Thứ Hai, 16 tháng 8, 2021

TRUNG CỦA NGƯỜI SỐNG ĐỘC LẬP (Diễn Đàn Khai Phóng )

 PHÚC ÔNG Trăm Truyện tiếp theo – Truyện số 9

Tác giả: FUKUZAWA Yukichi
Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

***

Con người tự biết mình khác động vật (1), cũng tự biết “cái tâm” (tinh thần) của mình cao thượng và linh diệu. Khi con người yên trú trong bản tính có sẵn của bản thân, “cái tâm” linh diệu ấy sẽ tự nhiên phát sinh (2). Khi đó, dù bản thân không ý thức, cái tâm phát sinh chắc chắn phù hợp với tôn chỉ của trung quân, hiếu thảo cha mẹ, và con người này chắc chắn là con người trung quân, hiếu thảo thuần túy. Đấy chính là trung của người sống độc lập.

Thí dụ, nếu việc lập vua của một nước quân chủ là vì cần thiết lập một nơi để tập trung những dân tâm phân tán thì không nên đơn giản thay đổi vua. Tương tự, nước cộng hòa không nên dễ dàng thay đổi hiến pháp.

Nếu không thay đổi vua, đất nước sẽ sinh ra bất lợi vì thời thế thay đổi. Lúc đó bắt buộc phải thay đổi. Nhưng nếu địa vị của vua mới không ổn định trở lại, lòng dân sẽ dao động và đất nước trở thành bất hạnh trong biến loạn.

Trong thời bất hạnh của đất nước, người sống độc lập không tính đến cái lợi nhỏ nhen của bản thân, phải nỗ lực gắng sức để có hòa bình, đôi khi dù có hy sinh tính mạng tài sản cũng phải giữ lấy phương châm này.

Hơn thế, không phải chỉ khi tình thế thúc bách mới làm, người sống độc lập thường ngày luôn hướng dẫn lòng mình cao thượng hơn, quyết không làm những việc như động vật. Nhờ vậy xã hội phòng tránh được biến loạn. Người sống độc lập xem việc duy trì thế gian ổn định là bổn phận của trời giao cho mình, dù ở thời bình hay thời loạn cũng không thể sai lầm phương hướng của mình.

Người sống độc lập ra giúp đời hay thoái ẩn không phải do bắt buộc phải nghe theo mệnh lệnh hay để báo đáp lại ơn huệ đặc biệt của vua. Từ ban đầu người sống độc lập đã không hề nghĩ đến vì các lý do này. Người sống độc lập chỉ vì không quên việc tự tôn, tự trọng bản thân, không quên bổn phận phải làm người, không quên nghe theo tiếng nói của bản tâm. Kết quả tự nhiên sẽ phù hợp đạo trung nghĩa. Phải hiểu rằng lòng trung nghĩa phát sinh tự nhiên từ bản tâm chứ không phải do tác động của người khác.

Người xưa nói: “Người nhận bổng lộc phải hy sinh mạng sống vì người cấp bổng lộc”. Ở thời đại xưa, vua một nước tư hữu lãnh thổ, lấy đất đai tư hữu đó nuôi sống quần thần (các quan chức), nên các quần thần phải tận trung nghĩa để hoàn trả ơn huệ vua đã chăm sóc sinh sống ăn mặc ở cho họ. Ý nghĩa của lời nói trên là vậy.

Nhưng nếu điều này đúng, thì đương nhiên là người-không-sống-bằng- bổng-lộc không có lỗi, dù họ không có lòng trung nghĩa. Nếu như vậy, việc duy trì ổn định xã hội không phải sẽ trở nên rất nguy hiểm lắm sao?

Kết cuộc, nguyên nhân của kết quả rơi vào tình trạng nguy hiểm nói trên là do con người quên rằng lòng trung nghĩa thực sự là do phát sinh tự nhiên từ lòng tự tôn, tự trọng có sẵn của con người chứ không phải do người khác tác động của người khác.

Như vậy có phải chăng sẽ không tránh được sai lầm lớn, nếu một khi tự bản thân quên mất đi cội nguồn có trong bản thân, để người khác ảnh hưởng, chi phối tiến thoái của mình, phán đoán trung nghĩa cũng theo của họ?

Thí dụ, từ xưa có nhiều quan xấu hoặc thường dân gây phản loạn làm xã hội bất ổn. Trong đó có người vì tham vọng, nhưng cũng có người rất đàng hoàng, nghiêm chỉnh trực tiếp làm loạn hay tham gia vào. Và sau khi thất bại họ phải hối hận vì đã sai lầm phương hướng.

