Thứ Năm, 1 tháng 7, 2021

Ngộ Đạo Đất Trời - Tràm Cà Mau

Ngộ Đạo Đất Trời

Tràm Cà Mau




Ông Tư bị ung thư và biết chắc không thể sống lâu hơn sáu tháng. Ông
bình tỉnh chờ cái chết, và vui vẻ sống những ngày ngắn ngủi còn lại,
mà không bi ai, không sợ hãi. Ông muốn sau khi chết, gia đình làm đám
tang theo ý riêng của ông. Bà vợ nghe dặn dò cách thức làm đám tang kỳ
dị, thì nói giọng buồn, với đôi mắt cầu khẩn:

– Em nghe nói ngày xưa ở Huế, người đàn bà đầu tiên đi xe đạp, bị cả
thành phố phỉ nhổ, xem như là Me Tây, như kẽ phá hoại phong hóa nơi
đất thần kinh. Cho đến khi chiếc xe gắn máy hiệu “Velo solex” ra đời,
người đàn bà đầu tiên xữ dụng, cũng bị xem như là thứ côn đồ, cao bồi
du đảng, chẵng ai dám giao du thân mật. Đến như bà Thu, vốn là một
công chúa, dù là con của vị phế đế, là người đàn bà có xe hơi, và lái
xe hơi dầu tiên ở Huế, cũng bị thiên hạ nghi ngờ oan ức đến cái đức
hạnh của bà, mà suốt đời không kiếm được một tấm chồng. Thế mà bây
giờ, anh bảo em làm đám tang khác thiên hạ, không giống ai, thì chịu
sao nỗi lời tiếu đàm của bà con, họ hàng!

Ông Tư cười, nhìn vợ và nói:

– Cái gì cũng phải có khởi đầu, có người làm trước, về sau thiên hạ
thấy hay mà làm theo. Không ai khởi đầu cả, thì làm sao có tiền lệ để
mà bắt chước? Thời trước nếu không có cô, bà nào dám tiên phong leo
lên xe đạp, thì bây giờ đàn bà đi bộ cho rã cẳng ra. Ngày nay, còn có
ai xì xầm khi thấy các cô, các bà đi xe đạp, xe gắn máy và lái xe hơi
đâu?

– Sao anh bắt em phải làm cái việc khác đời, cho tội cho nghiệp em. Em
đâu phải là hạng người thừa gan dạ, để có thể phớt lờ dư luận, khen
chê của thế gian?

Ông Tư trả lời với giọng rất bình tỉnh:

– Chỉ là ước mong nhỏ nhoi cuối cuộc đời của anh, mà em cũng không
giúp anh được sao? Ai có nói gì, thì em cứ bảo đó là ý nguyện của anh
trước khi chết. Mà có lẽ, mọi người đều biết anh muốn như vậy, em khỏi
cần giải thích cho ai. Em không làm theo ý nguyện, anh chết không nhắm
mắt, làm sao linh hồn siêu thoát? Như thế, em không sợ anh về quấy phá
em mãi sao?

Nghe đến đây, thì bà Hoa tái mặt. Bà vốn sợ ma, sợ người chết, sợ bóng
tối, sợ sự thiêng liêng. Bây giờ ông chồng còn sống, bà có thể lấn áp,
bắt nạt ông được, chứ sau khi ông chết rồi, thì bà phải chịu thua,
phải sợ ông. Ông Tư biết tính vợ, nên đem ma quỷ ra mà dọa trước, may
ra sau khi ông chết, thì bà chịu theo lời ước nguyện của ông.

Nếu có ai biết ông Tư đang cận kề cái chết mà ái ngại cho ông, thì ông
cười vui mà an ủi họ – chứ không phải là họ an ủi ông – rằng, nếu tin
theo đạo Chúa, thì khi chết được về thiên đàng, ngồi dưới chân Chúa,
sung sướng thế sao mà ai cũng sợ chết? Nếu theo đạo Phật, thì khi chết
cũng sẽ về Tây Phương Cực Lạc, vĩnh cửu an bình, thì mừng vui chứ sao
lại bi ai? Và nếu nói theo đức Đạt Lai Lạt Ma, thì cái xác thân ở trần
gian, có thể ví như bộ áo quần ta mang, khi nó đã sờn cũ, xấu xí, rách
rưới mục nát rồi, thì nên bỏ đi, mà mang bộ áo quần khác, đại ý nói đi
đầu thai kiếp khác, mang thân xác mới hơn.

Ông Tư nói với bạn rằng, thân xác ông bây giờ như cái quần đã mục
mông, rách đáy, không còn che được cái muốn che, thì phải bỏ đi, không
xài nữa là hơn. Bởi vậy, ông bình tỉnh đón chờ cái chết cận kề. Khi
biết ông bị ung thư sắp chết, thì phút đầu tiên, ông lặng người đi.
Nhưng rất mau sau đó, ông nghĩ ra rằng bây giờ chỉ còn hai con đường
để lựa chọn.

Một là rầu rĩ bi ai, than thân trách phận, oán thán trời đất, làm cho
những ngày ngắn ngủi còn lại trở thành u ám, khổ sở, muộn phiền.

Hai là bình tỉnh chấp nhận điều không thể tránh được với thái độ tích
cực, lạc quan, vui vẻ. Làm cho những ngày còn lại thành tươi vui, tốt
đẹp và ý nghĩa hơn. Khi ra đi sẽ không có chút tiếc thương vướng bận.

