Thứ Sáu, 12 tháng 1, 2024

Hàng Xóm - Nguyễn Thị Thanh Dương

Ngày 29 tháng Tư- 2023 đọc tin một anh chàng Texas sang nhà hàng xóm bên cạnh bắn chết 5 mạng vì “tội” họ đã  phàn nàn với anh ta bắn súng ở sân sau làm ồn khi con họ đang ngủ.

Vụ này tôi giật mình vì cũng có trường hợp tương tự nhưng may mắn hơn những nạn nhân này.

Hồi tôi mới dọn đến căn nhà đầu tiên, hàng xóm bên cạnh nuôi một con chó to lớn, mỗi lần thấy tôi ra vườn sau nó chồm chân lên hàng rào thấp ( loại mắt cáo bằng kim loại) vừa sủa vừa như muốn nhảy sang ăn tươi nuốt sống tôi làm tôi hết hồn và ngại không dám ra sân sau vì sợ chó. Vợ chồng tôi hậm hực bàn tính phải sang nói chuyện với chủ nhà để họ xích con chó lại kẻo có ngày mình thành nạn nhân của con chó dữ tợn này. Ngay như sân trước nhà tôi chưa kịp cắt khi cỏ hơi cao thì ông hàng xóm đối diện đã sang nhà nhắc nhở kẻo ảnh hưởng đến cảnh quan nhà ông ta và khu phố. Tôi đã vui vẻ cám ơn ông và hôm sau sân cỏ được cắt gọn gàng sạch sẽ, thì nay tôi cũng có quyền sang nhắc nhở hàng xóm nuôi chó kia chứ. Ở xứ Mỹ dân chủ này ai cũng có quyền phát biểu ý kiến, cả với tổng thống nói chi với hàng xóm quèn. Tôi nghĩ thế và hăm hở đợi dịp sang “phàn nàn” nhà hàng xóm.

Chiều hôm sau tôi nghe thấy tiếng ông Mỹ đang lao xao ở sân sau nhà ông, thế là tôi liền mở cửa ra vườn sau nhà mình, chuẩn bị tuôn ra hết những bực dọc lo âu bấy lâu. Tôi hăng hái tiến về phía hàng rào thì thấy ông Mỹ to con mặc áo thun sát nách, hai cánh tay ông ta xăm trổ đầy những hình thù quái dị, tay cầm ly bia uống dở mặt đỏ gay và bà vợ ngồi bên cạnh, gương mặt thuộc loại “bà chằn” đang hút thuốc lá phì phèo, chắc họ đang ăn nhậu và tôi là người phá đám cuộc vui của họ. Ông ta ngạc nhiên thấy tôi đến gần hàng rào và nhìn tôi bằng đôi mắt đỏ ngầu như thách thức tôi lên tiếng, con chó to lớn của họ đủng đỉnh đi qua đi lại như…dằn mặt tôi, nhưng dù con chó  to cao dữ dằn bao nhiêu chắc cũng… thua ông chủ. Bức tranh toàn cảnh gia đình ông Mỹ hàng xóm làm tôi phát… ớn,  những bực bội khó chịu trong tôi bấy lâu bỗng tan biến mất. Tôi khép nép líu ríu mỉm cười và… lễ phép:

– Xin chào… chào… ông bà.

Ông Mỹ hất hàm hỏi:

– Bạn có vẻ như muốn nói điều gì ?

Tôi… hiền dịu trả lời:

– Từ ngày gia đình tôi dọn đến đây tôi chưa gặp ông bà lần nào. Hôm nay tôi chỉ muốn chào ông bà một tiếng thôi. Chúc vui vẻ nhé.

Nói xong tôi vội quay vào nhà. Từ đó tôi không dám mơ ước khiếu nại vụ con chó nữa. Hai vợ chồng tôi bàn tính khi nào có tiền sẽ thay hàng rào khác cao hơn, an toàn hơn để không sứt mẻ tình hàng xóm.

