Việc lớp băng trên biển Laptev ở phía bắc Siberia vẫn chưa hình thành vào thời điểm này trong năm có thể dẫn đến các tác động domino với hệ sinh thái ở Vòng cực Bắc.
Theo Guardian, lần đầu tiên kể từ khi các nhà khoa học bắt đầu thống kê, lớp băng của Bắc Băng Dương ở Siberia vẫn chưa hình thành vào cuối tháng 10. Các nhà khoa học khí hậu cho rằng đây là tín hiệu cảnh báo về những tác động có thể xảy ra trên khắp vùng cực.
Điều này có thể được gây nên bởi tình trạng nắng ấm kéo dài kỳ lạ ở miền Bắc nước Nga, cũng như sự xâm nhập của các dòng hải lưu nóng Đại Tây Dương.
Nhiệt độ nước biển ở khu vực này tăng hơn 5 độ C so với trung bình hàng năm, trong khi vào mùa đông năm ngoái, lớp băng cũng tan sớm hơn so với những năm trước đó.
Phải mất một thời gian dài để lớp nhiệt này trung hòa vào bầu khí quyển, mặc dù vào giai đoạn này trong năm mặt trời chỉ xuất hiện hai giờ mỗi ngày. Đồ thị về phạm vi băng trên biển Laptev cho thấy năm nay, diện tích mặt nước đạt mức kỷ lục.
“Tình trạng biển chưa đóng băng cho tới tận lúc này của mùa thu năm nay là điều chưa từng có ở vùng Bắc Cực của Siberia”, ông Zachary Labe, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Colorado, chia sẻ. Ông nói thêm rằng điều này là phù hợp với các tác động đã được dự báo của biến đổi khí hậu.
“Năm 2020 là một năm nữa mà Bắc Cực đang thay đổi nhanh chóng. Nếu không cắt giảm khí thải nhà kính một cách có hệ thống, khả năng chúng ta sẽ thấy những mùa hè ‘không có băng’ trong thế kỷ 21”, ông Labe nhận định.
Nhiệt độ không khí cao hơn không phải là yếu tố duy nhất làm chậm quá trình hình thành băng. Biến đổi khí hậu cũng khiến các dòng chảy nóng của Đại Tây Dương trôi về phía Bắc Cực, và phá vỡ sự phân tầng thông thường giữa vùng nước sâu ấm và vùng nước lạnh hơn trên bề mặt. Điều này cũng khiến cho băng khó hình thành.
Walt Meier, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết Quốc gia Mỹ cho biết phần lớn băng cũ ở Bắc Cực đang biến mất, để lại một lớp băng mỏng hơn theo mùa. Nhìn chung, độ dày trung bình băng ở Bắc Cực chỉ bằng một nửa so với năm 1980.
Ông Meier cho biết xu hướng giảm có thể sẽ tiếp tục cho đến khi Bắc Cực có mùa hè không có băng đầu tiên. Dữ liệu và mô hình giả lập cho thấy điều này sẽ xảy ra trong khoảng từ năm 2030 đến 2050. “Vấn đề không phải là nó có xảy ra hay không, mà là khi nào”, ông Meier cho biết.
Các nhà khoa học cho rằng việc lớp băng ở Bắc Cực chậm hình thành có thể khuếch đại tốc độ tan băng. Ai cũng hiểu rằng có ít băng hơn nghĩa là có ít diện tích phản xạ ánh sáng hơn (vì màu trắng sẽ phản lại ánh sáng thay vì hấp thụ), và điều đó sẽ khiến nhiệt độ khu vực tăng lên.
Theo Khoa học
Cần quan tâm nhiều đến môi trường
Trả lờiXóa