Ông chọn con đường sau, nên không buồn bả, không hoang mang, không bi
ai. Ông thấy cuộc đời bỗng đáng yêu hơn, đẹp hơn. Ông mở lòng vui vẻ
đón nhận từng thời khắc, từng ngày còn lại. Mỗi sáng dậy, ông ca hát
nhạc vui, và nói chuyện khôi hài cùng vợ con. Ông cố làm đẹp lòng mọi
người, vì ông nghĩ rằng, sau khi nhắm mắt nằm xuống, thì dù có muốn tử
tế với những người thân thương, cũng không còn làm được nữa.

Ban đầu, vợ con, gia đình, ai cũng ái ngại, nên cư xử tế nhị, dè dặt,
gượng nhẹ với ông. Về sau, thấy thái độ bình tỉnh của ông, mọi người
quên đi chuyện ông sắp xa lìa cõi đời nầy, mà cư xử với ông không khác
gì người bình thường. Đôi khi bị vợ gắt gỏng, bị con giận hờn, bị bạn
bè to tiếng, ông không buồn giận, mà cảm thấy tức cười, và thấy thương
họ hơn.

Ông Tư dặn thêm vợ rằng đừng đăng báo, không đăng cáo phó gì cả. Đừng
làm rộn, bận trí bà con gần xa, buộc họ phải thăm viếng. Không nên để
phiền ai phúng điếu chia buồn. Ông đưa tờ báo cho bà, và nói:

– Em nhìn vào mấy cái cáo phó nầy đây, đọc thấy buồn cười: “Chúng tôi
đau đớn báo tin cho thân bằng quyến thuộc: Ông Nguyễn Văn Mỗ đã được
Chúa gọi về vào ngày, tháng, năm, hưởng thọ 82 tuổi…” Được Chúa gọi
thì phải vui mừng, sung sướng, chứ sao lại đau đớn báo tin? Về với
Chúa là khổ lắm sao? Có đi tù cải tạo đâu mà đau buồn? Đáng ra phải
cáo phó bằng câu: “Chúng tôi hoan hỉ báo tin cùng thân bằng quyến
thuộc rằng, Ông Nguyễn văn Mỗ đã được Chúa gọi về vào ngày, tháng,
năm,…”. Và đây, một cáo phó khác, cũng “khóc báo” với thân bằng quyến
thuộc là thân nhân chúng tôi đã về cõi Phật. Về cõi ma vương quỷ sứ
mới khóc báo, chứ về cõi Phật, sướng quá, mà khóc cái nỗi gì?”

Bà Hoa nhăn mặt nói:

– Anh đừng chi li bắt bẻ từng câu từng chữ . Đó là một lối nói thôi.
Vì có ai biết chắc đi về đâu mà dám vui, buồn. Nhưng cứ cho là về
thiên đàng, cực lạc, về với Chúa Phật, cho người sống an lòng. Không
lẽ báo tin ông nội tôi được quỷ sứ rước đi rồi. Dù sống có gian ác đến
đâu, khi chết cũng có quyền hy vọng về nơi lạc phúc, bình an.

Ông Tư lắc đầu nói tiếp:

– Em có thấy ông cụ Trương nằm liệt giường hai năm, không cử động
được, như bị hành hình, cả nhà lao đao lận đận chăm sóc. Hai vợ chồng
bác Thu con cụ, vì khổ nhọc quá, gây gỗ nhau, gia đình suýt tan vỡ.

Khi cụ mất, cả nhà thở phào sung sướng cho cụ, và cho mọi người trong
gia đình. Thế mà khi cáo phó, cũng đau đớn báo tin. Bà con bạn bè đăng
báo chia buồn, cũng là vô cùng thương tiếc, vô cùng đau đớn. Tang gia
mừng, mà bà con lại chia buồn. Bà con muốn cụ nằm đó mãi, để khổ thân
cụ, khổ con cháu cụ lâu dài hơn nữa hay sao? Hay là họ không phải khổ
cực chăm sóc cụ, không phải đau lòng khi thấy cụ nằm liệt ra đó, nên
cụ chết họ buồn đau? Bỡi thế, khi anh chết, anh không muốn cáo phó,
không muốn ai phân ưu chia buồn. Chết cũng là một tiến trình của tự
nhiên của trời đất, thì có chi mà phân ưu, chia buồn. Có ai sống mãi
được?

Bà Hoa không đồng ý, nói lớn:

– Mất mát nào mà không đau buồn? Dù biết chắc rằng, ông cụ Trương chết
là thoát được khổ đau đang hành hạ. Nhưng khi cụ mất, cả nhà cũng buồn
vì mất cụ, mà vui vì cất đi được gánh nặng, bớt được mối thương tâm
khi thấy người thân yêu của mình khổ cực nằm đó.

– Thế thì khi cụ mất, chắc chắn cả nhà vui nhiều hơn buồn, mừng nhiều
hơn tiếc. Không ai dám nói mừng khi thấy thân nhân mình chết, vì sợ
thiên hạ hiểu lầm, tiếu đàm. Thế thì đừng giả dối, nói là đau đớn,
tiếc thương, mất mát. Mất cái gì mới ngại, chứ mất cái khổ đau hành
hạ, thì cầu cho mất sớm, mất đi càng nhiều càng mau, càng tốt. Anh
nghe nói người Lào có quan niệm rất hay về lẽ sống sự chết. Khi trong
gia đình có người chết, họ không bao giờ khóc lóc rầu rĩ, mà bình tỉnh
an nhiên, chắc rằng họ đã thấm nhuần cái lẽ thâm sâu của Phật giáo,
biết chết là giải thoát, rũ sạch nợ đời.

