Thứ Ba, 5 tháng 7, 2022

TRĂNG VÀO ĐÊM CÕNG MẸ LÊN NÚI…(TỪ CHUYỆN NGÀY NẢY NGÀY NAY…

Xem báo thấy hình ảnh một cụ già Australia đứng khóc trước kệ hàng trống không trong một siêu thị, tôi chợt nhớ đến câu chuyện về núi Narayama được đọc từ nhỏ, khi ngẫm về thân phận người già ( có tôi trong đó!) trong mọi thời đại, nhưng nhất là trong cơn thế giới đang “ mắc dịch” này… Khi muốn xem lại câu chuyện trên, tôi lại bắt gặp một bức tranh cổ Nhật Bản mang tựa đề “ Trăng vào đêm cõng mẹ lên núi”, khiến lòng dạ nao nao thật khó diễn tả…
***
 
TỪ CHUYỆN NGÀY NẢY NGÀY NAY…
 

Chuyện 1: Tôi xin trích báo với hàng tít: “Cụ bà Australia bật khóc trước kệ hàng trống”.
Cụ bà ở thành phố Melbourne nhìn chằm chằm vào kệ siêu thị trống trơn rồi bật khóc sau khi hàng hóa đã bị vơ vét giữa khủng hoảng Covid-19.
Bức ảnh được phóng viên Seb Costello của Nine News chia sẻ trên Twitter hôm 19/3 cho thấy một cụ bà đứng lặng người giữa những kệ hàng trống trơn trong siêu thị Coles tại Melbourne, Australia. Những kệ hàng vốn xếp đầy đồ hộp đã bị vét sạch khi người dân lo sợ thiếu thực phẩm giữa lúc Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp.
Costello cho biết cụ bà sau đó đã bật khóc vì không mua được những món bà cần. "Bức ảnh này cho thấy những người đang phải chịu đựng thói ích kỷ của người khác, cho thấy xu hướng mua sắm hoảng loạn chỉ vì mình và không cần thiết", phóng viên viết.
"Thành thật mà nói, bức ảnh đã ghi lại cơn mua sắm điên rồ đó", một người bình luận. "Điều này thực sự khiến tôi đau lòng, người cao tuổi đã cống hiến cho xã hội, tại sao chúng ta không chăm sóc họ", một người khác cho hay.
 
Chuyện 2: trích từ Nhật ký Vũ Hán của nhà văn Phương Phương:
Trước đây có rất nhiều bài viết trên mạng , khuyên người già đừng quan tâm gì hết, cũng không cần suy nghĩ gì hết, chỉ cần vui vẻ sống tốt là được. Nói cũng có lý, vì cho dù bạn muốn quan tâm thì cũng có làm được gì đâu? Bạn có thể làm gì để thay đổi thế giới? Nhưng cũng có câu ngạn ngữ: "Triều vấn đạo, tịch tử khả hĩ" (Buổi sáng hiểu được một đạo lý, buổi tối có chết cũng được). Do đó tôi vẫn không nén lòng được, cứ muốn quan tâm, muốn suy nghĩ.
Ngày 24/2, ngày thứ 30 thành phố Thập Yển (tỉnh Hồ Bắc) bị phong tỏa, các tình nguyện viên đến từng nhà kiểm tra thân nhiệt từng người, đã đến số nhà 502 đơn nguyên 10 tòa nhà 36 tại một khu dân cư; khi vào kiểm tra thân nhiệt cho một gia đình, họ đã bị khung cảnh trước mắt làm cho kinh ngạc không thốt lên lời – nhân viên công tác phát hiện một thi thể người lớn tuổi ở trong nhà vệ sinh, khóe miệng có vết máu chảy ra: Thi thể ông được cháu trai nhỏ tuổi đắp lên một tấm chăn.
Bé trai này nói với nhân viên công tác, ông nội đã qua đời mấy ngày rồi. Khi còn sống, ông nói với cậu rằng bên ngoài có virus, không cho cậu ra ngoài. Cho nên sau khi ông qua đời, một mình cậu ở trong nhà và ăn bánh quy sống qua ngày….
….
Chiều nay, tôi có đọc bài viết của phóng viên tờ Tài Tân nói về người già ở các viện dưỡng lão. Thật ra cho dù không có dịch, những người già này cũng là những người dễ bị tổn thương nhất trong những người dễ bị tổn thương; họ là những người bị gạt ra xa nhất bên lề xã hội. Khi virus corona có thể đánh bại cả những người khỏe mạnh, thì tình cảnh các cụ già càng đáng lo đến thế nào.
Bài viết của phóng viên Tài Tân có đoạn: "Một số gia đình nhận được điện thoại từ viện dưỡng lão, thông báo một số người già phải đi cách ly. Nhưng đi đâu, có ai chăm sóc, có phù hợp tiêu chuẩn cách ly hay không, những người ở lại có bị lây nhiễm, có được chữa trị kịp thời, có thông báo kết quả xét nghiệm không? Viện có thông báo đúng tình hình thực tế không? Chính quyền có nên tăng cường nguồn lực, nhân viên hộ lý, y tế cho các viện dưỡng lão hay không?".
Người nhà các cụ đều như ngồi trên đống lửa chờ đợi câu trả lời. Tuy nhiên tôi nghĩ, nếu chính quyền đã tiếp nhận những người đó, sự việc đó, họ nhất định sẽ không vô tâm trước vấn đề của các cụ.
Nhưng điều tôi muốn nói là về "Thước đo đánh giá nền văn minh của một quốc gia".
Đánh giá sức mạnh một quốc gia không phải là xem có bao nhiêu nhà cao tầng, có tàu cao tốc nhanh đến mức nào; không phải là xem vũ khí, quân đội có hùng hậu, khoa học có phát triển, nghệ thuật có cao siêu, càng không phải là xem hội nghị tổ chức có long trọng, pháo hoa có lộng lẫy hay không; thậm chí cũng không phải là xem có bao nhiêu du khách ra nước ngoài đi mua sắm vét sạch toàn cầu.
Đánh giá một quốc gia chỉ có một con đường: đó chính là thái độ của quốc gia đó đối với những đối tượng dễ bị tổn thương.
 
