Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2018

CHỮ HÒA TRONG ĐẠO CAO ĐÀI

 ĐỨC CHÍ TÔN NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ đã từng dạy con cái của Ngài:     

1.- Thầy vui muốn cho các con thuận hòa cùng nhau hoài, ấy là lễ hiến cho Thầy rất trân trọng. Phải chung lo cho danh Ðạo Thầy.
         (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.Q/1 - ngày 20-2-1926)

2.- Thầy cấm không cho dị nghị việc người, nhứt là đạo hữu của các con thì đừng phạm đến kẻo tội nghiệp; chi chi cũng phải nhớ quyết rằng có Thầy trong đó.
                Chẳng quản đồng tông mới một nhà,
                Cùng nhau một Ðạo tức cùng Cha.
                Nghĩa nhân đành gởi thân trăm tuổi,
                Dạy lẫn nhau cho đặng chữ 
HÒA.
       Thầy dặn các con một điều, nhứt nhứt đều đợi lịnh Thầy chẳng nên lấy tứ riêng mà phán đoán chi hết. Phận sự và trách nhiệm các con, Thầy đã định trước, song giờ ngày chưa đến; phải tuân theo lời Thầy nghe!
        (TNHT.Q/1 – ngày 20-2-1926)

3.- Con coi đó mà coi, Thầy thương con là bao nhiêu? Thầy giữ nữ phái lại cũng vì con. Thầy kêu nó không đến, Thầy dạy nó không nghe, muốn phạt cho đáng kiếp mà bụng cũng chẳng đành. Con là chị, Thầy đến lập Tam Kỳ Phổ Ðộ, chỉ vụ một chữ "HÒA", con liệu đứa nên, dùng đẹp lòng con kêu tên cho Thầy phán đoán.
        (TNHT.Q/2 – ngày 13-2-1927)

4- Thầy đã nhiều phen để lời khuyên nhủ các môn đệ về việc dùng công tâm, hòa thuận, mà hành đạo cho vuông tròn phận sự, mà Thầy những buồn trông thấy các con chưa gì mà vội phân tay chia nẻo!
        (TNHT.Q/2 – ngày 29-11-1927).

5.- Người hành đạo chẳng đủ quyền chế cải, kẻ tự cao muốn chiếm vị cầu danh, nghịch tư cách đối đãi với thế tình, gây ác cảm mà tạo thù oán. Hai con phải biết chỗ yếu nhược của Ðạo nơi đó mà kiếm phương, tìm chước, lấy cộng hòa, hiệp nhơn ý mà điều đình sửa cải cho chóng, làm sao cho mỗi đạo hữu các con đều ngó về Tòa Thánh mà xưng tụng ân huệ của mỗi con có trách nhiệm xứng đáng; và làm sao cho dứt mối hiềm thù riêng của mỗi đứa, hiệp đồng trí thức mà làm cho người ngoài dòm vào, nhìn nhận mối Ðạo quí hóa và thảy đều sùng bái cử chỉ cao thượng của các con. Chừng ấy các con dầu không mạnh cũng ra mạnh, không đông cũng nên đông, mà việc phổ độ nhơn sanh chẳng còn điều chi trắc trở.
        Ðạo trễ một ngày thì hại cho chúng sanh một ngày, mà mỗi đứa đều gây ác cảm làm cho mối Ðạo thành ra bánh vẽ, thì chừng nào Ðạo trọn thành nơi đây? Chừng nào cho Ðạo truyền ra ngoại quốc?
       Trong còn mơ màng như người say chưa tỉnh, thì ngoài thế nào được đầm ấm mà gieo lần ra, các con biết xưa những chi chi mà trái cả nhơn tâm thì khó bền khó vững; chánh sách Cộng Hòa yên tịnh là chánh sách của các con đặng dùng lập Ðạo mà thôi.
         (TNHT.Q/2 – ngày 5-8-1928)

