(NOBARA) Có một nước lớn nằm cạnh một nước nhỏ hơn nó một chút. Lúc đó, giữa hai bên không có chuyện gì xảy ra cho nên dân chúng sống trong cảnh thanh bình. Nơi ấy là một vùng biên giới xa kinh đô. Ở đó cả hai nước đều chỉ gửi tới một người lính để giữ cái bia đá dựng lên như cột mốc đánh dấu biên giới. Người lính của nước lớn là một ông già và người lính của nước nhỏ là một cậu thanh niên. Hai người đứng canh ở bên phải và bên trái nơi bia đá được dựng lên. Nơi đây chỉ có cảnh núi hoang vu. Hơn nữa, ít khi thấy bóng khách bộ hành qua lại. Lúc đầu khi còn chưa quen biết nhau, họ còn có tình cảm phe ta phe địch cho nên họa hoằn mới hở môi nói chuyện với nhau, Thế nhưng dần dà hai bên đã trở thành thân thiết. Một phần cũng vì hai người cảm thấy cuộc sống nơi đây buồn chán nếu vì không ai để chuyện trò. Hơn nữa, ngày xuân lại dài và đẹp, giờ đây đang lấp lánh chiếu trên đầu. Cũng vào độ ấy, ở vùng biên giới, có một cụm hồng, không biết do ai trồng, mọc lên xum xuê. Từ sáng sớm, trên những đóa hoa, đàn ong mật đã tụ lại và bay lượn bên trên. Tiếng vo ve của chúng vọng đến bên tai và phá giấc mơ của hai người lính lúc đó còn đang say ngủ. -Nào, dậy đi thôi nhỉ! Ong ở đâu kéo đến nhiều quá. Hai người cùng nói và thức giấc một lượt. Khi đi ra ngoài cửa, họ thấy mặt trời đã sáng trưng lên đầu những ngọn cây. Hai người bèn súc miệng bằng dòng nước trong veo đổ ra từ kè đá. Họ rửa mặt xong rồi đưa mắt nhìn nhau. -Ô, xin chào! Trời hôm nay đẹp thật. -Đúng đấy. Trời tốt thật. Khi trời tốt, con người mình cũng sảng khoái ra. Tại chỗ, hai người đã đứng và nói với nhau những lời như vậy.Họ cùng ngẩng đầu lên ngắm phong cảnh chung quanh.Tuy là cảnh sắc đã thấy mỗi ngày nhưng mỗi lần nhìn ngắm, trong lòng họ vẫn dậy lên những cảm xúc mới mẻ. Ban đầu, thanh niên không biết gì về cách chơi cờ tướng nhưng được lão già chỉ dạy cho cho nên vào dạo này, vào những buổi trưa êm ả, hai người mỗi ngày thường rủ nhau đánh cờ. Ban đầu thì lão già đánh hay hơn, thanh niên thường yếu thế nhưng cùng với thời gian, dĩ nhiên lão già cũng phải có bàn thua. Cả lão già lẫn thanh niên đều là những người tốt. Hai người cũng đều thẳng thắn và thân ái. Cho dù hai bên có sát phạt trên mặt bàn cờ nhưng lòng thì đã mở cửa cho nhau. -Ôi chao, kiểu này thì tớ thua mất. Cứ phải tiếp tục chạy trốn, rõ khổ. Nếu là chiến tranh thực sự thì tớ không biết sẽ ra sao! Lão già nói như thế và toác miệng cười. Thanh niên thấy có hy vọng nên vui mừng, mặt mày tươi tỉnh. Mắt sánh long lanh, cố sức dồn quân Vua bên địch vào thế bí. Trên đầu ngọn cây, bầy chim nhỏ đang ríu ra ríu rít một bài ca. Những đóa hồng trắng lại tỏa hương ngào ngạt. Ở vùng biên giới hai nước đó thật ra cũng có mùa đông. Khi trời trở lạnh, lão già bèn nhớ về miền Nam. Đó là nơi con trai và cháu nội của lão đang sinh sống. Lão mới nói: -Mong sao