THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 106 :
THANH, THÀNH, THÂN, THẦN.
Vườn Tây Uyển khúc chùng THANH DẠ
TÙY DƯƠNG ĐẾ 隋煬帝 (569-618) là ông vua thứ 2 của nhà Tùy, có đời
sống hưởng thụ kiêu xa dâm dật nhất trong các triều đại. Ông đã cho xây
rất nhiều ly cung biệt viện, như Giang Đô Cung, Lâm Giang Cung, Tấn
Dương Cung, Tây Uyển Viên. Riêng Vườn Tây Uyển ở Lạc Dương chu vi rộng
đến trên hai trăm dặm. Bên trong vườn lại cho đào hồ nhân tạo rộng trên
10 dặm, có non bộ, có điện các lâu đài, xa hoa cùng cực. Vào những đêm
trăng sáng thường dẫn theo mấy ngàn cung phi cởi ngựa dạo vườn Tây Uyển,
rồi lên thuyền trên hồ cho cung nhân cùng kéo thuyền rồng bằng những
giải lụa trong tiếng nhã nhạc và đàn sáo vang lừng, tấu khúc THANH DẠ DU
清夜游 (Dạo chơi trong đêm thanh). Ăn chơi đến mất nước, nên khúc THANH DẠ
DU và khúc HẬU ĐÌNH HOA 後庭花 đều là những khúc nhạc dùng để chỉ của các
hôn quân ăn chơi đến mất nước. Nhưng đồng thời đây cũng là những khúc
nhạc hay, như nàng cung phi của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều khi được vua
yêu đã rất đắc ý với :
Vườn Tây Uyền khúc chùng THANH DẠ,
Gác Lâm Xuân điệu ngã Đình Hoa.
THANH HOÀNG 青黃. THANH là màu xanh, chỉ Trời : Thanh Thiên 青天; HOÀNG
là màu vàng, chỉ đất : Địa Hoàng 地黃. Nên THANH HOÀNG là chỉ TRỜI ĐẤT.
Như câu thơ trong truyện "Bần Nữ Thán" :
Quyết gan chờ kẻ cân đai,
Sớm khuya đành phó mặc nơi THANH HOÀNG.
THANH KHÍ 聲氣 là từ nói gọn lại của câu "Đồng thanh tương ứng, đồng
khí tương cầu 同聲相應,同氣相求" theo quẻ Càn trong Kinh Dịch. Có nghĩa : Cùng
chung tiếng nói thì ứng tiếng đáp lời nhau; Cùng chung chí khí thì tìm
đến với nhau. Thường dùng để chỉ những người đồng điệu, đồng chí, cùng
chung chí hướng hoặc sở thích thì thường tìm đến với nhau. Như con ma
Đạm Tiên đã đi tìm Thúy Kiều sau khi chị em Thúy Kiều đã viếng mộ Đạm
Tiên vậy. Thúy Kiều thấy hồn ma Đạm Tiên không biết là ai, mới cất tiếng
hỏi là :"Đào nguyên lạc lối đâu mà đến đây ?" Đạm Tiên phải phân bua :
Thưa rằng : THANH KHÍ xưa nay,
Mới cùng nhau lúc ban ngày đã quên ?
Hàn gia ở mái tây thiên,
Dưới dòng nươc chảy bên trên có cầu.
Trong truyện thơ Nôm "Nhị Độ Mai" thì viết là THANH ỨNH KHÍ CẦU với câu thơ sau :
Than rằng : THANH ỨNG KHÍ CẦU,
Người kim cổ dạ trước sau một đường.
THANH LIÊN 青蓮 là Bông sen xanh, đây là tên hiệu của Thi Tiên Lý
Bạch, hiệu là THANH LIÊN CƯ SĨ 青蓮居士 (Cư sĩ hoa sen xanh) để tỏ rõ cho sự
thanh cao của mình, không cầu danh lợi, ngao du khắp bầu trời để uống
hết rượu ngon của thiên hạ. Nghe đồn Ô Trình Tửu của Hồ Châu rất ngon,
Lý Bạch bèn tìm đến Hồ Châu để uống cho thỏa thích. Đang lúc cao hứng
ngâm thơ vang vang , chợt có Ca Diếp Tư Mã đi ngang qua quán rượu bèn
cho tùy tùng vào hỏi xem là ai. Lý nghe hỏi bèn thuận miệng đọc luôn bốn
câu thơ :
青蓮居士謫仙人, Thanh Liên Cư Sĩ trích tiên nhân,
酒肆逃名三十春。 Tửu tứ đào danh tam thập xuân.
