“Thế giới đã mất” của Chóe
Phạm Chu Sa
Tôi biết Chóe từ năm 1971 nhưng mãi đến năm 1973, lúc chúng tôi gặp nhau ở tòa soạn nhật báo Hòa Bình thì mới quen. Trái với khổ người cao to, mặt mày râu ria trông rất dữ tợn, Chóe lại rất hiền, ít nói. Khi nói thì nhỏ nhẹ từ tốn. Buổi sáng, sau khi đến Sóng Thần, anh ghé lại Hòa Bình, trong lúc chờ thư ký tòa soạn Tô Văn gợi ý đặt hàng hôm nay CAP (tức CHÓE) vẽ gì, chúng tôi ngồi tán gẫu với nhau…
Những năm cuối 1980, Chóe vẽ tranh màu nước chấm phá thêm nét bút sắt gửi bán ở các cửa hàng tranh kiếm sống. Tranh Chóe bán khá chạy vì khá mới lạ. Anh lấy luôn tên Chóe ký dưới những bức tranh nghệ thuật chứ không chỉ là bút danh vẽ biếm… Năm 1990, nghe tin anh cộng tác với tờ Lao Động Chủ Nhật, tôi đến gặp anh ở căn tin báo trên đường Công Lý, nhâm nhi vài ly bia, nhắc lại chuyện làm báo ngày trước.
Nhân nhắc chuyện cũ, tôi hỏi: Hồi đó anh vẽ biếm “cà khịa” toàn thứ dữ như ông Nguyễn Văn Thiệu, ông Trần Văn Hương, ông Nguyễn Cao Kỳ…, bộ anh không sợ họ “xơi” sao? Chóe cười hiền lành: Đúng là bấy giờ tôi khá liều mạng. Đã từng nhiều lần bị đe dọa nhưng mình nghĩ “chúng dọa bắn chưa chắc chúng bắn. Bắn chưa chắc trúng. Mà lỡ trúng chưa chắc chết!”.
“Biếm sĩ” đắt sô
Trước năm 1975 ở Sài Gòn báo nào cũng cần có một họa sĩ vẽ biếm, nhiều báo tranh nhau mời Chóe nhưng anh là cây cọ biếm độc quyền của Sóng Thần nên Chóe phải đổi bút danh khi “chạy sô” cho các báo khác. Anh ký tên CAP trên tờ Hòa Bình, KIT trên tờ Đại Dân Tộc… Ngoài ra từ cuối năm 1971, sau khi chỉ còn liên danh Nguyễn Văn Thiệu - Trần Văn Hương ứng cử và đắc cử tổng thống, do các liên danh khác tẩy chay, mà báo chí Sài Gòn bấy giờ gọi là “độc diễn”, ông Chu Tử bèn dành cho Chóe một góc trang nhất Sóng Thần để vẽ loạt tranh biếm liên hoàn - cartoon - trên mục Hí độc diễn, ký tên Hí, chủ yếu “cà khịa” Nguyễn Văn Thiệu. Ngày hôm trước tin tức ông Thiệu làm gì thì y như ngay hôm sau đã được Hí - tức Chóe - cho lên báo với các hành động ông Thiệu vừa làm. Chỉ trong ba ô tranh với vài nét là ra khuôn mặt Nguyễn Văn Thiệu rất sinh động! Sau này Chóe cũng vẽ loạt cartoon ký tên Trần Ai trên báo Lao Động Chủ Nhật nhưng không mấy thành công vì nhân vật thiếu cá tính.
