Thứ Hai, 23 tháng 8, 2021

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 83 : PHẠN, PHẦN, PHẬN

 THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 83 : 

                                            
                         PHẠN, PHẦN, PHẬN.
                        

                                      Sinh rằng quán khách lạ lùng,
                               Trộm nghe đây lối PHẠN CUNG cảnh màu.

         PHẠN CUNG 梵宮 là Nhà Chùa. PHẠN  là Saṃskṛtam संस्कृतम्, là một trong 22 ngôn ngữ cổ của Ấn Âu và là nguồn gốc của các ngôn ngữ hiện đại của Ấn Giáo, Bà La Môn và Phật Giáo, được dùng để ghi chép nhiều kinh Phật xưa. Nên trong văn học cổ nhắc đến Phạn văn là người ta nghĩ ngay đến Phật Giáo. Nên PHẠN CUNG là cung điện dùng để chứa các kinh sách của nhà Phật, tức là Đình Chùa Miếu Mạo. Từ đó, ta có các từ phát sinh như : PHẠN HỌC 梵學 là Phật học; PHẠN VĂN 梵文 là Văn tự để chép kinh Phật; PHẠN ÂM 梵音 là tiếng tụng kinh và PHẠN CUNG là nhà chùa, như hai câu thơ mở đầu cho bài viết nầy khi tả Trương Quân Thụy tìm đến nhà chùa nơi  mà Thôi Oanh Oanh  đang  cư ngụ :

                                     Sinh rằng quán khách lạ lùng,
                               Trộm nghe đây lối PHẠN CUNG cảnh màu.
       
         Không gọi là PHẠN CUNG thì gọi là PHẠN GIÀ 梵迦, Già là GIÀ LAM 迦藍 Gọi tắt của “tăng-già-lam-ma” 僧迦藍摩 (tiếng Phạn: "saṃgha-ārāma") nghĩa là "khu vườn của chúng tăng", "chúng viên", là nơi thanh tịnh để tu tập thiền định. Cũng chỉ nhà chùa hay tu viện Phật giáo. Trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du gọi Cửa Chùa là CỬA GIÀ khi Thúy Kiều đang tu với vãi Giác Duyên ở Chiêu Ẩn Am :

                             Gió quang mây tạnh thảnh thơi,
                          Có người đàn việt lên chơi CỬA GIÀ.

                            
      Nên PHẠN GIÀ cũng chỉ nhà chùa, như trong truyện thơ Nôm "Lâm Tuyền Kỳ Ngộ" (Bạch Viên Tôn Các) khi Tôn Các mất tích :

                          Người rằng lạc dấu thuyền ngư phủ,
                          Kẻ nói nương thân chốn PHẠN GIÀ.
        
         Trong chữ Nho ta còn gặp từ PHẠN 飯 là Cơm, động từ có nghĩa là Cho Ăn, là Nuôi; nên PHẠN NGƯU 飯牛 là nuôi cho trâu ăn, tức là Chăn Trâu đó. Trong bài "Hàn Nho Phong Vị Phú" của cụ Nguyễn Công Trứ có câu:"Tiếc tài cả lúc PHẠN NGƯU bản trúc, dấu xưa ông Phó ông Hề". Chỉ Bá Lý Hề người nước Ngu thời Chiến Quốc theo tích sau đây :

