Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2018

Ý NGHĨA THÁNG GIÊNG VÀ THÁNG CHẠP TRONG ÂM LỊCH

                                                     ___________________

       Mỗi năm, thời gian theo Dương lịch hay Âm lịch, được phân chia ra thành 12 tháng, mỗi tháng có 30 ngày. Theo Âm lịch, có những năm thêm 01 tháng, gọi là Nhuần hay Nhuận, mỗi tháng có khi 29 ngày gọi là tháng thiếu và 30 ngày gọi là tháng đủ. Nhưng đặc biệt tháng Giêng (tháng Một) thì không bao giờ có Nhuần tháng Giêng. Còn năm Dương lịch thì không có tháng năm Nhuần mà lại có số ngày khác nhau theo từng tháng, có tháng 30 ngày có tháng 31 ngày. Riêng tháng Hai, có năm chỉ có 28 ngày (như 2013, 2014, 2015, 2017, 2018, 2019), có năm tháng Hai 29 ngày (như năm 2012, 2016, 2020). Theo đó, cứ 3 năm tháng Hai 28 ngày thì tiếp đến một năm tháng Hai có 29 ngày.


Dương lịch được đặt ra dựa trên chu kỳ chuyển động của Trái Đất quanh Mặt Trời, còn Âm lịch thì dựa trên chu kỳ chuyển động của Mặt Trăng quanh Trái Đất. Mặt Trăng chuyển động quanh Trái Đất mỗi vòng hết 27,32 ngày. Tuy vậy trên thực tế, vì bản thân Trái Đất còn có chuyển động quanh Mặt Trời nữa nên Mặt Trăng cần thêm một chút thời gian để trở về vị trí cũ trên bầu trời khi nhìn từ Trái Đất. Do vậy, chu kỳ mà chúng ta quan sát thực tế của Mặt Trăng là 29,53 ngày. Chu kỳ này được gọi là một "tuần trăng". Từ xa xưa, người phương Đông đã nhận thấy khoảng 12 tuần trăng tương đương với một chu kỳ thời tiết. Để thuận tiện cho việc quan sát, dự đoán thời tiết phục vụ sản xuất nông nghiệp, người ta chọn một chu kỳ này là một năm, mỗi tuần trăng gọi là một tháng. Tuy vậy, cứ 3 năm thì lại bị chậm so với chu kỳ thời tiết khoảng 1 tháng nên cần có thêm một tháng bù vào. Những năm có tháng bù vào này được gọi là năm Nhuận, chẳng hạn như năm Đinh Dậu (2017) vừa qua là một năm Nhuận, có 2 tháng Mười Một.


