Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2024

QUAN SÁT CƠ THỂ (Pinterest )


 

LƯƠNG TÂM CẠN KIỆT - Thơ Thái Huy và 10 Bài Thơ Họa Của Các Thi Hửu

Bài Xướng
 

LƯƠNG TÂM CẠN KIỆT

Thế giới hẳn ai cũng ngỡ ngàng
Mỗi ngày cuộc chiến một leo thang
Vì đâu vậy nhỉ nên cơ sự?
Bởi lý do chi hóa tóc tang?
Ai khác ai đây con một Chúa
Ai như ai đó bạn chung làng (*)
Vậy mà đấm đá hơn gà chọi
Thế giới hẳn ai cũng ngỡ ngàng.
Thái Huy
4/12/24


(*) Chung trái dất

Thơ Họa:


1./ LƯƠNG TÂM ĐÃ HẾT

Lợi khiến mù đui cũng ngó ngàng
Mưu sầu kế hiểm, bẫy thênh thang
Lương tâm đã hết thời làm chủ
Thiện trí đang còn cảnh chịu tang
Bởi tại cường quyền luôn bóp cổ
Nên chi công lý mãi la làng
Tranh nhau chiếm hữu nơi trần thế
Lợi khiến mù đui cũng ngó ngàng.
Lý Đức Quỳnh
16/4/2024



2./ THẢM CẢNH CHIẾN TRANH

Dân khóc, trời cao chẳng ngó ngàng
Muốn lên kêu cứu có đâu thang !
Người già vất vưởng tàn cơ nghiệp
Con trẻ nghẹn ngào quấn mảnh tang
Lắm kẻ bơ vơ rời quyến thuộc
Bao người hoảng loạn bỏ thôn làng
Ai gây thảm cảnh trên trần thế ?
Dân khóc, trời cao chẳng ngó ngàng !
Sông Thu
( 16/04/2024 )



3./ CẢNH THẢM KHỐC

Muôn nơi vọng tưởng ngỡ ngàng ngàng,
Chinh chiến gây thù tốc bước thang.
Ai xúi gây ra bao cớ sự,
Đâu xui tranh chấp thảm trùm tang.
Bến đời chẳng nghĩa tình chung gốc,
Cuộc thế không tâm bạn một làng.
Gieo nghiệp sẽ đưa vai gánh nghiệp,
Muôn nơi vọng tưởng ngỡ ngàng ngàng.
*
Đau buồn thế giới cảnh lầm than!
HỒ NGUYỄN
(16-4-2024)



4./ PHÚC-HỌA KHÔN LƯỜNG

Chỉ một tối thôi quá thảm ngàng!
Màn trời,chiếu đất, chạy lang thang
Ỷ mình hùng mạnh bày quân chiến
Hiếp kẻ yếu mềm chịu cảnh tang
Lũ cướp giao tranh giành đất nước
Dân lành chiến đấu giữ buôn làng
Làm sao biết trước mầm tai họa
Chỉ một tối thôi quá thảm ngàng!
LAN
(16/04/2024)


5./ KHÍ HẬU ĐỔI THAY
( Climate Change)

Hủy diệt hôm nay ai ngó ngàng
Mỗi năm độ nóng bước lên thang
Nước dâng quả đất như chìm nổi
Băng chảy núi sông cũng lỡ làng
Súng đạn lan tràn đời khốn khó
Chiến tranh mở rộng cảnh thương tang
Cầu mong một sớm con người nghĩ
Chớ để mai sau phải ngỡ ngàng.
2024-04-16
Võ Ngô

6./
THẾ GIỚI CAN NGĂN

Thế giới than ôi phải ngó ngàng,
Thảm thay đánh đấm đã cao thang.
Thứ ba thế chiến tràn ly nước,
Tên lửa đạn bom diệt xóm làng !
Tê tái đất trời khơi nỗi hận,
Tàn đau dân chúng quấn khăn tang !
Trung đông dừng lại bao thù hận,
Thế giới can ngăn sớm ngó ngàng !
Liêu Xuyên


7./ CHIẾN TRANH KHẮP CHỐN


Chúa ở trên cao quên ngó ngàng
Dưới trần hỗn loạn phải lang thang
Chiến tranh khắp chốn người phơi xác
Bom đạn nhiều nơi đất phủ tang
Lửa bỏ sa trường về phố thị
Pháo rời mặt trận đốt thôn làng
Còn chi trong cõi dương gian nữa
Chúa ở trên cao quên ngó ngàng ...
Los Angeles 16 - 4 - 2024 .
CAO MỴ NHÂN


8./ CUỘC SỐNG
(
hoạ 4 vần)