      Bách (Bá) Lý Hề 百里奚  (700-621 trước Công Nguyên) là người nước Ngu, gia cảnh cơ hàn, ba mươi tuổi mới lấy vợ, sanh con đầu lòng xong, Bá Lý Hề mới từ giã vợ con lên đường lập nghiệp, nhà chỉ vỏn vẹn còn có con gà mái, nhưng làm gà xong lại không có củi để nấu, vợ phải chẻ cả cánh cửa tre để làm củi nấu gà làm tiệc tiễn chồng ra đi tìm sự nghiệp. Tội nghiệp, bà phải đợi đến 40 năm sau chồng mới thành đạt làm quan..... Bá Lý Hề ra đi lưu lạc khắp nơi, chăn dê rồi chăn trâu với người bạn nối khố tên là Kiển Thúc ở nước Tấn...
     Năm 655 TCN, Tần Mục công sang nước Tấn, hỏi cưới Mục Doanh làm phu nhân. Bá Lý Hề bị bắt làm tùy tùng theo Mục Doanh gả về nước Tần. Giữa đường, Bá Lý Hề bỏ trốn sang đất Uyển, bị dân biên giới nước Sở bắt được và giam giữ. Tần Mục công nghe Bá Lý Hề là người hiền tài, bèn sai người sang chuộc về nước, nhưng sợ người nước Sở biết ông là người giỏi mà không cho chuộc, nên chỉ dùng Năm Tấm Da Dê theo giá chuộc một nô lệ để chuộc. Bá Lý Hề được về nước Tần. Năm đó ông đã hơn 70 tuổi.
      Tần Mục công đích thân ra đón Bá Lý Hề, và cùng bàn quốc sự suốt ba ngày. Sau đó, vua Tần phong ông làm Thượng khanh, cai quản quốc chính, gọi là Ngũ Cổ Đại Phu 五羖大夫 . (Ngũ Cổ tức là năm tấm da dê). Sau, Bá Lý Hề giúp Mục Công dựng nên nghiệp lớn.                                                         
      Bỏ qua ông Ngũ Cổ Đại Phu nầy , ta chỉ nói về 5 tấm DA DÊ...
      Năm tấm da dê là dịch ở nhóm từ NGŨ TRƯƠNG HẮC CÔNG DƯƠNG BÌ 五张黑公羊皮. Có nghĩa là : Năm tấm da dê đực màu đen. Dê ở đây là Miên Dương 綿羊, ta gọi là con CỪU. Da Cừu đực màu đen dày và bóng rất đẹp, nhất là loại cừu của đất Hồ: HỒ CỪU, dùng may áo ngự hàn thì không chê vào đâu được : Đó chính là ÁO HỒ CỪU quí giá !. Nhưng dù quí giá đến đâu, 5 bộ da Hồ cừu đổi lấy một Tướng Quốc cũng còn rẻ chán ! Nhưng Bá Lý Hề phải mất 40 năm mới làm nân sự nghiệp, cũng như cụ Nguyễn Công Trứ của ta sau bao lần lận đận "lều chõng", mãi đến năm 41 tuổi (1819), ông mới thi đậu giải nguyên (1820–1847) làm quan dưới triều Nguyễn. Cho nên trong bài "Hàn Nho Phong Vị Phú" ông mới so sánh mình như là Bá Lý Hề :

                    Tiếc tài cả lúc PHẠN NGƯU bản trúc, 
                    dấu xưa ông Phó ông Hề...

                        Về từ PHẦN, trong văn học cổ ta hay gặp từ PHẦN DU 枌榆 là quê hương của Hán Cao Tổ có xuất xứ như sau :
      Theo sách "Hán Thư 漢書. PHẦN DU tức là Phần Du Xã 枌榆社, nơi thờ đình thần thổ địa, là quê hương của Hán Cao Tổ Lưu Bang. Vì Lưu Bang khởi binh ở đất Phong, nên mới tế thần ở Phần Du Xã của đất Phong xong xuôi, mới cùng với các hương đảng là Tiêu Hà, Chu Bột, Lư Quán... khởi nghĩa binh chống Tần dựng nên cơ nghiệp của nhà Hán.
      Nên PHẦN DU thường dùng để chỉ quê hương nói chung, như trong truyện thơ Nôm Từ Thức Gặp Tiên có câu :

                    Ngập ngừng nhớ cảnh PHẦN DU,
                   Anh em bè bạn mấy thu đến giờ...  