湖州司馬何須問, Hồ Châu Tư Mã hà tu vấn,
金粟如來是後身。 Kim túc Như Lai thị hậu thân !
Có nghĩa :
Thanh Liên Cư Sĩ trích tiên đây,
Quán rượu ẩn danh chục năm nay.
Tư Mã Hồ Châu sao khéo hỏi,
Như Lai kim túc hậu thân nầy !
Lý Bạch đùa với Tư Mã Hồ Châu rằng : Ngài là Ca Diếp là hậu thân của
Phật Thích ca, còn ta chính là Như Lai đây ! Trong truyện thơ Nôm Nữ Tú
Tài có câu :
Miễn là lầm lỗi theo lời,
Chẳng ca Bạch Tuyết, chẳng tài THANH LIÊN.
THANH MINH 清明 là Trong sáng. Đây là một trong 2 tiết của Tháng Ba Âm
lịch tính theo thời vụ. Hai tiết của Tháng Ba là : Thanh Minh và Cốc
Vũ. Trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã cho chị em Thúy Kiều du xuân
trong thời tiết nầy :
THANH MINH trong tiết tháng ba,
Lễ là Tảo Mộ, hội là Đạp Thanh.
THANH SỬ 青史 là Sử xanh; gọi là Sử Xanh vì ngày xưa chưa có giấy,
nên sử được chép trên những thanh tre được xỏ xâu lại. Trong truyện thơ
Nôm "Trinh Thử" có câu :
Đã thương dám mới ngỏ lời,
Nhớ trong THANH SỬ, hôm mai ghi lòng.
Còn trong Truyện Kiều thì cụ Nguyễn Du viết :
Cảo thơm lần giở trước đèn,
Phong tình cổ lục còn truyền SỬ XANH.
THANH VÂN 青雲 là Mây xanh. Có xuất xứ từ truyện Phạm Thư 范雎 trong Sử Ký 史記 như sau :
Phạm Thư 范雎 theo Trung Đại Phu của nước Ngụy là Tu Giả 須賈 đi sứ
nước Tề. Khi về nước Ngụy, Tu Giả đã dèm pha rằng Phạm Thư tỏ ra rất
thân với Tề Vương, e là có ý đồ không tốt. Phạm Thư bị hình bộ khảo tra
một trận thừa sống thiếu chết. Khi tỉnh dậy, bèn bỏ Ngụy mà qua Tần, đổi
tên là Trương Lộc 張禄, mấy năm sau lên đến chức Tể tướng. Tu Giả lại
được Ngụy cử đi sứ sang Tần. Nhưng không biết vì sao bị Tần giữ lại
không cho về.
Một hôm, Phạm Thư ăn mặc rách rưới đến ra
mắt Tu Giả. Tu Giả trông thấy thương tình, sau khi thăm hỏi mới lấy
chiếc áo bào mới cho thay, còn chỉ điểm rằng : Nghe nói Trương Tể Tướng
rất trọng dụng nhân tài, sao anh không qua đó mà xem xem có cơ hội gì
hay không ? Bèn cùng đi với Phạm Thư đến phủ Tể Tướng. Gia nhân thấy
Phạm Thư đều đứng nép sang hai bên. Phạm Thư bèn nói với Tu Giả đứng chờ
mình đi vào trong để tìm quản gia. Tu Giả chờ hoài chờ mãi vẫn không
thấy Phạm Thư ra, bèn hỏi gia nhân sao Phạm Thư còn chưa ra. Gia nhân
không biết ai là Phạm Thư. Tu Giả bèn nói nguời khi nảy đi với mình là
Phạm Thư đó. Gia nhân lại bảo rằng : Đó chính là Trương Tể Tướng của
chúng tôi, sao lại bảo là Phạm Thư nào vậy ?!
Tu Giả
nghe nói điếng hồn, qùy ngay xuống trước cửa. Một lát sau, Phạm Thư với
quan phục Tể Tướng cùng với gia nhân tiền hô hậu ủng bước ra. Tu Giả bèn
thưa rằng :"Giả bất ý quân năng tự trí THANH VÂN chi thượng
賈不意君能自致青雲之上". Có nghĩa : Giả không bao giờ ngờ rằng ông đã tự mình vượt
lên trên cả mây xanh. Tu Giả cũng xin nhận tội vì mình đã có ý hại Phạm
Thư trước đó, nhưng Phạm Thư đã tha cho ông ta vì cho rằng Tu Giả khi
tặng áo bào cho mình đã tỏ ý rất chân thành như gặp lại bạn xưa.