Cuộc sống đôi khi ngỡ với ngàng
Bởi chưng tội ác tận cùng thang
Do ham thống trị dang tay vét
Hoặc muốn quơ quào dậy cảnh tang
Ta được sinh ra, mong hợp nhất
Ta cần đoàn kết, chớ xa đàn
Cớ sao bắn giết hoài như thế
Cuộc sống đôi khi ngỡ với ngàng !
PHƯỢNG HỒNG


9./ THẾ GIỚI KINH HOÀNG

Nhân loại thất kinh dám ngó ngàng…(?)
Can qua chạy loạn sống lang thang…(!)
“Gà nhà bôi mặt”… tan thành quách (?)
“Huynh đệ tương tàn”… đỗ máu tang
Khốc liệt Trung Đông gây thảm cảnh
Làm cho dân chúng khóc la làng
Văn minh hiện đại sao “đau khổ… (!)
Nhân loại thất kinh dám ngó ngàng…(?)
MAI XUÂN THANH
Bay Area, (Thung lũng hoa vàng), April 17, 2024


10./ THẾ CUỘC NGÀY NAY
 

 Thế cuộc ngày nay thật ngỡ ngàng...
Chiến tranh Thế Giới ngày leo thang...!
Con người thời đại văn minh quá...
Vũ khí tối tân gây cảnh Tang...
Diệt chủng bằng Bom Nguyên Tử Khí,
Tranh nhau Bá Chủ hại đôi đàng.
Thời kỳ Mạt Pháp dân lành chết,
Thế cuộc ngày nay thật ngỡ ngàng....
Mỹ Nga
18/04/2024. AL,Ngày Mùng 10/03/Giáp Thìn




Mời Xem :

CỎ NỘI HOA ĐỒNG - Thơ Thái Huy Và 12 Bài Họa Của Các Thi Hửu

Sài Gòn, cà phê và nhạc sến - Vũ Thế Thành

 

…Tách cà phê ấm môi,

Mình ngồi ôn lại những phút vui trôi qua mất rồi…

(Hai Mùa Mưa)

Thằng bạn ở Thụy Sĩ về chơi Việt Nam, trên đường tới Hội An, ghé quán cà phê ven đường, “Cho ly cà phê đá Sài Gòn đi bà chủ”. Cà phê mang ra, chưa nếm, y đã lắc đầu, “Không phải. Cà phê là cà phê kiểu Sài Gòn, có biết không?”. “Dạ, dạ… biết”. Dân miền Trung nhẫn nại. Cái gì cũng biết, trừ những cái không biết. Ly cà phê khác mang ra. Cũng không phải!

Tôi sống ở cái đất Sài Gòn này gần mãn kiếp, mấy tiếng cà phê Sài Gòn đã nhạt nhòa từ thuở tám hoánh nào rồi. Nay, nghe một khứa Tây da vàng, biệt xứ 40 năm (xẹt đi xẹt lại Việt Nam giỏi lắm là vài ba lần) dõng dạc: “Cà phê kiểu Sài Gòn”. Thấy sốc!

Tôi không nhớ mình đã uống cà phê từ lúc nào. Chắc từ thuở biết bưng bê, uống vụng cà phê của các bậc bề trên hơi nhiều. Nhưng chỉ thèm cà phê khi thấy mấy ông khách ở quán cà phê các chú (Tàu) đổ cà phê sữa vào đĩa, chấm bánh tiêu. Thèm cà phê hay bánh tiêu? Tôi không biết, có thể cả hai.

Nhưng vị đắng cà phê biết nếm từ lúc nào thì tôi biết chắc. Đó là những tháng ngày của năm 1972, khi bè bạn bỗng chốc xếp bút nghiên ra đi. Thằng về, thằng đi… luôn. Đóng đô ở quán cà phê nhiều hơn lớp học. Cà phê có đường hay không đường đều đắng như nhau. Vị đắng quá dư để nhận lời ủy thác, mày đưa thư này cho em… dùm tao, mà đợi tao đi rồi hãy đưa. Chết thiệt tới nơi rồi, không ngán, mà lại chết… nhát vì mấy sợi tóc dài. Thua xa bọn trẻ @ thời nay.

Cà phê ngon nhất Sài Gòn, theo cái lưỡi của tôi, ở góc đường số 4 Duy Tân. Chỉ là quán vỉa hè, không bảng hiệu, tụi tôi gọi là cà phê lá me, mà hình như ở đó chẳng có cây me nào thì phải. Hồi đó tôi học ở Đại học Khoa Học, mà mấy bà bên khoa học, nói phải tội, khô khan và nặng vía. Tôi phải vượt qua cà phê Năm Dưỡng gần trường, đến ngồi đồng ở cà phê lá me, chiều chiều ngắm mấy cô sinh viên Luật khoa, Văn khoa tha thướt. Trời ơi, nắng Sài Gòn mát rượi chứ không phải “chợt mát” như thi sĩ Nguyên Sa vã mồ hôi làm bài thơ Áo Lụa đâu.

