Thứ Bảy, 7 tháng 8, 2021

Truyện số 8    ĐỘC LẬP VỀ TRÍ TUỆ VÀ ĐẠO ĐỨC



 Truyện số 8     ĐỘC LẬP VỀ TRÍ TUỆ VÀ ĐẠO ĐỨC

FUKUZAWA Yukichi (*)

Dịch : Nguyễn Sơn Hùng

***

Độc lập ở mặt vật chất chỉ là phương tiện, độc lập được ở mặt tinh thần mới là cứu cánh của sống độc lập và quan trọng hơn nhiều.


Tuyệt đối không nên chấp nhận chủ trương độc lập được ở mặt vật chất là đạt được mục đích cuối cùng của sống độc lập.


Tại sao người ta nói “Con người ưu việt hơn mọi vật” (1)? Khi so sánh con người với mọi vật khác trong thế giới này, đặc biệt khi so sánh “cái tâm” (tinh thần, tâm hồn) của con người với “tâm” của động vật (2), “cái tâm”  của con người có cái gì đặc biệt riêng và lạ lùng mà trí tuệ con người khó biết hết được.


Do đó, con người là vật tôn nghiêm hơn tất cả mọi vật, giả sử muốn bắt chước lời nói, hành động của động vật, con người cũng không thể nào làm được, nói chính xác hơn, không thể tự nhiên làm được


Cái này chính là cái tâm thật sự của con người. Nói dễ hiểu, đó là trí tuệ đạo đức của con người. Càng cách xa động vật bao nhiêu, trí tuệ và đạo đức của con người sẽ càng cao lên bấy nhiêu. Cái tâm thật sự của con người phát sinh tự nhiên từ con người của chúng ta, không phải do được chỉ dạy từ người khác nên cũng không cần phải e dè hay để ý lời khen chê của người khác.


Với mọi vật, mọi chuyện, chúng ta tự phụ rằng “duy ngã độc tôn” (3), lấy tinh thần độc lập làm phương châm cho lời nói và hành động của bản thân. Thầy của trí tuệ và đạo đức là chính bản thân chúng ta, luôn có mặt bên cạnh chúng ta. Điều này có nghĩa chúng ta phải luôn luôn kiên trì, giữ chắc chủ trương sống của bản thân.


Tóm lại, tự mình tôn kính mình, tự mình tôn trọng mình, sống độc lập, cố gắng hết sức làm bổn phận làm người của mình. Vỏn vẹn chỉ có bao nhiêu đó.


Nhân nghĩa trung hiếu (4) là các đức tính tốt. Nhưng những người đặc biệt tôn thờ chúng như đạo đức và chính nghĩa, chúng ta có thể xem phẩm cách của họ chưa được cao lắm. 


Từ đầu con người không phải là động vật. Con người cách rất xa động vật, là tồn tại cao thượng nhất và ưu việt nhất mà trí người không thể biết hết. Một khi đã tự giác rõ ràng minh bạch như thế, chắc chắn không ai sẽ có ý nghĩ muốn bắt chước các hành vi do bệnh hay chướng ngại thần kinh sinh ra như: hành vi vô nhân đạo, phản chính nghĩa, bất trung với vua, bất hiếu với cha mẹ. 


May mắn là con người bình thường không có chướng ngại hay bệnh thần kinh, nên không cần phải đặc biệt ngợi khen các đức tính nói trên. Bởi vậy khi chúng ta có những đức tính trên dĩ nhiên cũng không nên tự khen mình.


Những đức tính như sống theo lẽ phải, thương người, tìm hiểu cái đúng, trung thành với vua, hiếu thảo với cha mẹ, tất cả đều là những việc người nào cũng có thể làm được. Do đó, khi chúng ta thực hiện được chúng, chúng ta cũng không nên lấy đó đánh giá cao bản thân rồi tự lấy làm mãn nguyện. 


Cuộc đời con người khá dài, lại có nhiều việc cần làm nên thường bận rộn để tiếp xúc, đối mặt với vô số sự việc, đôi khi không có thời gian để tìm hiểu,

suy nghĩ cặn kẽ. Do đó để sống không sai trái, chúng ta chỉ cần tự tôn, tự trọng bản thân. Đây là bản tâm, bản tính đã có sẵn trong con người của chúng ta, không cần phải tìm ở đâu khác. Để sống đúng, chỉ cần có vậy thôi.


