Thứ Ba, 14 tháng 12, 2021

Mẹ Chồng, Nàng Dâu

 

Nguyễn Ngọc Duy Hân

Nói về mẹ chồng nàng dâu thì ca dao đã có câu: 

“Thật thà cũng thể lái trâu
Yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng.”

Hoặc

“Mẹ chồng đối với nàng dâu
Như mèo với chuột, có thương nhau bao giờ.”

Quả thế, mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu là chuyện dù xưa như trái đất, nhưng vẫn là vấn đề mà mỗi gia đình Việt Nam phải đối mặt, dù ở Việt Nam hay ngay tại hải ngoại. Nguyên nhân thường do sự khác biệt giữa hai thế hệ già trẻ, hành động bảo thủ của mẹ chồng và cách đối đầu vụng về của nàng dâu. Vì thế nhiều tác giả đã tốn nhiều trang sách để khuyên răn, thay vì giữ định kiến và thái độ thù địch, mẹ chồng và nàng dâu nên tìm hiểu để hòa hợp, làm tốt nhất trong hoàn cảnh của mình, để gia đình bớt căng thẳng và có được hạnh phúc. Khuyên thì cũng tốt, nhưng thực hành thì sao? 

Một người chồng đã than thở: Chẳng có gì đau đầu bằng hai "bà tướng" trong nhà xung khắc với nhau Tôi không biết phải xử sao khi bị ép chọn một là vợ, hai là mẹ. Cả  hai bà tướng đều ca bài “Người ấy và tôi, anh chọn ai”. Rất khó vì anh chồng không thể bỏ mẹ mà cũng không thể bỏ vợ con. Phía con dâu thì sau khi triền miên chịu ức hiếp, cũng có ngày “phụ nữ vùng lên”, hay nói đúng hơn là “phụ nữ khùng lên”, thế là chiến tranh lan tràn.

Nói chung thì mẹ chồng và nàng dâu cùng là phái yếu, thường có những nỗi lo cũng như những mối quan tâm chung: đều yêu thương con cái, hết lòng chăm sóc cho gia đình. Bà mẹ chồng cũng từng là con dâu trước kia, và cô dâu cũng sẽ là mẹ chồng trong tương lai. Cả hai cùng chung mục đích, cùng chung hoàn cảnh sống mà tại sao lại ghét nhau? Ghét rồi thì làm sao để tránh, để mâu thuẫn gia đình giải quyết ổn thỏa?

Trước khi cùng tham khảo một số tài liệu để tìm ra phương hướng, mời bạn cùng chúng tôi đọc lại vài bản tin về mẹ chồng và con dâu.


Đầu tiên là chuyện bên Hoa Kỳ, cô Sara Raras, 35 tuổi. Sara tốt nghiệp môn toán học, là chuyên viên thống kê của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ. Cô có một con trai 1 tuổi và đã ly thân, rất thân thiện và hay giúp đỡ người khác.

Một ngày xấu trời, thi thể Sara được cảnh sát phát hiện trong vũng máu tại căn nhà ở Howard, thuộc tiểu bang Maryland. Cơ thể Sara bị đâm nhiều nhát đến biến dạng. Lorenzo Raras, người chồng mới ly thân bị cảnh sát đưa ngay vào danh sách tình nghi. Nhưng cuối cùng, cảnh sát đã tìm ra bà Emilia, mẹ chồng Sara lại chính là hung thủ của vụ án. Bà mẹ chồng nhận tội, bảo là bà chỉ thuê xã hội đen dằn mặt con dâu để trả đũa việc con dâu không tôn trọng mình, không dè xã hội đen ra tay đâm chết Sara. Năm 2000, sau một tuần xét xử, bà mẹ chồng Emilia bị lãnh án chung thân không ân xá.

Kế tới là các chuyện liên can tới pháp luật, chết chóc thường xuyên xảy ra tại Việt Nam. Chẳng hạn việc cô con dâu cãi nhau với mẹ chồng, uất ức chịu không nổi đã ôm con trai 7 tuổi nhảy xuống giếng tự tử ở Đaklak. Hai mẹ con chết thảm dưới giếng nước trong vườn cà phê cách nhà khoảng 2 km.