Tôi hỏi Chóe anh có học “thần tướng họa” kiểu Hoàng Lập Ngôn không mà chỉ vài nét đã hiện ngay khuôn mặt của các nhân vật? Chóe bảo: “Như ông biết, hồi nhỏ tôi có được học hành vẽ vời gì đâu. Chỉ là thích rồi tự mày mò. Có người bảo là tôi có khiếu. Không hiểu sao chỉ nhìn thoáng qua là tôi nắm bắt được cái nét chính của khuôn mặt nhân vật. Như mặt ông Thiệu thì miệng mím lại, hai con mắt như không có tròng trắng. Nguyễn Cao Kỳ thì ngoài bộ râu kẽm ra, hai con mắt giống như hai vỏ nghêu úp xuống…”. Chóe tâm sự: “Tôi có thể tóm tắt đời tôi thế này:
Nửa đầu đời tôi, tôi đã làm những điều mà tôi chưa học. Nửa sau đời tôi, tôi học những điều mà tôi đã làm”. Rồi Chóe kể hồi nhỏ anh rất mê vẽ và tạc tượng. Ngồi đâu cũng vẽ, bằng cục gạch trên nền đất hay trên tường, hay kiếm đất sét nặn đủ thứ tượng. Lúc anh 10 tuổi, học lớp nhì ở trường huyện Chợ Mới, An Giang, quê anh. Một lần anh nặn tượng ông cò người Pháp mà anh vẫn thấy ông cầm ba-toong đi vòng quanh khu phố chợ. Ông ta bắt gặp, thu cái tượng đất và xách tai anh tới trường mách thầy hiệu trưởng. Thầy phải xin lỗi ông Tây và hứa sẽ phạt cậu học trò nghịch ngợm. Thầy làm mặt nghiêm, bắt anh quỳ giữa sân trường. Nhưng sau khi ông Tây về, thầy bụm miệng cười nói với mấy thầy cô thằng nhỏ nặn ông cò giống quá trời. Rồi thầy tha cho về nhưng tịch thu cái tượng đất sét. Đó là kỷ niệm mà anh không bao giờ quên.
Cà khịa cả tổng thống
Chóe kể hồi đó tranh anh vẽ biếm về Nixon và Kissinger nhiều không nhớ hết. Người Mỹ rất khoái biếm họa của Chóe. Năm 1973, một nhà xuất bản của Mỹ sang Việt Nam thương lượng với anh in một tuyển tập. Còn Nguyễn Văn Thiệu thì rất lỳ, ông ta “lơ”, không quan tâm tới loạt cartoon Hí độc diễn của anh trên Sóng Thần. Nhưng có lần Chóe bị Chánh án Tối cao Pháp viện Trần Thúc Linh kiện ra tòa về tội phỉ báng. Trong một tranh biếm, Chóe vẽ ông Linh đội mũ chánh án, mặt dài như mặt ngựa, lưng như lưng lừa, khom xuống đỡ cái ghế tổng thống, ý nói ông Linh nịnh bợ ông Thiệu, công nhận cuộc bầu cử độc diễn của liên danh Thiệu-Hương là hợp hiến. Chóe bảo may mà ông chánh tòa sơ thẩm vốn là một nhà báo đàn anh đã bác đơn kiện của ông Linh vì không đủ yếu tố buộc tội Chóe. Một tranh khác Chóe vẽ ông Trần Văn Hương quỳ khom giống con chó đá trước sân đình, cõng Nguyễn Văn Thiệu trên lưng (ông Hương ứng cử phó tổng thống cùng liên danh ông Thiệu). Nhưng Chóe đã bị nhiều người vốn là học trò cũ của ông Hương giận dữ, phê phán anh rất nặng, nói anh là “đồ vẽ tranh độc ác”.
Ký nhiều bút danh khác nhau trên nhiều báo nhưng tựu trung lại, chỉ tên CHÓE là nổi đình nổi đám nhất, dù các tranh ký CAP, KIT, HÍ, TA… cũng tạo được những ấn tượng không kém. Có lẽ do những bức hí họa ký tên Chóe trên Sóng Thần hấp dẫn người xem và “gãi đúng chỗ ngứa” của độc giả bấy giờ đang rất bức xúc về thân phận người Việt Nam một cổ đôi ba tròng. Tên tuổi Chóe đã vượt ra ngoài đất nước. Bút danh Chóe át hẳn các bút danh còn lại của anh. Người ta chỉ còn nhớ tên Chóe, quên cả tên thật Nguyễn Hải Chí. Năm 1995, Chóe tham gia triển lãm tranh biếm ở Nhật rất thành công. Năm 1998, Chóe mang tranh nghệ thuật sang trưng bày ở Paris (Pháp), được giới hội họa và người thưởng ngoạn mỹ thuật ở kinh đô ánh sáng đánh giá cao. Và nhất là tranh anh bán rất tốt. Dịp này anh và vợ cũng sang Ý thăm Roma và được diện kiến Đức Giáo hoàng Gioan Phao lô đệ nhị.