Bà Hoa hỏi:

– Hay là đời sống dân họ đau khổ lầm than quá, nên chết đi là khỏe
chăng? Chết là hết lo cơm áo, khỏi đói khát bệnh tật?

Bà Hoa nghĩ là ông Tư không thương bà đủ nhiều, nên cứ thản nhiên
trước cái chết cận kề. Bà không biết làm sao chịu nỗi cảnh cô đơn khi
sống thiếu ông trên đời.

Ông Tư thường nói với bạn bè rằng, rồi ai cũng phải chết. Không chết
sớm thì chết muộn. Không chết lúc ba bốn mươi, thì bảy tám chín chục
tuổi cũng phải chết. Cuộc đời, có thể ví như một đêm, không đi ngủ lúc
chín mười giờ, thì mười hai giờ, một giờ sáng cũng phải đi ngủ. Nếu
đêm không vui, thì tội gì không đi ngủ sớm cho khỏe, mà phải thức để
nỗi buồn gặm nhấm. Nếu đêm nay đau răng thì cố thức làm gì, ngủ sớm đi
mà quên đau.

Nhiều người sống với thái độ như sẽ không bao giờ chết, cho nên tích
tụ của cải, bao nhiêu cũng không vừa, làm nhiều điều không đúng, không
phải. Bỡi vậy, khi biết mình sắp chết, thì hốt hoảng khóc lóc, bi ai,
mà vẫn không tránh được. Nhiều vị vua chúa đời xưa cũng muốn sống đời,
nên uống thuốc trường sinh, mà ngộ độc chết sớm. Còn gia đình, thì
thời gian đầu thấy thiếu vắng, mất mát, nhưng rồi sau cũng quen dần,
vì phải lo lắng nhiều công việc khác trong một cuộc sống bình thường,
không còn có thì giờ mà tiếc thương, mà bi ai. Phần người chết, buông
tay là xong tất cả, bình yên vĩnh viễn. Không còn phải lo công việc
làm ăn, lo cơm áo gạo tiền, không còn lo làm giàu, lo tích trữ của
cải, không còn ghen tuông, giận hờn, không còn phải thức khuya học
hành, hoặc viết văn làm thơ mệt nhọc, không còn theo đuổi mộng lớn
mộng bé, không ưu tư dằn vặt vì thời thế, vì đất nước, quê hương… Bỏ
hết. Tất cả cũng chỉ là tro bụi. Thiên hạ còn ngưỡng mộ, còn khen ngợi
những anh hùng liệt sĩ trong lịch sử, nhưng chính các người nầy có còn
biết gì nữa đâu? Cũng là một mớ xương khô mục nát, đâu có nghe, có cảm
xúc, hân hoan, vui thú gì. Có ca ngợi, nhắc nhở thì để các thế hệ con
cháu về sau noi gương người đi trước mà dìn giữ quê hương, mà sống cho
đàng hoàng, cho nên người, đừng làm việc xấu xa đê tiện.

Ông Tư dặn vợ làm một đám tang đơn giản, không mở nắp hòm cho bạn bè
thăm viếng nhìn mặt. Hát nhạc vui trong tang lễ, không khóc lóc, mà
vui cười tự nhiên. Sau khi thiêu xong thì gởi tro xương về quê nhà,
đừng xây mộ, đừng đắp bia.

Bà Hoa thì chỉ muốn làm giống như tất cả mọi người. Ai làm sao mình
làm vậy trong khả năng tài chánh của gia đình. Bà không muốn làm khác
ai, để họ có thể dị nghị, bàn ra nói vào, thêm thắt thêu dệt. Nhưng bà
cũng không nỡ từ chối ước nguyện cuối cùng của ông. Hai người con của
ông bà, đứa con gái đầu thì tán thành, muốn làm theo ý kiến cũa bố,
đứa con trai phản đối, vì sợ thiên hạ chê cười. Ông nói với con: “Con
nên vì bố, không nên vì thiên hạ.”

Ông Tư xin nghỉ việc, đi thăm bà con họ hàng, đến đâu ông cũng nói
chuyện khôi hài, vui vẻ, nồng nàn với bạn bè bà con, thức đêm, uống
rượu, hát hò, ngâm thơ, ăn uống không kiêng cữ. Theo ông, thì kiêng
cũng chết, mà không kiêng cũng chết, chết sớm hơn vài tháng, vài tuần,
cũng chẵng nghĩa lý gì. Còn chẵng bao lâu nữa, kiêng cử làm chi cho
khổ thân, cho đời mất đi một phần ý vị. Ông cho rằng, đã sống đến trên
năm mươi tuổi là quá lời, quá đủ, không có gì để nuối tiếc. Thấy ông
tươi vui, người biết ông có bệnh sắp chết, cũng quên mất là ông đang
bệnh, người không biết bệnh trạng của ông, thì ông cũng không muốn nói
ra làm gì. Ông đưa bà và hai con đi chơi một chuyến trên du thuyền.
Ông tham gia các cuộc chơi tập thể trên du thuyền như hát hò, nhảy múa
ca hát, tham gia các buổi hòa nhạc, uống rượu, cho đến khi mãn cuộc.
Ông vui vẻ, bình tĩnh đến nỗi nhiều khi bà quên mất là vợ chồng không
còn bên nhau bao lâu nữa.