Nói tỉ dụ, tai chúng ta nghe nhiều thứ âm thanh, mắt chúng ta thấy nhiều màu sắc, hình ảnh. Tiếp theo chúng ta hành động theo những điều “cái tâm” của chúng ta cảm nhận được từ tai nghe, mắt thấy. Vì đói khát và lạnh rét, con người tìm cách làm ra cái ăn, cái mặc. Vì đau đớn do bệnh tật, con người tìm kiếm thuốc trị và nghiên cứu y học. Con cái chào đời, các bà mẹ cho bú sữa nuôi lớn. Gặp người không thấy đường, chúng ta chỉ họ phương hướng, hướng dẫn cách đi. Thấy gió mạnh, sóng biển lớn, con người chế tạo tàu chạy bằng hơi nước. Thấy cực nhọc của đi của đường bộ, con người nghĩ ra đường sắt.


Vô số sự vật đa dạng như kể trên, bất kỳ là do trí tuệ hay do đạo đức, nhưng tất cả đều phát sinh từ cái tâm đã có sẵn từ trước trong con người, sau đó mới xuất hiện ra thế giới bên ngoài.


Mỗi con người có cái tâm khác nhau. Cái tâm này từ đầu là cái tâm độc lập ứng với bản thân của người đó. Do đó, nếu chúng ta nghĩ rằng bản thân chúng ta là cao thượng, là tồn tại ưu việt mà trí người không thể biết hết được và chúng ta hướng thượng tiến lên, thì đối với mọi việc trong đời, dù chúng ta có muốn làm việc ti tiện, khó coi cũng không thể làm được. 


Đối với các đức tính quan trọng như thương người, bảo vệ chính nghĩa, trung quân, hiếu thảo cha mẹ, chúng ta phải tu tâm không ngừng để đạt được trình độ chúng ta không phải luôn luôn cảnh giác, không phải gắng sức mà vẫn thực hiện được chúng một cách tự nhiên.


Duy ngã độc tôn” là cái tâm thật sự con người phải có, là cội nguồn của mọi hành động của con người. Một khi nguồn nước cứ phun lên mãi, tự nhiên sẽ đạt đến nơi cần nước tràn thấm tới (5). Có “Duy ngã độc tôn” thì trí tuệ và đạo đức mới kiên cố được.


Phải hiểu rằng lời nói và việc làm của người đáng kính trọng không phải do người khác bắt buộc. Tất cả do tự phát của bản thân người đó.


Ở phần trên tôi đã viết chân dung của người sống độc lập nhưng trong thế giới hiện thực biến động nhanh của thời nay, người hiểu được ý nghĩa thật sự của chân dung trên không nhiều. Hơn nữa, không những không hiểu được ý nghĩa thật sự mà còn cẩu thả hiểu sai. Số người đó lại nhiều. 


Thí dụ, nếu nói đạo thương người, đạo trung quân, đạo hiếu thảo cha mẹ không phải là những cái phải đặc biệt ý thức hay gắng sức mới có được, nhưng phải tự nhiên thực hiện được chúng. Họ lại hiểu sai rằng: con người không cần phải tu sửa theo các đạo đó, ngược lại họ xem thường hay vượt qua các quy tắc, kết cuộc là quên mất tác dụng của tôn nghiêm của bản tâm có sẵn và gần giống như động vật.  


Do lý do trên, người giảng dạy đạo đức mới đặt ra các hạng mục chi tiết của đạo đức như: quan hệ cha con, quan hệ quân thần, quan hệ chồng vợ, quan hệ trưởng ấu v.v…, địa vị và bổn phận và đưa ra các phương châm về hành động và lời nói cho từng quan hệ này. Nếu dùng từ thông thường diễn tả, cách giảng dạy đạo đức nói trên giống như chia khu đất lớn ra nhiều mảnh nhỏ để dễ bán. Để duy trì và ổn định xã hội không còn phương cách giảng dạy nào khác, nhưng một khi chia cắt cái lớn thành những miếng nhỏ để dễ bán, cái quan niệm tổng thể của đạo đức sẽ nhạt đi là điều không thể tránh được. 