Hoặc chuyện cô Hoàng Thị Vấn phải chịu tội trước vành móng ngựa. Cô bị hiếm muộn không sanh được con, bị mẹ chồng mắng mỏ thường xuyên, đòi cưới vợ lẽ cho con trai để có cháu ẵm bồng. Tranh cãi xảy ra mỗi ngày, cho đến một buổi sáng cô con dâu tên Vấn đã “bức xúc” tỏ thái độ dứt khoát với mẹ chồng: "Bà có giỏi thì tự đi mà đẻ!". Cô liền ăn một cái tát trời giáng của mẹ chồng. Hoàng Thị Vấn mất tự chủ, thấy có cái búa đinh để gần đó, liền vung lên đập trả đũa vào đầu mẹ chồng. Bà Hòe tuổi cao sức yếu, ngã quỵ xuống nền xi măng mất mạng.

Cũng có chuyện bà mẹ chồng túm tóc đuổi cổ con dâu ra khỏi nhà vì sinh toàn con gái. Ngược lại tại Qui Nhơn, báo chí đã đăng tin nàng dâu tạt thẳng tô phở nóng vào mặt mẹ chồng vì quá tức giận.

Tại Sơn La, cũng là vì "Tức nước vỡ bờ", cô con dâu đã lấy mạng mẹ chồng bằng 33 nhát dao. Người con dâu này vốn được tiếng thảo hiền, nhẫn nhịn, nhưng trong lúc điên cuồng vì bị đàn áp lâu năm, đã lỡ tay giết mẹ chồng dù không hề muốn như thế.

Đó là chuyện thật xảy ra nhan nhản trong đời sống ngày nay. Quay trở lại trong ca dao xưa, ông bà ta đã có rất nhiều câu:

“Bà già mặc áo bông chanh
Ngồi trong đám hẹ, nói hành nàng dâu”.

Phận con dâu ngày xưa còn phải khổ vì cô em chồng quá quắt:

“Làm dâu cha mẹ chồng có chừng, có đỗi
Làm dâu em chồng có nhiều nỗi đắng cay”

Trong cuốn tiểu thuyết “Cô Giáo Minh” của Nguyễn Công Hoan, cũng có nhắc tới chi tiết cô giáo Minh khi nấu cơm cho nhà chồng, bị cô em chồng hãm hại bằng cách bỏ thêm muối vào nồi canh mặn điếng để Minh bị mắng.

Ông bà ta cũng có nhiều lời khuyên:

“Má đừng khắc bạc con dâu
Còn để cái đức về sau cho con má nhờ”

Hoặc lời cảnh báo:

“Chó béo đẹp mặt chủ nhà
Nàng dâu rách rưới, mụ gia thẹn thùng”

Còn đây là tâm sự của nàng dâu thời ấy:

“Cây khô chết đứng giữa đồng
Mần dâu trăm chuyện, mẹ chồng còn chê”

Hoặc xin nghe các chị nỉ non:

“Đêm nằm tôi nghĩ tôi rầu
Làm dâu thật khổ từ đầu chí đuôi
Ra thân tối mặt vùi đầu
Các chị sung sướng riêng dâu mẹ hành
Chê tôi khờ dại không lanh
Mẹ đào, mẹ chửi, mẹ hành xót xa….”

Nhà có người chết thì ai cũng buồn, nhưng mời nghe tâm sự thật lòng của cô con dâu khi mẹ chồng chết:

“Bà gia mới chết hôm qua
Trong chay, ngoài bội tốn ba mươi đồng
Không khóc thì tội bụng chồng,
Khóc thì lạt lẽo như dưa hồng mắc mưa
Ớ chị em ơi, cho tôi xin tí nước mắt thừa
Tôi về tôi khóc tiễn đưa mẹ chồng”!

Khổ vì chị chồng, em chồng thì chớ, người phụ nữ Việt có khi còn bị chính người chồng đối xử tàn tệ qua lời xúi giục của mẹ chồng:

“Chồng giận chồng đánh ba dùi
Mẹ chồng chẳng chữa, lại xui đánh què”.

Thế nên “con giun xéo lắm cũng oằn”, cô con dâu cũng có lúc phản kháng:

“Con mèo trèo lên cái gác
Bà già nộ nạt, mắng chửi nàng dâu
Bà này, tôi không sợ bà đâu
Cây kim sợi chỉ tôi khâu miệng bà”

Sợi chỉ này chắc phải to lắm mới “stop” được những lời cay độc của bà mẹ chồng này.