Không nói đến trường hợp người xấu làm chuyện xấu. Có nhiều người thật sự tốt, đàng hoàng nghiêm chỉnh, làm loạn nhưng không lấy đó làm xấu hổ. Họ hy sinh mạng sống để thực hiện chí hướng của mình. Tại sao vậy? Hạng người này tâm hồn họ thật sự thiện lương, họ tự xưng là quan trung nghĩa hay người chính nghĩa vì xưa nay chưa có gì hổ thẹn với lương tâm.

Tại sao họ có thể chủ trương họ không làm gì hổ thẹn với lương tâm?

Vì họ là những người đã nghe lời giảng dạy cục bộ về trung nghĩa, tự mình quên mất bản thân mình, nghe theo, tin tưởng vào người khác, giao phó người khác phán đoán, tự bản thân họ không có chủ trương để sống độc lập.

Từ xưa có nhiều nội loạn, chiến tranh, danh nghĩa của chúng rất đa dạng. Nếu nhìn từ lập trường của hai phía, phía ta và phía địch, ai cũng cho mình là trung thần, nghĩa sĩ (người chính nghĩa), như vậy là trung nghĩa xung đột với trung nghĩa hay sao?

Nếu tra cứu sẽ thấy tinh thần của hai phía từ cội gốc đều giống nhau, chính nghĩa hay không chính nghĩa chỉ là do thắng hay bại. Câu nói “Thắng là quan quân, bại là tặc quân (giống như “thắng làm vua, thua làm giặc”) cho thấy chân dung của sự việc, giữa người được gọi là trung thần và phản thần hoặc người chính nghĩa và người nổi loạn không khác biệt bao nhiêu. Một khi xã hội trở thành như thế, có thể nói là rất nguy hiểm.

Thật ra từ lúc lịch sử thế giới bắt đầu cho đến giai đoạn văn minh như ngày nay, nếu lấy số trung bình của các nước trên thế giới thì số người thật sự sống độc lập là rất ít. Do đó phương pháp dạy người cách sống độc lập cũng trở nên cục bộ và hạn hẹp. Giảng dạy trung nghĩa hay hiếu thảo giống như giảng dạy đạo đức đều dùng phương pháp “chia khu đất lớn thành nhiều miếng đất nhỏ để dễ bán”. Phương pháp này có giới hạn và cục bộ nhưng không có cách nào khác.

Tuy nhiên, mục đích của văn minh là làm ổn định xã hội con người để sống hòa bình. Căn bản của hòa bình là mọi người tự mình biết cái tôn nghiêm của bản thân, để có thể theo đó phán đoán được lợi hại của xã hội. Đây là điều mà người phụ trách giáo dục, giảng dạy đạo đức nên suy nghĩ tường tận.

Nguyễn Sơn Hùng

Tháng 6/2017

Nguồn: Truyện số 9 trong quyển “Phúc Ông Trăm Truyện Tiếp Theo” của Fukuzawa Yukichi, 1901, Thời Sự Tân Báo Xã phát hành.

Chú thích

  1. Nguyên văn là “cầm thú”.
  2. Cách suy nghĩ này tương tự với “lương tri” của Vương Dương Minh (TrungQuốc, 1472-1528) và “Tâm bất sinh” của thiền sư Bankei Yotaku (NhậtBản, 1622-1693). “Tâm tự nhiên” của Matsushita Kônosuke (1894~1989) cũng tương tự. Điểm khác nhau là Fukuzawa Yukichi (1835-1901) chủ trương “Duy ngã độc tôn” còn Matsushita Kônosuke đề xướng “Tập trung chúng trí”. Có phải chăng khác biệt này là do điều kiện cần thiết khác nhau giữa học giả và doanh nhân?
https://diendankhaiphong.org/trung-cua-nguoi-song-doc-lap/

🌺🌺🌺🌺🌺🌺🌺


Mời Xem  Truyện số 8    ĐỘC LẬP VỀ TRÍ TUỆ VÀ ĐẠO ĐỨC

1 nhận xét:

NHẠT NHÒA -Thơ Thái Huy và Thơ Họa (14 Bài )

  NHẠT NHÒA Ngó kìa cánh tuyết lửng lơ rơi Phủ ngập không gian cả đất trời Hơi gió lùa vô làm tái lạnh Nỗi buồn ập tới khiến chơi vơi Đang c...