Chủ Nhật, 21 tháng 1, 2024

PARIS ĐẸP LẮM - Tản Mạn - Nhất Hùng ( 1 )

Chúng tôi đến phi trường Charles De Gaulle Pháp vào một buổi sáng đầu tháng 9, trời se se lạnh, Paris đang vào thu, đã có nhiều lá rụng bên đàng và loang loáng vàng trên các hàng cây khắp phố. Lấy khách sạn ở Quận 7, bên dòng sông Seine, gần tháp Eiffel, check in xong liền đi bộ đến Tháp. Trên đường, tôi háo hức, liền tay chụp ảnh, chụp tất cả những gì tôi thấy, chụp kiến trúc, hàng cây, sông nước, phố xá…góc cạnh nào cũng đẹp. Chụp cả các cô đầm Pháp đạp xe thật nhanh, thật vội…có lúc áo đầm bay tung dưới gió, nom lạ mắt lắm. Chương trình đi thăm cảnh 15 ngày, mỗi ngày một nơi, có điểm chúng tôi phải ở lại hai ba ngày. Tôi viết ký sự, ghi vắn tắt những điểm đã viếng kèm hình ảnh nơi đến.

Các quận nội đô, đâu đâu cũng thấy những công trình kiến trúc cổ vừa mỹ thuật vừa đồ sộ. Dưới phố, ô tô, xe máy, xe đạp ken nhau tới lui náo nhiệt. Trên lề, khách du, cư dân, người thư thái, kẻ vội vã lách nhau qua lại nhộn nhịp. Lúc kiến tạo Paris, các nhà quy hoạch có ý phân lô theo dáng mũi tàu nên tạo ra nhiều ngã năm, ngã bảy…cá biệt có ngã mười hai như các đường chung quanh Khải Hoàn Môn, không như Sài Gòn, nói "ngã sáu - ngã bảy" ai cũng biết ở đâu, như vậy, ta có thể đoán được SG chỉ có vài bùng binh nhiều "ngã". Cách bố cục này tạo nên nhiều góc phố đẹp, nhộn nhịp, sầm uất. Nhiều con phố gợi nhớ lại các đường Tự Do, Lê Lợi, Nguyễn Huệ…của Sài Gòn ngày trước. Các quận ngoại thành có những công trình cao tầng, chung cư, cơ xưởng, văn phòng làm việc... bề thế không thua kém bất cứ quốc gia tân tiến nào. Vóc dáng người Pháp có vẻ nhỏ hơn người Bắc Mỹ, đặc biệt các thiếu nữ Paris, đa phần nhỏ nhắn, mình hạc vóc mai, dáng thanh mảnh, có lẽ họ đi bộ, đạp xe nhiều. Một tài xế taxi giải thích, họ ăn uống cẩn thận, tập thể dục đều đặn và rất chăm chút vóc dáng để còn diện thời trang. Nhưng khi đi về các tỉnh xa vẫn thấy còn nhiều Cô Tây, Bà Đầm “hái nho”, quá khổ, bề thế lắm.

Dọc các phố nội đô Paris, “Café - Restaurante” nhiều, nằm san sát, nhất là những góc phố, quán nào cũng đông khách. Có vẻ như người Pháp thích ăn uống bên vỉa hè để ngắm trời, ngắm đất, ngắm phố…ngắm thời trang…ngắm bà đi qua ngắm cô đi lại. Mặc dầu hàng quán lấn hè (có phép) nhưng bàn ghế ngăn nắp trật tự, khách ngồi ngay hàng thẳng lối, không lộn xộn, không cản trở khách bộ hành. Chủ quán giữ luật mà khách cũng tôn trọng quy ước này.

Ở Paris, quý ông quý bà - vợ chồng - tình nhân - trai gái ôm hôn nơi công cộng tự nhiên thoải mái, nom dễ thương, nhà tôi thích lắm. Lúc nghỉ trưa trong vườn Luxembourg, trước cả ngàn con mắt, một cặp tình nhân rất đẹp đến trải khăn bên cạnh chúng tôi rồi họ nằm lên nhau, ôm hôn, âu yếm… rất bạo cứ như là chốn không người. Máy ảnh của tôi sẵn sàng 24/24 nên có hình ngay, gởi bạn xem để nói có sách mách có chứng. Giờ tan sở, nhiều ông mặc veston, nhiều cô mặc đầm thật đẹp, tay cặp ổ bánh mì, tay cầm bó hoa rảo bước về nhà, nhìn lạ và thật dễ thương. Người Pháp nói chung, thiếu nữ Pháp nói riêng còn hút thuốc lá nhiều quá…Còn một chuyện này nữa, nói nhỏ với bạn…Ở Paris có nhiều con đường lót đá, nên gồ ghề không phẳng như đường tráng nhựa, các cô đầm cưỡi xe đạp, đạp nhanh, “phổi” nhảy tưng tưng. Tôi nói với nhà tôi: “Ở Paris mà mở shop bán coóc-xê, chắc ế lắm…”. Nhà tôi hiểu ý, cười…