Nhờ…sợ hàng xóm mà yên chuyện, nếu không biết đâu tôi cũng lãnh mấy viên đạn như vụ kia rồi.

“Tránh voi chẳng xấu mặt nào”, ông bà ta đã dạy thế. Là hàng xóm với nhau, mỗi người một chút chịu đựng, một chút hiểu chuyện thì cuộc sống an vui biết bao.

Hàng xóm ở Việt Nam tôi từng sống và lớn lên thật hiền hòa thân thiện, vì người ta sống lâu dài ở một địa chỉ, một khu xóm, có khi từ đời ông bà cha mẹ cho tới đời con cháu nên tình hàng xóm càng ngày càng gần gũi thân thuộc, đúng với câu “Tắt lửa tối đèn có nhau”. Ðầu trên xóm dưới đều là quen biết, người ta biết rõ ngọn nguồn gia cảnh của nhau, sang nhà hàng xóm mượn con dao, cái búa, cái thang hay mượn lon gạo, xin chén nước mắm khi nhỡ nhàng là chuyện thường tình. Có những anh hàng xóm, cô hàng xóm thuở nào còn làm ta nhớ mãi. Dĩ nhiên cũng có những hàng xóm không ưa nhau, bất hòa cãi vã nhưng không động chút là chém giết nhau.

Hàng xóm ở Mỹ thì ngược lại, may ra ta chỉ biết tên quen mặt vài nhà bên cạnh, họ không tình cảm như hàng xóm ở Việt Nam, có lẽ vì cuộc sống riêng tư khép kín của mỗi nhà, vì họ hay di chuyển dọn nhà đi, vì do khác màu da, khác ngôn ngữ nên chỉ có xã giao bề ngoài. Bởi thế thấy hàng xóm Mỹ luôn mỉm cười chào hỏi ta đừng vội mừng nhé. Gia đình chị Linh bạn tôi khi mới dọn đến căn nhà vừa mua, chị hàng xóm người Mỹ bên cạnh đã ân cần bước sang nhà với một hộp bánh cookie và lời chúc mừng hàng xóm mới. Chị Linh cảm động lắm. Thế rồi sau một thời gian quen biết nhau hơn, có dịp chuyện trò nhiều hơn chị Linh tưởng như gặp người tri kỷ, cao hứng và có cả chân tình kể cho chị hàng xóm Mỹ nghe nào căn nhà này vợ chồng chị mua tiền mặt, chỉ tốn vài trăm tiền ký giấy tờ là dọn vào ngay, nào chồng chị là kỹ sư lâu năm của hãng máy bay, nào con gái chị đang là sinh viên y khoa năm cuối, Linh kể tới đâu thì chị Mỹ kêu lên thán phục tới đó: ”Wow…very good”, “Wow, wonderful”.


Thế mà tình hàng xóm đang nồng ấm bỗng hóa ra “hận thù” vợ chồng nhà Mỹ lạnh lùng ra mặt và thay đổi thái độ, bắt bẻ, khó dễ nhà hàng xóm Việt đủ điều. Vợ chồng Linh chán ngán đã nghĩ đến chuyện bán nhà đi nơi khác, may quá Linh chưa kịp thực hiện rao bán nhà thì gia đình nhà Mỹ đã …âm thầm dọn đi mất tiêu. Ít hôm sau thấy căn nhà của họ đã dán giấy “ foreclosed”. Họ trả nợ mortgage không nổi nên nhà bank lấy nhà. Biết đâu cả ti vi tủ lạnh, bộ sofa trong nhà cũng …toàn đồ trả góp? Thì làm sao họ vui vẻ cho được với nhà Châu Á di dân tị nạn trên đất nước họ đã thành công thế kia. Linh đã học được một bài học vô cùng quý giá.

Sống ở đâu phải theo nếp sống nơi ấy. Tôi chỉ muốn là một hàng xóm bình thường và dễ chịu của họ.