Quẹo trái chừng vài trăm mét là đường Cường Để, con đường đẹp nhất Sài Gòn. Hai bên đường là những biệt thự lâu đời, chủng viện, tu viện cổ kính với hàng cây cổ thụ cả trăm tuổi… Lá đổ muôn chiều là con đường này, chẳng cần đợi tới mùa thu. Bây giờ nơi đây là nhà cao tầng, khu thương mại, ồn ào náo nhiệt, đi quờ quạng kẹt xe. Cả trăm cây cổ thụ bị đốn trên con đường vài trăm mét thì chẳng còn gì để nói thêm nữa. Mất hết…

Cảnh đẹp, người đẹp, cà phê không ngon sao được. Mà cà phê lá me ngon thiệt, chứ không phải tôi mù quáng cái đẹp nói bừa. Cô chủ quán không biết pha kiểu gì, pha vớ, chứ không phải pha phin, mà ly cà phê sữa đá 80 đồng ngon không thể tả. Sau này nếm thử Starbucks, Green Mountain,… cũng không thể bằng. Sức mạnh của dĩ vãng nặng oằn vai.

Luận về cà phê ngon dở hơi bị khó, mỗi người mỗi goût, chân lý đa dạng. Nhưng cà phê Sài Gòn chắc là luận được. Từ luận được cho đến luận hết nổi. Người ta cứ đồn cà phê Sài Gòn độn bắp, độn cau, rượu đế, mắm muối,… toàn là mấy thứ dân dã. Có lửa, có khói. Lời đồn này đúng. Cà phê Tây cũng đâu phải nguyên chất, cũng pha thứ này, trộn thứ nọ chút chút. Thích nghi văn hóa mà! Cà phê Sài Gòn không độn bắp rang làm sao có độ sánh. Xứ nóng, uống cà phê đá mà lỏng le coi sao được. Cà phê không thêm cau rang làm sao đủ đắng mà ngẫm chuyện đời. Cà phê đá làm gì có chuyện hương thơm thoang thoảng nếu không tẩm chút rượu. Rồi cũng phải mắm muối chút đỉnh cho đậm đà… Những thứ lằng nhằng này coi như là… phụ gia, chứ “chính gia” vẫn phải là cà phê rang sao cho tới tới… Bí quyết ngon dở là ở chỗ đó.

Rồi theo thời thế, mọi thứ đổi đời. Phụ gia trở thành chính gia, chính gia thành phụ gia. Đổi đời thêm cú nữa, cà phê biến luôn, chỉ còn đậu nành và hóa chất. Muốn đắng có ký ninh, hạt mắt rồng, dexamethasone. Muốn sánh có a dao gelatin. Muốn đen có nước màu caramel. Hương cà phê thì vô vàn nhớ không hết. Muốn bọt? Đã có lauryl sulfate (tạo bọt xà phòng). Làm gì còn “cà phê kiểu Sài Gòn” hở thằng bạn Tây da vàng kia, thèm lauryl hay sao mà ngồi đó làu bàu.

Thiệt ra, cà phê Sài Gòn vẫn còn, vẫn có vẻ đẹp của riêng nó – Vẻ đẹp của ký ức.

Cà phê lề đường làm gì có âm nhạc, chỉ có âm thanh đường phố, tiếng rao hàng, tiếng còi xe, và cái “mát rượi” riêng tư. Cà phê nghe nhạc phải vào quán đèn mờ, máy Akai băng cối, những bản tình ca diễm lệ, tiếng hát Lệ Thu, Khánh Ly,… Bảnh hơn thì nhạc Tây, Il est mort le soleil, Oh Mon amour,… Thời cuộc thì ca khúc da vàng, đại bác ru đêm, người chết hai lần… Bè bạn về phép (có khi chúng liều mạng “nhảy dù” cũng không chừng) lại kéo nhau ra quán nhậu. Nhậu đã rồi tới quán cà phê Chiêu đường Cao Thắng. Ở quán nhậu thì tranh nhau nói, tới quán cà phê, chẳng thằng nào buồn nói. Cà phê và khói thuốc. Cà phê nhỏ giọt. Giọt có buồn không? Mờ quá không thấy giọt, nhưng nỗi buồn thì thấy.