Ông Tư chuẩn bị tinh thần cho vợ, cho con, để chấp nhận một sự thực
không tránh được. Chấp nhận với sự bình tỉnh, sáng suốt, không vui vẻ
nhưng không bi ai. Có người nói cho ông Tư nghe về kinh nghiệm của
những kẽ đã chết thật rồi, mà sống lại nhờ sự mầu nhiệm nào đó. Rằng
khi chết, thì thấy mình đi vào một vùng ánh sáng lạ, rất hân hoan sung
sướng, khoái cảm tràn trề. Bỡi vậy, nên người đã trãi qua cận tử, thì
không cón sợ chết nữa, mà đón nhận như là một ân huệ của trời đất. Ông
Tư không tin chuyện cận tử, vì ông vốn con người thực tế và lý trí,
cái gì chưa kiểm nghiệm được thì chưa tin. Nhưng cho rằng, nếu được
như vậy thì càng tốt. Nếu không được vậy, thì cũng thôi.

Cuộc đời ông Tư đã trãi qua nhiều giai đoạn sướng khổ. Chưa xong đại
học thì bị kêu đi lính, tham dự những trận chiến kinh hoàng, ngày đêm
trấn đóng nơi ma thiêng nước độc, đã từng bị bắt làm tù binh, đã vượt
ngục. Khi miền Nam thua trận, phải đi tù nhiều năm. Đã sống trong chế
độ hà khắc kìm khớp, bữa đói bữa no. Đã đi qua biển tìm tự do. Và ước
nguyện rằng, được sống thêm một ngày trong xứ tự do, thì có chết cũng
không có gì tiếc nuối. Thế mà ông đã sống thêm được nhiều năm trong
một xã hội có tự do, dân chủ. Con người được pháp luật bảo vệ, tôn
trọng. Ông biết ơn trời đất đã cho ông cái phần thưởng vô cùng quý giá
đó trong nhiều năm qua.

Ông Tư chỉ là một người bình thường, có đủ cả tốt xấu. Có chút rượu
chè, nhưng không ghiền và say sưa. Khi vui bạn vui bè, thì ai đến đâu,
ông đến đó. Ông hòa đồng cùng đám đông. Thỉnh thoảng ăn nhậu cùng bạn
bè, nói chuyện trời đất, vui chơi. Cờ bạc ông cũng có chút chút, từ xì
phé, bài cào, cờ tướng, cờ vua, đi sòng bài. Nhiều khi ông xoa mạt
chược cùng bạn bè, một mạch từ sáng thứ bảy cho đến chiều chủ nhật mới
thôi, ai về nhà nấy để chuẩn bị cho ngày đi làm vào thứ hai.

Ông không mê, không lậm, biết dừng lại đúng lúc, không phải khi thua
cờ bạc thì nóng mặt cố gỡ, và gỡ cho đến bán nhà. Trai gái ông cũng
có, nhưng không làm hại đến ai, biết giới hạn của cuộc chơi. Không làm
khổ vợ con, không gây khổ đau cho người khác phái. Thuốc lá, cà phê
hàng ngày, ông không ghiền, nhưng cũng không bỏ hút thuốc. Ông Tư còn
có chút máu nghệ sĩ . Ông thổi kèn hắc tiêu rất đạt, nên lâu lâu theo
người bạn Mỹ gốc Phi Châu đến các hộp đêm thổi kèn chơi, không lấy thù
lao. Ông có chân trong một ban nhạc tài tử, lâu lâu đi trình diễn ở
các nơi công cộng. Ông Tư có sáng tác vài bản nhạc, nhưng không ai
hát, và hát không ai nghe, không ai khen, nên ông không sáng tác nữa.
Ông Tư cũng thích đọc truyện, đọc thơ. Ông cũng có làm thơ, nhưng bà
Hoa là vợ ông, khuyên đừng để cho ai biết những bài thơ đó do ông
viết, vì người sợ người ta cười lây cả bà. Ông nghe vợ chê, nãn lòng,
không muốn làm thơ nữa. Tuy nhiên, có nhiều khi cao hứng, không cầm
được cảm xúc, ông cũng làm thơ chơi, và dấu kín, vì sợ vợ đọc được chê
bai.

Một người bạn của ông Tư cũng thích thơ phú, thường cùng ông ngâm vịnh
khi nhàn tản, một hôm nghe ông nói về quan niệm cuộc đời, lẽ sống và
cái chết. Ông nầy ngồi nghe mà đờ ra, và nói:

– Bác chờ chút, tôi lục tìm bài thơ của một ông bạn tôi, sao mà ý
tưởng của bác với ông kia trùng nhau, như cùng học một sách. Kỳ lạ
ghê. Lần đầu đọc bài thơ nầy, tôi khoái quá, phải xin ông bạn cho tôi
mượn, chạy ra phố, chụp lấy một bản, còn cất giữ đây.

Ông Tư cầm lấy bài thơ dài, vừa đọc vừa gật gù, đọc xong ông vỗ đùi
sung sướng, nói:

– Tuyệt. Hoàn toàn giống hệt suy nghĩ của tôi. Bác đem tôi đến giới
thiệu tác giả bài thơ nầy đi. Bác xem đấy, đâu phải một mình tôi suy
nghĩ khác đời đâu. Có nhiều người cùng một ý nghĩ, nhưng không dám nói
ra, không dám thi hành. Đúng như cụ Nguyễn Công Trứ có viết là chỗ ta
ngồi hiện tại, người xưa đã ngồi rồi. Tôi dốt chữ Hán, nhớ mang máng
hình như là “Ngã kim nhật tại tọa chi địa, cổ chi nhân tằn tiện ngã
tọa chi” . Mấy ông Tây cũng từng viết là dưới ánh mặt trời nầy, không
có cái gì mới cả. Những suy nghĩ của tôi về cái chết, sự sống, người
xưa cũng đã viết nhiều, tàng ẩn bàng bạc trong kinh Thánh, kinh Phật.
Ngày xưa khi còn nhỏ, bố mẹ tôi gởi tôi vào học nội trú trường đạo
Thiên Chúa, mỗi ngày mỗi đêm đều đọc kinh Thánh. Hồi đó tôi không hiểu
hết ý nghĩa của kinh, tôi tưởng lầm đọc kinh là ngày đêm kêu gào sự
xót thương của Chúa. Tuổi trẻ ngu muội và ngông cuồng nên tôi không có
cảm tình với chuyện kinh kệ, nhưng khi lớn lên, đọc lại kinh Thánh,
tôi thấy hay quá ông ạ. Lời kinh an ủi, vỗ về con người trong khổ đau,
trong bước đường hoạn nạn, khi gặp cam go chìm nổi, tìm được yên bình
để chịu đựng mà hy vọng qua khỏi nghịch cảnh.

Ông bạn cười, nói:

– Tôi thấy nhà bác thờ Phật, mà lại nói chuyện Chúa rành rẽ. Bác có
theo đạo Cao Đài hay không?

– Không phải đạo Cao Đài, nhưng Phật Chúa gì cũng hoan nghênh. Bà xã
tôi vẫn thường đi chùa. Ngày xưa khi còn trong quân đội, đóng quân
giữa núi rừng, mẹ tôi gởi cho mấy bộ kinh Phật, không có sách vở, báo
chí, buồn mà đọc chơi. Không có tâm tu hành, nhưng đọc mãi, nó thấm
vào trong tư tưởng lúc nào không hay. Bỡi vậy, tôi có quan niệm rất rõ
ràng về sự sống, cái chết, và bình tỉnh đón nhận như một lẽ thường của
trời đất, tạo hóa.

Hai người đang nói chuyện, thì có bà bạn ghé chơi. Bà nầy yêu cầu ông
Tư và bạn ông đóng tiền để mua đất chôn cất và xây mộ cho một người
đồng hương Việt Nam nghèo mới chết. Gia đình không đủ tiền để làm ma
chay và mua đất chôn ở nghĩa trang. Ông Tư móc ví, đóng ba chục đồng,
và nói:

– Kêu gọi thì tôi đóng tiền, chứ thực tình trong lòng tôi nghĩ khác.
Chết thì hỏa thiêu là đẹp nhất, tốt nhất và lại vệ sinh. Chôn xuống
đất cho dòi bọ nó rúc rỉa, cho sình thối chứ có được gì. Một vạn cái
xác, mới có được một cái không thối rữa, mà cũng khô đét nằm nhăn răng
ra, hôi hám xấu xí. Nằm chật chội trong tối tăm âm u, dưới đất lạnh
lẽo, chứ có sung sướng gì đâu. Rồi lâu ngày, thịt da cũng rữa, xương
cũng mục. Được bao nhiêu năm? Mà cứ nghĩ kỹ xem, nếu mỗi người chết
phải có một nấm mồ chừng hai thước vuông, thì trên thế giới nầy từ
triệu năm trước đến nay, và nhiều triệu năm sau nữa, tỉ tỉ người đã
chết và sẽ chết, lấy đâu ra đất mà chôn. Không lẽ cả thế giới nầy
chẵng còn một tấc đất mà trồng trọt, nhịn đói chết hết sao? Nhiều xứ
văn minh hiện nay, người ta thiêu xác. Bên Nhật, bên Tàu, Ấn Độ và
nhiều xứ khác nữa, người chết được hỏa thiêu. Đạo Phật chính tông, thì
các tăng ni đều được hỏa táng, nhưng những người theo đạo Phật nửa
vời, thì lại chôn cất. Bày đặt ma chay linh đình cho thêm tốn kém.

Bạn ông Tư hỏi:

– Có phải người theo đạo Chúa không dám hỏa táng? Nghe đâu họ tin có
ngày phán xét cuối cùng, và được sống lại. Bỡi vậy nên phải giữ thân
thể, không muốn thiêu tan thành tro bụi.

Ông Tư cười lớn nói:

– Chờ đến ngày phán xét cuối cùng, thì sắt đá cũng đã mũn ra tro bụi,
nói chi đến cái thân xác mong manh? Có lẽ những kẽ mê tín, kém hiểu
biết, diễn dịch sai ý nghĩa của kinh Thánh chăng? Mà dù cho xương cốt
có còn, thì cũng chỉ là bộ xương cũ mục, làm sao mà sống lại trên bộ
xương đó được?

– Nghe đâu các nghĩa trang cũng chỉ bán đất trong vòng một trăm năm
thôi – Bà bạn bàn thêm – Sau một trăm năm thì không biết họ có đào
lên, đem chôn ở hố tập thể, hoặc đem thiêu đốt đi chăng? Nhưng khi mua
đất chôn, thân nhân, không nghe ai nói đến điều nầy. Mà dù cho chủ
nghĩa trang có hứa miệng là bán đất vĩnh viễn, thì sau một trăm năm,
họ đào bỏ đi, cũng chẵng ai hoài công đi kiện. Lời hứa trăm năm trước
con cháu không nghe, không còn chứng cớ, cả người hứa hẹn lẫn người
nghe hứa hẹn, đã chết từ lâu. Mà có lẽ con cháu cũng vì lo làm ăn,
sinh kế, đi tứ tán, không ai còn đoái hoài chi đến mấy ngôi mộ của
tiền nhân trong các nghĩa trang đây đó.

