Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2022

Về thăm quê cũ - Tạp bút của Nguyễn Minh Kính (Văn Việt )

Nhớ ai đó đã cảm tác mấy câu thơ:

Xa quê hương đã mấy chục năm rồi,

Mãi trong ta nhớ miền quê yêu dấu,

Cánh diều tuổi thơ lưng trâu sáo đậu,

Nghe quê hương đất mẹ gọi ta về

Sau một chuyến bay mất gần hai mươi giờ đồng hồ và đi tiếp máy bay Vietnam Airlines từ Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh hơn hai giờ nữa, cộng thêm gần hai tiếng đi taxi mới về tới quê nhà, một vùng núi trung du đất cằn sỏi đá.

Những ai đã từng xa quê hương, xa nơi chôn rau cắt rốn đã lâu, khi trở lại thăm quê nhà đều có cảm nhận, cảm xúc giống nhau. Nhìn cảnh vật nhiều đổi thay xa lạ, cây cối già nua, nhiều cây đã biến mất, đường sá, đất đai nhà cửa cũng đổi thay, mảnh vườn xưa như nhỏ hơn, những thửa ruộng hình như cũng bị thu hẹp, con sông nhỏ bơi lội ngụp lặn năm xưa dường như cũng hẹp lại, có thể ném hòn đá từ bên này qua bên kia sông mà không cần đứng dạng chân dang tay lấy đà.

Mọi cảnh vật như bị thu nhỏ. Có lẽ khi ta lưu lạc, khi ta đi xa, dẫu cho cuộc đời vất vả trầm luân cay đắng, ta cũng được mở rộng tầm mắt hơn, nhìn thế giới bên ngoài bao la hơn nên khi trở lại quê nhà nhìn thấy sự vật kể cả con người, ký ức cũ của ta bị nhòa đi, mờ đi, chơi vơi hụt hẫng làm ta nao nao một nỗi buồn xa vắng. Mắt tôi cảm thấy cay cay khi nhìn lại quê nhà. Mảnh vườn dưới chân ngọn đồi Cồn Lách, có lẽ vì lắm lau sậy lau lách được khai khẩn nhiều đời, nhiều kiếp, nơi tôi cất tiếng khóc chào đời năm xưa, năm Tân Tỵ 1941 vẫn còn đó. Nhiều đời chủ, nhiều chủ nhân đã sống trên mảnh vườn này. Những cây tro cây cọ dùng lá lợp nhà đã thưa dần, gần như tuyệt chủng. Mái tranh đã được thay thế bằng mái ngói mái tôn rồi. Cây mít to cao nhiều quả năm xưa nghe nói đã già cỗi, người ta đốn chặt, lấy lõi cây của nó làm cột nhà. Cây bưởi, và những cây sầu đông, cây xoan dâu trong vườn cũng biến mất tự bao giờ. Những cây cau năm xưa thấp lè tè, sau cao dần, cao lêu nghêu đung đưa trong gió nay cũng thưa dần, ít đi. Cảnh vật và không gian thay đổi, con người cũng thay đổi, thời gian cũng đổi thay, chẳng dừng lại. “Không bao giờ ta tắm hai lần trên dòng chảy một con sông, cũng như không bao giờ ta gặp lại tâm hồn ta chiều nay”.

Duy chỉ còn cây đa nằm bên đường, lối đi vào ngõ nhà tôi năm xưa là còn đó và tôi còn nhận biết. Nhưng cây đa này hình như cũng nhỏ hơn trong tâm tưởng của tôi.

Tôi đứng lặng người nhìn cây đa. Phải chăng thuở xưa tôi bé nhỏ nên nhìn cây đa to hơn, bây giờ tôi lớn hơn, già hơn, trưởng thành hơn, đi nhiều hơn, đi xa hơn, nhìn thấy nhiều thứ to hơn đồ sộ hơn, hiện đại hơn, văn minh hơn nên nhìn cây đa quê nhà trở nên bé nhỏ đơn điệu? Có thể đúng nhưng chưa hoàn toàn như vậy. Cây đa sống rất lâu, có tuổi thọ hàng thế kỷ, trăm năm này đến trăm năm khác. Nếu nó lớn lên theo sự tưởng tượng sai lầm của tôi trong những năm tháng dài như thế thì nó đã cao tận trời xanh và đã gục đổ với thời gian lâu rồi. Thực tế là cây đa vẫn lớn, lớn rất chậm mà ít ai nhìn thấy. “Bạo phát bạo tàn”. Quy luật sống là thế. Có như thế cây đa mới sống lâu được.