Nói đi thì cũng phải nói lại, không phải lúc nào mẹ chồng cũng là “trouble maker”, cũng có khi xui xẻo gia đình chồng gặp phải nàng dâu vừa lười, vừa thiếu đức hạnh:

“Nhà bà có phúc cưới được dâu hiền
Nhà tôi vô duyên cưới cô dâu dại
Việc làm thì trái, chỉ tưởng những ăn
Hễ bảo quét sân, đánh chết ba gà
Bảo đi quét nhà, đánh chết ba chó...”

Việc cô con dâu vụng về như “vợ thằng Đậu” thì không phải hiếm xảy ra, lỡ cưới về thì cũng phải dở khóc dở cười.

Đó là những câu nói xưa vẫn còn được loan truyền. Ngày nay văn minh hơn, mẹ chồng có lối nói khác, nhưng những lời này cay độc không kém, làm phận con dâu rất đau lòng:

“Tôi chỉ có một con trai, không ở với đứa con dâu này thì tôi bảo con tôi lấy đứa khác.”

“Ước gì con dâu nhà mình bằng được 1 phần 10 con dâu nhà người ta!”

“Tôi nói thật cho chị biết, nhà tôi thật vô phúc mới có đứa con dâu như chị.”

Hoặc lời đay nghiến:

“Những thứ cô đang dùng đều do con trai tôi làm ra, do cơ ngơi tôi có, cô lấy tư cách gì mà nói?"

Tôi cũng có chị bạn ở Canada, bảo lãnh bố mẹ chồng qua sống chung. Mẹ chồng hay nói, hay than phiền, khi chị “méc” với chồng để mong nghe lời an ủi, thì ông chồng lại vì bố mẹ mà trách cứ vợ nặng lời, nào là sao lại chấp bà già, sao lại khó chịu với người đã sanh ra tôi, không để tôi tròn chữ hiếu. Gia đình chị vì thế hết sức căng thẳng. 

Hiếm khi có cô con dâu may mắn, ít nhất cũng được chồng thông cảm cho bớt khổ như câu:

“Mẹ chồng cay đắng đủ điều
Mẹ ghét cứ ghét, chồng chiều cũng vui.”

Kinh Thánh Công Giáo đã khuyên mọi người về cách hành xử trong gia đình: “Hãy yêu mến Chúa, đó là điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai là hiếu thảo, hãy yêu thương kẻ lân cận chung quanh mình." Hoặc câu: “Hỡi kẻ làm con, mọi sự hãy vâng phục cha mẹ mình, vì điều đó đẹp lòng Chúa”. Đối với người gia trưởng, sách Epheso cũng nói rõ: “Trách nhiệm người chồng làm chủ gia đình, là phải yêu thương vợ mình như yêu chính thân thể của mình”.

Nhân nói về tấm lòng với cha mẹ, tôi xin mở ngoặc một câu chuyện. Rằng thì là ở một bộ lạc bên Phi châu, các thanh niên khi đến tuổi trưởng thành rất muốn được gọi là “chiến sĩ”. Tuy nhiên, muốn được mang danh hiệu này, anh phải trải qua một cuộc sát hạch, thường là thả vào rừng sâu một thời gian.

Năm ấy, có ba thanh niên chuẩn bị làm “chiến sĩ”. Sau một tháng tự sống trong rừng sâu trở về, vị tù trưởng hỏi người thứ nhất: “Anh đã làm được gì?” Người thanh niên thưa: ”Tôi đã giết được một con hổ dữ”.

Tù trưởng hỏi người thứ hai, anh này đáp: “Tôi đã chém được một con trăn to”.

Còn anh thứ ba nói với tù trưởng: “Tôi cũng phải chiến đấu với thú rừng, nhưng chủ ý là kiếm mật ong. Tôi có mẹ già, nhà nghèo, nên nhân cơ hội vào rừng tôi ráng kiếm mật ong đem về cho mẹ tôi bồi dưỡng”.

Nghe xong, vị tù trưởng nói: “Anh là người chiến sĩ tốt nhất, bởi vì biết sống hiếu thảo với cha mẹ”.

Trong kinh Tăng Chi Bộ, chi tiết hơn, đức Phật đã khuyên rằng: “Cô dâu mới về nhà chồng có thể gặp những khó khăn, vì thế nàng dâu phải tuân thủ những nguyên tắc sống trong gia đình nhà chồng. Phải kính trọng, phục vụ bố mẹ chồng một cách chu đáo như là bố mẹ ruột của mình. Phải tôn trọng những người thân và bạn hữu bên nhà chồng, tạo nên một bầu không khí an vui và hòa hợp trong gia đình chồng..." 

Phật Giáo cũng rất đề cao 4 chữ: Chữ Hiếu - Tình  -  Đạo -  Đức, không phải chỉ nàng dâu mẹ chồng mà tất cả mọi người đều nên thực hành 4 chữ này. Đừng để: 

“Sống thì con chẳng cho ăn,
Chết thì xôi thịt, làm văn tế ruồi”

Trong kinh Đảnh Lễ Sáu Phương đức Phật cũng đã dạy: “Chồng phải thương yêu vợ, chung thủy với vợ, săn sóc đời sống vật chất cho vợ, trao cho vợ quyền quản lý những công việc trong gia đình, kính trọng gia đình vợ. Còn vợ thì phải thương kính, chung thủy với chồng, quản lý gia đình tốt, siêng năng làm việc, đối đãi thân thiện với gia đình chồng và bạn bè của chồng”. 

Tất cả những điều khuyên nhủ trên muốn thực hành không phải dễ, nhưng nếu quyết tâm thì cũng có thể phần nào làm được. Khi làm được thì không những gia đình chồng vui mừng, mà chính bản thân mình và gia đình mình cũng được an tâm, vui vẻ lây.

Ngày nay, không ít những cặp vợ chồng sống với nhau thiếu hạnh phúc, có khi phải đi đến việc ly hôn, mà lý do lại là vì cha mẹ chồng. Đây là một thực trạng đáng lưu tâm trong xã hội, làm khổ nhiều người đặc biệt với con nhỏ. 

Cũng nên nhìn lại, quan niệm về bổn phận của con dâu ngày nay đã khác. Trước đây, quán xuyến việc nhà, chăm sóc bố mẹ và con cái được xem là nhiệm vụ của người phụ nữ. Ngày nay, phụ nữ phải đi làm để có thêm tiền thu nhập cho gia đình. Vì vậy việc nhà, chăm sóc con cái và bố mẹ, ông bà phải được chia đều cho cả hai vợ chồng. Mẹ chồng đừng mang quan niệm lạc hậu, cho rằng việc con trai mình phải giúp trong bếp, phải ẵm con là bị con dâu hà hiếp, bị ngồi trên đầu rồi phê phán, cấm đoán.

Chị bạn tôi kể chuyện hồi lâu rồi, khi chị mới bảo lãnh cha mẹ chồng qua Canada sống chung. Chị lấy một tuần “vacation” ở nhà để đoàn tụ, hướng dẫn ông bà về đời sống mới. Tuần sau khi chị chào cha mẹ chồng bắt đầu đi làm trở lại, bà thảng thốt hỏi: “Thế thì ai ở nhà nấu cơm?”

Bố mẹ chồng đối xử tốt với con dâu thì không có lý gì con dâu lại không tử tế trở lại. Một gia đình mà có mâu thuẫn, thường là do những người trong nhà không nhường nhịn nhau, không đối diện để thẳng thắn xây dựng cho nhau. Một số các cụ ngày xưa khi con dâu lỡ làm điều gì sai thì đi nói xấu khắp nơi, nhưng không biết cách giải thích, nói thẳng để con dâu hiểu mà làm khác đi. Mà nếu có thì lại không góp ý nhẹ nhàng, mắng mỏ phủ đầu, không cho con dâu cơ hội giải bày, nhận lỗi. Ngược lại nếu cha mẹ chồng sai lỗi, hiểu lầm, con dâu cũng cần phải tôn kính trình bày vấn đề. Đôi bên cần nhận ra cái khó của mỗi bên rồi cùng nhau bắt tay sửa đổi. Không nên đối xử kiểu “đá thúng đụng nia”, bóng gió không ai hiểu mình muốn gì. 