Bạn ông Tư nói:

– Trong phim tài liệu về Tây Tạng, ở đó đạo Phật là quốc giáo, ông
Phật sống cai trị dân như vua. Khi có người chết, thì họ quàng dây kéo
lê lên núi, sau đó mấy ông chuyên môn chặt xác chết ra nhiều khúc, và
ném cho chim kên kên ăn. Trông khiếp lắm. Không biết họ làm như thế,
có đau lòng thân nhân ? Rõ như câu nguyền rủa ở xứ mình là “chim tha
quạ rỉa”.

– Chẳng có đau lòng chi cả – Ông Tư bàn thêm – Bên đó toàn đá núi
cứng. Muốn đào đá ra làm huyệt mộ cũng quá cực khổ. Thân nhân người
chết, dẫu có muốn chôn cất đến mấy cũng không ai làm nỗi việc đó. Cho
chim ăn là tiện nhất. Có điều, không biết làm sao chim kên kên không
lây bệnh người chết, biết bao nhiêu là bệnh nan y, vi trùng, vi khuẩn.
Bỡi thế, nên tôi cho hỏa thiêu là sạch sẽ và tiện lợi nhất.

Câu chuyện bàn rộng đến phong trào Việt Kiều về quê xây lăng mộ cho
thân nhân, cho tổ tiên, đến nỗi có nhiều làng thi đua xây cất cho nguy
nga, cho to lớn. Thấy lăng mộ người khác lớn hơn, thì đập cái cũ ra,
xây lại cho lớn, cho đồ sộ hơn. Có nơi người ta đặt tên là Làng Ma, vì
toàn cả lăng mộ. Ông Tư cho rằng, xây lại mồ mả cho tổ tiên để báo
hiếu, cũng là một hành động tốt, không có chi sai trái. Nhưng thi đua
nhau xây và xây cất có tính cách phô trương thì chỉ làm trò cười cho
thiên hạ. Liệu những phần mộ kia đứng vững được bao nhiêu năm, và còn
được con cháu chăm sóc đến bao giờ? Rồi cũng có ngày trở thành hoang
phế, chẵng ai đoái hoài đến, mà mục rữa với thời gian. May ra, những
nơi thiêng liêng như đền quốc tỗ Hùng Vương, lăng mộ các bậc anh hùng
giữ nước, dựng nước, mới được con cháu tiếp tục tu sửa chăm nom. Thế
mà cũng có còn tả tơi, tàn tạ, không ai chăm nom. Huống chi mình, là
thứ thường dân, vô danh tiểu tốt, chưa làm được gì. Chưa kể những kẽ
là tội đồ của dân tộc, bày đặt xây lăng ướp xác, như các ông lảnh tụ
cọng sản từ Âu sang Á, từ từ rồi mồ mã cũng bị phá bỏ , san bằng. Bỡi
thế, ông Tư dặn vợ con đừng xây mộ, tạc bia cho ông làm chi.

Ông Tư mượn bài thơ của ông bạn về đánh máy và sắp xếp lại cho đẹp, in
ra nhiều bản, phóng ra một bản lớn, để dành khi ông chết sẽ sử dụng.

Chỉ bốn tháng, sau khi được báo tin ung thư, ông Tư qua đời mà không
đau đớn nhiều, không dùng hóa học trị liệu trước khi chết. Có người
mách cho ông nhiều loại thuốc ngoại khoa, ông cũng dùng thử. Trong
giới bạn bè thân tình, có người nói là ông Tư đã tự chọn lấy con đường
ra đi nhẹ nhàng, không để bệnh hoạn hành hạ trước khi chết. Ông Tư
thường đùa rằng, còn nước thì còn tát, biết là dù có tát thì thuyền
cũng chìm, thì quẳng gàu đi cho đở mệt trước khi thuyền chìm.

Bà con bạn bè đến viếng tang ông Tư tại nhà, khi bước vào cỗng, họ cố
sửa soạn lại bộ mặt cho có vẽ buồn rầu, nghiêm nghị, để hợp với cảnh
tang ma, dù trong lòng họ không có chút bi ai nào. Nhưng họ nghe có
tiếng nhạc vui đang rộn rã vẵng ra từ bên trong, hòa với tiếng nhạc là
tiếng cười vui vang vang, tiếng ồn ào. Người nào cũng giật mình, vội
vả xem kỹ lại số nhà, sợ đi lầm.

Vào nhà, mỗi khách viếng tang được phát một tờ giấy màu hồng, bên trên
ghi bài thơ “Sau Khi Tôi Nhắm Mắt”. Bài thơ cũng được chụp phóng lớn,
dán trên tấm bảng che kín cả một bức tường. Khách và chủ đang vui vẻ
chuyện trò, cười đùa. Không thấy quan tài ông Tư đâu cả. Trên bệ thờ
có cái ảnh ông Tư phóng lớn, miệng cười toe toét, tóc bù gió lộng.
Trước tấm ảnh có cái hộp vuông chứa tro xương của ông Tư. Tiếng nhạc
vui vang vang từ máy hát. Bài thơ in đậm nét:

Sau Khi Tôi Nhắm Mắt

Khi tôi chết, viếng tang đừng buồn bả
Cười cho to, kể chuyện tếu vui đùa,
Trong sáu tấm biết chắc tôi hả dạ,
Lên tinh thần, ấm áp buổi tiển đưa,
Nếu làm biếng, cứ nằm nhà thoải mái
Viếng thăm chi, vài phút có thêm gì?
Mắt đã nhắm. Lạnh thân. Da bầm tái.
Dẫu bôi son, trát phấn cũng thâm chì.
Tôi đi trước, hẹn gặp nhau ở đó,
Ai thay da mãi mãi sống trăm đời.
Kẽ trước người sau, xếp hàng xuống mộ
Biết đâu là khởi điểm cuộc rong chơi.
Nếu có khóc, khóc cho người còn lại,
Bỡi từ nay thiếu vắng nỗi đầy vơi.
Cũng mất mát, dáng hình, lời thân ái
Tựa nương nhau, hụt hẫng giữa đất trời.
Đừng đăng báo, phân ưu lời cáo phó
Chuyện thường tình, phí giấy có ích chi?
Gởi mua gạo, giúp người nghèo đói khó
Dịu đau buồn những kiếp sống hàn vi,
Trỗi nhạc vui cho người người ý thức,
Cuộc nhân sinh sống chết cũng tương đồng,
Khi nằm xuống, xuôi tay và nhắm mắt
Thì đau buồn hạnh phúc cũng hư không.
Đừng xây mộ, khắc bia ghi tên tuổi
Vài trăm năm hoang vắng, chẳng ai hoài.
Vũ trụ vô cùng, thời gian tiếp nối,
Tỉ tỉ người đã chết tự sơ khai
Khi tôi chết đừng ma chay đình đám,
Hỏa thiêu tàn, tro xác gởi về quê
Dẫu bốn biển, cũng là nhà, bầu bạn
Trong tôi còn tha thiết chút tình mê
Thì cũng C, H, O, N kết lại
Nắm tro xương hài cốt khác nhau gì
Nhưng đất mẹ chan hòa niềm thân ái
Cho tôi về, dù cát bụi vô tri.

Khi đọc xong bài thơ, có người thì mĩm cười, có người vui hẵn, và nói
chuyện oang oang. Họ cho rằng bài thơ đã nói hết ý nguyện của người
chết. Người chết không muốn bạn bè buồn rầu, thương tiếc, thì việc chi
mà lại làm bộ, gượng gạo tạo ra nét buồn khổ trên mặt.

Vợ con người chết cũng không tỏ vẽ buồn rầu, mà cũng không hớn hở.
Không một tiếng khóc lóc, thở than. Nhạc vui vẫn dồn dập phát ra từ
máy vang dội. Khi khách đã đến chật nhà, và đúng giờ cử hành tang lễ,
bà vợ ông Tư và đứa con trai mang áo quần trắng đứng chắp tay bên bàn
thờ, cô con gái đứng bên tấm ảnh ông, cầm máy vi âm nhoẻn miệng cười
và nói:

– Thưa các cụ, cô bác chú dì, bà con bạn bè thân thiết xa gần, chúng
tôi xin cám ơn quý vị đã có lòng đến viếng tang Ba chúng tôi. Tang lễ
nầy làm theo ý nguyện của người quá cố. Không làm tang lễ theo tục lệ
bình thường, vì sợ trái với ước vọng cuối cùng của Ba chúng tôi. Chúng
tôi xin nhận lấy mọi lời trách móc nếu có từ bà con bạn bè. Ba chúng
tôi đã bình tĩnh và vui vẻ đón cái chết như một sự trở về không tránh
được. Trong những ngày cuối của cuộc đời, Ba chúng tôi rất vui, chuẩn
bị kỹ cho gia đình và cho chính ông. Ông đã dặn dò chúng tôi, không
nên khóc lóc, không nên buồn rầu, vì sự thực không có chi đáng buồn
cả. Ông dặn chúng tôi vặn cuốn băng sau đây cho bà con cô bác nghe.

Người con gái đến bên bàn thờ, bật máy , có tiếng ông Tư cười hăng hắc
vui vẻ, làm một số người không cầm được, cũng cười theo. Một vài bà
yếu bóng vía sợ xanh mặt. Sau tiếng cười chào, thì có tiếng ông Tư đọc
bài thơ dán trên tường, giọng đọc rất chậm rãi, rõ ràng, như đang nói
chuyện thủ thỉ với bạn bè. Mọi người im lặng lắng nghe, người thì
nghiêm trang, người thì mĩm cười. Giọng Huế của ông Tư đọc chậm và
ngân dài những đoạn ông đắc ý: “Tôi đi trước, hẹn gặp nhau ở đó. Ai
thay da mãi mãi sống muôn đời, Kẽ trước người sau xếp hàng xuống mộ,
biết đâu là khởi điểm cuộc rong chơi.” Cuối cùng, có một tràng cười ha
ha của ông Tư để chấm dứt bài thơ. Sau bài thơ, có ba ông người Mỹ,
hai ông da đen, một ông da trắng, cầm đàn và kèn trỗi lên mấy khúc
nhạc vui, các ông nhún nhẫy uốn éo, nhiều lúc dậm chân xuống sàn. Ba
ông cùng lúc lắc, làm hàng một, đi quanh phòng khách, như múa lượn
trước bàn thờ ông Tư. Những ông nầy, là bạn chơi nhạc với ông Tư tại
các quán ca nhạc ban đêm.

Bỗng nhiên, bà chị ông Tư nhào ra, lăn lộn trước bàn thờ mà khóc lóc gào lớn:

– Cậu Tư ơi là cậu Tư. Chúng nó đem cái chết của cậu ra mà bêu rếu họ
hàng. Vợ cậu muốn đi lấy chồng sớm nên bày ra cái cảnh chướng tai gai
mắt nầy. Con cậu cũng là thứ bất hiếu bất mục, cha chết mà không có
một giọt nước mắt, còn cười nói lung tung. Chỉ có tôi là chị cậu,
thương cậu thật tình thôi, ruột đứt lòng đau, nên khóc than đây.