Tôi đã bán căn nhà trước và ở căn nhà hiện nay với vài kinh nghiệm về tình hàng xóm.

Một buổi chiều ngày lễ Tạ Ơn vợ chồng tôi đã trễ giờ hẹn, vội vàng mang món ăn ra xe để tới nhà người em, vừa lùi xe xuống đường thì một bà hàng xóm cách nhà tôi mấy căn chạy đến chặn xe lại nhờ vả. Có lẽ bà đứng ngoài sân nãy giờ chờ gặp ai thì nhờ người đó, bà làm mất cái cell phone đang tìm không ra nhờ tôi đến nhà giúp. Tôi thật sự đang nôn nóng tới nhà người em vì mọi người đang chờ nhưng chỉ vài giây suy nghĩ tôi quyết định xuống xe đi bộ theo bà vào nhà, lấy cell phone của tôi ra bấm số cell phone của bà, tiếng phôn của bà reo lên và bà đã tìm ra nó, bà cám ơn tôi rối rít. Thôi thì đằng nào cũng trễ giờ, cũng đến bữa tiệc muộn mà giúp được hàng xóm cũng vui, lòng khỏi áy náy.

Nhà tôi nằm đối diện ngay góc cua quẹo trái. Ðịa thế đẹp sáng sủa cho lũ trẻ bước vào xin kẹo mùa Halloween, bởi thế Halloween nào nhà tôi cũng sáng đèn cho trẻ đến nhà, hao kẹo nhưng vui người vui mình.

Tôi thích trồng hoa lá trước sân nhà, từ mùa Xuân cho tới tàn Thu có hoa Hồng, hoa Sứ, hoa Crepe Myrtle thay nhau nở hoa. Trước cửa nhà có thùng thư chung của dãy phố, ai đến lấy thư sẽ được ngắm hoa lá sân trước nhà tôi nở đẹp theo mùa. Không biết hàng xóm có ý nghĩ ấy không? Nhưng tôi vẫn cứ vui và tin rằng tôi trồng hoa làm đẹp nhà mình và làm đẹp lòng hàng xóm trong phút giây họ ra lấy thư.

Căn nhà đối diện nhà tôi là gia đình người Mỹ trẻ tuổi họ mới đến thuê căn nhà, khi bên này bên kia thấy mặt nhau họ đều giơ tay chào lịch sự. Họ cắt cỏ sạch sẽ làm đẹp một góc phố, thùng rác và thùng recycle tới ngày đổ họ mang ra để phía trước gọn gàng trước khi rời nhà đi làm. Một hôm trời đầy gió, thùng recycle sau khi đổ xong đã lăn lóc ra ngoài đường và gió lôi đi xa, tôi đã chạy theo kéo thùng recycle để ngay ngắn trở lại trên sidewalk nhà họ, vừa giúp nhà hàng xóm vừa…giúp đời, không còn vật cản trên đường cho xe cộ đi qua an toàn. Chẳng ai nhìn thấy, chẳng ai hay biết, chỉ có chồng tôi biết và khen “Hoan hô bà hàng xóm tốt bụng ”.

Nhà hàng xóm bên trái là một người mẹ độc thân với hai đứa con, thỉnh thoảng họ đi vacation đều qua nói với tôi một tiếng nhờ trông nhà giùm, tôi cảm thấy ấm áp lòng khi được hàng xóm tin tưởng…giao việc trông nhà giùm họ.

Nhà hàng xóm bên phải là gia đình người Mễ cũng trẻ tuổi ( Vậy là có mình gia đình tôi…già cả nhất góc đường này) Nhà Mễ làm phiền tôi nhiều nhất.