Từ câu truyện trên hình thành hai thành ngữ TRỰC THƯỢNG THANH VÂN
直上青雲 (Lên Thẳng mây Xanh) và BÌNH BỘ THANH VÂN 平步青雲 mà ta thường nghe là
"Nhe Bước Thang Mây", chỉ thi đậu làm quan hay quan trường đắc ý, một
bước lên mây. Như trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê Ngô Cát và Phạm
Đình Toái có câu :
Bảy năm một hội THANH VÂN,
Anh tài náo nức dần dần mới ra.
Hay như trong bài hát nói "Chí Làm Trai" của Nguyễn Công Trứ là :
ĐƯỜNG MÂY rộng thênh thang cử bộ,
Nợ tang bồng trang trắng vổ tay reo...
Hay như trong Truyện Kiều của Cụ Nguyễn Du tả lúc Kim Trọng và Vương Quan cùng thi đậu là :
Sứ trời rộng mở ĐƯỜNG MÂY,
Hoa chào ngỏ hạnh hương bay dặm phần.
Khi Thúy Kiều khuyên Từ Hải quy hàng triều đình cũng đã lý luận rằng :
Bằng nay chịu tiếng vương thần,
Thênh thang đường cái THANH VÂN hẹp gì ?
THANH Y 青衣 là Áo Xanh. Các thị nữ con hầu ngày xưa thường mặc áo
màu xanh, nên người ở nô tỳ được gọi là THANH Y. Như khi Thúy Kiều bị
bắt về làm nô tỳ cho Hoạn Bà :
Ra vào theo lũ THANH Y,
Dãi dầu tóc rối da chì quản bao.
Hay khi Hoạn Thư cho Kiều đi tu ở Quan Âm Các, cụ Nguyễn Du đã viết :
ÁO XANH đổi lấy cà sa,
Pháp danh lại đổi tên ra Trạc Tuyền.
Hay như lời của đạo cô Tam Hợp nói với sư Giác Duyên về thân phận ba chìm bảy nổi của Thúy Kiều :
Hết nạn nọ đến nạn kia,
Thanh lâu hai lượt, THANH Y hai lần.
THÀNH HẠ YÊU MINH 城下邀盟 : Hẹn ước thề nhau dưới thành là sẽ không
đánh nhau nữa. Có xuất xứ từ Tống Sử. quyển 281. Khấu Chuẩn liệt truyện
宋史・卷二八一・寇准列传 có câu : Thành hạ chi minh, Xuân Thu sỉ chi 城下之盟,《春秋》耻之. Có
nghĩa : Hẹn ước thề nhau dưới thành (để đầu hàng), đời Xuân Thu cho đó
là điều nhục nhã.
Trong Truyện Kiều, sau khi
nghe lời Thúy Kiều khuyên "Bằng nay chịu tiếng vương thần, Thênh thang
đường cái thanh vân hẹp gì ?" nên, Từ Hải đã "Chỉnh nghi tiếp sứ vội
vàng, Hẹn kỳ thúc giáp quyết đường giải binh" và đã lơ là việc quân vì :
Tin lời THÀNH HẠ YÊU MINH,
Ngọn cờ ngơ ngác trống canh trễ tràng.
* THÀNH XUÂN chữ Nho là XUÂN THÀNH 春城 thưởng dùng để chỉ Kinh thành
nơi vua ở, như trong bài thơ Hàn Thực 寒食 của Hàn Hoành 韓翃 đời Đường :
春城無處不飛花, XUÂN THÀNH vô xứ bất phi hoa,
寒食東風御柳斜。 Hàn thực đông phong ngự liễu tà.
日暮漢宮傳蠟燭, Nhựt mộ Hán cung truyền lạp chúc,
輕煙散入五侯家。 Khinh yên tán nhập ngũ hầu gia.
Có nghĩa :
Thành xuân khắp chốn hoa bay,
Gió xuân Hàn Thực liễu dài nghiêng chao.
Đèn chiều cung Hán truyền mau,
Tan vào khắp cả ngũ hầu kinh đô.
Trong Hoa Tiên Truyện của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện có câu :
Phẩm đề biếng giở thư đồng,
THÀNH XUÂN đã rõ mây lồng thức năm.
