi thì cụ sợ tôi chết đuối. Học đàn thì cụ bảo: Mày đàn như đứa mù vậy”.
Chị làm dâu 10 năm (1979-1989), lương chuyên viên hóa trang ở hãng phim được bỏ vào túi xài riêng. “Mỗi tháng ông cụ phát tiền chợ, tiền mua 1 tạ gạo, tiền đóng học phí của ba cháu nội, tiền đổ rác, tiền công người giúp việc, tiền lương người quản gia, tiền bà cụ ăn sáng, tiền cho hai vợ chồng tôi ăn sáng…, tất cả mọi thứ tiền đều do cụ đích thân phân phát”.
“Vì cuộc sống quá an bình, chẳng phải lo nghĩ gì nên tôi không hề giành giật với ai. Khi chồng tôi có nhân tình, tôi bèn bỏ về nhà cha mẹ ở gần chợ Bến Thành”. Chị ra đi, buồn bã lắm, để lại ba đứa con ở ngôi nhà cổ. Chị bảo chồng: “Giữa hai người đàn bà anh phải chọn một. Có họ thì không có tôi, có tôi thì không có họ”. Nhưng anh không thể “chọn” được bởi vì còn vướng mắc tiền bạc rất lớn với người đó.

 
Ngôi nhà cổ của cụ Vương Hồng Sển ở Gia Định.
 
Chuyện nợ nần
Khi chị Liên và anh Vương Hồng Bảo còn làm trong hãng phim, cuộc sống rất yên bình. Rồi hãng phim giải thể, anh Bảo xin vào làm trong Công ty Vàng bạc & Đá quý. Vốn là một nhân viên kế toán, anh thấy công ty lời rất lớn, nhất là lại kết hợp việc làm ăn với bên Trung Quốc thì lời không biết bao nhiêu mà kể. Anh bèn bỏ Công ty Vàng bạc & Đá quý, ra mở tiệm vàng riêng và thường sang Trung Quốc giao dịch. Anh Bảo – kể cả chị Liên – học chương trình Pháp từ nhỏ nên rất giỏi tiếng Pháp và tiếng quan thoại. Đó là những ngày tháng vô cùng quan trọng đã quyết định cuộc đời của vợ chồng anh Bảo. Anh là “tay mơ”, không thể chống chọi với những tay sừng sỏ ở bên Trung Quốc, nên sau một thời gian buôn bán, anh bị lừa gần hết tiền.
Chị Liên kể: “Chồng tôi đem 300 cây vàng đi mở cửa tiệm và buôn bán vàng bạc & đá quý với bên Trung Quốc. Ít lâu sau, chỉ còn lại khoảng 20 cây. Ảnh bảo: “Em sang Trung Quốc đòi tiền giùm anh đi”. Tôi nói: “Em là phụ nữ, có biết gì đâu mà đòi. Người ta đã cố tình lừa đảo, em qua bển chúng giết em, em sợ lắm”. Vậy là thôi, ảnh cũng không đi, vậy là mất tiêu gần 300 cây vàng lúc đó cực lớn”.
Những thất bại trong chuyện làm ăn khiến anh Bảo rất buồn. Anh tiếc của nên kết hợp với cô nhân tình tên là Phạm Thị Hồng, một người rất ghê gớm, tìm cách lừa đảo nhiều người khác để… làm giàu và anh Bảo lấy lại của cải đã bị bên Trung Quốc lừa gạt.
Chị Liên kể: “Tôi mất tất cả. Chồng và cô Hồng nhân tình của chồng vào tù với án chung thân. Anh chết trong tù (1998). Có người nói anh buồn quá nên tự tử mà chết. Ba chồng tôi cũng mất trước đó 2 năm (1996). Gia đình bỗng chốc tiêu tan. Trước khi mất, phần vì giận anh Bảo làm mất thanh danh của mình, phần vì sợ không ai cáng đáng nổi cơ nghiệp nên cụ lập di chúc tặng ngôi nhà cùng toàn bộ các đồ cổ có giá trị không biết bao nhiêu mà kể cho nhà nước. Khi cụ mất là cán bộ văn hóa và công an đến kiểm kê ngay. Tôi từ nhà ba má tôi ở gần chợ Bến Thành trở lại ngôi nhà này để chăm sóc ba đứa con còn nhỏ dại, lần hồi kiếm sống, chạy ăn từng bữa với khoản nợ nần không biết lấy gì mà trả theo lịnh của tòa án do chồng tôi ở trong tù để lại cho gia đình. Giả thử nếu cụ còn sống và không hiến toàn bộ cổ vật kể cả ngôi nhà cổ cho nhà nước, đem bán để trả thì cũng đỡ hơn… ”.
 
