Chủ Nhật, 4 tháng 7, 2021

Nguyễn Văn Tuấn - Tâm lý chờ vaccin 'xịn'? (Từ Thụy My RFI )

 

Một số bạn (và có lẽ nhiều người trong cộng đồng) nghĩ rằng vaccin Pfizer và Moderna có hiệu quả cao hơn vaccin AstraZeneca (AZ), và từ đó, họ chờ 'vaccin xịn'.

Tôi muốn thuyết phục các bạn rằng cách so sánh đó và niềm tin đó sai. Các bạn nên tiêm vaccin (1 trong 3 loại vaccin hiện nay) khi có cơ hội. Đừng chần chờ vaccin 'xịn', vì không có khái niệm vaccin xịn.

Không thể so sánh hiệu quả giữa các vaccin.

Hầu hết công chúng đều nghĩ rằng vaccin của Pfizer và Moderna có hiệu quả cao hơn vaccin AZ. Kết quả nghiên cứu công bố trên các tập san y khoa cho thấy vaccin Pfizer có hiệu quả 95%, Moderna 94%, và AZ 72% (xem bảng số liệu). Nhưng các bạn có thể nào dựa vào đó mà nói rằng vaccin AZ có hiệu quả thấp nhứt, hay không 'xịn' bằng vaccin của Mỹ? Câu trả lời dứt khoát là KHÔNG.

Có rất nhiều lý do không thể so sánh hiệu quả vaccin như vậy:

1. Thiết kế nghiên cứu không cho phép so sánh hiệu quả giữa các vaccin

Hiện nay, hiệu quả của mỗi vaccin được đánh giá qua các nghiên cứu độc lập với nhau. Ví dụ như vaccin Pfizer được đánh giá qua so sánh tỉ lệ nhiễm ở nhóm vaccin và nhóm chứng A, còn vaccin AZ thì lại so sánh với nhóm chứng B. Hai nhóm chứng A và B hoàn toàn độc lập, nên không thể so sánh hiệu quả của 2 vaccin được.

Để so sánh hiệu quả 2 vaccin một cách khoa học, người ta phải làm nghiên cứu 'head-to-head'. Thiết kế này có nghĩa là hai vaccin so sánh với một nhóm chứng chung. Nhưng nghiên cứu như thế này chưa bao giờ được thực hiện và sẽ không bao giờ có.

2. Đặc điểm của tình nguyện viên trong các nghiên cứu rất khác nhau

Bởi vì mỗi nghiên cứu có một nhóm tình nguyện viên, và 2 nghiên cứu (ví dụ như Pfizer và AZ) có 2 nhóm đối tượng hoàn toàn độc lập với nhau. Ví dụ như nghiên cứu vaccin AZ thử nghiệm trên tình nguyện viên Ba Tây, Nam Phi, Anh, còn nghiên cứu vaccin Pfizer thì làm trên người ở Mỹ và Đức. Hai nhóm tình nguyện viên rất khác nhau về thành phần kinh tế và hệ thống y tế, nên hiệu quả của 2 thử nghiệm cũng chắc chắn sẽ khác nhau. Sự khác biệt về hiệu quả dó đó có thể chẳng liên quan gì đến vaccin.

3. Tiêu chuẩn chọn và loại trừ tình nguyện viên cũng rất khác nhau giữa các thử nghiệm vaccin

Không chỉ khác biệt về đối tượng nghiên cứu, mà tiêu chuẩn chọn và loại trừ cũng rất khác nhau giữa các nghiên cứu.

Chẳng hạn như thử nghiệm vaccin AZ làm trên người từ 18-55 ở Anh, nhưng 18-65 ở Nam Phi, và không thấy đề cập đến tiêu chuẩn loại trừ liên quan đến bệnh đi kèm. Còn thử nghiệm vaccin Pfizer thì làm trên các nhân viên y tế và cộng đồng, nhưng loại trừ những người có một số bệnh đi kèm. Do đó, hiệu quả vaccin giữa 2 nghiên cứu không thể so sánh trực tiếp được.

4. Phương pháp phân tích dữ liệu rất khác nhau

Bảng dưới đây so sánh các mô hình thống kê được áp dụng cho phân tích hiệu quả vaccin giữa các thử nghiệm lâm sàng. Có nghiên cứu sử dụng mô hình Binomial (nhị thức), có nghiên cứu sử dụng mô hình Cox, thậm chí mô hình Poisson.