Tôi có một kỷ niệm rất sâu đậm về cây đa này. Thời kháng chiến chống Pháp, quê tôi là vùng Việt Minh kiểm soát, được gọi là vùng tự do. Nhà cố Chắt Tổng, người trong họ, trước đây có chồng làm chánh tổng, ở gần cây đa này chừng năm bảy chục mét được chính quyền kháng chiến mượn làm kho chứa vũ khí, súng đạn, mìn, lựu đạn… Căn nhà bị cháy, lửa đỏ rực, kho đạn phát nổ gần như đồng loạt, bạt ngã cây cối trong vườn và cả vườn tược xóm làng.

Những người lớn đều rời khỏi làng ra đồng từ sáng sớm. Năm đó 1947, tôi mới sáu tuổi. Mự Cu Huệ, con dâu cố Chắt Tổng ôm một mớ quần áo trong căn nhà đang cháy chạy ra, thấy tôi chơi một mình dưới gốc cây đa, vội vàng nắm tay tôi chạy thục mạng dọc theo các lùm cây, gò đất, bờ ruộng đến vườn nhà chú Hương Hạnh. Hai mự cháu chui xuống hầm trú ẩn máy bay. Thời đó máy bay Pháp thường bắn phá và oanh tạc ở vùng tự do quê tôi nên nhà nào cũng phải có hầm trú ẩn máy bay.

Đến chiều tối, khi những tiếng nổ của kho đạn thưa dần, có vẻ yên ắng, những người ngoài đồng lần dò về làng xem sự thể ra sao, có ai thương tích hoặc bị chết không. May mà dân làng không có ai thương tích, vì miền núi nhà cửa ở xa nhau. Cha mẹ tôi ôm lấy tôi trào nước mắt. Sáu tuổi rồi mà chưa có em, tôi là đứa con cưng của một gia đình nông dân nghèo miền núi.

Hơn bảy mươi năm trôi qua, tôi nhớ như in kỷ niệm đó, mà lần này về quê gặp lại mự Cu Huệ đã chín mươi sáu tuổi, mự còn nhắc lại. Mự sống trong căn nhà tranh thấp lè tè, chui ra chui vào không cẩn thận sẽ va phải đầu, cùng đứa con gái bị tật nguyền từ nhỏ nay tuổi cũng đã ngoài sáu mươi. Con cháu mự đã có gia đình ở riêng và có những đứa đã phải tha hương cầu thực vì cuộc sống khó khăn. Mự có thằng con trai đi bộ đội hy sinh trong chiến tranh nên được nhà nước cấp mỗi tháng mấy trăm bạc và đứa con gái tật nguyền cũng được trợ cấp chút ít. Mự nói, chẳng ăn thua chi mô con, nhưng mự gom góp để dành lo hậu sự, phần bớt ra mua gạo, mua mắm muối gia vị, canh rau thì mự có trong vườn, mự cũng nuôi được vài con gà.

Nhìn mự lưng còng, dáng thấp hơn, chậm chạp hơn, gầy yếu hơn, nhưng hàm răng nhuộm đen thuở trước vẫn còn chắc. Mự cười rất tươi, rất hồn nhiên như trên đời này chẳng có gì để bận tâm. Nhìn mự, nhìn con gái tật nguyền của mự tuổi cũng đã cao, nhìn mái nhà tranh đơn sơ, tôi thật ái ngại. Em gái tôi giúi vào tay mự mấy trăm bạc mà mự không nhận. Mự nói, mự có rồi, mự có rồi, nhà nước cho mự rồi. Em tôi nói, cháu gửi cho mự để mự mua trầu ăn cho vui. Nói mãi rồi mự cũng phải nhận. Có lẽ mự nhận cho con cháu vui. Tôi không đủ can đảm để chụp tấm hình của mự, của người sắp sửa về cõi khác.

Vào nhà chị Kỷ, con người bác của tôi cũng đã ngoài chín mươi tuổi đang nằm trên giường. Con cháu của chị, đứa thì đi làm ăn xa, đứa gần chị lại phải ra đồng làm việc. Chị ở nhà một mình. Hỏi chị khỏe không, chị nói, chị khỏe. Hỏi chị ăn cơm chưa, chị nói ăn rồi. Nhìn lên đầu giường nằm thấy một bát cơm nhỏ có chút thịt băm đã nguội lạnh, ăn hết chừng một phần ba và một ly nước.