chóng được cho nghỉ việc mà về quê. -Bác mà nghỉ thì người đến thay thế sẽ là kẻ xa lạ đối với cháu. Nếu đó là người hiền hậu, thân ái thì tốt nhưng nhỡ là người có ý tưởng phe ta phe địch thì khốn. Thôi, bác hãy chịu khó ở lại thêm ít lâu nữa. Xuân sắp đến rồi mà! Cuối cùng mùa đông đã ra đi và mùa xuân lại trở về. Cũng vào lúc đó, giữa hai nước không hiểu có vấn đề tranh chấp quyền lợi gì và bắt đầu gây nên chiến tranh. Vì lẽ đó mà hai người lính cho đến nay vẫn sống hòa mục nay đã trở thành kẻ địch của nhau. Dù thế nào đi nữa, chuyện đó vẫn là một điều không sao hiểu được. Lão già mới nói: -Này, tớ với cậu từ đây trở thành kẻ thù với nhau rồi đấy nhé! Tớ già cả lụ khụ như thế này nhưng dù sao cũng là một viên thiếu tá. Nếu cậu chém được đầu tớ đem dâng thì hoạn lộ của cậu sẽ thênh thang. Cứ việc giết tớ đi! Nghe nói thế, thanh niên thất sắc: -Bác ơi, ăn nói chi kỳ cục vậy. Tại sao bác cháu mình có thể trở thành kẻ thù với nhau được. Kẻ địch của cháu phải là ai khác cơ.Hiện nay chiến sự chỉ đang diễn ra ở nơi nào đó tít phía Bắc. Cháu sẽ xin lên đó chiến đấu. Thanh niên để lại câu nói như thế rồi bỏ đi mất. Ở vùng biên giới, chỉ còn mỗi lão già ở lại. Kể từ ngày thanh niên không còn nơi đó nữa, lão sống những ngày thờ thẩn. Hoa hồng dại nở đầy và đàn ong mật đến bay lượn thành đàn ở bên trên từ lúc mặt trời lên cho đến khi chiều tối. Giờ đây chiến sự đang xảy ra ở một nơi thật xa xôi nên dù có lắng tai và dõi mắt nhìn lên không trung cũng chẳng nghe tiếng súng mà cũng chẳng thấy một ngọn khói đen. Kể từ ngày hôm đó, lúc nào lão già cũng lo lắng cho số phận của thanh niên. Và như thế, ngày tháng tiếp nhau qua. Một hôm có người lữ khách ghé qua vùng này. Lão già mới hỏi thăm tình hình chiến sự. Nghe thế, lữ khách mới cho lão biết là nước nhỏ đã bại trận, binh sĩ của họ đều bị tàn sát cả. Ông ta còn cho biết giờ đây chiến tranh đã kết thúc. Lão già suy ra nếu thế thì thanh niên chết rồi cũng nên. Vừa ưu tư như thế, lão ra ngồi bên tấm bia đá và úp mặt xuống đó thì không biết lúc nào, mắt đã díp lại và lão chìm vào trong giấc ngủ. Từ đằng kia bỗng có dấu hiệu một đoàn người đông đảo đang kéo đến. Nhìn lên mới biết đó là một toán binh sĩ. Ngoài ra, người chỉ huy đang cưỡi ngựa lại là chàng thanh niên ngày nào. Đoàn quân ấy rất im ắng, không gây ra một tiếng động. Cuối cùng, họ đi lướt ngang qua lão già. Thanh niên chỉ lặng lẽ cúi đầu chào rồi hít lấy làn hương của những đóa hoa hồng. Lão già định nói lên một lời gì thì chợt tỉnh giấc. Té ra mọi sự đã hoàn toàn xảy ra trong giấc mơ của lão. Chỉ được một tháng sau, những đóa hồng kia đã tàn úa cả và mùa thu năm ấy, lão già bèn xin hưu trí để trở về Nam. |