Dạo sau này tôi đổ đốn khoái nhạc sến, từ khoái tới mê chỉ là gang tấc. Giác ngộ tiệm tiến qua nhiều ngõ khác nhau. Một trong những ngõ đó là nhạc kẹo kéo. Xe kẹo kéo chiều chiều đẩy ngang nhà, mở to những bản nhạc sến một thời. Chưa hát nhạc sến bao giờ, mà sao trong đầu lại hát theo. Thời gian chưa đủ nghe hết bản nhạc thì tiếng hát đã xa dần, và cái đầu lại lẩm bẩm hát tiếp, thuộc lời nhạc sến từ thuở nào chẳng hay. Cù cưa với ký ức kiểu này thì con đường tới bến giác mê cũng chẳng bao xa.

Một ngõ giác ngộ khác, khi tiếng lòng lời ca bỗng nhiên gặp nhau. Cách nay 7-8 năm gì đó, tôi ra Hà Nội có chuyện, nhân tiện ghé quê ngoại. Mẹ tôi bệnh nằm một chỗ, hớn hở dặn dò, con về phải ghé người này trước, thăm người nọ sau, nói mẹ biếu người này cái này, người kia cái kia,… Quê mẹ tôi ở làng Chử Xá, mảnh đất của Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Nửa tiên nửa tục, nên có máu lãng tử, nhảy cóc qua đời mẹ tôi, tới tôi thành gen trội. Trước hôm đi, bè bạn kéo nhau ra Hóc Môn nhậu gà hấp hèm. Đất ven đô hồi đó còn hơi vắng, nhưng cũng đã lên vàng, chẳng vàng 4 số 9, thì cũng 9 số 4, hơi hớm văn minh đô thị đã len tới. Dàn nhạc lưu động, cũng bass treble ra trò, đến trước quán vừa bán kẹo, vừa mượn nhạc đệm karaoke chơi nhạc sống. …Một mai con về quê ngoại xưa, để mẹ nhắn lời thăm… Càng nghe càng thấm.

Đất Sài Gòn tìm đâu ra cà phê nhạc sến. Dù cà phê ở những quán deluxe không quá tệ như cà phê đậu nành, nhưng chắc chắn không phải là “cà phê Sài Gòn”. Cà phê gì mà đen thui đặc sệt, chỉ là một thứ cà phê bá đạo có bản quyền. Nhạc thì ầm ầm DJ uốn éo, khổ cho cái đầu già cổ lỗ sĩ. Cũng có quán chơi nhạc trữ tình, nhạc của một thời, nhưng nhìn cách bài trí của quán, tôi đã cảm thấy kiểu “một thời” đó là cái mà mình muốn quên. Như lúc này, tôi không còn muốn nghe ca khúc da vàng nữa. Nghe mà ngượng, thì nghe làm gì? Trên đời đâu có gì hoàn hảo, chỉ có thể chọn giữa cái xấu hoặc cái ít xấu hơn. Không chọn lựa chẳng khác nào gián tiếp chọn cái xấu hơn.

Vài năm trở lại đây, mỗi lần từ Đà Lạt về Sài Gòn, tôi vẫn hay ghé xe cà phê đường Nguyễn Minh Chiếu, chỉ là cà phê vỉa hè trong hẻm. Ly cà phê đá 6.000 đồng, mấy năm rồi giá không đổi. Giá đậu nành chưa lên thì cà phê đâu cần lên giá. Đằng nào cũng chẳng tìm đâu ra hương vị cà phê Sài Gòn xưa, thì cà phê ở đâu cũng thế thôi.

Tôi vào quán cà phê vỉa hè đó chỉ để nghe nhạc sến, chẳng phải đến từ dàn Onkyo loa Bose, mà từ cái máy cassette nhỏ xíu rù rì trong hẻm. Ngồi cả giờ đồng hồ, đến khi rời quán mà ly cà phê vẫn còn quá nửa, đá tan loãng hết rồi. Dĩ vãng vay mượn cà phê, để cái vẻ bụi bặm của quán, và nhạc sến đưa tôi về ký ức. Tiếng đại bác không còn ru đêm nữa, nó dội ngược vào lòng. Nhiều bản nhạc từ hồi xửa hồi xưa, giờ nghe lại, rồi lẩm nhẩm hát theo mà chạnh lòng,

Tiếng còi đêm lướt mau,

Đoàn tàu đi về mãi, mà bạn thân tôi nơi đâu…

Thấy tiếc và nhớ. Nhớ ngẩn người!