Chúng tôi đi bộ lẫn trong dòng du khách nhưng không bận tâm đến những lời cảnh báo về trộm cắp ở Paris vì không mang theo thứ gì quý giá trên người, giấy tờ và một ít tiền tiêu vặt được để vào một túi nhỏ trong quần, trước bụng nên sinh hoạt thoải mái lắm. Phố du lịch đông người nên có kém vệ sinh nhưng không như lời đồn thổi. Có bảng chỉ dẫn đến toilet, bỏ một đồng, cửa tự động mở, chuyện nhỏ mà…có là tốt rồi. Có những khu phố, khu chợ của người Trung Đông, bề bộn và xô bồ nhưng đó là “văn hóa” của họ, như giữa Hòn Ngọc Viễn Đông - Sài gòn Hoa Lệ của ta ngày trước vẫn có Chợ Cầu Muối mà. Ở Paris, chúng tôi có đến phố Tàu, phố Việt…nom khang trang, sạch sẽ, có bán đủ món ăn thức uống, tạp hóa, tạp phẩm Á Đông. Phở Việt Nam ở Paris ngon, ngon thật chứ không phải tại sau cả mười ngày ăn đồ Tây rồi thèm đồ Việt. Một trong ba người Á đông ngồi sát bàn chúng tôi dùng món "Bún Mắm Đậu", một chén mắm lớn đặt giữa đĩa, mùi mắm thoang thoảng. Ôi, giữa trời Tây vẫn thấy quê hương.

Người Paris tử tế…cứ Bonjour với họ trước…nếu có bất đồng ngôn ngữ họ vẫn tìm cách giúp đỡ. Một lần, đang lái xe giữa phố, chúng tôi mất wifi, bản đồ chỉ dẫn không hoạt động, thấy hai Cảnh sát đạp xe bên lề, chúng tôi hỏi đường, họ bảo: "còn khoảng 1 km, gần đến rồi...quẹo phải...quẹo trái rồi quẹo..." Chúng tôi nói, gần thì vui lòng dẫn đường dùm, họ nói "no". Chúng tôi đành tự kiếm, nhưng thật ra họ đạp xe đằng sau, đến khúc cần quẹo, họ lại vượt lên chỉ dẫn...cứ thế cho đến tận khách sạn. Mà chẳng phải chỉ có cảnh sát vui vẻ nhiệt thành, cư dân cũng thế. Trong Paris, có nhiều khúc đường, xe hơi bị hạn chế tốc độ, chỉ 30, 40km một giờ, chậm như Rùa, chạy hơn sẽ bị phạt, còn mô tô, xe đạp cứ phóng vù vù, bạt mạng, có khi đạp xe chắc lại nhanh hơn. Xe đạp cho thuê của nhiều "công ty" để sẵn các góc phố, mướn xe thuận tiện trả xe dễ dàng. Nói thêm một tí về các cô đầm đạp xe trên phố, dáng mảnh mai, mặc đầm xòe, đội "nồi cơm điện" (nón bảo hộ), không thong dong mà cứ đạp vù vù, đến các giao lộ, khi khởi động, rướn thẳng người lên gồng chân đạp lấy trớn, nhiều cô đạp xe sườn ngang, để ghế cao ngồi cho đẹp, khi dừng xe, chống chân không tới phải nhảy xuống giữ xe, nét mặt tỉnh bơ, phong thái tự nhiên, nom thật ngộ nghĩnh. Nhớ Sài Gòn xưa, lúc tan trường, nữ sinh, mặc áo dài, đạp xe đạp mi ni nhiều lắm, nhưng từ tốn chậm rãi e thẹn chứ đâu có như thế này mà những chiếc xe đạp mini ngày ấy, ai là người chế ra kiểu dáng dễ thương này và bây giờ biến đâu hết rồi?. Ở Paris, khách bộ hành, người dùng xe hai bánh có lẽ là "thượng Đế", xe ô tô có vẻ kiên nhẫn nhường đường. Ở Mỹ, phải giữ đúng luật, chỉ băng qua đường đúng lằn đinh và khi đèn cho phép, băng đường ẩu, tài xế ngộ sát hoặc gặp thằng phi ngỗ ngáo cán chết...cảnh sát lập biên bản ghi "người băng qua đường trái luật" là "TỰ TỬ". Ở Việt Nam, tôi băng đường đúng luật nhưng chưa qua hết đường thì đèn đỏ...một ông lái xe hơi, mặc veston, hạ kiếng xuống, quát to: "đm...mày muốn tự tử hả?"...