(TÔGE NO CHAYA) Khoảng giữa con đường đèo có một quán nước chè. Người từ thành phố đi đến ngôi làng bên kia cũng như cư dân của ngôi làng bên kia mỗi khi vượt ngọn đèo để ra thành phố đều ghé quán nước chè ấy để nghỉ chân. Nơi đây chỉ có mỗi một ông lão sinh sống. Tuy là đàn ông con trai nhưng ông lão quét dọn quán rất sạch sẽ và tiếp đãi khách chu đáo. Ông châm trà, bày bánh trái, còn đối với những ai thích uống rượu thì ông chế rượu vào nậm con và sửa soạn ít món nhắm với các thức sẵn có. Bà lão, vợ ông, mất đã lâu, và kể từ ngày đó, ông vẫn lủi thủi một mình buôn bán nhưng được cái nhiều người thương mến, mỗi khi có dịp đi ngang quán của ông, họ đều ghé lại. Ông lão lúc nào cũng tươi cười và tiếp đãi khách mọi người khách như nhau. Khách hàng thường kêu réo: -Ông cụ, ông cụ! Mỗi khi công việc nhiều như vậy, ông lão cứ phải xoay vòng cái thân thể bé nhỏ mà chạy lăng xăng, không có lấy một chút thời giờ để suy nghĩ. Thế nhưng khi chẳng có người khách nào, một thân một mình, ông thường ngồi trước cửa quán, thả hồn theo những ý tưởng vẩn vơ. Được chẳng mấy lúc thì mắt đã díp lại và đầu gật lên gật xuống. Thêm nữa, khi tuổi tác càng cao, những khi ngồi một mình như vậy, dù sụp mắt hay mở mắt, lúc nào ông cũng ở trong trạng thái nửa mộng nửa thực, đầu óc chẳng khác gì một kẻ uống rượu đang ngà ngà say. Mấy lúc gần đây, những hôm như thế tiếp tục xảy đến với ông lão. Ngoài cửa quán là một ngày mùa thu đẹp, trong khí trong vắt, đôi khi từ dưới chân đèo nghe vọng lại tiếng một chuyến xa lửa đang băng qua. Một nơi nào đó trong khu rừng lại có tiếm chim ríu rít đến tận bên tai, gần đến nơi tưởng chừng có thể đưa tay ra nắm lấy được. Ông lão lắng tai nghe tiếng xe hỏa cho đến khi nó mất hẳn. Cuối cùng, sau khi chạy qua bìa núi bên kia để đi vòng qua phía biển, chiếc xe mới thét một hồi còi lên bầu trời rồi tiếng của nó mới nhỏ dần và cuối cùng không còn nghe thấy gì nữa. -Giờ đây, từ cửa sổ toa tàu, đã có thể thấy những con sóng bạc ở ngoài khơi. Ông lão làm như mình đang ngồi trên chuyến xe lửa ấy. Có khi ông lại nhớ về mình hồi còn trẻ, khi vào rừng kiếm củi, có dắt theo đứa con trai nhỏ. Hôm đó cha con ngắt được nhiều nấm rừng mới mọc. Ông nhớ mùi thơm thân thuộc từ đám lá mục phủ trên mặt đất lạnh mà tưởng chừng nó hãy còn vương trên đầu mũi. Khi ông về đến nhà, bà lão, thuở ấy còn mạnh khỏe, đã cho ngay những món hái được vào nồi canh và nhen lửa. Tiếng chim vừa mới nghe đây đã khơi dậy trong ông bao kỷ niệm xa xưa. Có hôm, ông lão ngồi chìm đắm trong huyễn tưởng nửa mộng nửa thực ấy một cách thú vị từ buổi sáng khi những người dân làng nhân có việc ra tỉnh đi ngang qua nhà cho đến buổi chiều khi họ xong việc trở về. Cảm tưởng êm ái và thong dong ông đang có từa tựa với tâm tình của những ngọn núi đang bày ra trước mắt. Các đỉnh núi và thung lũng cũng tô màu đẹp đẽ cho chúng bằng các sắc từ vàng, tím đến hồng. Dưới một bầu trời xanh trong vắt, tất cả lại như thể đắm mình trong suy tưởng. Rồi sau những ngày đẹp trời nối tiếp