Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2022

Kaliningrad, căn cứ quân sự của Nga trong lòng khối NATO

 

           Kaliningrad (mầu nâu), vùng hành chính ngoài lãnh thổ của Nga. © Wikipedia

Minh Anh
Ngày 08/02/2022, việc triển khai những chiếc tiêm kích Mig 31 mang tên lửa siêu thanh Kinjal tại Kaliningrad nhắc nhở thế giới rằng có một vùng lãnh thổ chiến lược của Nga ở trong lòng Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO).


Nằm ở vùng biển Baltic, Kaliningrad – một vùng lãnh thổ của Nga nằm lọt thỏm trong lòng khối Liên Hiệp Châu Âu, giữa Litva ở phía bắc và Ba Lan ở phía nam. Vùng lãnh thổ nhỏ bé với diện tích khoảng 15.100 km², chỉ có khoảng một triệu dân, với gần 80% là người Nga.

Kaliningrad : Tiền đồn chiến lược của Nga đối phó NATO
Trước Đệ Nhị Thế Chiến, Kaliningrad là một thành phố của đế chế Đông Phổ, có tên gọi là Königsberg. Năm 1943, trong hội nghị Teheran (Iran), Joseph Staline đã đề nghị đồng minh cho sáp nhập phần lãnh thổ vào Liên Xô. Đòi hỏi này không phải là một sự ngẫu nhiên bởi vì Staline nhận thấy một lợi thế chiến lược từ các cảng biển của Königsberg và Pillau : Quanh năm không có băng, khác biệt hoàn toàn với Leningrad và Kronstadt.  

Tháng 7/1946, Königsberg được đặt lại tên là Kaliningrad, vinh danh Mikhael Kalinine – vị chủ tịch Xô Viết Tối Cao qua đời vài tuần trước đó. Toàn bộ số người Đức còn ở lại sau cuộc tấn công của Liên Xô năm 1945 đã bị trục xuất vào mùa thu năm 1948.  

Cùng với Chiến Tranh Lạnh (1947-1990), Kaliningrad nhanh chóng trở thành điều mà Liên Xô thời đó ví như là « một tiền đồn quân sự chiến lược », có nhiệm vụ kiểm soát vùng thống trị mới của Liên Xô tại Trung Âu, đặc biệt là Ba Lan và ba nước vùng Baltic (Estonia, Latvia và Litva), bị cưỡng ép sáp nhập vào đế chế Xô Viết. Trong nét đặc thù kinh tế Xô Viết, Kaliningrad ưu tiên phát triển các lĩnh vực quân sự, tổ hợp công nghiệp – quân sự và đóng tầu.  

Năm 1991, khi Liên Xô tan rã, ba nước Baltic Estonia, Latvia và Litva độc lập tách rời Kaliningrad với phần còn lại của nước Nga, biến nơi đây thành một khu vực nằm ngoài lãnh thổ Nga. Nhưng Kaliningrad không những vẫn là nơi trú đóng của hạm đội Baltic của Nga, mà còn là điểm tiếp nhận các lực lượng Nga được rút về từ những vùng ảnh hưởng cũ của Liên Xô ở Trung – Đông Âu (Đông Đức, Ba Lan và các nước vùng Baltic).

Tuy nhiên, sự tăng cường hiện diện số binh sĩ Nga lại khiến Ba Lan và ba nước Baltic lo lắng xem đấy như là một mối đe dọa. Vacxava luôn có thái độ ngờ vực với Matxcơva và đường biên giới « quân sự hóa quá mức » dài gần 200 km. Mặt khác, các nước vùng Baltic có cảm giác bị kềm kẹp giữa một bên là Kaliningrad và bên kia là Belarus, hội nhập về mặt quân sự với Nga từ năm 1994.

Kaliningrad – điểm đối đầu giữa Nga và phương Tây
Thế nhưng, việc NATO, Liên Hiệp Châu Âu mở rộng dần biên giới sang phía đông, khi cho gia nhập thêm Ba Lan và ba nước Baltic kể từ năm 2004 đã làm cho Nga lo ngại bị NATO bao vây. Trong nhãn quan các nhà chiến lược Nga, NATO – kẻ thù của Chiến Tranh Lạnh – lẽ ra phải tan rã cùng với lúc với Hiệp ước Vacxava, bị giải thể năm 1991.

Trong một bài viết cho trang mạng Diploweb, Frank Tetart, tiến sĩ về địa chính trị và tốt nghiệp ngành quan hệ quốc tế, giải thích vì sao Nga đã có phản ứng bằng vũ lực đối với Gruzia năm 2008. Chiến dịch quân sự Nga nhắm vào Gruzia được tiến hành hai tháng sau khi NATO quyết định kích hoạt nguyên tắc gia nhập Ukraina và Gruzia. Cho dù quy trình gia nhập đã bị đẩy lùi vô thời hạn, nhưng Matxcơva vẫn xem sự mở rộng này của liên minh quân sự như là một sự khóa chặt biên giới phía nam của Nga.  

Kể từ năm 2009, Bruxelles và Matxcơva lao vào một cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng tại eo đất nối biển Baltic và Biển Đen. Ở bên này, Liên Hiệp Châu Âu, mà Nga xem như là « cánh tay dân sự » của NATO, đề nghị một Đối tác phương đông với các nước trong khu vực. Ở bên kia, Nga mời gọi gia nhập hay liên kết với Liên minh Kinh tế Á-Âu, một khu vực tự do mậu dịch đang được hình thành.  

Và Ukraina, năm 2013, trở thành một con cờ chính cho sự đối đầu này. Việc Nga cho sáp nhập bán đảo Crimée năm 2014 đã khiến nhiều nước Đông Âu lo sợ sẽ là nạn nhân tiếp theo của chính sách bành trướng Nga. Cuộc khủng hoảng này đã dẫn đến việc NATO triển khai thêm binh sĩ tại các nước Baltic, trước sự hiện diện ngày càng đông đảo lính Nga trong khu vực. Căng thẳng còn leo thang khi Matxcơva cho triển khai dàn tên lửa Iskander (SS26) ở Kaliningrad cuối năm 2016 để đáp trả việc NATO cho bố trí hàng loạt lá chắn tên lửa Mỹ tại châu Âu từ cuối những năm 2000.

Trụ sở của hạm đội Baltic Nga. © Wikipedia

Hạt nhân hóa Kaliningrad
Trong bối cảnh căng thẳng mỗi lúc gia tăng, vùng đất lọt thỏm của Nga lại trở về với vị thế như thời Chiến Tranh Lạnh : Một pháo đài quân sự, một tiền đồn chiến lược của Nga tại vùng Baltic. Kaliningrad không còn là chủ đề cho sự hợp tác với châu Âu nữa mà là điểm đối đầu giữa Nga với phương Tây.  

Việc bố trí tên lửa Iskander có tầm bắn đến 500 km, được hỗ trợ bằng hệ thống lá chắn tên lửa S-400, cho phép Nga đe dọa Litva, một phần lớn lãnh thổ Ba Lan, Latvia và Estonia. Tầm bắn của những chiếc tên lửa S-400 có thể trải rộng trên toàn vùng Baltic đến tận đảo Gotland của Thụy Điển. Matxcơva còn tăng cường phòng thủ bằng hệ thống tên lửa SSC-5 Bastion có tầm bắn đến 300 km, và tên lửa SSC 1 Sepal, tầm bắn 450 km. Tổng cộng, quân số Nga được triển khai tại Kaliningrad ước tính lên đến 30 ngàn.  

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia quân sự, việc triển khai này cho phép biến Kaliningrad thành một cứ địa vững chắc theo kiểu lô-gic A2/AD (Anti Access/Area Denial – Chống tiếp cận/Chống thâm nhập) với mục tiêu giữ chân NATO cách xa với vùng Baltic. Nhưng các nước trong vùng cũng như Ba Lan xem Nga như là mối đe dọa chính cho an ninh khu vực.  

Kaliningrad – Con tốt chiến lược cho chiến tranh « hỗn hợp » ?
Nhưng Kaliningrad còn là một con tốt quan trọng cho chiến lược chiến tranh « hỗn hợp » đi từ tung tin giả, tấn công mạng, sử dụng lực lượng đặc nhiệm, dân sự vũ trang cho đến cả lính đánh thuê. Các nước vùng Baltic lo sợ Matxcơva phát động chiến lược gây bất ổn bằng cách kích động cộng đồng người Nga thiểu số chiếm từ 30-40% dân số Estonia và Latvia trước khi mở cuộc chiến xâm lược các nước này từ Kaliningrad.  

Và hơn bao giờ hết, cuộc chiến ở Ukraina, cũng buộc các nước Thụy Điển và Phần Lan xem xét lại vị thế trung lập. Ngay từ năm 2015, ít tháng sau vụ sáp nhập bán đảo Crimée, Stockholm thông báo quân sự hóa lại đảo Gotland, trong khi Helsinki dấn thân vào các dự án chính sách phòng thủ của Liên Hiệp Châu Âu và tham gia vào nhiều nhiệm vụ của NATO.  

Nhà nghiên cứu Frank Tetart lưu ý thêm rằng, cảm giác bất an còn tăng thêm một nấc khi Nga huy động 12.700 binh sĩ (theo NATO là 40 ngàn) cho cuộc tập trận Zapad-2017 (Zapad – còn có nghĩa là phương Tây) nhằm trắc nghiệm năng lực quân sự A2/AD, bao gồm cả việc phong tỏa đường biển. Phản ứng lại, Liên minh Bắc Đại Tây Dương ngay từ năm 2017, đã triển khai thêm nhiều binh sĩ tại Ba Lan và ba nước vùng Baltic, nâng tổng số quân nhân lên đến 4.500 người.  

Theo chuyên gia người Ukraina S. Sukhankin được Arte trích dẫn, lợi thế tương quan lực lượng vẫn nghiêng về phía Nga. Số xe tăng chiến đấu của Nga cao gấp năm lần so với của NATO trong khu vực. Trong khi đó, năng lực quân sự của NATO nhìn chung là vượt trội so với Nga.  

Tuy nhiên, nếu nhìn theo quan điểm địa chiến lược, mối lo lắng của phương Tây tập trung chủ yếu vào « dải đất Suwalki », một vùng đất bằng phẳng dài tầm 100km nối Belarus với Kaliningrad, nằm dọc theo biên giới với Ba Lan và Litva. Nếu Nga tiến hành một cuộc tấn công nhanh, quân đội Nga có thể sẽ sử dụng dải đất này để cắt đường liên thông các nước vùng Baltic với châu Âu.  

Trong kịch bản này, hệ thống phòng không và phòng thủ trên bộ A2/AD, được Nga thiết lập ở Kaliningrad sẽ gây khó khăn cho mọi hành động đáp trả từ phía NATO bằng đường biển hay không quân, trừ phi có leo thang đi đến chiến tranh toàn diện. Trang mạng Conflit của Pháp, trong một bài viết năm 2020, cho biết phương Tây đã ý thức được khả năng này và đã đưa yếu tố này trong cuộc tập trận mang tên Saber Strike năm 2017.  

Đặc biệt, cuộc tập trận mang tên Iron Wolf (04-19/11/2018) cho phép thử nghiệm khả năng phản ứng của các tiểu đoàn đa quốc gia trú đóng tại Ba Lan, bằng cách thực hiện việc băng qua dải Suwalki để nhanh chóng đến được Litva.  

Tóm lại, do phản ảnh rõ những căng thẳng chính trị và ngoại giao, Kaliningrad từng được xem như là một chiếc nhiệt kế đo lường mối quan hệ Nga – Phương Tây, trước khi nổ ra cuộc chiến xâm lược Ukraina do Vladimir Putin phát động !

(Theo Arte, Diploweb, Conflit)

Cảng biển quân sự Baltiysk. © Wikipedia

1 nhận xét:

NGẪM CHUYỆN ĐỜI - Thơ LAN và Bài Họa Của Các Thi Hửu

NGẪM CHUYỆN ĐỜI. Sáu chục xuân qua, ngẫm lại đời Ngọt bùi, cay đắng.... số mà thôi! Nhà nghèo, cảnh khó nào đâu muốn Phận hẩm, phần hiu vẫn ...