Vũ Thế Thành

Mời Xem 1 Bài Thơ khác,TG đã khuất núi (Trần Chu Ngọc )

SAIGON TRONG TÔI,CÓ MỘT THỜI ĐỂ NHỚ ĐỂ QUÊN  

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2024

Thơ Xướng Họa :THÁNG NGÀY CÒN LẠI - Vũ Linh Duy Và Các Thi Hửu

                                              Đồng Cỏ-Tranh của Vua Hàm Nghi


THÁNG NGÀY CÒN LẠI

Ngày tháng thoi đưa cứ tiếp liên,
Sống vui, buông bỏ, tránh ưu phiền.
Thân lo tu tập, rồi an phận,
Đời có ra sao cũng tại duyên.
Thơ thẩn ít vần khi ngẫu hứng,
Khề khà dăm ngụm lúc an nhiên.
Ơn Trên phù hộ, già chưa lẫn,
Ước cuộc sống này mãi tịnh yên.
Vũ Linh Huy 20/4/2024)

Các Bài Họa :

1./ NGÀY THÁNG CÒ

Về già càng muốn sống vui liên
Tháo hết sân si tất hết phiền
Thể được ngồi thiền hầu tích đức
Hay như tu niệm để khơi duyên
Giúp cho khí lực luôn tinh tấn
Giữ được thân tâm mãi thản nhiên
Còn rỗi chăm nom dăm chậu kiểng
Hương trà thơm đậm hưởng bình yên.
Thái Huy 4/23/24

2./ LÃO HẠC AN VUI

Tươi mát như là đóa bạch liên
Thanh cao tự tại chẳng than phiền
Bùn lầy không vướng hương tinh khiết
Danh vọng bất cần tâm thản nhiên
Chun rượu câu thơ cùng bạn hữu
Ly trà điệu lý với tình duyên
Thiền hành tích đức luôn tu tập
Phúc báo an vui lão hạc yên
Hưng Quốc
Texas 4-23-2024

3./ THÁNG NĂM TƠ TƯỞNG

Tháng năm tơ tưởng mộng hoa liên,
Tâm tính an vui chẳng luỵ phiền.
Thanh khiết tợ sen thân chẳng bụi,
Trắng trong như tuyết gió đưa duyên.
Tu đời lạc đạo lòng êm ả,
Tạo đức cầu kinh sống tự nhiên.
Tình dục bỏ buông nuôi trí tịnh…
Trần ai mong dứt nghiệp bình yên !
Liêu Xuyên
 

4./ NGẪU HỨNG TUỔI GIÀ

Chiến tranh kết thúc, hết “giao liên”
Trở lại gia trang khổ não phiền
Cuốc bẫm, nông dân cày bổn phận
Cày sâu đồng áng cấy tơ duyên
Thơ Đường thiếu đối đôi câu cặp
Bát cú thất niêm họ thản nhiên
Ngẫu hứng…tuổi già, ai tự tại…?
Cao niên trưởng lão vẫn bình yên
MAI XUÂN THANH 

Bay Area April 24, 2024


HỌA  5./ SỐNG AN NHÀN

Đời thân tình cứ mãi giao liên,
Tính toán mưu sâu chuốc lắm phiền.
Đạo đức tánh bao dung giữ phận,
Ân nồng giao tiếp ngộ kỳ duyên.
Bạn bè sớm tối cà phê hứng,
Thi hữu tiếp vần vận tự nhiên.
Trời bố ban cho còn trí sáng,
Sống sao hữu ích kiếp bằng yên.
 *
Tháng ngày còn lại hưởng ân thiên.
Nhiên lão Tiên!!!
HỒ NGUYỄN (23-4-2024)


Mời Quí Thi Hửu Họa Tiếp.....

Thông Tin Từ 𝐂ơ 𝐐𝐮𝐚𝐧 𝐏𝐡ướ𝐜 𝐓𝐡𝐢ệ𝐧 - 𝐓𝐨à 𝐓𝐡á𝐧𝐡 𝐓â𝐲 𝐍𝐢𝐧𝐡 24/4/2024

 

𝐓𝐡ứ 𝐭ư, 𝐧𝐠à𝐲 𝟐𝟒/𝟒/𝟐𝟎𝟐𝟒 ( âm lịch ngày 16/3/ Giáp Thìn)
 