Chị ngồi dậy, người nhỏ thó, da ngăm ngăm trong bộ xương khô. May mà chị còn khá minh mẫn, hỏi đâu, chị trả lời rành rọt đến đó. Nhìn chị gầy gò, tôi không dám chụp tấm hình kỷ niệm. Em tôi ngồi nói chuyện với chị. Tôi lặng lẽ ra sân vườn nhìn cây cối, nhìn cảnh núi rừng không gian quê cũ rồi trầm tư suy nghĩ…

Thời trẻ chị không sắc nước hương trời gì nhưng cũng là một cô thôn nữ miền núi đẹp giòn, thế mà tuổi già chị như một con khỉ ốm, một con mèo già gầy giơ xương… Nhưng rồi nhớ lại, có những người có tiếng có tăm, một thời oai phong lẫm liệt, đến khi già yếu, mặt hốc hác, miệng há ra, má hóp vào, teo tóp, cũng gầy giơ xương như chị, mắt đờ đẫn như người không còn hồn, người ta vẫn nâng ngồi dậy mặc quần áo như thời đương chức đương quyền để chụp hình chụp ảnh đưa lên báo chí, lên truyền hình nên tôi lại tự an ủi để nhẹ đi, dịu bớt đi những xúc cảm thương chị. Có lẽ sau chuyến thăm quê lần này, không bao giờ tôi gặp lại chi tôi nữa. Chị Kỷ. Thương chị lắm.

Chú Trung là chú họ của tôi. Vợ của chú quê tôi gọi bằng mự, không gọi bằng thím như ở những nơi khác. Vào căn nhà nhỏ mái tranh thấp lè tè gần chợ Quánh, cái chợ đơn sơ miền núi quê tôi để thăm mự. Thời tôi còn nhỏ, ngôi chợ này họp mỗi tháng 6 phiên, Mồng Một, Mồng Sáu, Mười Một, Mười Sáu, Hăm Mốt và Hăm Sáu Âm lịch. Ngày nay đông dân hơn, nhu cầu tăng thêm nên ba ngày chợ họp một phiên. Nhà thấp lại nóng nực, mự ngồi ngoài hàng hiên tiếp tôi.

Mự cũng đã chín mươi sáu tuổi rồi, chống gậy, dáng đi lom khom nhưng còn khá minh mẫn tỉnh táo. Con cháu đi làm ăn xa. Hỏi, bây giờ mự sống với ai. Trả lời, mự sống một mình. Chú Trung, chồng của mự tham gia phòng trào Xô Viết Nghệ Tĩnh thời năm 1930-1931 bị bắt giam vào Đà Nẵng. Khi được thả ra, chú về nhà ốm đau liên miên rồi mất sớm. Mự được nhà nước trợ cấp theo chính sách gia đình có công cách mạng mỗi tháng mấy trăm ngàn gì đó để sống. Mự nói, chẳng nhằm nhò chi mô con, nhưng mự tằn tiện sống qua ngày được.

Nhìn những bó củi khô, mỗi bó bằng chừng một nắm tay chất ngoài hàng hiên, mự kể, mự sống một mình phải tự đi kiếm củi, tự lo mọi thứ cho mình. Rồi mự nói, không biết đứa mô ăn cắp của mự hai bó củi. Tôi nói lại với mự, chắc mự già gần trăm tuổi, mự lẫn lộn, mự quên chứ ai lại đi lấy vài bó củi bằng nắm tay của người già. Mự nhìn tôi, cười thật nhân hậu dễ thương.

Em gái tôi cũng lại bỏ vào bao thư cho mự mấy trăm bạc. Tôi tránh, nhìn lảng đi chỗ khác. Thăm mự, chuyện trò với mự một lúc, chúc mự khỏe mạnh rồi chia tay. Tôi cũng không dám chụp lấy một tấm hình của mự. Có lẽ tôi là người đa cảm, dễ mủi lòng, không muốn đụng đến những ngọn đèn đã vơi dầu, cạn dầu sắp tắt.

Tôi đã lưu lạc xa quê, sống nhiều chốn nhiều nơi, nhiều xã hội khác nhau. Một đời người trải qua nhiều hoàn cảnh, nay tuổi đời đã ngoài tám mươi, nhìn lại thật khủng khiếp dẫu biết rằng đó chẳng phải riêng tôi. Mấy câu thơ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh lại thức dậy trong tiềm thức tôi:

Không đau khổ lấy chi làm chất liệu

Không buồn thương sao biết chuyện con người

Không nghèo đói làm sao thi vị hóa

Không lang thang sao biết gió mưa nhiều.

Ngày 24-02-2022


 

 Xem Thêm :Đại Ngãi quê hương tôi - Nguyên Lạc (Văn Việt )

1 nhận xét:

NHỚ MỘT NGƯỜI - Thơ Songquang và Bài Họa Của Các Thi Hửu

Ảnh của Đào Anh Dũng NHỚ MỘT NGƯỜI Ta có mối tình mãi khắc sâu Bóng hình người ấy, mối duyên đầu Có khi thương mến khôn tìm được Lắm lúc u h...