Gia đình Mễ đông người, ngoài mấy đứa con còn có cha mẹ già, đã thế họ còn giữ trẻ kiếm thêm thu nhập, mỗi lúc mấy bà mấy cô đồng hương Mễ của họ mang con tới gởi và đón con về là xe đậu tràn lan sang cả lề đường nhà tôi và nhà đối diện. Có lần tôi lùi xe từ sân nhà mình để xuống đường, ngó phía sau bên phải, bên trái và đối diện bên kia đều có xe đậu lề đường quây lại thành một hình chữ U làm tôi de xe vất vả khó khăn chỉ sợ đụng chạm xe họ. Tôi hồi hộp lo lắng nhưng khi chị Mễ bên cạnh lơn tơn ra sân thấy tôi de xe nhúc nhích từng chút một chị ái ngại hỏi “Are you OK ?” tôi cũng ráng nở nụ cười trả lời ngon lành: “Ok No problem”. Vẫn còn bản tính người Việt Nam khách sáo nhún nhường để làm vừa lòng người khác, thay vì “mặt sưng sỉa lên” nói thẳng nói thật lòng mình rằng:” Tôi chán cảnh đậu xe của khách khứa nhà chị lắm rồi”.

Thoát ra khỏi vụ de xe tôi sung sướng chạy thong dong trên đường tới chợ và hy vọng rằng lúc quay về nhà thì xe hàng xóm Mễ cũng đã “di tản” bớt, trả lại không gian lòng lề đường nhà tôi cho tôi dễ dàng lái xe lên drive way an toàn.

Nhà Mễ này lại có máu văn nghệ nữa cơ, qua khe hở hàng rào sân sau tôi thấy trong cái patio rộng là dàn trống to như một ban nhạc. Thỉnh thoảng họ tụ tập bạn bè ăn uống và ca hát đàn trống rộn ràng tới khuya. Căn phòng ngủ của tôi “vô phước” nằm gần ngay hàng rào nên tôi phải thưởng thức nhạc ngoài mong muốn, có hôm âm nhạc ru hồn tôi lạc vào giấc ngủ muộn, có hôm tôi lơ mơ ngủ nửa thức nửa tỉnh.

Những ngày cuối tuần tôi thường tha hồ thức khuya dậy muộn, nhưng có buổi sáng sớm tôi đang say ngủ bỗng choàng tỉnh giấc vì tiếng máy cắt cỏ giòn giã vang lên. Thì ra anh Mễ hàng xóm đang cắt cỏ khi mới 8 giờ sáng. Chắc anh ta muốn cắt cỏ giờ này cho mát mẻ vì trời Texas mùa hè nóng sớm mà vô tình phá hủy giấc ngủ ngon trớn của tôi.

Chưa bao giờ tôi có ý nghĩ sẽ sang nhà hàng xóm Mễ “phàn nàn” họ làm ầm ĩ khiến tôi mất ngủ cả. Vụ con chó dữ trước kia tôi còn chào thua thì vụ thỉnh thoảng mất ngủ chỉ là chuyện nhỏ.

Ngoài nhà anh Mễ, thêm một hàng xóm mà tôi chưa biết mặt bao giờ cũng góp phần làm tôi mất ngủ.

Ðằng sau vườn nhà tôi là một khu apartment, chỉ cách nhau một hàng rào, có đêm tôi nghe ai đó to tiếng cãi vã, đêm vắng lặng nên những âm thanh dữ dội vọng sang càng rõ, có vẻ như hai vợ chồng cãi nhau, họ lôi nhau chạy ra ngoài  chửi bới nhau cả khu xóm cùng nghe.

Nhưng dù nhà Mễ bên cạnh chơi nhạc tới khuya hay bên kia apartment người ta cãi nhau nửa đêm về sáng thì hàng xóm làm tôi mất ngủ vẫn ít hơn …chính tôi làm tôi mất ngủ, trằn trọc thao thức chỉ vì một câu văn chưa vừa ý hay một câu thơ chưa tròn.

Hàng xóm của tôi dù là màu da nào, dù họ là ai, dưới mắt tôi họ vẫn là những hàng xóm dễ thương cho tôi thêm niềm vui trong cuộc sống này.


NTTD

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận : NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2) (Đỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :            NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2)                                                                      ...