Lấy thí dụ khác, trường hợp chế tạo tàu thủy chạy bằng hơi nước. Vì tàu chạy trên biển bằng hơi nước nên người muốn chế tạo nó trước hết cần nắm rõ các quan hệ cơ bản của toàn thể như lực đẩy của hơi nước, sức cản của sóng của gió là bao nhiêu. Kế đến mới xét đến cách kết hợp các bộ phận của máy móc, của thân tàu. Có thế mới điều chỉnh được lớn nhỏ, mạnh yếu cho các bộ phận trong tàu cân bằng. Đó chính là lĩnh vực mà kỹ sư thiết kế chế tạo tàu mới có thể phát huy được. Nếu không nắm được cái căn bản của toàn thể, chỉ biết cục bộ về các bộ phận của tàu là công việc của người thợ chuyên môn. 


Các người giảng dạy đạo đức xưa và nay có thật sự là những kỹ sư thiết kế chế tạo tàu biết chú ý đến các hoạt động do cái tâm có sẵn từ trước của người, cái mà khó thể biết hết được (bất khả tư nghị) hay không? Họ có xác định rõ các hoạt động này trong tâm để sau đó giảng dạy phương cách xử lý thích hợp các việc ngoài đời hay không? Hay họ chỉ là các thợ chuyên môn về mỗi bộ phận của tàu, họ xem thường cái cội gốc trong tâm con người, và chỉ chăm chú vào các hoạt động bên ngoài của con người mà thôi? Không ai nghĩ rằng các người giảng dạy đạo đức xưa nay là trường hợp sau hay sao?


Thí dụ, chỉ có một vài nhân vật trác tuyệt vĩ đại nào đó nói rất ít về cái chủ nghĩa “Duy ngã độc tôn”, cái căn bản thực sự để làm người. Như vậy phần lớn các học giả đời sau không thể hiểu thấu rõ cái chân ý đó. Do đó không thể nói cái chủ nghĩa “Duy ngã độc tôn” đã được truyền dạy cho đời sau. Thật sự rất đáng tiếc. 


Nguyễn Sơn Hùng

Tháng 6/2017


(*) Nguồn: Truyện số 8 trong quyển “Phúc Ông Trăm Truyện Tiếp Theo” của Fukuzawa Yukichi, 1901, Thời Sự Tân Báo Xã phát hành.


Chú thích

  1. Nguyên văn là “Con người là linh trưởng của vạn vật” 

  2. Nguyên văn là “cầm thú” trong cả bài này, ở đây biên dịch thay bằng từ “động vật”.

  3. Duy ngã độc tôn: thông thường được hiểu “trong đời này không có gì tôn quý hơn bản thân” nhưng cũng có người giải thích “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” là trong vũ trụ này con người là đáng tôn kính nhất. Ở phần đầu truyện tác giả có đề cập đến “Con người là linh trưởng của vạn vật” nên chúng ta có thể tác giả theo cách giải thích sau. Cụ thể hơn, tác giả giải thích câu này trong truyện số 19 TT như sau: “Người sống độc lập phải vững tin bản thân mình, tự bản thân phải tự giác rằng “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” như lời Phật nói, không có gì đáng tôn trọng hơn, không có gì đáng yêu thương hơn bản thân mình, tự mình quyết định chuyện mình làm.” 

  4. Nhân nghĩa trung hiếu: thương yêu người, bảo vệ lẽ phải (chính nghĩa), trung thành với vua, hiếu thảo cha mẹ. Đây là nghĩa thông thường, muốn biết tác giả hiểu “trung” và “hiếu” như thế nào xin xem truyện số 9 TT và truyện số 10 TT.

  5.  Ý nói “cái tâm” của chúng ta như một nguồn nước phun. Nguồn nước này cứ phun lên mãi, nước của nguồn nước phun sẽ tràn thấm đầy trong lòng chúng ta. Càng tu tâm, sức mạnh và độ cao của nước phun càng mạnh càng cao.


🍁🍁🍁🍁🍁🍁

Mời Xem :Phúc Ông Trăm Truyên số 6


1 nhận xét:

Chúa Giêsu – Thiên Chúa giáng sinh - Tác giả: Nguyễn Hữu Đổng

  Chúa Giêsu là gì? Vấn đề này chưa được giới học thuật hiểu rõ. Bằng tư duy lịch sử giới, tác giả lý giải làm sáng tỏ Chúa Giêsu; đồng thời...