Thứ Ba, 24 tháng 8, 2021

Nhớ bên tắm ngựa - Trang Nguyên (Trẻ Magazine )

 Đôi khi từ một câu chuyện của một ai đó bỗng dưng làm cho ký ức của người khác quay về tuổi thơ. Nó chẳng khác một chất xúc tác kích thích cảm giác khiến người ta phải nhớ, dù rằng ký ức đó ngủ quên lâu ngày trong trí não. Những hình ảnh đó lần lượt hiện ra và được chuyển hoá thành lời.

Thuở Sài Gòn còn xe ngựa, các chú nài thường cho ngựa tắm ở các dòng kênh (Ảnh: Tài liệu) 

Cách nay không lâu, tôi có viết một câu chuyện cũ về Hoà Hưng và đình Chí Hoà nơi tôi sinh ra và lớn lên. Chuyện không dừng lại ở xóm lao động cụ thể mà được lan man mở rộng ra tới những làng xóm chung quanh vào thuở tôi học tiểu học cùng đám bạn bè. Ðơn giản là một hồi tưởng ký ức tuổi thơ. Vậy mà sau đó, tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại của những người không quen biết.

Trong các cuộc điện thoại đó, có một câu chuyện khá thú vị liên quan đến một địa danh đã mất cách nay hơn bảy chục năm về trước. Ðó là Bến Tắm Ngựa. Ðịa danh “bến” ở Sài Gòn xuất hiện khá nhiều do Sài Gòn xưa kia là vùng nê địa, sông rạch chằng chịt, lưu thông chánh bằng thuyền ghe. Nó được định danh từ sự tập trung của dân chúng sống quanh bãi bờ sông rạch. Ðịa danh loại này chỉ mang tính tạm thời nhưng cũng có khi nó trở thành một chính danh trên bản đồ hoặc trong các văn bản điền địa dù rằng hình tượng của địa danh ngày nay đã không còn nữa. Chẳng hạn Bến Thành, Bến Cát, Bến Cỏ, Bến Súc, Bến Nọc, Bến Phân, Bến Ðá, Bến Dược, Bến Ðình, Bến Lức…

Ở đầu dây điện thoại bên kia, giọng ông Nguyễn Oánh hào hứng kể tôi nghe về Bến Tắm Ngựa ngày xưa. Nay tôi xin viết lại gởi tặng ông một ký ức tưởng chừng quên mà lại nhớ.

“Gia đình cha mẹ tôi di cư từ Quảng Bình vào Sài Gòn từ năm 1940 và năm đó cũng là năm tôi sinh ra tại một khu xóm mới được hình thành ven kênh Nhiêu Lộc, gọi tên là xóm Lách. Những người đồng hương ở quê tôi và người miền Bắc chọn nơi đây để định cư. Quận 3 ở khu vực này được xem là một khu vực mới mở rộng thêm kéo dài qua làng Chí Hoà lên tận ngã tư Bảy Hiền. Nhà cửa ở khu vực ven kênh Nhiêu Lộc còn rất thưa thớt, hầu hết tạm bợ, vách phên mái tranh của những người mới di cư vào Sài Gòn sinh sống, quanh đó còn nhiều trũng rau muống, ao đìa.

Bến xe cá chuyên chở cá ở các chợ hoặc dùng chở đồ đạc cồng kềnh khi dọn nhà (Ảnh: LIFE)

Mặc dầu người Pháp mở rộng quận 2, thành lập quận 3 kế cận trước đó cả gần hai chục năm nhưng thuở đó khung cảnh vùng đất mới mở không khác gì vùng quê tăm tối bên cạnh Sài Gòn hoa lệ. Ban ngày, đứng trên cầu sắt Eyriaud des Verges, cầu Mac Mahon (Trương Minh Giảng, Công Lý sau này) nhìn sang bên kia làng Phú Nhuận còn thấy rất nhiều khoảnh ruộng lúa, vườn xoài, vườn cau xanh ngát. Ban đêm chẳng ai muốn đến với khung cảnh tối thui, le lói ánh đèn dầu lúc mờ lúc tỏ.

Ở bên này con rạch, ban đêm vui hơn vì có những ngôi nhà quần tụ dưới ngọn đèn dầu vàng vọt quanh những rạch nước nhỏ của con kênh Nhiêu Lộc chảy từ cống ra kênh. Người di cư chúng tôi mỗi năm tiếp tục di cư đến vùng đất mới này, mua đất trũng, san bằng ao đìa để cất nhà, tạo ra những khu xóm đan xen kéo dài đến tận chân cầu Công Lý.

Vào thời gian này dòng nước kênh vẫn còn trong xanh, ghe bầu thuyền nhỏ thường xuyên lui tới từ phía trên rạch Thị Nghè. Hằng ngày có nhiều người lớn cỡi xe đạp từ xa đến, dựng xe bên bụi cây, ngồi trên bờ kênh câu cá. Cá lóc, cá trê, cá rô làm ổ dưới những bụi ô rô cóc kèn rất nhiều. Hồi còn nhỏ, anh em tôi rất thích câu rê, nhất là đi nhấp ếch trên những mảnh ruộng rau muống quanh nhà, sau trận mưa to vào buổi chiều chạng vạng. Chỉ một hai tiếng đồng hồ, tôi và ông anh cả bắt được hàng chục con ếch bà to bằng bàn tay người lớn.

Sau này, tôi thử tìm hiểu tại sao xóm mình có cái tên “Lách” nhưng vẫn không tìm ra ý nghĩa của nó như những tên làng xã khác. Xóm chỉ là một quần thể tập hợp số ít dân cư, ít ra nó cũng có một ý nghĩa nào đó như Xóm Ðúc (đúc đồng), Xóm Bột (làm bột gạo), Xóm Cải (trồng hoa màu)…

Bến xe thổ mộ bên chợ Bến Thành vào thập niên 1930 (Nguồn: Manhhaiflirks)

Thực ra, những người sống trong xóm tôi ít khi gọi tên xóm Lách mà thường gọi là Bến Tắm Ngựa, mặc dầu vị trí này nằm kề bên địa phận xóm tôi. Không biết từ bao giờ ở một đoạn phía bờ kênh Nhiêu Lộc từ chỗ nhà tôi đến cầu Công Lý, có một bãi cỏ lớn dành cho người đánh xe thổ mộ hoặc xe cá (xe ngựa kéo theo cái sàn gỗ dùng để chở cá) đến đây cho ngựa xuống dòng kênh tắm rửa.

Nghe người lớn kể, Bến Tắm Ngựa này hình thành từ vài ba thập niên trước, khi nơi đây còn nhiều vườn trồng cao su thử nghiệm. Thuở đó, lính pháo binh của thành Pháo Thủ (Thành Lê Văn Duyệt) ở ngã sáu Công Trường Dân Chủ thường dẫn ngựa kéo súng đại bác đến đây cho ngựa tắm. Sau khi lính Nhật đầu hàng quân đồng minh, rút khỏi Ðông Dương, lính Pháp không còn đưa những con chiến mã đến đây tắm nữa mà thay vào đó là các chú xà ích sống quanh vùng Phú Nhuận, Vườn Chuối cho ngựa thồ đến bãi tắm này.

Tôi nhớ hồi học tiểu học, sau chợ Tân Ðịnh có con đường mang tên Mã Lộ. Con đường này hình thành lúc Sài Gòn còn thịnh hành các loại xe ngựa. Xe ngựa chở hàng cá, hàng khô từ chợ Ông Lãnh về đây hay hàng rau trái từ Gò Vấp xuống. Cạnh chợ có bến xe thổ mộ. Những lúc xuống hàng chờ chủ bán buôn, mấy chú xà ích đánh ngựa đến bãi tắm, hết tốp này năm bảy cỗ xe, lại đến tốp khác. Mấy chú ngựa khoái trầm mình dưới bãi cạn con kênh tránh cái nắng trưa hè sau một chặng đường dài thồ hàng mệt mỏi. Tắm xong, mấy chú ngựa nằm trườn trên bãi cỏ hoặc đứng rũ lông phơi mình dưới nắng. Trong khi đó, mấy chú xà ích ghé vào quán nước nhỏ của má tôi, ngồi vắt chân trên ghế đẩu, kêu ly bạc xỉu nhâm nhi cùng điếu thuốc rê mới vấn, trò chuyện mưa nắng cuộc đời.

Không ảnh nhà cửa cất lên chằng chịt che lấp dòng kênh Nhiêu Lộc ngày xưa có Bến Tắm Ngựa ở một đoạn nhỏ bên đường Yên Đổ vào thập niên 1960 (Nguồn: Manhhaiflickrs)

Sau này tôi nghĩ, thuở Sài Gòn còn dùng xe ngựa, các bờ sông rạch ở thành phố cũng có nhiều nơi dùng làm bến tắm cho ngựa, không nhất thiết chỉ có một Bến Tắm Ngựa ở cạnh xóm Lách của tôi. Rất có thể Bến Tắm Ngựa đã có một quá trình lịch sử hình thành từ thời thuộc địa dành riêng cho lính Pháp ở thành Pháo Thủ hay xa xưa hơn ở khu vực này khi người Pháp thiết lập cả một trường đua ngựa, làm nơi giải trí tiêu khiển cho binh lính và sĩ quan Pháp?

Ðó chỉ là suy nghĩ của tôi sau này thôi. Chứ hồi còn tiểu học tôi đâu có để ý đến Bãi Tắm Ngựa hình thành từ khi nào. Hơn nữa, nhiều khi tôi còn ghét mấy con ngựa đắm mình dưới dòng kênh quậy tung làm dòng nước đục cả ngày. Nhưng tự dưng, bây giờ tôi lại nhớ. Tôi nhớ từng chi tiết nhỏ và hình ảnh ký ức cứ thế mà tuôn ra trong đầu.

Tôi nhớ nhà cửa trong khu xóm Lách của tôi. Nhớ những hẻm xóm lân cận tràn ngập người nhập cư từ các nơi trôi giạt đến đây sinh sống. Họ cất nhà gỗ mái tôn vách gạch trông khang trang hơn những căn nhà lá cũ nát của những người định cư lúc trước. Năm tôi thi vào học trung học đệ nhất cấp, nhà ba má tôi vẫn còn mái tranh vách ván. Không phải gia đình tôi không có đủ tài chính cất lại nhà gạch, nhưng vì ba má tôi đã có dự định bán lại mảnh đất nhỏ ở đây chuyển chỗ ra khu vực chợ Vườn Chuối để dễ dàng buôn bán. Hơn nữa, cuộc sống ở khu Bến Tắm Ngựa từ năm 1954 về sau càng trở nên phức tạp vì nhiều người từ các tỉnh kéo về lánh nạn chiến tranh. Rất nhiều người ngang nhiên cất nhà sàn lấn chiếm dòng kênh Nhiêu Lộc.

Tôi về sống tại Vườn Chuối khi lên trung học đệ nhị cấp, đổ tú tài II rồi vào quân ngũ trong tình hình chiến tranh bắt đầu leo thang cho đến khi tàn cuộc chiến. Và rồi lại thêm một lần nữa tôi di cư đến miền đất mới này. Và giờ đây, ở tuổi gần đất xa trời xoay lưng lại nhìn con dốc cuộc đời mà lòng bồi hồi chợt nhớ bến tắm ngựa ngày xưa.”


Hoa Huỳnh chuyển

2 nhận xét:

  1. This article was extremely interesting, especially since I was searching for thoughts on this subject last Thursday.
    Of course, what a great site and informative posts, I will add backlink bookmark this site? Regards, Reader.
    Super-Duper site! I am loving it!! Will come back again taking you feeds also, Thanks.
    You made some good points there. I did a search on the topic and found most people will agree with your blog.
    has a lot of really excellent features.
    softtrending

    Trả lờiXóa

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...