Thứ Năm, 18 tháng 1, 2024

Chuyện Nỗi Quên Niềm Nhớ- Lê Trung Ngân

 


Trong đời sống tình cảm của mỗi người, nỗi nhớ luôn hiện diện. Có đầy những sắc màu trong bao nỗi nhớ. Nhưng cũng có rất nhiều sự kiện mà ai trong chúng ta cũng gặp là quên nó một cách lãng nhách! Vài năm gần đây, càng có nhiều tuổi, tôi và các bạn đồng niên mà tôi thường liên lạc hay than là hay quên những sự kiện mới xảy ra mà lại nhớ những chuyện từ đời xưa. Cho nên càng có tuổi càng hay sống hoài niệm quá khứ, thường chạnh lòng nhớ tới những điều xưa cũ, như những kỷ niệm, những biến cố, những gương mặt người thân, bạn bè… Ai cũng có những mảnh ký ức bị đi lạc, hoặc bị bỏ quên. Có những kỷ niệm mà chúng ta chỉ có thể nhớ được một thứ đồ vật nào đó đã gắn liền với kỷ niệm ấy. Chúng ta luôn sống và vẫn từng ngày sống trong ký ức của một chuỗi những kỷ niệm về những năm tháng đã qua. Chúng ta những tưởng, cứ sống hết tuổi thanh xuân, cứ đến buổi xế chiều, là chúng ta đã đi hết cuộc đời. Nhưng quả thực, chúng ta vẫn luôn tồn tại khi được sống trong kỷ ức của một ai đó. Như tôi nhớ đến bạn qua một kỷ niệm tuổi trẻ. Sợi dây vô hình của kỷ niệm luôn gắn chặt chúng ta lại với nhau đã một thời hiện diện trong cuộc sống của mình.
Tôi cũng không ngoại lệ, nhưng thường tự nhiên mà nhớ, mà lục lại kỷ niệm chứ ít khi cần ai hay điều gì tác động. Riêng vào các thời điểm ban đêm khó ngủ… thì lại càng nhớ, ray rức, muộn phiền.
Có phải là điều dở hơi không, khi ta đã nhẹ gánh cơm áo, bớt đi nỗi lo vật chất như đa số trong chúng ta hiện nay thì có lúc chúng ta biến thành loài nhai lại kỷ niệm hay loài gặm nhấm cảm xúc, cứ như bày đặt sống “nội tâm”?!
Nhưng nhìn kỷ lại ta thường hay nhớ về việc gì? Thiết nghĩ, trong toàn bộ những khổ đau đời người, có cái thứ khổ âm ỉ ngấm ngầm đến từ hai thứ nợ: Nợ từ quá khứ như sự nghiệp thăng trầm và nợ từ chia lìa, mất mát bởi “sinh ly, tử biệt”. Thành ra, khi rỗi rãnh ngồi buồn một mình hay chỉ bởi một chút khơi gợi tình cờ từ sinh hoạt, tin tức hằng ngày, mình lại chạnh lòng. Trong rất nhiều nỗi nhớ, thì nhớ mẹ có lẽ là nỗi nhớ đầy đặn, đằm sâu nhất đối với mỗi người. Bởi mẹ đã sớm chiều lo cho các con, cả những lúc con giữa những niềm vui hay các con đang gặp những điều khó khăn, đau khổ. Nhớ hai đấng sinh thành đã khuất bóng, nhớ những anh em trong nhà và bạn bè cố cựu đã chết khi còn trẻ hay chỉ mới trung niên - chưa kịp nếm mùi đời. Nhớ con gái còn chật vật đơn thân ở nơi xa mình; nhớ thằng bạn thân vừa mất vì bạo bệnh….
Tôi nhớ có một lần tôi đang giảng bài cho học sinh trường Y, mà tôi có thói quen là khi đi giảng không mang tài liệu nào vào lớp mà vẫn “thao thao bất tuyệt”. Cuối giờ sắp hết tiết học, tôi hỏi các em có hỏi gì không? Có một em đứng lên hỏi: Thưa thầy! thầy chỉ cho bọn em cách nào nhớ “siêu” như thầy? Tôi cười và nói: Muốn nhớ tốt phải biết cách quên: Cái gì cần nhớ thì khắc cốt ghi tâm, cái gì không cần thì buông bỏ cho nhẹ đầu.
Mặt trái của Nhớ là Quên. Sự quên lãng phá hoại những ghi nhớ chắt chiu của mình. Đúng ra là từ lâu hơn – cỡ chục năm gần đây – mình đã hay bị những đợt nhớ/quên chập chùng. Như vào cuối năm nào đó, bạn bè trung học đông vui họp mặt Noel. Ngồi giữa tiệc vui lại chạnh nhớ những người bạn vì cách xa địa lý, không thể có mặt, cùng nhớ những bạn đã về cõi Vĩnh Hằng. Càng đông vui càng nhớ các bạn ấy thấm thía!