Họa sĩ Chóe diện kiến
Đức Giáo hoàng Gioan Phao lô Đệ nhị
năm 1998. Ảnh gia đình cung cấp.
Không chỉ là biếm họa
Mặc dù nổi tiếng với bút danh Chóe gắn liền với mảng tranh biếm - mà Chóe vẫn thích gọi là “hí họa” nhưng tranh nghệ thuật của Chóe cũng rất được nhiều người sưu tập, họ đến tận nhà mua tranh anh nên Chóe ít tham gia triển lãm. Đặc biệt những bức chân dung hí họa bằng màu nước các nhân vật nổi tiếng của Chóe được nhiều người quan tâm. Như loạt hí họa 42 đời tổng thống Mỹ, từ G. Washington đến Bill Clinton; những phụ nữ đoạt giải Nobel; các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới và Việt Nam như Victor Hugo, William Shakespear, Walt Disney, Trịnh Công Sơn, Hoàng Hiệp, Phạm Trọng Cầu… Dưới mắt Chóe, họ trông thật ngộ nghĩnh nhưng những hí họa của anh đã lột tả được tính cách từng người.
Mấy năm cuối đời, Chóe bị mù hẳn một con mắt do bị bệnh đái tháo đường lâu năm biến chứng nhập vào. Một con mắt còn lại mờ nhiều, anh đã qua Pháp, Mỹ điều trị nhưng không khả quan. Năm 2002, tôi đến thăm Chóe ở đường Quang Trung, Gò Vấp. Anh đọc cho tôi nghe mấy bài thơ ngắn đầy tính triết lý anh làm trong thời gian khốn khó nhất. Chóe bảo một mắt hỏng rồi, con còn lại quá mờ không vẽ được nữa, mình tính cầm bút viết lại. “Cải lương chi bảo” Bạch Tuyết nhờ mình viết một loạt hài kịch, mình đã nhận lời, đang thử viết xem sao... Chóe còn viết nhạc và làm album với các giọng ca nổi tiếng: Lệ Thu, Cẩm Vân, Hồng Nhung… Nhưng Chóe bảo làm để nghe và tặng bạn bè nghe chơi thôi. Anh tặng tôi một album. Không ngờ đó là lần cuối tôi gặp anh.
Khởi đầu vẽ biếm do “đóng thế vai”
Trước khi vẽ biếm với bút danh Chóe từ năm 1969, tay cọ tài hoa này đã từng viết truyện ngắn, vẽ minh họa cho các tạp chí văn học nghệ thuật ở Sài Gòn, ký tên thật Nguyễn Hải Chí. Nguyên nhân chuyển sang vẽ biếm, theo lời Chóe: “Một hôm ông họa sĩ chuyên vẽ biếm cho tờ tạp chí văn học nghệ thuật mà tôi đang cộng tác đi ngao du sơn thủy biệt dạng. Ông thư ký tòa soạn quýnh quá bèn bảo tôi vẽ biếm thử xem. Thấy tôi vẽ cũng được, ổng “bắt cóc” luôn! Cả cái bút danh Chóe cũng do ổng đặt. Bởi tên tôi là Chí, ổng bảo cậu ký là Chóe luôn đi. “Chí chóe” - lắm điều. Mà mình vốn ít lời mới oan chứ”.
***
Phụ bản
Một trong 6 bức vẽ cuối cùng
của họa sĩ Choé
Nhà thờ Phát Diệm
Say
Xích lô
Sai Gon by night
bìa sách Tử tội
Ngô Không Phi Ngọc Hùng chuyển
🍂🍂🍂🍂🍂🍂🍂
Mời Xem :Hí Họa Của Chóe
Bài viết rất hấp dẫn
Trả lờiXóa