Bao năm rồi, tôi vẫn không quên được mùi vị ấy, mùi của khói củi vườn, lá cây khô, vị của lúa gạo đồng quê, nắng mưa chất phác quyện hòa trong miếng cơm cháy vàng giòn của tuổi thơ nơi quê nghèo....!Đó là những năm tháng người quê tôi còn nhọc nhằn ra vườn gom lá khô, củi mục về chất vô góc bếp, nhóm lửa thổi cơm. Căn bếp xưa lỉnh kỉnh nồi niêu, rổ rá, thúng mủng, ở giữa mẹ đặt chiếc lò đất nung cũ kỹ, lem lấm mùn tro và bụi đất. Chiếc lò lặng thầm trên kệ, xung quanh vương vãi lá khô, vỏ củi, bên cạnh là hai chiếc que sắt mẹ để khều than. Ngồi trên cái ghế cũ, mẹ tảo tần nhóm lửa, chụm củi, rồi nhẹ nhàng bắc lên lò chiếc nồi gang kín nắp đựng gạo đã vo sạch. Tiếng củi bén lửa xì xèo, lốp bốp lẫn trong tiếng vỏ cây nổ lách tách, tiếng nước chảy trong veo từ cái chum lọc nước...Mẹ vừa lom khom nhặt rau, gọt củ, vừa giữ cho lửa cháy đều, chờ cơm sôi thơm hương gạo mới. Khi nắp đậy bắt đầu nhảy lách tách và hơi trắng phả ra khỏi mép miệng nồi, bên trong cơm đã sôi ùng ục, mẹ giở nắp ra khuấy đều rồi chờ cơm cạn nước. Trong lúc chờ, mẹ gạt bớt lửa, chỉ còn để củi cháy liu riu, sau đó đậy nắp lại đợi cơm chín....Biết ý con thích ăn cơm cháy, mẹ dùng que sắt gắp vài cục than nóng đỏ đặt lên nắp nồi, hạt cơm cháy sẽ vàng giòn. Khi mâm cơm được dọn ra tấm phản gỗ, bao giờ tôi cũng háo hức đợi khi nồi cơm gần hết, sẽ được ăn cơm cháy mẹ vét ở đáy nồi.Cơm cháy chấm cùng kho quẹt, như là đôi vợ chồng quê không thể thiếu nhau được...!Thích nhất là ngoài trời đổ mưa, trời se lạnh, mẹ cho chén nước mắm cá linh vô cái nồi đất. Mở thố sành hình con gà trống màu xanh, đựng mỡ đã thắng, còn nguyên tóp mỡ nâu vàng thơm ngậy, múc hai muỗng (cả nước mỡ lẫn tóp) cho vào cái nồi đất. Tiện tay bốc mấy con tôm khô trong hũ, thẩy thêm vô nồi đất mấy trái ớt hiểm còn sót lại...Bắc lên bếp, lửa cháy riu riu, ngoài trời vẫn còn mưa, củi ướt khói cay xè chảy nước mắt, mà khi mùi thơm của hỗn hợp nước mắm kho quẹt tóp mỡ...đã sánh đặc lại, dậy lên mùi thơm thèm chảy nước miếng....! Rắc thêm vô chút tiêu xay sẵn, tiện tay bẻ mấy cọng hành ngoài mé hiên, thêm mấy nhánh tiêu tươi của mấy dây tiêu sau nhà còn ướt lướt thướt nước mưa....!Chao ôi...! Cái miếng ăn đầu tiên chấm vào nồi, dính theo một tóp mỡ heo sao mà ngon quá...!Mẹ không cùng ăn mà ngồi nhìn đứa con trai nhai rao ráo trong miệng với bao tình yêu thương...!Cơm cháy khi còn nóng thì cứng, giòn, để lâu một chút, miếng cơm sẽ vừa dẻo vừa dai, nên tôi chỉ thích ăn lúc nóng....! Nhớ những ngày thơ ấu ham chơi, đến giờ cơm, mẹ sai chị tôi ra cánh đồng trống gần nhà, gọi tôi về, bao giờ chị cũng dọa:"Về ăn nhanh chứ hết phần cơm cháy!”. Và lần nào nghe xong câu nói đó, dù đang giữa cuộc chơi vui cùng chúng bạn, tôi đều chạy ù về...!Bây giờ, mỗi khi nhớ lại những ngày tháng ấy, tôi lại thương đến nao lòng bàn tay mẹ dồn sức vét cơm, nhớ thương tiếng chị gọi từ xa, bóng ngả vàng xuộn giữa nắng chiều…Tôi xa quê đi học, ở trọ nơi phố thị đua chen, đủ đầy của ngon vật lạ, mà lòng có bao giờ quên giề cơm cháy ngọt bùi, thảo thơm tình mẹ...!Ở quê nhà, mẹ vẫn giữ thói quen nấu cơm bằng củi, dù chị tôi đã sắm cho mẹ chiếc nồi điện cùng bếp gaz, đỡ đần mẹ chuyện cơm nước, nhưng mẹ bảo, cơm nấu bằng bếp củi mới ngon....!Cơm cháy kho quẹt gợi nhớ một thuở xưa nơi quê hương đồng nội với khói lam chiều xưa. Có người con gái theo chồng bỏ ruộng bưng về nơi phố hội. Chớp mắt thôi, kỷ niệm xưa đã xa mãi, nỗi nhớ thương của ngày cũ, chỉ kịp lóe lên nơi khóe mắt, như chút tơ vương làm xốn xang trong lòng, làm cay cay đôi mắt vì hoài niệm...!Thành ra, một trong những niềm hạnh phúc của tôi mỗi lần về bên mẹ, là được trệu trạo nhai miếng cơm cháy vàng giòn và bùi ngùi nhớ về những tháng ngày xưa xa…!"Không ai giàu ba họKhông ai khó ba đời..."Tôi tưởng đơn thuần chỉ nói về con người, đời người..., nghiệm ra cũng đúng với miếng cơm cháy-kho quẹt... Ngày xưa ra đời từ làng quê thôn dã dưới mái lá nhà nghèo..., giờ đây nó đường hoàng có mặt trên bàn ăn trong các nhà hàng sang trọng nơi phố thị.Nó cũng được trang trọng có trong menu với con số thứ tự nhất nhì...!Chúc mừng món quê xưa: Cơm cháy-Kho quẹt...!(Đinh Trực)
Hoa Huỳnh chuyển
Ký ức ngày xưa lại tràn về
Trả lờiXóa