6- Thầy vì thương chúng sanh, tưởng công lao của mỗi đứa nên chẳng nỡ để cho mối Ðạo điêu tàn; nhưng nếu trong các con chẳng có đứa nào lãnh phần chế biến làm cho Hòa Thuận chung vui, để cho đến đỗi hiềm thù oán ghét nhau mà để trò cười muôn thuở, uổng công dìu dắt của Thầy bấy lâu, thì biển khổ sông mê là nơi các con chịu đời đời kiếp kiếp đó”.
        (TNHT.Q/2 – ngày 5-8-1928)
         Dựa vào tinh thần TNHT, Đức Phạm Hộ Pháp khai triển rõ ràng, thực tế hơn:
        “Máy tạo bởi chữ HÒA mà có, thì thế giái càn khôn cũng phải hòamới vĩnh cửu. Địa cầu nầy cũng phải HÒA mới toàn hảo, nhơn loại cũng phải hòa mới trường tồn, chẳng khác nào xác thịt phải Hòa Thuận cùng linh hồn mới mong đạt Đạo.
         Lấy lớn mà định nhỏ, xem nhỏ mà tìm lớn, thi hài nầy nhờ hòa khí mà thành hình, thì linh hồn cũng phải tùng theo phép âm dương hòa hiệp mới qui hồi cựu bổn; linh hồn bởi chữ hòa khí mới có đến thì tức nhiên phải nương theo hòa khí mới có về.
      Tuy pháp bửu của các Tôn Giáo đã đoạt đặng vẫn nhiều, chớ cơ mầu nhiệm chỉ có chữ HÒA là đủ.
         Nói rõ ra thì tinh là thân thể; khí là điễn lực nghĩa là trí lự; thần là linh hồn; ba cái báu của mình ngày nào tương đắc, nghĩa là Hòa Hiệp cùng nhau, thì người mới mong đắc Đạo. 
         Cơ Đạo của Chí Tôn đến lập buổi Hạ Ngươn Tam Kỳ Phổ Độ nầy duy lấy một chữ HÒA làm tôn chỉ.
         Có HÒA mới có hiệp, có hiệp mới có thương, mà sự thuơng yêu là chìa khóa mở cửa Tam Thập Lục Thiên, Cực Lạc Thế Giới và Bạch Ngọc Kinh y như lời CHÍ TÔN đã dạy, chỉ nghĩa là phải Từ Bi Bác Ái mới đắc đạo vô vi, phải Hòa Hiệp mới có qui nhứt.
CHÍ TÔN đã định khai đạo đặng thị chứng cho các Tôn Giáo biết nhìn nhau trong đường hành thiện, trừ tuyệt hại tranh đấu thù hiềm, làm cho Thế Giới đặng Hòa Bình, thoát cơ tận diệt.
        Thể Đạo của CHÍ TÔN cũng phải nương theo chữ HÒA mới toan thành lập
Chí Tôn đã đến thế, hạ mình đặng làm Thầy dạy dỗ chúng ta, hằng trông mong giờ nào chúng ta biết hòa hiệp nơi lòng bác ái từ tâm của Người, là hiệp làm một cùng Người, mới có đủ quyền hành độ tận chúng sanh qui hồi cựu vị; mà đã sáu năm chầy rồi, thân thể hỡi còn rời rã ngất ngơ, chơn thần hỡi còn dật dờ mê muội, thì thế nào các Đấng Thiêng Liêng hiệp một cùng đời cho đặng, hầu mong sửa cải Thiên Thơ, tụ hội các nguyên nhân đem vào cửa Đạo.
        Vì năm Đạo phân chia làm cho nhơn tâm bất nhứt, nhân loại nghịch lẫn nhau, CHÍ TÔN đến đặng hiệp lại một nhà, ước cho con cái của Người biết Thương yêu Hòa thuận.
       Thầy dùng: phép là lương tâm, quyền là tình ái, mà làm cho cả nhơn loại thấy rõ mặt Thầy, hầu nhìn lẫn nhau trong Thánh Đức của Thầy, mà cộng yêu hòa ái.
      Cộng Hòa! Cộng Hòa! Ấy là hai lời châu ngọc của Thầy để vào lòng của mỗi người. Mình biết Cộng Hòa mới làm cho cả xã hội quốc dân đặng Cộng Hòa, rồi làm gương cho rực rỡ quang minh mà truyền bá cả tư tưởng cao thượng ấy ra khắp toàn cầu, cho cả nhơn loại đặng cộng hòa đại đồng thế giái”.
    (BÀI DIỄN VĂN CỦA ĐỨC HỘ PHÁP Tòa Thánh Tây Ninh , November 28, 1938)
      