Chuyện 3: trích bài báo : Khủng hoảng đạo đức: Cứu sống hay bỏ mặc?
Tất cả các bệnh viện ở miền Bắc Italy đang ở bờ vực vỡ trận. Các nhân viên chăm sóc sức khỏe hoàn toàn kiệt sức, chính bản thân họ cũng sợ hãi mình có thể nhiễm phải virus và lây lan bệnh cho gia đình. Máy thở là thứ duy nhất giữ cho những bệnh nhân ốm yếu nhất còn sống, và chuyện không còn đủ máy để dùng luôn có thể xảy ra.
Điều này dẫn tới việc các bác sĩ rơi vào tình thế đường cùng: họ phải đưa ra quyết định đau đớn là cứu hay để mặc bệnh nhân. Người già và những người mắc bệnh phức tạp là những trường hợp họ có thể phải hi sinh.
"Nếu bạn phải lựa chọn giữa một người 75 tuổi và một người 20 tuổi, bạn sẽ chọn ai? Rõ ràng, bạn phải lựa chọn người có triển vọng sống cao hơn", Casani nói.
"Thế nên sẽ có những lúc một bác sĩ gây mê phải tháo mặt nạ trợ thở từ người đàn ông 75 tuổi và dùng nó cho cô gái 20 tuổi. Quyết định này là kinh khủng cho các bác sĩ, nhưng rõ ràng là cần thiết”.
 
NHỚ ĐẾN CHUYỆN NGÀY XỬA NGÀY XƯA…
*
Chuyện 1)
Tôi nhớ có lần đọc chuyện kể xảy ra ở châu Phi lâu lắm rồi: Họ có phong tục hễ cha mẹ già thì cho ngồi lên cây cao. Người bên dưới rung và lắc… Nếu các cụ không rơi xuống thì chứng tỏ còn sức khỏe, mang về nuôi tiếp…
*
Chuyện 2)
Một người đàn ông trẻ biết rằng bản thân không còn khả năng phụng dưỡng người mẹ già của mình, nên anh quyết định sẽ mang mẹ vào vùng núi gần nhà và bỏ lại ở trong đó. Khi tối đến, anh nói với mẹ rằng anh muốn đưa bà ra ngoài đi dạo. Anh cõng bà trên lưng và đi lên con đường núi. Anh đi thật xa khỏi con đường mà trước đây họ đã từng đi qua, như muốn chắc chắn rằng bà sẽ không trở về nhà được nữa.
Một lúc sau nhìn lại, anh trở nên rất tức giận khi phát hiện mẹ mình đã bí mật thả những hạt đậu khô để đánh dấu tuyến đường, anh khóc: “Sao mẹ lại làm vậy chứ?” Bà mẹ nhẹ nhàng trả lời: “Đứa con khờ này, mẹ sợ rằng con sẽ bị lạc khi không còn mẹ dẫn đường cho con về nhà nữa”.
*
Chuyện 3)

