Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021

Di biến động – hiện tượng nói gộp trong tiếng Việt

 Vanvn- Gần đây, một từ ngữ được sử dụng trong một số văn bản hành chính và trên báo chí là thuật ngữ ‘di biến động’ gây xôn xao vì nghe có vẻ lạ lẫm. 

Tranh của họa sĩ Lê Sa Long

Từ gộp

Thực ra đây không phải là một từ, mà là một tổ hợp từ gồm 2 từ ghép “di động” và “biến động” kết hợp lại, rút gọn một từ tố thứ hai, tạo nên đơn vị từ ngữ mới, theo mô hình cấu trúc: Ax + Bx = ABx; các nhà ngôn ngữ học tạm gọi là hiện tượng “nói gộp”, tạo nên “từ gộp”.

Thường là gộp 2 từ song tiết Hán Việt kiểu chính phụ mà tiêu biểu là từ gộp “công nông nghiệp” có trong các từ điển tiếng Việt, thậm chí có trường hợp gộp 3 từ theo mô hình Ax+Bx+Cx = ABCx như “công nông lâm nghiệp” (công nghiệp, nông nghiệp và lâm nghiệp).

Tương tự theo mô hình này, ta có thể kể ra hàng loạt từ gộp Hán Việt quen thuộc đang được cộng đồng sử dụng hằng ngày như: y bác sĩ, thanh kiểm tra, quân dân y, đông tây y, thanh quyết toán, ca nhạc sĩ, phối kết hợp…; cả từ thuần Việt cũng có hiện tượng nói gộp này: thầy cô giáo, ông bà ngoại, anh chị sui…

Trở lại từ gộp “di biến động”, ta thấy trong đó, “biến động” là động hoặc tính từ với nghĩa biến đổi nhiều, không ở trạng thái tĩnh. Ví dụ: Sự vật luôn biến động. Thời tiết biến động. Những biến động trong tâm hồn.

Còn động từ “di động” có nghĩa là chuyển động và dời chỗ, không ở vị trí cố định, như dùng trong các trường hợp: Mục tiêu di động. Điện thoại di động.

Từ gộp “di biến động” ngược nghĩa với tính từ “cố định”, có nghĩa là có trạng thái được giữ nguyên, không di động, không biến đổi, ví dụ: Ở cố định một nơi.

Chưa rõ từ “di biến động” xuất hiện lần đầu tiên từ khi nào, nhưng hơn 15 năm trước, trong Luật số 64/2006/QH11 ban hành ngày 29-6-2006 của Quốc hội: Luật phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) đã có “Điều 16. Phòng, chống HIV/AIDS trong các nhóm người di biến động”; và ở điều 2, mục 14 giải thích từ ngữ nêu rõ: “Nhóm người di biến động là những người thường xuyên sống xa gia đình, thay đổi chỗ ở và nơi làm việc”.

Chúng tôi cũng ghi nhận có nhiều trường hợp từng sử dụng từ “di biến động” trong suốt thời gian qua như: Theo dõi di biến động của bọn buôn bán ma túy; Rà soát chính sách về di biến động và HIV (2005); Nắm chắc di biến động của cử tri, bảo đảm tất cả cử tri đều thực hiện quyền bầu cử… Thậm chí có cả cuốn sách với nhan đề có dùng từ “di biến động”.

Như vậy, kiểu nói gộp tạo nên các từ là không mới, không lạ; từ “di biến động” đã được sử dụng hơn 15 năm qua trong nhiều trường hợp, có lẽ do phạm vi sử dụng ít phổ biến, rộng rãi; nay đột ngột được sử dụng với tần số nhiều nên có vẻ lạ lẫm, mới mẻ, gây nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận.

Cần rõ nghĩa

Tuy nhiên, cũng có thể vì từ gộp “di biến động” là một thuật ngữ chuyên môn, không mấy khi được dùng trong phong cách sinh hoạt, đời sống, khẩu ngữ nên một bộ phận dân cư còn cảm thấy lạ lẫm, khó hiểu.

Có nhiều ý kiến bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ trên mạng xã hội rằng “cấu trúc ghép từ Hán Việt đó không thuộc trường phái quy tắc nào trong quy ước ngữ pháp tiếng Việt lâu nay. Việc ghép hai từ “di động” và “biến động” để tạo ra từ mới “di biến động” là phi ngữ pháp”.

Quyết liệt hơn, có ý kiến kịch liệt phê phán kiểu nói gộp như trên là “kiểu tạo từ mới không có căn cứ khoa học, không có logic ngữ pháp, cần phải được chấn chỉnh và loại trừ”, đồng thời kêu gọi: “báo chí chính thống đừng lạm dụng khi dùng những từ ngữ phái sinh này nữa để không làm rối nghĩa tiếng Việt hơn”.

Thực ra, như trên đã nói, “nói gộp” cũng là hiện tượng không xa lạ trong tiếng Việt. Tương tự như các kiểu giản lược từ, rút gọn từ, nói gộp cũng nhằm đáp ứng một trong các yêu cầu của hoạt động giao tiếp, mục đích giảm bớt lượng ngôn từ, giúp việc diễn đạt gọn lại nhưng vẫn giữ được đầy đủ ý nghĩa, làm cho người nghe vẫn hiểu đúng lời của người nói, đạt hiệu quả cao trong giao tiếp.

Nhiều trường hợp từ gộp đã dần được xã hội chấp nhận và sử dụng rộng rãi, phổ biến trong nhiều phong cách ngôn ngữ và có mặt trong từ điển tiếng Việt như: công nông nghiệp (công nghiệp và nông nghiệp), thanh thiếu niên (thanh niên và thiếu niên)…

Đồng thời, nói gộp còn là cách tạo từ mới. Miễn sao từ mới ấy ổn định, nhanh chóng trở nên phổ biến, nhìn chung có thể nghe hiểu/đọc hiểu được mà không cần phải gắn với một văn cảnh cụ thể, vẫn giữ được sự trong sáng của tiếng Việt là được.

Quan điểm của chúng tôi là không nên cực đoan phản đối các hiện tượng nói gộp, giản lược từ, rút gọn từ nhằm đảm bảo các yêu cầu trong hoạt động giao tiếp. Tuy nhiên, từ ngữ sử dụng trong các văn bản hành chính luôn phải đạt yêu cầu tường minh, rõ nghĩa, đơn nghĩa.

Trong trường hợp trên, nếu xét thấy cụm từ quen thuộc, phổ biến “khai báo di chuyển”, “khai báo đi lại” có thể thay thế được cụm từ “khai báo di biến động” thì nên sử dụng cho người dân dễ hiểu hơn, tránh những phản ứng trái chiều không đáng có.

Gần đây, Bộ Công an đã đưa vào sử dụng hệ thống khai báo y tế do Bộ Công an chủ động nghiên cứu, xây dựng xuất phát từ những yêu cầu trong việc phòng chống dịch bệnh COVID-19 hiện nay. Qua việc quản lý tập trung sự đi lại của công dân trên toàn quốc, khi có yêu cầu cần khoanh vùng, truy vết phát hiện F0, F1 hệ thống sẽ đưa ra lịch trình di chuyển của F một cách chính xác.

Hiện công dân sẽ thực hiện kê khai thông tin trên website http://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn thông qua thiết bị di động smartphone hoặc máy tính có kết nối Internet. Cùng với việc khai báo trực tuyến, người dân cũng có thể khai báo y tế bằng giấy tại các điểm kiểm soát dịch, trên cơ sở tạo thuận lợi nhất cho người dân.

Khi kê khai y tế trên mạng để xác định mã QRCode, ta thấy xuất hiện cụm từ “Khai di chuyển nội địa (For domestic move declaration)”.

ĐỖ THÀNH DƯƠNG

1 nhận xét:

NHẠT NHÒA -Thơ Thái Huy và Thơ Họa (14 Bài )

  NHẠT NHÒA Ngó kìa cánh tuyết lửng lơ rơi Phủ ngập không gian cả đất trời Hơi gió lùa vô làm tái lạnh Nỗi buồn ập tới khiến chơi vơi Đang c...