  Sau cùng chúng ta thấy bài có chữ HÒA của Thường Cư Nam Hải Quan Âm Như Lai giáng cơ ngày 17-3-Quý Dậu (1933) thật cũng vô cùng ý nghĩa:
       “Ðạo quí là tại HÒA. Các em nghĩ thử mà coi, Tạo Thiên Lập Ðịa cũng bởi Âm Dương hòa hiệp sanh hóa muôn loài, cũng bởi một chữ hòa, đến đỗi như thân của người có tạng có phủ. Tạng phủ ấy, nếu chẳng HÒA thì con người chẳng hề sống bao giờ. Kịp đến tâm hồn bất hòa thì thất tình lục dục đều phát khởi tranh ngôi với thần lương tâm, nếu kém lực, thì con người ấy duy có sanh hoạt trong vòng vật dục chớ chẳng hề biết Thiên lý là gì?
       Các em thử nghĩ cái phẩm giá của kẻ ấy cao hèn là thế nào, người chẳng có hòa là thế đó.
      Còn gia đình chẳng hòa, thì cha con mích nhau, chồng vợ lìa tan, anh em ly tán.
      Còn trong luân lý chẳng hòa, thì dân cư bất mục. Nước chẳng hòa thì sanh ly loạn.
      Còn cả thế giới bất hòa, thì nhơn loại đấu tranh.
      Vì vậy Thiếp khuyên các em dĩ hòa vi tiên”.
                   (Thường Cư Nam Hải Quan Âm Như Lai)
        Ơn Trên đã dạy chữ HÒA như vậy nhưng chúng ta phải thực hiện như thế nào?
        Muốn sống hòa hợp với một tập thể, thì phải cương quyết tự bản thân dẹp bỏ cái TA. Nghĩa là không còn cái ích kỷ nhỏ nhen của cá nhân. Như một ly nước ngon ngọt gồm nước lọc, đường, chanh, muối, nước trái cây và nhiều thứ khác muốn tạo vị ngọt hài hòa thì cái hình dạng của cá nhân chanh, đường, muối, trái cây, chất bột…v..v..phải xóa để trộn hòa chung với nhau. Khi nếm mùi ngon ngọt, thơm bùi cho người thưởng thức thì không thấy trái cây, trái chanh còn nguyên, cục đường vẫn thế, cục muối chưa biến mất, …thì không thể gọi là HÒA nhau được, không kết thành mùi vị ngon thơm được.
       Luận ra con người, khi nhập mình vào tập thể, muốn tạo ra cảnh HÒA như Ơn Trên chỉ dạy thì không còn ai có thể tự tôn tự đại. Phải xem tập thể là tuyệt đối. Khi đưa ra bất cứ vấn đề nào cần thảo luận để đi đến quyết định chung cuộc thì mỗi cá nhân tham dự đều phải bình đẳng trong ý kiến của mỗi thành viên. Chủ tọa không có quyền ngăn chận ý kiến cá nhân, phải để cho họ trình bày để toàn hội nghe và xem xét đúng sai, phù hợp để khi lấy biểu quyết chung, lúc đó ý kiến nào được đa số chấp nhận rồi thêm bớt vào cho chính chắn, tạm thời áp dụng được thì mới đem ra thi hành. Lúc đó, quyết định đó sẽ là của chung tập thể, không còn là riêng của bất cứ cá nhân ai. Ly nước ngọt, ngon miệng thơm tho không phải chỉ riêng là do chanh, do đường hay độc quyền của cục muối, đơn lẽ của trái táo hay một mình của trái nho. Chúng đã HÒA chung các hương vị riêng lẽ độc đáo của chúng vào khối nước tạo thành vị mịn ngọt thơm tho chung phục vụ cho đời rồi.
       Suy ra người TU trong Đạo cũng vậy. Lúc đã hợp ý, chung lòng rồi, mới gọi đúng nghĩa là HÒA! Khi đó mới có thể nói là mình đã làm theo lời dạy của Ơn Trên, có giữ đúng tư cách, phẩm hạnh của con người muốn TU. Nhưng điều quan trọng bực nhứt nên khắc ghi trong tâm trí, giữ tron luôn trong tim là phải HÀNH ĐỘNG để tạo HÒA, chứ không chỉ NÓI SUÔNGtrên môi mép!
                                                                           *
Tài liệu do Hồ Xưa sưu tầm và phổ biến_________________________________________________


1 nhận xét:

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...