Ông chồng chạy đến ôm bà kéo ra, và nhỏ nhẹ giãi bày. Bà vùng vằng và
càng khóc lớn hơn, xỉ vả bà Tư những câu tục tỉu nặng nề. Bà Tư ôm mặt
khóc lóc. Bà chị chồng nói lớn: “Mai mốt chúng mày chết, bà đến phóng
uế lên hòm chúng mầy”. Nhiều người bà con đến phụ ông chồng lôi bà chị
ông Tư ra xe chạy đi.

Khách viếng tang lảng ra, và có người lẵng lặng ra về không chào hỏi
ai, vì sợ gia quyến ngượng ngùng. Cô con gái ông Tư đứng ra xin lỗi
mọi người vì chuyện không may, không vui vừa xẫy ra.

Một bạn thân của ông Tư, quen nhau từ thuỡ trung học, đại diện bà con,
đến trước bàn thờ, vỗ vào hộp tro xương, cười ha hả và nói:

– Tư ơi, ông là số một rồi đó, chả có ai bằng ông. Ông hiểu tận tường
lẽ huyền vi của tạo hóa. Sống cũng vui, mà chết cũng vui. Sống cũng
dám làm, mà chết rồi cũng dám làm, và làm được. Tôi cũng ước mong
rằng, sau khi chết, vợ con làm cho tôi một đám tang như thế nầy, thì
vô cùng sung sướng. Tưởng ông nói đùa chơi, ai ngờ làm thật.

Một vị mục sư là bạn thân của gia đình, cũng đến trước bàn thờ, và
đoan chắc rằng bây giờ ông Tư đã được về với Thiên Chúa. Ông cho rằng
thái độ của ông Tư trước cái chết rất sáng suốt, đáng khâm phục, và
đáng được mọi người noi theo. Một vị sư già, có bà con họ hàng với ông
Tư, đã từng viết nhiều sách Phật và rao giảng đạo từ bi, nói trước
linh vị :

– Bần đạo không cần đọc kinh cầu siêu cho thí chủ. Bỡi linh hồn thí
chủ đã thực sự siêu thoát trước khi chết. Thí chủ không vướng bận cõi
trần, không hệ lụy vào cái thân xác tạm bợ. Thanh thản ra đi như kẽ đi
chơi, thong dong, dễ dàng. Thí chủ đã hiểu thấu đáo cái lẽ vô thường
trong đạo pháp.

Mọi người ra về, lòng nhẹ nhàng, tưởng như đi trong mơ. Từ phía nhà
ông Tư, còn vang vọng nhạc vui đưa tiển đám tang khách.

Sau tang lễ, bà Hoa vợ ông Tư thở phào. Bà vui mừng vì đã làm được
đúng lời căn dặn của chồng mà không bị tai tiếng. Bà chỉ sợ tai tiếng
thôi. May mắn, đa số bà con đều tán thành nghi thức tang lễ, và nếu
không tán thành, họ cũng im lặng, chỉ có bà chị ông Tư gây rắc rối
thôi.

Nắm tro xương của ông Tư được vợ con gói kỹ bốn năm lớp, bỏ vào hộp
bằng chất nhựa dày, để cho khỏi vỡ, rồi gởi bảo đảm về Việt Nam.

Chiếc xe chở hàng của hãng vận chuyển bị tai nạn trên đường ra phi
trường. Xe rơi từ cầu xa lộ cao ba từng xuống đất, thùng xe vở nát,
hàng hóa tung vung vãi, rách nát, cháy xém. Anh tài xế gảy hết tay
chân và xương sống, hấp hối. Người ta đồn rằng anh tài xế buồn vì bị
vợ cắm sừng, đã uống rượu say xỉn, không điều khiển được tay lái. Cái
hộp tro xương của ông Tư bị rách và cháy xém mất một phần địa chỉ,
được gởi lầm đi ngao du qua xứ Nambia bên Phi Châu. Cô con gái ông Tư
hỏi tin tức bên nhà hàng ngày, qua liên mạng máy vi tính, về cái hộp
tro xương, mãi đến hai ba tháng vẫn chưa nhận được. Bà Hoa viết nhiều
thơ khiếu nại hãng chuyên chở. Họ trả lời là sẽ bồi thường cho bà hai
trăm sáu mươi tám đồng. Bà Tư khóc lóc, thuê luật sư đâm đơn kiện. Sáu
tháng sau, nhờ còn có địa chỉ người gởi, nên cái hộp tro xương được
hoàn trả cho gia đình, với ghi chú là không có địa chỉ người nhận. Bà
Hoa mừng ôm cái hộp mà khóc ròng.

Lần nầy, bà Hoa quyết định tự tay đem hộp tro xương ông chồng về tận
Việt Nam. Bà sợ thất lạc thêm lần nữa, thì tấm lòng hoài vọng quê
hương của chồng bà không được mãn nguyện, và bên kia cõi đời, ông Tư
không yên ổn mà an giấc ngàn thu.

Tràm Cà Mau


1 nhận xét:

Mời Nghe và Xem Thơ,Nhạc : HỬNG HỜ : Thy Lệ Trang,LHN Và Các Thi Hửu

Kính mời quí anh , chị nghe bài hát mới có tên Hững Hờ . Nhạc được trích từ một nhạc phẩm không lời tên Indifference . Lờ...