𝐂ơ 𝐐𝐮𝐚𝐧 𝐏𝐡ướ𝐜 𝐓𝐡𝐢ệ𝐧 - 𝐓𝐨à 𝐓𝐡á𝐧𝐡 𝐓â𝐲 𝐍𝐢𝐧𝐡 tiếp tục công việc cung cấp nước ngọt đến bà con vùng hạn mặn khu vực xã 𝐋𝐨𝐧𝐠 𝐌ỹ, huyện 𝐆𝐢ồ𝐧𝐠 𝐓𝐫ô𝐦, tỉnh 𝐁ế𝐧 𝐓𝐫𝐞.
Trên chuyến xe nghĩa tình, có mang theo số nước đóng chai của người dân, của đồng Đạo ở 𝐓â𝐲 𝐍𝐢𝐧𝐡 với mong muốn bà con nơi vùng hạn mặn có nước sạch để uống và có nước để sinh hoạt hằng ngày.
Số lượng nước hôm nay hơn 𝟏4𝟎𝟎 𝐥ố𝐜 𝐧ướ𝐜 𝐬𝐮ố𝐢 𝐯à 𝐡ơ𝐧 𝟑𝟎 𝐤𝐡ố𝐢 𝐧ướ𝐜 𝐬ạ𝐜𝐡 𝐬𝐢𝐧𝐡 𝐡𝐨ạ𝐭
𝐂ơ 𝐐𝐮𝐚𝐧 𝐏𝐡ướ𝐜 𝐓𝐡𝐢ệ𝐧 - 𝐓𝐨à 𝐓𝐡á𝐧𝐡 𝐓â𝐲 𝐍𝐢𝐧𝐡 xin chân thành gửi lời cảm tạ đến Quý Ban Cai Quản các họ Đạo khu vực Tây Ninh, quý MTQ, các nhà hảo tâm ở Tây Ninh và ở xã Lương Hoà Lạc đã hỗ trợ hết mình về phương tiện, nhân lực để chuyến đi thành công suôn sẻ.

 

HAI BÀI THƠ ĐỐI HỌA Của Trang Trình Và Vô Danh Tiểu Bối

HAI BÀI THƠ ĐỐI HỌA
 
1 -THÚ NHÀN
* TRẠNG TRÌNH Nguyễn Bỉnh Khiêm
 
Một mai một cuốc một cần câu
Thơ thẩn nào ai vui thú nào!
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao.   


Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao
Rượu dưới gốc cây ta sẻ nhắp
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao
 
 
2 -LÝ NHÂN DUYÊN 
*VÔ DANH tiểu bối
 
Không mồi không lưởi lại buông câu*
Lã Vọng đời Chu nghĩ lẽ nào**
Khôn dại chẳng qua tình*** vướng bận
Nhục vinh vì bởi dạ lao xao
Thu đông gợi sắc vàng tô lá
Xuân hạ khoe mình thắm nhuộm ao
Gió thoảng men đời hương mỹ tửu
Giật mình mới biết giấc chiêm bao!
 
Chú thích:
* Câu cá mà cần câu không có lưỡi câu và mồi câu
**Khương Thượng Tử Nha tự Lã Vọng, đời nhà Chu ( Trung Quốc cổ đại), người đã giúp Chu Văn Vương lập cơ nghiệp 800 năm .
*** Tình thúc đối đải của người đời như Nhục>vinh, khôn>dại, sang>hèn...

 

Con HạcTrắng - Sống lạc quan, khỏe mạnh

Bài viết của Khuyết Danh
Sống lạc quan, khỏe mạnh     

Thảnh thơi như hạc trắng
Tươi tắn như mùa Xuân
Ấm nồng như mùa Hạ
Ung dung như mùa Thu
Tĩnh lặng như mùa Đông
 
Những gì đến phải đến
Cần gì chờ với đợi ? 
An vui ngày hôm nay
Rồi sẽ đến ngày mai !


Con HạcTrắng
Bạn có bao giờ ngắm kỹ một con hạc trắng chưa? Nó trông thật mảnh mai; chân dài, người mỏng, trong một bộ lông trắng muốt. Trông nó thanh cao như một người luống tuổi mà vẫn giữ được phong cách ung dung... Con hạc được coi là một con vật sống lâu cho nên người ta gọi tuổi của các cụ là tuổi hạc.
 
Tết năm nào gia đình tôi cũng lên Ðà Lạt nghỉ ngơi tại nhà 1 người anh bà con. Ðằng sau nhà anh tôi có một con đường mòn dẫn tới một công viên. Con đường mòn vào cuối Xuân chớm Hạ thật là đẹp. suối róc rách chảy, cây cỏ xanh mướt, những bông hoa núi nở trắng xóa. Chúng tôi mỗi buổi sáng dắt theo con chó đi bộ, vừa đi vừa trò chuyện.
Tôi bất giác hỏi:
- Sao con người không giống cây cỏ, vào mùa đông héo, úa, rụng, đến xuân, hạ lại hồi sinh nhỉ?
Anh tôi cười, nói:
- Cứ giữ mãi được Xuân, Hạ trong lòng mình là tốt rồi.
 
Chúng ta những người ở lứa tuổi đang bước vào tuổi già hay đã già. Tinh thần và thể xác không còn như hai mươi năm, mười năm về trước hay thậm chí như mới năm ngoái nữa.
Thông thường bất cứ người mang quốc tịch nào, sinh sống ở phần đất hay hoàn cảnh nào thì khi về già hay ngồi gậm nhấm lại quá khứ. Ở tuổi già, không có phương tiện di chuyển, bị trở ngại trong giao tiếp đã làm một số người sống một cuộc sống tẻ nhạt, từ tẻ nhạt đưa tới trầm cảm, khép kín. 
Từ đó sinh ra bao nhiêu bệnh, và khi có bệnh, sự chạy chữa xem chừng không có hiệu quả lắm cho những người này.
 
Bác Sĩ Ornish, tác giả cuốn sách Love &Survival, nói rõ: Tách lìa tình thân gia đình và bạn bè là đầu mối cho mọi thứ bệnh từ ung thư, bệnh tim đến ung nhọt và nhiễm độc.
 
Tình thương và tinh thần lạc quan là gốc rễ làm cho chúng ta bệnh hay khỏe.
 
Ba mươi năm trước mà nghe ai nói cô đơn sinh ra các chứng bệnh thì người ta sẽ chỉ cười nhẹ.. Nhưng bây giờ điều này đã được nhiều bác sĩ công nhận là đúng.
Những buổi tĩnh tâm chung, có cầu nguyện, có tịnh niệm (tùy theo tôn giáo của mỗi người) chia sẻ những buồn vui, lo lắng của mình cùng người khác cũng giúp khai thông được những tắc nghẽn của tim mạch như là ăn những thức ăn rau, đậu lành mạnh vậy.
 
Nếu không nói ra được những gì dồn nén bên trong thì chính là tự mình làm khổ mình.

Khi nói ra, hay viết ra được những khổ tâm của mình thì hệ thống đề kháng được tăng cường, ít phải uống thuốc.
 
Theo Bác Sĩ Ornish, khi bị căng thẳng cơ thể sẽ tiết ra một hóa chất làm cho mọi sinh hoạt ứ đọng, ăn không ngon, đầu không suy nghĩ, mạch máu trì trệ, mất sức đề kháng, dễ cảm cúm.
 
Như vậy
 
sự cô đơn cũng là chất độc như cholesterol trong những thức ăn dầu mỡ, mà chỉ có sống lạc quan mới cứu rỗi được.
 

Nếu bạn không mở tâm ra cho người khác thì bác sĩ bắt buộc phải mở tim bạn ra thôi!!!
 
Tuổi như thế nào thì gọi là già, chúng ta biết khi một người qua đời ở tuổi 60 thì được gọi là 'hưởng thọ'.   Vậy sau tuổi 60 mỗi ngày ta sống là một “bonus”, phần thưởng của Trời cho.
Chúng ta nên sống thế nào với những ngày 'phần thưởng' này. Lấy thí dụ một người lớn tuổi, sống cô đơn, biệt lập, không đi ra ngoài, không giao thiệp với bạn hữu, thế nào cũng đi đến chỗ tự than thân trách phận, bất an, lo âu, ủ dột và tuyệt vọng. Từ đó bắt nguồn của bao nhiêu căn bệnh.
 
Trong Những lời Phật dạy có câu:

    Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình. 
    Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng...

Chắc trong chúng ta không ai muốn rơi vào hoàn cảnh này. Gặp gỡ bè bạn thường xuyên trong những sinh hoạt thể thao là điều tốt lành nhất cho thể lý. 

Ði tập thể thao như nhẩy nhẹ theo nhạc, tắm hơi, bơi lội, tennis v.v... đã giúp cho người lớn tuổi giữ được thăng bằng, ít ngã, và nếu có bệnh, uống thuốc sẽ công hiệu hơn, mau lành hơn.
Gặp bạn, nói được ra những điều phiền muộn cho nhau nghe, ngồi tĩnh tâm, đến nhà thờ, chùa cầu nguyện giúp được làm chậm lại sự phát triển của bệnh.
 
Bác Sĩ Jeff Levin giáo sư đại học North Carolina khám phá ra từ hàng trăm bệnh nhân, nếu người nào thường xuyên đến nhà nguyện họ có áp suất máu thấp hơn những người không đến nhà nguyện, ông bỏ ra hàng đêm và nhiều cuối tuần để theo dõi, tìm hiểu những kết quả cụ thể của "Tín ngưỡng và sức khỏe "!
Cuốn sách ông phát hành gần đây nhất có tên là God, Faith and Health. Trong đó ông cho biết những người có tín ngưỡng khỏe mạnh hơn, lành bệnh chóng hơn, ít bị nhồi máu cơ tim, gặp sự thăng trầm trong đời sống họ biết cách đối diện, họ luôn luôn lạc quan.
 
Lạc quan là một cẩm nang mà chúng ta nên luôn luôn mang theo bên mình.
Ðừng bao giờ nói, hay nghĩ là "Tôi già rồi, tôi không giúp ích được cho ai nữa"  hoặc  "Tôi vụng về, ít học, chẳng làm gì được".
 