Để trở thành nàng dâu tốt, sách vở đã gợi ý:
  1. Mẹ chồng, nếu bỏ đi chữ chồng thì còn lại chữ mẹ. Một mẹ ruột đã giúp ta rất nhiều, nếu có thêm sự giúp đỡ của một người mẹ khác nữa, chẳng phải là tốt hơn sao. Dù bà mẹ chồng có ganh tị, khó chịu với bạn một tí, thì cũng là tâm lý dễ hiểu mà.
  2. Mẹ chồng khó chịu với bạn có thể vì chính cuộc sống của bà chịu nhiều áp lực mà bà không vượt qua được. Vậy chính bạn hãy tìm hiểu, lắng nghe bà tâm sự, an ủi, quan tâm đến bà trước.
  3. Không nên đối đầu với mẹ chồng. Thay vì vậy, hãy nỗ lực chinh phục bởi bà sẽ là đồng minh mạnh nhất giúp bạn bảo vệ hạnh phúc gia đình. Không ít các bà mẹ chồng đã bênh vực con dâu, nhất là khi con trai có bồ bịch bên ngoài.
Nói chung, không phải chỉ mẹ chồng, con dâu Việt Nam mới có vấn đề, ở các nước Tây Phương, “in laws” cũng là đề tài nhức nhối. Đặc biệt ở các nước Á Châu, các quốc gia theo đạo Hồi, số phận con dâu càng dễ trở nên thê thảm. Tại Đại Hàn, con dâu được dạy phải xem chồng như vua chúa trong nhà. 42% cô dâu nước ngoài lấy chồng Hàn bị thống kê là nạn nhân của bạo lực gia đình. Việc cô Aesha Mohammadzai, người Afghanistan bị gia đình chồng cắt tai, cắt mũi đã là đề tài lớn cho báo chí thế giới khoảng năm 2010. Chồng cô là một chiến binh Taliban. Cũng may sau này cô đã được giải phẫu chỉnh lại khuôn mặt. Aesha nói: “Tôi muốn nói với tất cả những phụ nữ đang bị lạm dụng, hành hạ rằng hãy mạnh mẽ và đừng bao giờ bỏ cuộc".

Tại Hoa Kỳ, cũng có chuyện bà Elizabeth Ann Duncan luôn lo sợ một ngày con trai sẽ rời khỏi vòng tay mình. Bà ghen kinh khủng vì tình thương của con trai đã san sẻ cho cô vợ mới. Ghét ghen đến nỗi bà mướn nhóm sát thủ siết cổ cô con dâu Olga rồi vứt xác xuống hố đã đào sẵn tại công trường, trong lúc này cô mang thai 7 tháng, tức là giết luôn cháu nội của mình. Elizabeth bị xử tử hình vào ngày 8 tháng 8 năm 1962.

Thêm một lý do khác để giải thích về rắc rối mẹ chồng nàng dâu: Mặc dù quan niệm “môn đăng hộ đối” đã giảm thiểu rất nhiều ngày nay, nhưng mâu thuẫn giữa mẹ chồng - nàng dâu cũng có thể nảy sinh do hoàn cảnh của hai gia đình không tương xứng. Nhất là gia đình con dâu không khá giả, mẹ chồng thường cho là “nó” lấy con trai của mình chỉ vì tiền bạc. Khi con dâu mua sắm quần áo mới, mỹ phẩm thì mẹ chồng thấy bực bội, tiếc tiền rồi …. chửi.

Mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu cũng có khi là vì mẹ chồng can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của hai vợ chồng đứa con. Hãy để các cặp vợ chồng sống độc lập và tự đưa ra quyết định, cha mẹ chồng chỉ góp ý khi cần thiết. Ngày con trai lớn tôi đám cưới, tôi cũng lo lắng việc này việc kia, đứa con trai nhỏ đã phải nhắc: "Mẹ, it’s their wedding, not your wedding”. Tôi giật mình rồi không ý kiến, ý cò gì nữa về cách tổ chức đám cưới của chúng. Đúng rồi, có phải đám cưới của tôi đâu! 

Cá nhân tôi cũng thấy để tránh đụng chạm, hai vợ chồng nên tách ra sống riêng. Chỉ trong trường hợp gia đình còn nghèo, điều kiện kinh tế không cho phép hoặc cha mẹ chồng quá già yếu cần chăm sóc, thì phải đành chấp nhận ở chung nhà. 

Có những cha mẹ chồng tự tiện vào phòng riêng của 2 vợ chồng đứa con, nói là giúp dọn dẹp. Có khi đòi sơn phòng của chúng màu này, trang trí kiểu kia, thắc mắc sao lại mua thêm món này mà không mua món khác, phí tiền vô ích… Hãy “leave them alone”, chuyện gì rất quan trọng thì mới nói. Đừng nghĩ chuyện nhỏ thôi mà. Ly nước lâu ngày sẽ làm tràn ly, mới đầu thì chỉ là phản cảm, dần sẽ dẫn tới mâu thuẫn, to tiếng, rồi hận thù đằng đằng.

Quý mẹ chồng cũng nên thay đổi suy nghĩ, phụ nữ ngày nay rất ngại sinh con. Không thể nghĩ “Trời sanh voi Trời sanh cỏ” như xưa, nuôi đứa con rất tốn tiền và tâm huyết. Nếu có sinh con phải có kế hoạch cụ thể. Đừng đòi hỏi con trai mới cưới vợ xong là sẽ có cháu bồng, cháu bế ngay.

Quan điểm khác biệt về cách chăm sóc, nuôi dạy trẻ nhỏ cũng có thể gây ra khó khăn trong việc gìn giữ liên hệ tốt đẹp giữa con dâu và mẹ chồng. Mẹ chồng thường nuôi dạy con cái dựa trên kinh nghiệm thời trước. Con dâu dựa theo khoa học tân tiến ngày nay. Chẳng hạn có bà nội đã từng nhai cơm rồi mớm cho cháu, cách này rất cổ hủ, không hợp thời nữa. Bà lại chiều cháu cho ăn đủ thứ, trong khi con dâu muốn con ăn theo công thức cẩn thận.

Người chồng nên là cầu nối giúp mẹ và con dâu hiểu nhau hơn. Nếu chồng có cách cư xử khéo léo, công bình, nói ngọt cho hai bên, các khó khăn hiểu lầm có thể hóa giải.

Con dâu cũng có thể chia sẻ với chồng khi có mâu thuẫn với gia đình chồng, tham khảo ý kiến của bạn bè, người thân. Nhưng căn bản là từ tấm lòng thành thật yêu thương muốn bảo vệ gia đình, đừng nói thêm nói bớt, đừng “đổ dầu vào lửa”. Nên nhớ vấn đề không thể giải quyết cứng nhắc mà cần có sự khéo léo, mềm mỏng, và nhất là nhường nhịn. Hãy tự hỏi nổi nóng, làm “tầy quầy” ra rồi được cái gì. Chi bằng bỏ chín làm mười, chắc chắn sẽ có phương hướng giải quyết vấn đề một cách bớt xấu hơn.

Sách vở cũng khuyên nên tôn trọng mẹ chồng, thông cảm rằng lối sống và quan điểm của người ở thế hệ trước rất khó có thể thay đổi. Tương lai chính mình cũng sẽ rơi vào hoàn cảnh mẹ chồng bây giờ. Thay vì ngang ngược bác bỏ ý kiến bị cho là cổ hủ, cần thể hiện sự tôn trọng qua lời nói, hành động và nhất là biết lựa chọn thời điểm thích hợp. Đừng làm mẹ chồng “quê” trước mặt người khác. Sự chân thành, tôn trọng sẽ giúp mẹ chồng hiểu được thành ý rồi đổi thay thái độ thù địch.


Con dâu có thể tâm sự với mẹ chồng những điều cảm động, bị khó khăn để tạo sự gần gũi, thông cảm. Nếu bà muốn giúp một số việc nhà, hãy trân trọng và để bà làm, đừng để bà thấy mình bị “ra rìa”. 

Đó là lý thuyết, làm được thì mừng. Nhưng khi thực tế phũ phàng, hai mẹ con không thể chịu đựng được nhau nữa thì sao? Đã có chị đặt câu hỏi: 

“Mẹ chồng thường xuyên chửi mắng, vu oan, tôi có nên lén đặt camera để vạch mặt”?

Bạn nghĩ sao về cách này? Với tôi, khi cần, cũng nên thâu lại vài hình ảnh để chứng minh mình tối tăm mặt mũi làm việc cả ngày. Nếu bà mẹ chồng quá quắt, mặt ngoài thì ngọt bùi, khi vắng chồng thì mắng mình nặng lời, cũng nên thâu lại câu chửi để chồng hiểu mình khổ như thế nào, nhưng “vạch mặt” nhau cách công khai thì có lẽ không nên.

Cũng có một câu chuyện khác. Một chị kết hôn đã được 11 năm, có hai cô con gái ngoan ngoãn. Từ sáng sớm chị đã phải dậy sớm lo ăn sáng cho cả nhà, đi làm về cũng hùng hục cơm nước, lau dọn, không thiếu bổn phận gì. Nhưng vì mẹ chồng muốn có cháu nội đích tôn, trong khi chị sanh khó không muốn có bầu lần nữa, thì bà lập mưu cưới vợ bé cho con trai. Điều đáng nói là ông chồng được mẹ mở lối, đã làm cô gái kia có bầu, rất có thể sẽ sanh được con trai. Thật là khó xử, nếu bạn đóng một vai trong gia đình này, bạn sẽ hành xử ra sao? Theo tôi, dù có thằng cháu nội “nối dõi tông đường”, nhưng gia đình tan nát, hạnh phúc không trọn vẹn, thì có đáng để đánh đổi không?

Xin nhắc thêm là các con dâu cũng trẻ người non dạ, chưa có nhiều kinh nghiệm nên rất cần sự cảm thông và sẻ chia từ gia đình chồng. Hãy yêu thương và vị tha với con dâu, bỏ qua những điều nhỏ nhặt. Việc đại gia đình êm ấm, vui vẻ là điều quý giá nhất.  Khi có rắc rối, con trai mình sẽ là người khổ đầu tiên, là cha mẹ đâu ai muốn con mất bằng an, đau khổ.

Người ta cũng khuyên là hai bên hãy chịu khó tâm sự để nắm bắt được tâm lý, thói quen của nhau, hiểu được tâm trạng, ước muốn rồi tìm tiếng nói chung.

Có khi nhà chồng đi chùa, con dâu lại đi nhà thờ, có khi gia đình bên con dâu thích nhậu, thích nhạc kích động, gia đình chồng lại sợ rượu, thích im lặng, dễ nhức đầu vì tiếng ồn… Tất cả đều cần sự quan sát, quan tâm và cùng nhau cải thiện, mỗi bên bớt một chút.

Người chồng đứng giữa cũng chịu trách nhiệm rất lớn, ngoài lo toan sự nghiệp, cũng cần biết cách ổn định gia đình, giải thích để giúp đỡ vợ hòa nhập với thói quen trong gia đình mới. Các bậc cha mẹ cũng nên tôn trọng sự lựa chọn con cái và chấp nhận người bạn đời của con mình. Nếu ai cũng đặt mình vào vị trí của đối phương mà nghĩ cho nhau thì sẽ tốt biết mấy.

Người con dâu cũng cần luôn học hỏi để hoàn thiện bản thân: Quan niệm “thêu thùa, nữ công gia chánh” đang thay đổi vì phụ nữ làm ra tiền, có vị trí vững chắc trong xã hội có thể bỏ bớt các chi tiết này. Tuy nhiên, việc tự tay nấu nướng, dọn dẹp, biết may vá đơn giản… luôn làm gia đình gần gũi, tốt đẹp hơn.  Có người nói “Tôi có thể làm giúp bạn nhiều thứ, nhưng không thể tập thể dục, hoặc uống thuốc dùm bạn”. Quả thế, có tiền cũng không nên để người khác làm cho mình những việc căn bản trong gia đình. Tôi có người quen phải mướn vú em nuôi con cho mình, vì chị quá bận rộn buôn bán xa. Kết quả đứa bé chỉ muốn được người vú ẵm bồng, khi mẹ ruột đến gần thì khóc thét. Cũng đừng chẳng bao giờ xuống bếp, kẻo chồng con chỉ trầm trồ nhắc tới món ăn ngon do người khác làm.