Giữa Paris có những con đường một chiều nhỏ xíu, chỉ vừa đúng một thân xe ô tô cỡ nhỏ, xe lớn phải chạy cắn một bánh trên lề. Đường hẹp, không thể qua mặt, nhưng có một xe ngừng giữa đường để xuống hàng hay làm gì đó...thì tất cả xe sau kiên nhẫn đợi, không thúc hối, không bấm còi...tôi không nghĩ đó là lịch sự mà là "luật bất thành văn".

Hệ thống Metro điện, xe buýt khá tốt, chắc họ khuyến khích dùng phương tiện công cộng. Có trường hợp, đón Taxi tiện hơn nhưng tài xế Taxi ở đâu mà chẳng "mánh", lên xe, ta cứ mở oang oang navigator ra, họ muốn "kiếm thêm tí tiền" cũng khó. Một lần, chúng tôi hỏi: "tại sao anh không quẹo ở đây", anh tài xế bẽn lẽn nói: "xin lỗi, tôi bị miss...". 

Khi đến phi trường Charles De Gaulle, qua cửa "thuế quan" thật dễ, chẳng khám chẳng hỏi gì, chỉ đưa passport ra đóng mộc là qua và vì có đặt Taxi, chúng tôi vội ra nên không quan sát. Lúc về, gọi Taxi, đến phi trường, anh tài xế dừng và chuẩn bị chuyển hành lý xuống. Nhưng không thấy cổng United Airline đâu, hỏi nhân viên phi trường mới hay, phải đi thêm vài km nữa mới đến. Tôi không nghĩ anh Tài mánh, vì chạy thêm, anh sẽ có thêm tiền nhưng trách anh ta thiếu kinh nghiệm, nếu đã xuống xe, có lẽ chúng tôi lại phải đón một chuyến taxi khác. Kể bạn chuyện này, một phần góp kinh nghiệm cho bạn một phần muốn nói phi trường Charles De Gaulle lớn lắm, lớn nhất nước Pháp...nghe nói, lớn nhất Châu Âu. Vào phi trường, dư thời gian, tôi ngắm nội thất, "hiện đại" "hoành tráng" và "choáng ngợp". Có đủ mọi tiện nghi và cả phố để mua sắm thời trang, chẳng khác gì đang ở trong các mall nổi tiếng của Mỹ. Với tầm của mình, tôi nghĩ thế này là nhất nhì thế giới rồi, ở đâu hơn được. Lên máy bay, search net, mới biết Phi Trường Charles De Gaulle không nằm trong "top ten" phi trường của thế giới. Ôi, mình cà quỷnh thật. Nhất định mình sẽ đến những nơi nằm trong top ten để xem, có cái gì mà hơn CDG vậy.

"Đi một ngày đàng, học một sàng khôn", biết thêm nhiều điều học thêm nhiều thứ, có một chuyện thấy mới hiểu, khá thú vị, kể bạn nghe. Trước giờ tôi có nghe cụm từ "ngoan ngoãn như bầy Cừu", chẳng biết sự thật thế nào nhưng hình dung thì được. Một hôm, ghé một Thị Trấn để ăn trưa, tình cờ gặp một đoàn biểu tình khoảng ngàn người với biểu ngữ lớn "Freedom For People". Người biểu tình mặc đẹp, trật tự, hô theo khẩu hiệu, khi ngưng hô thì phát nhạc, giai điệu giật gân, các cô gái trong đoàn nhảy múa - Tây nhảy thì đẹp rồi - lúc họ dừng, để ý mới thấy, trước đoàn có một bầy Cừu, chúng cũng dừng lại, đứng trật tự, trước bầy có một con Chó, sau bầy cũng có một con Chó. Con Cừu nào không ngay hàng thẳng lối, con Chó lấy mõm hích nhẹ, Cừu ngoan ngoãn vào hàng. Khi con Chó phía trước đứng lên đi, bầy Cừu ngoan ngoãn đi theo. Bây giờ mới hiểu tường tận câu: "...ngoan ngoãn như bầy Cừu". (có chụp hình).

Khi giao tiếp, người bản xứ hỏi: "ông bà từ đâu đến?". Chúng tôi trả lời: "Từ Mỹ" và hỏi lại: "Anh (Chị) đến Mỹ chưa và thấy Mỹ thế nào?". Tất cả ai từng đến Mỹ đều tròn mắt nói: "Mỹ lớn quá, cái gì cũng lớn". Có một anh còn nói: "Tôi du lịch, cần mua một ống kem đánh răng nhỏ, không có, họ bán ống nào ống nấy to bằng cổ tay tôi". Ở Paris, vào cửa hàng bán trái cây, nhà tôi mua hai trái quýt, cốt thử chua ngọt thế nào, họ cân và tính giá vài cắc, dễ thương quá. Còn ở Mỹ, mua cái gì cũng cả bịch, to tổ bố. Phố lớn thật, đất rộng mênh mông, đi từ điểm này qua điểm khác xa quá chẳng như Paris, đã đến thăm được điểm A thì có thể tiếp tục đi bộ đến điểm B rồi C...dễ thương quá phải không. 

Đến xứ lạ, gặp người lạ, có trăm điều lạ để kể nhưng bạn nên sắp xếp đến Paris để trải nghiệm một lần cho biết…thú vị lắm. Chẳng thế mà Paris luôn nằm trong danh sách những điểm du lịch có lượng du khách nhất nhì thế giới.

Chia sẻ với bạn vài nơi chúng tôi thăm viếng và khuyên bạn nên tham khảo trước các tài liệu về nơi chúng ta sắp đến, biết và hiểu sẽ thú vị hơn


THÁP EIFFEL

Từ khách sạn đi bộ đến Tháp Eiffel (Tour Eiffel), đây là công trình kiến trúc bằng thép nằm trong công viên Champ de Mars, bên sông Seine do kỹ sư Gustave Eiffel thiết kế, xây dựng từ năm 1887 tới năm 1889. Tháp là biểu tượng của kinh đô ánh sáng Paris và của nước Pháp. Buổi tối, tháp được thắp sáng và cứ thỉnh thoảng lại có đèn nhấp nháy. Du khách đông, nhất là ban đêm, khi tháp lên đèn.


TU VIỆN MONT SAINT MICHEL

Từ Paris, chúng tôi lái xe gần 4 tiếng vượt hơn 350km, qua nhiều thị trấn nhỏ, đẹp, yên bình nhưng lộ kiến tạo ngoằn ngòe cố ý , chắc muốn ta chạy chậm, cẩn thận và lắng tâm trước khi đến Saint Michel. Núi Saint Michel là một đảo ở Normandie. Theo tài liệu, từ thế kỷ 8, có một tu viện mà từ đó đã hình thành lên cái tên Mont-Saint-Michel.  Tu Viện có vị trí độc đáo khi nằm trên một hòn đảo chỉ cách đất liền gần 1km nên dễ dàng cho người hành hương tiếp cận khi thủy triều xuống. Mực thuỷ triều ở Mont Saint Michel có mức lên - xuống đỉnh, lúc lên, cao tới gần 13m và xuống chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Chính sự thay đổi này khiến tu viện khi thì giống một ngọn đồi trên cạn khi lại giống một hòn đảo chơ vơ nổi giữa đại dương. Lại có thời điểm Tu Viện Mont Saint Michel trông giống như một lâu đài lơ lửng trên mây, những lâu đài trong các câu chuyện cổ tích hoặc như một pháo đài trong các phim huyền thoại Hollywood “Chúa Tể Của Những Chiếc Nhẫn”.

Trên đường lái xe về, chúng tôi chợt nhớ và mở đi mở lại bài “Paris Có Gì Lạ Không Em” - Thơ Nguyên Sa - Nhạc Ngô Thụy Miên - Thái Thanh hát. Bài này chúng tôi đã nghe lắm lần nhưng hôm nay nghe lạ lắm. Nghe hay hơn, cảm xúc hơn, ôi lãng mạn quá.


 (Còn Tiếp )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ĐỆ BÁ NIÊN HOẰNG KHAI ĐẠI ĐẠO- TAM KỲ PHỔ ĐỘ ( Nhứt Bách Niên nhân Rằm Hạ Ngươn Giáp Thìn)

                Múa Rồng Nhang ngày Đại Lễ   Thánh Thất khắp nơi đã tổ chức Đại Lễ Rằm Hạ Ngươn Giáp Thìn rất trọng thể Đại Lễ kính mừng Đệ...