  Tôi xin kể câu chuyện Hai con ngựa của thầy phó tế George A.Haloulakos.
Cạnh nhà tôi có một cánh đồng cỏ, hàng ngày có một cặp ngựa, con nọ lớn hơn con kia một chút thong thả ăn cỏ ở đấy. Nhìn từ xa chúng là đôi ngựa bình thường giống những con ngựa khác. Tuy nhiên nếu bạn đến gần, bạn sẽ khám phá ra là có một con mù.
Trên đường trở về chuồng mỗi chiều, con ngựa nhỏ chốc chốc lại ngoái cổ lại nhìn bạn, muốn biết chắc bạn mù của nó vẫn đi theo tiếng chuông của nó để lại đằng sau..
Chủ nhân của nó chắc thương nó không nỡ bỏ đi, mà còn cho nó một chỗ ở an toàn. Chính điều này đã thành một câu chuyện tuyệt vời.
Ðứng bên chúng, bạn chợt nghe có tiếng chuông rung, phát ra từ cái đai nhỏ vòng quanh cổ con ngựa nhỏ hơn, chắc là một con cái. Tiếng chuông báo cho con bạn mù của nó, biết là nó đang ở đâu mà bước theo. Quan sát kỹ một chút bạn sẽ thấy cái cách con ngựa sáng chăm sóc con ngựa mù, bạn nó, chu đáo như thế nào. Con ngựa mù lắng nghe tiếng leng keng mà theo bạn, nó bước chậm rãi và tin rằng bạn nó không để nó bị lạc.
 
Cũng giống như chủ nhân của đôi ngựa có lòng nhân từ, Thượng đế không bao giờ vứt bỏ bạn vì bạn kiếm khuyết, hoạn nạn hay gặp khó khăn. Người luôn luôn đem đến cho chúng ta những người bạn khi chúng ta cần được giúp đỡ. Ðôi khi chúng ta là con ngựa mù, được dẫn dắt bởi tiếng chuông mầu nhiệm mà Thượng đế đã nhờ ai đó rung lên cho chúng ta. Những khi khác chúng ta là con ngựa dẫn đường, giúp kẻ khác nhìn thấy.
 
Bạn hiền là như vậy. Không phải lúc nào ta cũng nhìn thấy họ, nhưng họ thì luôn hiện diện đâu đó. Hãy lắng nghe tiếng chuông của nhau.

Hãy tử tế hết sức mình, bởi vì có một người mà bạn gặp trên đời, biết đâu cũng đang ở trong một hoàn cảnh khó khăn nào đó họ phải phấn đấu để vượt qua. Không gì hơn là tuổi già nương dựa vào nhau trong tình bạn. Luôn luôn nghĩ bao giờ mình cũng có cái cho đi mà người khác dùng được.

Tính hài hước, làm cho người khác cười cùng với mình cũng là những liều thuốc bổ.

Thi sĩ Maya Angelou vào sinh nhật thứ 77, trong chương trình phỏng vấn của Oprah, hỏi về sự thay đổi vóc dáng của tuổi già, bà nói:
 "Vô số chuyện xẩy tới từng ngày... Cứ nhìn vào bộ ngực của tôi xem. Có vẻ như hai chị em nó đang tranh đua xem đứa nào chạy xuống eo trước". Khán giả nghe bà, cười chẩy cả nước mắt. 
Những vấn đề chính ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn
 (qua tinh thần) là:

+Sự cảm thông giữa cha mẹ và con cái, giữa ông bà với các cháu.

+Tinh thần chấp nhận và lạc quan
.
+Nghĩ đến những điều vui nhỏ mỗi ngày.

+Tham gia những sinh hoạt nào phù hợp với sức khỏe.

+Làm việc thiện nguyện.
 
Sinh, bệnh, lão, tử. Con đường đó ai cũng phải đi qua. Nhưng đi như thế nào thì hầu như 80% chính mình là người lựa chọn.
 
+Nhóm bạn: Ðọc sách, kể chuyện, đánh cờ, chơi bài (không phải ăn thua).

+Tham gia các lớp thể dục: Như Yoga, ngồi thiền, khí công v.v...Và ngay cả chỉ đi bộ với nhau 30 phút mỗi ngày cũng giúp cho tinh thần sảng khoái, sức khỏe tốt hơn là ở nhà nằm quay mặt vào tường.
 
Hãy thỉnh thoảng đọc lên thành tiếng câu ngạn ngữ này: 'Một nét mặt vui vẻ mang hạnh phúc đến cho trái tim và một tin vui mang sức khỏe cho xương cốt.'
 
Chúc tất cả anh chị em luôn cảm thấy vui khoẻ và trọn vẹn an lành trong tâm hồn !

(Từ Cảnh chuyễn )

QUAN SÁT CƠ THỂ (Pinterest )