Theo cách gọi, cũng có khác nhau giữa Âm lịch và Dương lịch. Như tháng đầu năm, Dương lịch gọi là tháng Một (January), còn Âm lịch gọi là tháng Giêng (không ai gọi tháng Một năm Mậu Tuất, mà là tháng Giêng Mậu Tuất). Tháng 12, Dương lịch gọi là Tháng Mười Hai năm 2018; Âm lịch thì gọi tháng 12 Mậu Tuất hay tháng Chạp năm Mậu Tuất…v…v… Từ đâu có danh từ tháng Giêng hay tháng Chạp?
1- Tháng Giêng: Theo tài liệu nghiên cứu về ngữ âm lịch sử, chữ Giêng bắt nguồn từ chữ Chính trong tiếng Hán: “Người Trung Quốc gọi tháng Một (1) Âm lịch là Chính nguyệt. Chữ Chính trong tiếng Hán khi chuyển sang chữ Nôm đều có vần “iêng”. Vì thế, người Việt gọi tháng Một Âm lịch là tháng Giêng”. Thí dụ: “tứ chính chấn” trong tiếng Hán, sang Nôm đọc thành “tứ chiếng” như câu ta thường nghe nói:
                            "Trai tứ chiếng gái giang hồ,
                              Gặp nhau làm nổi cơ đồ cũng nên." (Ca dao)
       “Trai tứ chiếng”: (Khẩu ngữ) là người đến từ khắp bốn phương, từ khắp mọi nơi, không thuần nhất (có ý khinh thường), phân biệt với cư dân nơi sở tại, “dân tứ chiếng” có ý là dân tứ xứ. Chữ chiếng có gờ (g).
       Cũng theo nghiên cứu nầy, ngày đầu tiên của tháng Giêng được gọi là Tết Nguyên đán. Nguyên ở đây có nghĩa là thứ nhất, như người đứng đầu ngành quân sự gọi là nguyên soái, đứng đầu một nước là nguyên thủ quốc gia, người chủ chính trong đơn từ thưa kiện là nguyên đơn…v..v
      Các nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, như GS.Kiều Thu Hoạch và Trần Lâm Biên cũng cho rằng nguồn gốc của chữ Giêng trong tháng Giêng bắt nguồn từ chữ Chính trong tiếng Hán. “Tháng 1 Âm lịch người Trung Quốc gọi là Chính nguyệt. Danh từ “Nguyệt” có nghĩa là trăng nhưng cũng có nghĩa là tháng. Chính nguyệt là tháng chính, tháng đầu tiên của năm. Chính tương đồng với chiếng, qua thời gian, người ta đọc chệch hay lệch hay trại âm ra thành Giêng”. Cũng có người cho rằng chữ Giêng bắt nguồn từ ngôn ngữ Mường. Đó là chữ “Khảng chiêng” trong tiếng Mường nghĩa là tháng Giêng.
      Một số người ở miền Bắc Việt nam, họ gọi tháng 11 là tháng Một nên trong Âm lịch, không bao giờ nghe gọi tháng đầu của năm là tháng Một mà là tháng Giêng để tránh sự nhầm lẫn nầy. Tháng thứ mười một trong năm (được gọi là "Một" trong cách nói dân gian nêu trên) là tháng Tý, tức là tháng đầu tiên của một chu kỳ 12 chi. Thực tế trong lịch sử đã có một giai đoạn khá dài người phương Đông lấy tháng này làm tháng đầu tiên của năm. Tháng Tý là tháng khởi đầu, và thông thường ngày Đông chí hàng năm luôn rơi vào tháng này. Sau này qui ước tính điểm khởi đầu của năm thay đổi nên tháng Dần vốn là tháng thứ ba lại được chọn làm tháng đầu tiên của năm. Dù vậy nếu để ý ngay trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thấy nhiều người am hiểu văn hóa phương Đông vẫn xem tuổi, xem ngày trong năm với dấu mốc là ngày Đông chí. Chẳng hạn người 40 tuổi (Âm lịch) vào năm Giáp Ngọ thì thực tế đã được coi là bước sang tuổi 41 vào sau ngày Đông chí của năm Giáp Ngọ (tức ngày 22/12/2014). Như vậy, có người nói: cách đếm "Một, Chạp, Giêng, Hai, ..." là chính xác. Tháng thứ mười một trong năm tính từ Tết nguyên đán gọi là tháng Một, còn tháng đầu tiên trong năm là tháng Giêng chứ không phải tháng Một như ngày nay đa số hiểu nhầm và gọi sai.
       Còn tháng Chạp thì sao?
2- Tháng Chạp Âm lịch:
      Đây thực ra cũng là một cái tên bắt nguồn từ tiếng Hán. Như chúng ta đã biết, Việt Nam chúng ta từng có giai đoạn chịu đô hộ của người Trung Quốc tới 1.000 năm nên văn hóa nhà Nam cũng mang ảnh hưởng không phải nhỏ. Người Trung Quốc xưa gọi tháng 12 âm lịch là tháng Quý đông (tháng cuối mùa đông), nhưng còn một cái tên khác là "Lạp nguyệt". Chữ "lạp" có xuất xứ từ thịt, vì từ thời xưa người Trung Quốc đã thích ướp thịt khô vào dịp mùa đông để dành ăn quanh năm. Việc ướp thịt rộ lên mạnh nhất vào tháng 12, và đó là lý do vì sao người Trung Quốc gọi đây là Lạp nguyệt. Lạp cũng là lễ tế cuối năm của người Trung Quốc. Từ thời nhà Chu, tháng 12 là dịp nhà vua nghỉ ngơi đi săn bắn, còn đặt lệ: lễ tế tất niên gọi là "đại lạp". Chính 2 chữ "Lạp nguyệt" này, qua thời gian người Việt đã đọc lệch từ Lạp thành Chạp, cũng tương tự như trên đã trình bày là tháng Giêng, bắt nguồn từ hai chữ "Chính nguyệt", ra Chiếng nguyệt, rồi thành ra Giêng vậy.
Tài liệu do Hồ Xưa sưu tầm nhiều nguồn sắp xếp lại_____________________

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Chữ TÂM - Đỗ Chiêu Đức

Tạp Ghi và Phiếm Luận :                                      Chữ TÂM   TÂM 心 là Trái Tim, mà trái tim nằm ở trong lòng ngực của cơ thể, nên...