nhau, không phải là không từng đón mùa đông với những cơn bão kinh hoàng. Lúc đó thì với hoài niệm về những ngày đầy ánh sáng từ xuân sang hè của những ngày đã qua đã làm cho chúng quên cả việc in lên người ngững tia nằng yếu và ngắn ngủi. Huống hồ, trong những hôm như vậy, không có bất cứ một cái gì có thể xáo trộn sự tĩnh lặng của núi và cõi lòng ông lão. Tuy vậy, một hôm, có người khách trong làng khi nghỉ chân ở quán nước đã rỉ vào tai ông một tin đồn: -Cụ ơi, tôi nghe nói, hôm trước, ông hàng kẹo khi ghé qua đây, đã say bí tỉ, có đúng không? -À, ông ấy chỉ hơi lâng lâng thôi và ra về rồi mà. -Ấy thế mà bị hồ ly nó đùa hay sao đấy mà nghe nói cả đêm ông ta lạc trong rừng. Lão chủ quán ngạc nhiên: -Hả? Đúng là ông bán kẹo à? -Ông ấy tìm cách về thành phố mà cứ đi loanh quanh đúng có một con đường. Khi tỉnh ra mới thấy mình đã đánh xong một giấc trong khu rừng núi Tây. Ông lão nhớ là lúc đó ông hàng kẹo trong người khoan khoái, đã kể cho ông nghe những kỷ niệm thuở thiếu thời của ông ta: -Hồi nhỏ, tôi có lần tôi đi lấy nấm ở ngọn núi phía Tây. Lão chủ quán nhớ lại là ông hàng kẹo đã nhìn về hướng đó và với một giọng đầy cảm khái, tự hỏi là không biết có phải hòn núi kia hay là một hòn núi khác nằm hơi chếch về một bên nữa. Vì có hơi say nên có thể hai bàn chân đã tự nhiên đưa ông ta về hướng ấy. Chủ quán đã thuật lại chuyện xảy ra ngày đó cho người dân làng như vậy. -Ra thế à? Có thể đúng như lời cụ nói. Chuyện chắc phải xảy ra như vậy chứ bị hồ ly trác kia nọ thì bây giờ, thứ đó ai mà còn tin được nhỉ! Người dân làng nói như thế rồi cười. Thế nhưng câu chuyện hồ ly trác kia lại được đồn đại như là một sự thật. Hôm sau, có một viên chức ở trong làng (mura no joyaku) đã ghé qua quán nước chè, hỏi thăm: -Này cụ ạ, chuyện hồ ly trác người làm náo động khắp nơi đấy. Thế ở đây, có gì xảy ra không hở cụ? Ông lão nhoẻn miệng cười và nói: -Thày định nói chuyện ông bán kẹo chứ gì? -Mấy cô thôn nữ cũng bị lấy mất mấy con cá hồi muối họ xách theo trên người.Hình như có ai bám theo đằng sau rồi giật lấy cái vèo. -Chuyện này xảy ra hồi nào vậy, thày? -Khoảng hai, ba hôm trước đây thôi. Theo lời họ thì giờ đó trời chưa tối hẳn. Nghe như thế, trong đầu ông lão hiện ra hình ảnh một toán hai, ba cô gái trẻ vừa đi vừa chuyện trò rôm rả khi qua trước quán mình. Trong số đó có một cô trên vai lủng lẳng vài con cá hồi muối, thế nhưng mỗi lần cô cười nhặt nghẽo, gập cả người thì cá lại lệch hẳn sang bên trái hay bên phải chẳng khác nào con lắc của đồng hồ. Ông lão nhớ lại là khi nhìn cái cảnh đó, ông đã nghĩ thầm nếu mấy con cá không rơi xuống đâu đó ở giữa đường thì đã may phước. Viên chức kia vừa châm lửa mồi thuốc, vừa nói với chủ quán: -Từ rày, trời sẽ lạnh ra, khi không tìm ra miếng ăn, mấy con chồn này sẽ còn dở trò gì nữa đây? -Hay là mấy cô kia đã đánh rơi cá dọc đường? -Ô hay! Người ta còn thấy được bóng mấy còn chồn đang chạy trốn nữa kia mà! Như vậy thì chuyện đó phải có thực chứ? Viên chức kia nói với một giọng tin tưởng. Thế rồi ông lại bắt qua một chuyện khác cũng gây ngạc nhiên như thế: -Này, cụ ạ. Chuyện chồn cáo thì thôi, ra sao cũng mặc. Có cái này nè, cụ biết sang năm sẽ có đường xe buýt chạy ngang đây không? -Xe buýt? Thật không thày? -Tôi vẫn chưa rõ. Thế nhưng nếu có, số người đi bộ ngang qua trước quán như bây giờ chắc sẽ mất đi. -Hết còn người đi bộ hở, thày nhỉ! Nếu vậy, chuyện buôn bán của tôi sẽ ra sao đây? Ông lão nói với giọng yếu xìu. -Ở đời, khi những phương tiện mới ra đời, tất sẽ có mặt hay mặt dở. Thế nhưng đây là lúc phải động não, cụ phải dùng đầu óc suy nghĩ.Người ở các làng lân cận sẽ tới đây nhiều hơn. Có thể trạm xe buýt sẽ được đặt trước cửa quán của cụ. Trường hợp đó thì cửa hàng của cụ còn lắm khách hơn xưa nữa. -Có thể nào như thế không, thày? Ông lão cúi mái tóc bạc và đẩy đến trước mặt viên chức một chén nước chè mới rót. Viên chức vừa nâng cốc lên miệng vừa bảo: -Để được như thế, cụ cần làm một cuộc vận động và càng sớm càng tốt! Nghe thế, ông lão bèn ngồi lại nghiêm chỉnh, hai bàn tay khô héo đang đặt ở trên đùi xoa vào với nhau. Người viên chức trẻ như đọc được tâm tình của người đối diện, mới đưa mắt nhìn thẳng ông lão. -Chỉ cần cụ đồng ý thôi là tôi sẽ thay mặt cụ phát động kiến nghị này. Trong bụng ông lão nghĩ chuyện này thế nào cũng gây ra tốn kém cho mình. Ông tự hỏi không biết phải bỏ ra bao nhiêu tiền thì ước nguyện mới thành tựu nên còn đang ngần ngại. -Chuyện này mới nghe qua thì nào đã phánđoán được đâu. Cụ cứ nhẩn nha suy nghĩ cho kỹ. Dặn dò như thế rồi, viên chức trong làng bèn ra khỏi quán. Thế nhưng kể từ ngày hôm đó, lòng ông lại lại cứ thấp tha thấp thỏm vì cái vấn đề vừa mới đặt ra cho mình.Nỗi lo lắng đó có lẽ vì tuổi tác cũng nên. Thế rồi, ông nhớ về người con trai duy nhất của mình đang sống ở một miền xa và ông bắt đầu suy nghĩ đến việc kêu gọi con về sống bên cạnh mình. Một hôm khách ra về cả và chỉ còn có một mình, ông lão bèn thử viết thơ cho người con trai để nói chuyện đó. Bên kia mới trả lời là mùa đông sắp đến và tuyết bắt đầu rơi, nơi bố ở sẽ lạnh. Nơi đây khí hậu lại ấm áp, phải chi bố về dưới này để cho cha con được sống bên nhau. Trong thư cũng viết là hiện nay chúng con hãy còn chưa con cái, có thể dành nhiều thời giờ chăm sóc cho bố. Có lẽ anh con trai của ông lão đã viết thư này ở hãng xưởng vào giờ nghĩ nên dùng giấy có in địa chỉ của hãng. Ông lão nhìn những dòng chữ thấm thía tình phụ tử mà sung sướng tiếp nhận bức thư và cất nó vào trong ngăn kéo ở dưới cái trang thờ Phật trong nhà. Đây cũng là chỗ thờ người vợ đã bao nằm cùng mình lao khổ và cũng là bà mẹ hiền của đứa con trai, ngày nay có lẽ đang có mặt nơi đây và chăm chú nhìn mình.Ông lão bèn thay nước cho bình cắm hoa và gióng lên một tiếng chuông con rồi kính cẩn chắp hai tay khấn khứa. Vừa lúc đó, có bóng ai đang bước vào quán: -Mấy lúc này, trời tối mau quá hở cụ? Người vừa nói vừa đi vào bên trong là một bác nhà nông đã luống tuổi. Ông lão chủ quán thân mật chào đón: -Cậu mới từ ngoài tỉnh về đấy à? Ông lão nhà nông ghé đến bên cạnh chủ quán rồi ngồi xuống. Ông châm lửa vào ống điếu kiểu xưa của mình từ hộp than cời (hibachi) đang cháy mà chủ quán vừa đẩy đến. Hai ông là bạn bè từ thuở ngồi trên ghế trường tiểu học. Ngoài họ ra hãy còn có bao nhiêu bạn bè thân tình khác nhưng kẻ thì đã chết, người bỏ xóm làng ra đi nên đến tuổi này mà còn có thể đi lại và tâm sự, giải bày đủ mọi điều với nhau thì chỉ vỏn vẹn có hai người. -Hâm một bình nghe? -Chính vì chờ nó mà tớ đã phải nhịn thèm nãy giờ ngoài tỉnh. Nghe nói thế, ông lão chủ quán bè tiến đến bên lò, đốt nắm lá tùng lên và đun cái bình sắt đang treo bên trên, rồi nói với một giọng trầm buồn: -Họ nói sang năm sẽ có đường xe buýt chạy ngang đây. Hồi nãy có viên chức trong làng đến cho hay là phải mau mau mở cuộc vận động để họ đặt trạm đằng trước quán mình. Chắc cậu cũng biết tớ mỗi ngày một già, cứ định bụng tốt hơn là mình nên trở về ở với đứa con trai... Lão nông luống tuổi cũng cúi mặt, nhìn ánh lửa cháy lên và thả cho làn khói xanh bay lảng đảng. Nghe bạn nói xong, ông ta an ủi: -Bề gì, cậu chỉ một cha một con, việc dọn về ở chung chỉ giản dị thôi. Thế nhưng tớ cũng thông cảm cho nỗi lòng của cậu khi phải rời bỏ nơi cha sinh mẹ đẻ mà cậu đã quen sống từ bấy lâu nay. Giải pháp nào cũng tốt nhưng phải lên kế hoạch cho kỹ rồi làm theo ý thích mới được. Còn việc đường xe buýt đi ngang khiến cho việc buôn bán ế ẩm không đáng để lo đâu. Khách đi buýt là ai thì ta đã rõ. Những người mỗi ngày phải mang theo nhiều hàng hóa đi ra đi vào thành phố sẽ không sử dụng xe buýt. Hơn nữa, vào những hôm tuyết đổ, xe cộ dù có muốn chạy chưa chắc đã chạy được. Ở vùng này, vào mùa đông, dân chúng phần nhiều lại thích nghỉ ngơi. Cậu lo làm gì việc chưa xảy ra cho mệt! Cứ để mặc xác, họ muốn đặt trạm buýt ở đâu cũng được. Vả lại, dù gì đi nữa, cậu chỉ có một thân một mình, làm gì mà bọn tớ lại lo cho cậu không xuể. -Rượu hâm cỡ này đủ nóng chưa? Lão nông tiếp lấy chung rượu chủ quán vừa trao và đưa lên môi, đầu hơi nghiêng qua một bên. -Muốn hâm thêm chút nữa à? -Không. Vừa đủ nóng đấy.Có điều tớ hơi tiếc là cậu không theo nổi tớ chứ bao nhiêu tớ cũng dám uống với cậu. -Vậy à? Thế thì cậu cứ thoải mái uống cho. Nhỡ tớ có say cũng vui thôi mà! Hai người vừa nói chuyện thân tình, vừa nhìn về hướng núi và ngắm vạt nắng tàn của buổi chiều lọt đang qua cái vách giấy để ngỏ. Ngày hôm sau, thời tiết đột ngột biến đổi.Từ tảng sáng đã có cơn giông kéo qua vùng nên giữa ban ngày mà chẳng thấy bóng khách đi đường lai vãng. Ông