Các mô hình này thích hợp cho mỗi tình huống. Nhưng vì các tham số kỹ thuật khác nhau, cho nên kết quả về hiệu quả vaccin cũng khác nhau. Ngay trong cùng một dữ liệu, 2 mô hình phân tích có thể cho ra 2 kết quả khác nhau. Vấn đề là nhà nghiên cứu phải có kiến thức chuyên ngành để chọn một mô hình thích hợp.


5. Tỉ lệ nhiễm virus rất khác nhau giữa các quần thể thử nghiệm

Một yếu tố có ảnh hưởng đến sự khác biệt về hiệu quả vaccin là tỉ lệ nhiễm trong quần thể. Tỉ lệ này dao động từ 0.9% (Pfizer) đến 1.8% (J&J vaccin). Tỉ lệ nhiễm khác nhau dẫn đến số ca nhiễm khác nhau giữa các nghiên cứu.

Có nghiên cứu ghi nhận 130 ca nhiễm (AZ vaccin), nhưng cũng có nghiên cứu ghi nhận hơn 450 ca nhiễm (J&J vaccin). Số ca nhiễm khác nhau dẫn đến kết quả và độ tin cậy cũng khác nhau giữa các nghiên cứu.

Những con số hiệu quả 72% hay 94% là số TRUNG BÌNH, và số trung bình không áp dụng cho 1 cá nhân bởi vì không có cá nhân nào là 'trung bình' trên thế giới này. Tôi có bàn qua trong một bài trên medium ở đây và giải thích tại sao không nên quá lệ thuộc vào số trung bình [1].

Tóm lại, những nghiên cứu hiện nay không cho phép chúng ta kết luận vaccin nào có hiệu quả hơn hay vaccin nào có hiệu quả thấp. Những lý do về cách thiết kế nghiên cứu, chọn nhóm tình nguyện viên, phương pháp phân tích, và tỉ lệ nhiễm trong quần thể có ảnh hưởng đến hiệu quả vaccin. Tất cả 3 vaccin đề cập đều đã qua nghiên cứu cẩn thận, dữ liệu minh bạch và đã công bố, và được giới khoa học đánh giá độc lập, chúng ta có thể tin vào chúng.

Lại có bạn ngại tiêm vaccin AZ vì đọc tin tức thấy nhiều phản ứng phụ (thậm chí tử vong) sau khi tiêm vaccin này. Nhưng các bạn ấy không biết hay không chú ý rằng các vaccin khác như Pfizer và Moderna cũng có phản ứng phụ, kể cả tử vong, với tỉ lệ giống như vaccin AZ. Nhưng các phản ứng đó và cả tử vong có thể chẳng dính dáng gì đến vaccin.

Chẳng hạn như số ca có phản ứng phụ cần đến bác sĩ hay nhập viện sau liều thứ 2 của vaccin AZ là 0.7% (tức 7 trên 1000 người), và đối với vaccin Pfizer là 1.8% (18 trên 1000 người) [2]. Do đó, không có cái gọi là 'vaccin xịn'. (Xem biểu đồ so sánh các bạn sẽ thấy).

Cần nhớ rằng những con số về hiệu quả vaccin là được rút ra từ và áp dụng cho một quần thể (population), chớ không áp dụng cho một cá nhân. Như tôi từng nói trước đây, mỗi cá nhân chẳng hưởng bao nhiêu lợi ích từ việc tiêm vaccin, nhưng qua tiêm vaccin mỗi chúng ta đóng góp cho cộng đồng (để giúp tạo ra miễn dịch cộng đồng), và đó chính là ý nghĩa thật của tiêm vaccin.

GSNGUYỄN VĂN TUẤN 02.07.2021


1 nhận xét:

NHỚ MỘT NGƯỜI - Thơ Songquang và Bài Họa Của Các Thi Hửu

Ảnh của Đào Anh Dũng NHỚ MỘT NGƯỜI Ta có mối tình mãi khắc sâu Bóng hình người ấy, mối duyên đầu Có khi thương mến khôn tìm được Lắm lúc u h...