* THÀNH XUÂN còn có nghĩa là thành Phú Xuân, tức Kinh Thành Huế
ngày nay, như trong bài "Văn Tế Vua Quang Trung" của Công chúa Lê Ngọc
Hân có câu :
THÀNH XUÂN theo ngọn long kỳ, đạo tề trị gần nghe tiếng ngọc;
Cung Hữu rạng mầu địch phất, tình ái ân muôn đội nhà vàng.
THÂN 身 là Thân thể của chính mình, là bản thân mình. Như Thúy Kiều khi thất thân với Mã Giám Sinh đã tỏ ý nuối tiếc rằng :
Biết THÂN đến bước lạc loài,
Nhụy đào thà bẻ cho người tình chung.
Hay khi bị ép tiếp khách, Thúy Kiều đã tự vẫn, khiến cho Tú Bà hoảng sợ mà phải xuống nước khuyên can rằng :
Một người dễ có mấy THÂN,
Hoa xuân đang nhụy ngày xuân còn dài...
Hay như khi bị bắt ghen tại trận ở Quan Âm Các, mà Hoạn Thư vẫn "Bề ngoài thơn thớt nói cười", khiến Thúy Kiều lo sợ muốn trốn đi, vì nghĩ rằng :
THÂN ta ta phải lo âu,
Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn nầy...
THÂN LA là ví thân mình nhỏ nhoi yếu đuối như là những dây đằng la
phải sống chùm gởi vào những thân cây to lớn, như trong Hoa Tiên Ký của
Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện có câu :
Bóng kiều mong gởi THÂN LA,
Biết đem rìu búa để mà cậy ai ?!
THẦN HÔN 晨昏 : THẦN là Buổi sáng; HÔN là Hoàng Hôn là buổi chiều.
Nên THẦN HÔN là Sáng chiều. Đây là từ nói gọn lại của 4 chữ THẦN HÔN
ĐỊNH TỈNH 晨昏定省 Có nghĩa : Mỗi buổi sáng đều phải đến chào hỏi và
vấn an cha mẹ; Mỗi buổi tối đều phải quạt nồng ấp lạnh chỗ cha mẹ ngủ.
Có nghĩa là phải luôn quan tâm đến đời sống của cha mẹ già hằng ngày.
Như khi Hoạn Thư thấy Thúc Sinh đã về ở với mình trọn năm rồi, nên mới
khuyên chàng Thúc rằng :
Cách năm mây bạc xa xa,
Lâm Truy cũng phải tính mà THẦN HÔN.
THẦN NỮ 神女 : Ta gọi là Nữ Thần. Theo thần thoại Trung Hoa xưa, con
gái của Xích Đế 赤帝 là Dao Cơ 瑶姬, chết trẻ, chôn ở Vu Sơn, hồn phách
không tan, biến thành Thần Nữ. Trong bài Cao Đường Phú của Tống Ngọc
nước Sở thời Chiến quốc có ghi lại: Sở Tương Vương đi chơi ở Cao Đường,
mơ thấy Thần Nữ đến cùng ân ái, khi chia tay còn nói là "Đản vi triêu
vân, mộ vi hành vũ 旦为朝雲,暮为行雨" (Thiếp kéo mây ở buổi sáng, làm mưa ở buổi
chiều). Theo quan niệm cổ xưa thì nữ thần và vua giao hợp có thể làm
cho phong điều vũ thuận, ngũ cốc phong đăng. Có nghĩa : Mưa thuận gió
hòa, lúa thóc được mùa. Nhưng dân gian lại không chịu hiểu theo nghĩa
đó, hễ nhắc đến Sở Vương và Thần Nữ thì sẽ nghĩ ngay đến "Mây mưa ân ái
giữa trai gái với nhau" mà thôi ! Vì thế, sau nầy hễ nhắc đến Thần Nữ Vu
Sơn, Cao Đường Thần Nữ 高唐神女 là người ta nghĩ ngay đến một giai nhân
tuyệt sắc gợi tình, và nói đến kéo MÂY làm MƯA, hay nói gọn thành MÂY
MƯA, là người ta lại nghĩ ngay đến việc ái ân trai gái.
Trong truyện thơ Nôm khuyết danh "Nữ Tú Tài" tả lúc Đỗ Tử Trung và Văn Phi Nga thành thân với nhau có câu :
Trướng loan nghiêng ngửa gối loan,
Thắm duyên THẦN NỮ phỉ nguyền Tương Quân.
Hẹn bài viết tới :
THẤT, THỆ, THIỀM, THIÊN.
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét