Thứ Năm, 11 tháng 1, 2024

Chuyện “Bông Giấy” - Lê Trung Ngân

 

Chuyện “Bông Giấy”
 
Người Nam bộ gọi hoa là bông. Đối với người Nam bộ thì hầu hết các loại hoa đều có thể gọi thay đổi lẫn lộn giữa từ hoa và từ bông, như hoa mai, hoa cúc, hoa huệ, hoa vạn thọ ... gọi thành bông mai, bông cúc, bông huệ, bông vạn thọ.
Cũng có trường hợp một thứ bông mà không gọi đổi thành hoa, và tên của nó phải đi kèm chữ bông chớ không đứng một mình được, đó là BÔNG BỤP. Không ai gọi là hoa bụp, cũng không gọi gọn là bụp (vì gọi là “bụp” thì được hiểu khác là “đấm”). Có một loại bông khác có thể đổi bông thành hoa, nhưng rất hiếm sử dụng, đó là bông giấy. Tên của loại hoa này cũng phải đi kèm với từ bông chớ không đứng đơn lẻ một mình. Hai từ bông giấy đi liền nhau quen thuộc tới mức ai nói là hoa giấy thì ta có cảm giác lạ lạ. Lại có người cho rằng tên đầy đủ của loại hoa này là "bông giấy", nên họ gọi nó là hoa bông giấy và tên cây hoa này gọi là cây bông giấy.
Không hiểu từ lúc nào mà tôi rất thích bông giấy dù ở nhà từ bé đến giờ chưa bao giờ trồng bông giấy! Đó chỉ là cảm tính mà thôi không cắt nghĩa được. Nhưng sao khi lớn lên tìm hiểu qua sách báo tôi biết được: Cây hoa giấy hay còn được gọi với những cái tên khác là cây bông giấy, móc diều. Bougainvillea spectabilis là tên khoa học của hoa giấy, chúng thuộc họ thực vật mang tên Nyctaginaceae. Tên cây được đặt dựa trên đặc điểm của chúng với phần cánh mỏng manh như tờ giấy. Hoa có nhiều màu sắc khác biệt, hoa nở quanh năm, chịu hạn tốt. Loài hoa này thường xuất hiện ở các hộ gia đình và ven đường, thu hút sự chú ý của mọi người. Ngoài làm cảnh thì cây còn có thể làm giàn che bóng mát. Hoa giấy, với sắc màu sặc sỡ và vẻ đẹp mỏng manh, không chỉ làm mê hoặc những người yêu hoa mà còn là biểu tượng nổi bật của vẻ đẹp tự nhiên tại Việt Nam.
Cây hoa giấy là một loại cây thân gỗ mọc leo. Đặc biệt, nó có khả năng phát triển nhanh, vươn dài với nhiều cành và có gai. Lá của cây hoa giấy màu xanh thẫm quanh năm, có hình trái xoan với phần đỉnh hơi thuôn, gốc lá tròn và cong, mọc theo cách so le.
Các hoa bông giấy xuất hiện ở đầu ngọn cành, mọc thành từng chùm. Mặc dù chúng có nhiều màu sắc, nhưng thực chất, các màu sắc này đều từ những lá bắc tạo thành. Bên trong hình ống màu trắng hoặc hơi vàng thường được ba lá bắc bao quanh. Quả của cây hoa giấy không phổ biến nhưng nếu nhìn gặp, ta sẽ nhận ra chúng qua hình dạng tròn, có màu nâu.
Cây hoa giấy với hình dáng đặc trưng là cây dạng leo và có nhiều cành, tạo nên một dáng vẻ xum xuê. Trong phong thủy, điều này biểu tượng cho sự đủ đầy, bảo vệ, và hạnh phúc vẹn tròn. Đặc biệt, hoa giấy có hoa với nhiều màu sắc tươi sáng, điều này cũng tượng trưng cho may mắn, phát tài, và phát lộc cho gia đình. Thêm vào đó, theo quan niệm dân gian, hoa giấy còn được cho là có khả năng xua đuổi tà ma và ngăn chặn điềm xấu. Dù mang trên mình vẻ đẹp mỏng manh nhưng hoa giấy không hề yếu đuối. Thậm chí, chính vẻ đẹp giản dị cùng sức sống mãnh liệt của nó lại càng nổi bật hơn khi phải đối mặt với môi trường khắc nghiệt. Hoa giấy vẫn luôn kiên cường, hiên ngang và không thay đổi. Điều này cũng tạo nên ý nghĩa biểu trưng của nó: tình yêu giản dị, bền vững và không thay đổi, ngay cả khi phải đương đầu với nhiều thách thức trong cuộc sống.
Biết bông giấy như thế cộng với sở thích riêng nhưng tôi chưa thể trồng chậu bông giấy nào cho riêng mình. Khi còn bé ơ với gia đình thì không trông cây tuỳ tiện được. Khi lớn lên có nhà riêng thì nhà ở phố chật chội không thể “triển khai” trồng hoa cảnh, nếu có trồng thì đâu có thời gian chăm tưới! Khi về hưu, cất được nhà một tầng, tầng trên có balcon nhìn ra phố, tôi gợi ý trồng hoa giấy thì bà xã ngăn vì theo nhà tôi cây đó xả rác dơ balcon. Thế là sở thích trồng bông giấy bị ngáng vĩnh viễn luôn!
Hai năm trước, trúng thời điểm vừa hết dịch covid, dân mạng rầm rộ chuyện chụp ảnh “check in” giàn bông giấy ở cổng hông trường Trung Học Tây Ninh. Mình “thèm” lắm nhưng tính không thích bon chen nên chờ dòng thác check in bông giấy “lắng xuống” thì tới lượt mình. Gần đây có đâu xa mà “bon chen”. Đến lúc lắng xuống, tôi tìm đến thì bông đã “tàn” rồi!!!
Để kết thúc bài viết, tôi xin ghi lại hình ảnh trên mạng giàn bông giấy to nhất, rực rỡ nhất, nổi tiếng nhất Bình Thuận - và có thể là nhất nước - là giàn bông giấy ngay trước cổng cảng Phan Thiết, nơi du khách thường đón tàu đi đảo Phú Quý. Vị trí này quá thuận lợi, ở ngay ngã ba, ngay cảng nên chủ nhà mở quán cà phê Bông Giấy. Khách du lịch, khách đi tàu có thể đến đây uống cà phê, chờ tàu, chụp hình với giàn bông giấy. Mà tới chỉ để chụp hình với giàn bông giấy chớ không uống gì hết chủ quán vẫn vui vẻ, nhiệt tình. Trên mạng có rất nhiều hình về giàn bông giấy này, ví dụ đây là hình của báo Thanh niên.

 

1 nhận xét:

NỖI NHỚ MUỘN MÀNG - Thơ Ngoc Anh Nguoideplongyen

T ranh Hứa Xuân Trường   NỖI NHỚ MUỘN MÀNG   Hè ở đây vẫn ngày nồng đêm lạnh Nhớ quê nhà mùa bão tố chưa qua Nhớ dòng sông nước chảy những c...