lão đành đóng cửa quán nghỉ sớm. Bên ngoài bầu trời hãy còn chút ánh sáng nhưng trong nhà, khi thắp đèn lên, đã im ắng như giữa đêm khuya. Vào lúc đó lại có tiếng gõ cửa lộc cộc. Ban đầu, chủ quán ngỡ là tiếng gió nhưng âm thanh lộc cộc ấy vẫn tiếp tục nên ông mới nghĩ rằng chắc có ai đang ở bên ngoài. Bất chợt ba cái tin đồn về chồn cáo lại hiện ra trong đầu nên ông lão cẩn thận tiến về phía cửa và lớn tiếng hỏi từ bên trong: -Ai có cần chi vậy ạ? -Cháu không biết là giờ này quán đóng cửa. Xin cảm phiền. Đó là một giọng nữ dịu dàng nhưng ông lão lại càng thấy làm lạ, mới he hé cánh cửa nhìn trộm người lạ. Ông mới thấy đấy là một phụ nữ trẻ đang dắt theo đứa con trai nhỏ. Nhìn dáng dấp thì cô ta có vẻ như người đi đường xa. -Tôi đóng cửa sớm vì tưởng giờ này không còn ai. Người phụ nữ ấy nói: -Cháu xin lỗi. Nếu cụ có củ khoai lang hay quả hồng, thứ gì ăn được... -Có chứ! Nói xong, ông lão mở hẳn cửa ra. -Thôi, vào trong này nghỉ chân một chút. Thế cô đi về hướng nào vậy? Ông hỏi thăm. -Cháu định đi về ngôi làng ở cạnh đây nhưng vì xe hỏa đến nơi quá muộn. Với lại cháu chưa từng đặt chân tới vùng này nên cứ loanh quanh hỏi đường, hết người này đến người nọ.Thằng bé nhà cháu đi không muốn nổi nữa, cháu phải hứa mua cho quà này quà nọ để nó lên tinh thần. Ông lão bèn vào trong và đem ra một một cái khay có khoai và quả hồng rồi trao cho người đàn bà.Ngoài ra, ông cũng dúi riêng vào hai bàn tay đứa bé một vốc hạt dẻ mới luộc và nói: -Vất vả quá nhỉ. Từ đây mẹ con cô chỉ còn phải chịu khó một chút nữa nhưng đoạn đường này thì tốt. Nên lợi dụng lúc trời còn sáng mà đi. Ông lão dặn dò như thế mà lòng thầm nghĩ phải chăng hai người này là vợ con của một thanh niên nào đó trong làng đã lập gia đình nơi xứ người. -Cháu cảm ơn cụ thật nhiều. Người đàn bà chào ông lão xong bèn nắm tay đứa con dắt đi trên con đường lộng gió trong ánh nắng yếu ớt của buổi chiều rồi khuất dạng. Ông lão đứng tựa cửa nhìn theo một lúc như đưa tiễn và nhớ lại rằng cô vợ con trai mình cũng xuất thân từ ngôi làng đó. -Thế nào mai mốt, chúng nó cũng phải đi thăm nhau như cô kia thôi. Nếu như lúc ấy mà có được đường xe buýt chạy từ tỉnh về làng thì hẳn là tiện lợi. Nghĩ đến đó, trong đầu ông lão, bao nhiêu lo âu về chuyện làm ăn buôn bán, lợi lộc và tổn thất của cá nhân mình bỗng biến đi đâu mất như những chiếc lá rụng bị cơn gió cuốn. Nơi ông lúc ấy chỉ còn mỗi niềm vui là mình sẽ được nhìn thấy một cuộc đời tươi sáng hơn và lòng mong mỏi sao cho hạnh phúc đến với mọi nhà. Tư liệu tham khảo: -Ogawa Mimei, Ogawa Mimei Dôwashuu, 1951, do nhà xuất bản Shinchô Bunko, Tokyo, xuất bản. Tuyển tập khổ bỏ túi này gồm 25 truyện nhi đồng, sáng tác của Ogawa Mimei với lời bạt của Tsubota Jôji. Mời Xem :Chùm Chuyện Nhi Đồng Của Ogawa Mimei (1-Đêm Trăng và Kính Deo Mắt ) |
Câu chuyện rất hấp dẫn
Trả lờiXóa