Chuyện ngôi nhà cổ hiện nay
Chị Võ Ngọc Liên kể tiếp: “Giờ tôi thường đi nhà thờ mỗi ngày. Đứa con gái lớn của tôi cứ 5 giờ chiều là mở cửa hàng bán ốc. Ban ngày, chúng tôi cho thuê mặt bằng để họ bán cơm bình dân, mỗi ngày thu 60 ngàn đồng cho mướn, lấy tiền đong gạo”.
Theo di chúc của cụ Vương Hồng Sển, ngôi nhà cổ được hiến cho nhà nước làm nơi trưng bày các cổ vật của cụ và lập một cái quỹ văn hóa mang tên Vương Hồng Sển. Các cổ vật đã được đưa vào Viện Bảo tàng cất giữ. Nhưng chuyện bàn giao ngôi nhà cho nhà nước để tôn tạo làm di tích thì không hề đơn giản.
Chị Liên xót xa: “Căn nhà này danh tiếng bao nhiêu thì càng đau khổ bấy nhiêu. Phải chi cụ có một ngôi nhà bình thường không chừng lại sướng” .
Ba cháu nội cụ Vương Hồng Sển, con của chị Liên, cháu lớn nhất tên Vương Hồng Liên Hương (sinh năm 1983), ở nhà bán ốc. Hai em trai là Vương Hồng Bảo Thành, Vương Hồng Bảo Minh đang đi làm ở các công ty với đồng lương ít ỏi.
Việc giải quyết nhà cửa cho con cháu của cụ Vương Hồng Sển vẫn chưa đến đâu. Các cơ quan chức năng muốn đền bù, đưa gia đình ra khỏi di tích để tu sửa, tôn tạo. Nhưng qua thời gian dài, chưa tìm được phương cách nào.
Ngôi nhà cổ xuống cấp, hư hại nghiêm trọng, có thể sập bất cứ lúc nào. Nhiều người chung sống trong căn nhà, “Khi mưa, trong nhà dột chẳng kém ngoài trời”. Phần nhà cơi nới ra cũng hư hỏng nhiều.
Vương Hồng Liên Hương nói với các phóng viên: “Chúng tôi muốn bình yên. Tôi muốn sống ở đây. Giờ biết sống nơi nào. Các em của tôi cũng đã lớn.Tôi muốn yên tâm bán ốc để sống. Tôi cũng đã ngoài ba mươi tuổi rồi, có chồng, có con rồi. Nhà này giờ không còn gì hết, chỉ còn cái xác thôi, mà cũng không được xây dựng, sửa chữa gì cả”.
Ngôi nhà cổ đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố từ năm 2003. Đến giờ, trông nó chẳng khác gì một phế tích mà các con cháu sinh sống trong đó đang chật vật với nắng mưa.
Anh Nam, Phòng Di sản văn hóa, Sở VHTTDL TPHCM cho biết: “Thành phố đã theo di chúc của cụ Vương Hồng Sển, xác lập quyền sở hữu nhà nước đối với di tích, nhưng chưa thực hiện được việc quản lý vì người nhà của cụ vẫn còn sống ở đó”. Anh cho biết: “Nhiều lần nhà nước đã cấp nhà cho chị Liên Hương và các em, nhưng gia đình chưa đồng ý, kể cả cấp nhà mặt tiền ở đường Vạn Kiếp với giá 8 tỷ đồng”.
Theo bản án tuyên với Vương Hồng Bảo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân, tòa yêu cầu bồi thường cho những người bị hại là 5 tỷ 350 triệu đồng; 101, 5 lượng vàng và 46.700 đô la Mỹ (thời điểm trước năm 1996).
Anh Nam cho biết: “Năm 2005 chị Vương Hồng Liên Hương đã khởi kiện, đòi thành phố chia di sản do quyền thừa kế của chị và các em. Nhưng năm 2010 tòa đã bác yêu cầu của chị Hương. Chúng tôi phải chờ phúc thẩm rồi mới thực hiện dự án tu bổ tôn tạo di tích được”.
Chị Liên nói: “Đầu óc tôi rối bung như mớ bòng bong. Chúng tôi muốn có đời sống ổn định, ví dụ mở một trung tâm ngoại ngữ mang tên Vương Hồng Sển chẳng hạn. Bán ốc hoài thế này cực cho các cháu quá!”.
Đoàn Dự
 
ảNH TỪ gOOGLE

1 nhận xét:

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...