Trên tất cả, mỉa mai nhất là lần nhiều người bạn vạch ra chứng hay quên của họ. Theo các bạn ấy thì sau ngày dính Covid hoặc sau khi chích ngừa, trí nhớ các bạn ấy sa sút thấy rõ. Mình là bác sĩ nhưng chưa thấy có kết luận nào cho rằng Covid hay thuốc chủng ngừa Covid gây giảm trí nhớ nhưng chắc chắn một điều là: Trí nhớ giảm theo tuổi tác vì tế bào não thoái hoá dần theo tháng năm!
Chính tôi cũng bị tật quên, như trong một lần họp mặt bạn bè, tôi thấy một chị có vẻ mặt buồn buồn, dáng đi không vững chải… Định bụng phải tìm lại ngay hay hỏi bạn bè số điện thoại/số nhà chị để ghé thăm, thì lần lữa qua ngày qua tháng, đã quên mất dự tính này. Rồi nhóm bạn báo cho biết phải lo ghé thăm chị ấy ngay đi vì chị ấy đã dính ung thư, tiên lượng chỉ 6 tháng – 1 năm. Vậy mà, dù bạn ấy chỉ ở cách nhà mình chừng 7-8 cây số chứ xa xôi cách trở gì, thì đùng một cái dịch Covid đến phải giãn cách rồi khi hết giãn cách thì nghe tin chị ấy qua đời vì bạo bệnh mà mình chưa dám đi dự đám tang vì còn “sợ dịch”. Tất nhiên trên net (Facebook, Zalo…) cũng có trò “nhắc tuồng” khi đến sinh nhật của bạn này, bạn khác để mời mua/gởi quà tặng, điện hoa nhưng không thể nào đầy đủ về danh sách người mình kết bạn.
Lại chợt nhớ ngày xưa, thời học trung học, mê nhạc Phạm Duy, trong tình khúc ‘Ngày đó chúng mình’ của ông có mấy câu thấm thía: “Ngày đó có em đi khỏi đời rồi / Và trăng sao đã tắt dưới trời tăm tối”…. Đang tuổi mới lớn - nên không thể nào không có hình bóng ai đó để nhớ - mình bày đặt chế riêng lời kết cho tình khúc đau thương này, rằng: “Ngày đó có nhớ thương hiện thành người”. Có điều là một người mơ hồ, nếu bị ai tra vấn thì không hề trả lời minh bạch là ‘nhớ thương’ ai. Ngày nay, cũng thỉnh thoảng là những nỗi nhớ, nỗi thương mông lung, bảng lãng như thế, hay vài khi tâm trạng có bám chút ít vào từ khuôn mặt, kỷ niệm, hình ảnh nào đó thuộc về chuyện cũ/người xưa một thời …
Lẽ nào ở tuổi đời trên ‘7 bó’ mệt mỏi này, còn chút gì đó sống động – vài khi cũng có thể chợt hưng phấn một cách kỳ chướng rồi…tắt ngủm! – trong trí não ở tuổi này, để giúp cho mình không rơi vào tình trạng dửng dưng, vô cảm trước cuộc sống. Có lúc nào đó toàn là những nỗi nhớ, những hoài niệm, những ân hận, những tiếc nuối… chứ không phải những hy vọng, những ước mơ, những dự phóng đã trễ muộn nếu còn muốn và ráng thực hiện trong những ngày tới?
Thôi thì, những lúc được ngồi giữa bạn bè ít khi đông đủ và ngày càng giảm dần không như mong muốn nhưng cả đám vẫn vui vẻ, ấm cúng. Mình vẫn thầm tạ ơn đời, tạ ơn cuộc sống đã cho mình khi sống/đến với bạn bè đã không đến nỗi bị lẻ loi, cô quạnh giữa chợ đời. Còn có bằng hữu chịu khó nghe mình hát những bài hát “một thời để nhớ". Còn có bằng hữu chịu khó xem/ like/ đăng lại/ comment những điều tôi giải bày như những tâm sự vụn vặt, kể cả những suy nghĩ, cảm nhận bi quan, ám tối.

 
 


1 nhận xét:

NGẪM CHUYỆN ĐỜI - Thơ LAN và Bài Họa Của Các Thi Hửu

NGẪM CHUYỆN ĐỜI. Sáu chục xuân qua, ngẫm lại đời Ngọt bùi, cay đắng.... số mà thôi! Nhà nghèo, cảnh khó nào đâu muốn Phận hẩm, phần hiu vẫn ...