Cũng đừng bắt chồng hoặc con làm quan tòa phân xử ai đúng ai sai, mà tùy trường hợp, giải quyết vấn đề tận gốc rễ bằng sự khách quan, trung lập. Hãy hiểu ít khi nào lỗi là chỉ do một bên. Chớ nên căng thẳng tới mức to tiếng: “Con của tôi đẻ ra, chuyện dạy dỗ nó không phải việc của mẹ”. Thay vào đó, có thể nhờ người uy tín khuyên can giùm mẹ chồng, hoặc khéo léo cho bà xem các bài viết, chương trình nuôi dạy trẻ theo lối mới, hy vọng mẹ chồng sẽ khó khăng khăng giữ lối cũ.


Riêng tôi ở hải ngoại lâu năm, chịu ảnh hưởng tự do, phóng khoáng, cũng rất thương thân phận con dâu ở quê nhà bị hà hiếp. Tôi ủng hộ việc phụ nữ trẻ mạnh mẽ hơn, không luôn mãi cam chịu thế lực của xã hội phong kiến. Gia đình chồng không thể tiếp tục làm khổ phận con dâu cách vô lý.

Bản thân tôi cũng đã phải làm dâu và bây giờ đang đóng vai mẹ chồng. Hồi ấy tôi bằng lòng lấy ông xã, cho anh thêm điểm so với vài anh chàng khác vì thấy cha mẹ anh ở Việt Nam, tôi khỏi phải làm dâu. Nhưng sau đó thì chúng tôi quyết định đem ông bà sang Canada ở chung. Thời gian đầu cũng có những đụng chạm nho nhỏ do hai bên không hiểu nhau. Thế nhưng dần dà tôi cũng hiểu được suy nghĩ, ngôn ngữ, hành xử của ông bà già chồng, và hiểu rõ nếu tiếp tục khó chịu, người đầu tiên bực bội mất bình an là chính mình. Tôi cố thực tập các lời khuyên trong sách vở, bỏ qua một số việc và kết quả ông bà sau này rất quý tôi. Khi vợ chồng chúng tôi giận nhau, ông bà thường bênh vực tôi hơn là chính con trai mình. Tôi rất vui và thật lòng khi chia sẻ điều này. Cũng may mẹ chồng tôi rất hiền, hơn nữa tôi có đi làm, có cố gắng việc nhà. Phải có độc lập về kinh tế mới có độc lập về chính trị. Cô bạn tôi yếu đuối không dám lái xe, không biết tiếng Anh nhiều, phải lệ thuộc vào chồng và gia đình chồng. Khi cần tiền gởi về Việt Nam cho cha mẹ ruột cũng phải lựa lời, lựa lúc mới dám xin, thật là tội nghiệp. 

Sống chung với cha mẹ chồng là đề tài sôi nổi khó có “happy ending”, cần đem năng lực ra để tạo lập cuộc hôn nhân hạnh phúc, đem đến hạnh phúc đến cho những người chung quanh. Đừng nghĩ phải làm những gì lớn lao, vĩ đại. Sống đơn giản, thành thật đúng đạo lý căn bản, muốn đem an vui và hạnh phúc cho mình và người tức là đang thành công rồi.

Trên thế giới, người ta cũng có ngày dành riêng cho mẹ chồng, "National Mother-in-Law's Day". Ngày này lần đầu tiên được tổ chức vào 5 tháng 3 năm 1934 tại Amarillo, Texas. Lễ kỷ niệm sau đó đã được chuyển sang ngày Chủ nhật thứ tư của tháng Mười. Lý do có ngày lễ này vì người ta nhận ra các bà mẹ chồng chưa nhận được sự tôn trọng đúng mức. Tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng khiến khái niệm về mẹ chồng ngày càng ít quan trọng hơn. Nhưng các bà mẹ chồng xứng đáng có một ngày đặc biệt của riêng họ, từ đó thấy mình cần học hỏi, hành xử tốt hơn để được yêu mến hơn. Ngược lại ngày 26 tháng 9 hằng năm cũng là ngày thế giới dành riêng cho các cô con dâu “National Daughter-in-Law Day”.


Chúc bạn dù đang đóng vai mẹ chồng hay nàng dâu, đều luôn vui vẻ, có suy nghĩ và cách hành xử đúng đắn.

Nguyễn Ngọc Duy Hân

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...