      Không gọi là PHẦN DU thì gọi là PHẦN TỬ 枌梓. TỬ 梓 là TANG TỬ 桑梓, là cây dâu và cây thị, 2 loại cây thường trồng trong sân trước hoặc sân sau nơi nhà cha mẹ ở, có xuất xứ từ chương Tiểu Nhã- Tiểu Biện 小雅·小弁 trong Kinh Thi 詩經 là :

              維桑與梓,必恭敬止。 Duy tang dữ tử, tất cung kính chỉ.
              靡瞻匪父,靡依匪母。 Mĩ chiêm phỉ phụ, mĩ y phỉ mẫu.
Có nghĩa :
              Cây dâu cây thị trong sân,
              Phải cung phải kính như gần mẹ cha.
              Ai không tôn kính cha già,
              Ai không quyến luyến mẹ già ấp yêu ?! 
  
                 Nên TỬ cũng là cây dùng để chỉ nơi cha mẹ ở, như khi Thúy Kiều ở Lầu Ngưng Bích đã nhớ về cha mẹ với 2 câu thơ sau : 

                         Sân Lai cách mấy nắng mưa,
                      Có khi GỐC TỬ đã vừa người ôm !

      Trong "Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh" thì cụ Nguyễn Du dùng từ PHẦN TỬ để chỉ nơi cha mẹ ở như vế thơ sau đây :

                        Bóng PHẦN TỬ xa chừng hương khúc,
                        Bãi tha ma kẻ dọc người ngang.
                        Cô hồn nhờ gởi tha phương
                        Gió trăng hiu hắt, lửa hương lạnh lùng!

     Còn trong Truyện Kiều thì cụ đão ngược lại là TỬ PHẦN, khi Từ Hải ra đi lập nghiệp, Thúy Kiều ở lại một mình đã nhớ về cha mẹ như sau :

                        Đoái thương muôn dặm TỬ PHẦN,
                      Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa...
                        Xót thay huyên cỗi xuân già,
                    Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi !
       
                            Còn PHẬN 分(份) là số phận, là cái phần số hay thân thế của ai đó... như Thúy Kiều ví phận nhi nữ của mình như là cây liễu cây bồ, nên khi đã "Một nhà sum họp trúc mai" với Thúc Sinh rồi, vẫn không quên thân phận lẻ mọn của mình mà khuyên Thúc về thăm vợ cả :

                           PHẬN BỒ vừa vẹn chữ tòng,
                       Đổi thay nhạn yến đã hòng đầy niên.
                             Tin nhà ngày một vắng tin,
                       Mặn tình cát lũy nhạt tình tào khang !...

     Hay như khi bị đưa đến công đường, bị quan trên tra khảo thì cũng đành cam với số phận hèn mọn của mình :

                             PHẬN HÈN nào dám kêu oan,
                        Đào hoen hoẹn má, liễu tan tác mày !...

     Hay như khi bán mình chuộc tội cho cha, Thúy Kiều đã yên thân với cái thân phận bạc bẽo của mình như lời trối trăn để lại cho Thúy Vân :

                             PHẬN sao PHẬN BẠC như vôi,
                         Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.
                             Ôi Kim Lang, hỡi Kim Lang !
                        Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây !

                               PHẬN còn chỉ cái PHƯỚC PHẦN trong duyên nợ, như khi nhờ Thúy Vân thay mình lấy Kim Trọng để trả nghĩa cho chàng, thì mặc dù trong bụng rất ưng ý vì cuộc sống rất hạnh phúc với Kim Trọng, nhưng ngoài mặt thì Thúy Vân vẫn ỡm ờ như miễn cưỡng :

                               Gặp cơn bình địa ba đào,
                       Vậy đem duyên chị buộc vào duyên em.
                             Cũng là PHẬN CẢI DUYÊN KIM,
                        Cũng là máu chảy ruột mềm chớ sao !

                               
  Hẹn bài viết tới !
                        THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 84 : PHƯƠNG, PHƯỢNG, PHÙ

                                                                                                    杜紹德
                                                                                                Đỗ Chiêu Đức    
  
 


1 nhận xét:

VỀ (THE WAY HOMEWARD )- Thơ Dương Như Nguyện

Một bài thơ thật hay của Nữ sĩ Dương Như Nguyện, Giáo sư Luật khoa Denver University -- Law School. Sẽ viết vài lời về bài thơ tuyệt tác này...