Và câu chuyện đã khắc ghi vào lòng mà tôi đã nhác đến khi vào bài viết : “Huyền thoại về núi Narayama” của tác giả Shichiro Fukazawa. Gọi là truyện ngắn, nhưng nó thực là dài.. và tác động lên người đọc từng chi tiết, từng câu chữ , nhưng không thể tải cả câu chuyện lên được, nên tôi chỉ tóm tắt theo Internet: Chuyện kể về một ngôi làng hẻo lánh trên núi cao của Nhật Bản. Ở đó, có một tập tục: Khi người già tròn 70 tuổi thì con cái đưa họ lên núi và bỏ lại. Chính cái đói triền miên ở ngôi làng nghèo khó này đã sinh ra cái tập tục đó: làm vậy để bớt đi một miệng ăn. Những người già, theo tập tục, luôn coi đó là một việc phải làm, dù vẫn tha thiết sống. Nếu có ai đó cưỡng lại, thì người ta sẽ trói họ lại để làm cái việc bắt buộc phải làm. Tập tục này còn quy định: Khi xuống núi không được ngoái lại đằng sau và không được nói một lời nào, dù là tạm biệt hay vấn an cha mẹ…
 
Trong Huyền thoại núi Narayama: Một bà cụ đã đến ngày phải lên núi. Bà đành phải làm việc đó theo tập tục, dù còn khỏe mạnh và minh mẫn. Người đàn ông cõng mẹ mình lên núi, lòng quặn đau vì quá thương mẹ. Đến đỉnh núi, anh để mẹ lại và xuống núi. Nhưng rồi anh đã phạm phải lời nguyền của tập tục, khi quay lại thăm mẹ, rồi hỏi chuyện mẹ khi bỗng dưng trời đổ cơn mưa tuyết bời bời… Dù đã đươc an ủi bằng quan niệm ngàn đời, là người già lên núi gặp tuyết sẽ là người hạnh phúc khi về thế giới bên kia, nhưng tình máu mủ ruột rà vẫn khiến lòng người đàn ông tan nát. Và, không thể khác được, anh đành xuống núi, để bà mẹ già lập cập vì lạnh giữa một màu trắng mênh mông của tuyết…
Khi tìm tư liệu để hỗ trợ cho trí nhớ kém cỏi của mình, tôi bắt gặp bức tranh cổ Nhật Bản này. Nó đánh động lòng tôi bởi cái tựa: “Trăng trên đường cõng mẹ lên núi.” Tôi nghĩ rằng bức tranh cổ này không thể dùng minh họa cho câu chuyện Huyền thoại núi Narayama.

 
Nó vẽ lại một câu chuyện có cái kết mở:
Vâng, trăng hôm đó rất tròn, tuy lấp ló sau cội tùng già cỗi mốc meo nhưng ánh sáng vằng vặc của nó vẫn luôn chiếu tỏa… Nó đã cảm nghiệm được lòng mẹ thế nào khi thấy mẹ bẻ cành cây hay rải sỏi xuống đường làm dấu cho con khi về khỏi lạc. Còn phần con nghĩ gì, hành động ra sao ( quay lại cõng mẹ về cùng, hay hân hoan ra về vì quan niệm cổ hủ rằng khi bỏ mẹ lại trên núi mà có tuyết rơi là điềm may mắn ….), trăng cũng biết cả!
 
23/03/2020 ( mùa dịch Covid-19)




Mời Xem :ĂN GIUN , ĂN DẾ….Trịnh Thị Hảo


1 nhận xét:

Kính Mời Họa : THƯ CHO NGƯỜI CŨ - Thơ Hồ Nguyễn

  THƯ CHO NGƯỜI CŨ Ngày mai em khoác áo theo chồng, Anh có đôi điều gởi được không? Tình cũ đã tan không quyến luyến, Nghĩa xưa xóa hết giữ ...