Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2021

Tạp Ghi và Phiếm Luận : NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ BẤT NGỜ (1)

 


  DANH LAM THẮNG CẢNH

       Có rất nhiều từ ngữ, thành ngữ mà ta sử dụng rất thường trong cuộc sống thường ngày, nhưng ta lại không hiểu rõ ý nghĩa của những từ đó là gì. Ta chỉ sử dụng theo thói quen với ý nghĩa chung chung, người ta nói thì mình nói theo. Như ta thường nói "DANH LAM THẮNG CẢNH" là thành ngữ dùng để chỉ những phong cảnh đẹp, mà ta không biết DANH LAM là gì ? và tại sao dùng từ THẮNG CẢNH, mà không dùng từ Mỹ Cảnh. Cũng như tại sao gọi người cầm đầu là LÃNH TỤ ? và phải tuân theo những QUY CỦ của tổ chức. Cái gì là LÃNH, cái gì là TỤ, cái gì là QUY, cái gì là CỦ .v.v... và v.v...
       Sau đây ta sẽ lần lượt truy nguyên để tìm hiểu tận nghĩa gốc của các từ và các thành ngữ lý thú nêu trên.

   * DANH LAM THẮNG CẢNH 名藍勝景 : 
     - DANH 名 là Tên, là giỏi, là Nổi Tiếng; Như DANH SƯ 名師 là Thầy giỏi; DANH CA 名歌 là Ca sĩ nổi tiếng, là Bài ca hay.
     - LAM 藍 do từ GIÀ LAM nói gọn lại. Theo Từ Điển Phổ Thông trên mạng : “Già-lam” 伽藍 là Chùa Phật. § Phiên âm chữ Phạn "samgharama", gọi tắt là “Lam”, nghĩa là nơi thờ “Phật” 佛. Trong Truyện Kiều gọi là GIÀ, khi tả Thúy Kiều ở Chiêu Ẩn Am với sư Giác Duyên có câu :

                     Gió quang mây tạnh thảnh thơi,
                  Có người đàn-việt lên chơi cửa GIÀ.
               (Cửa GIÀ là cửa GIÀ LAM, là cửa Chùa đó)

     - THẮNG 勝 là trái với Thua, là Hơn, là Vượt trội. 
     - CẢNH 景 là Phong Cảnh, chỉ núi non sông biển trời nước cỏ cây xung quanh ta.
 Từ các nghĩa nêu trên, ta có :

      "DANH LAM 名藍" là những ngôi chùa nổi tiếng, "THẮNG CẢNH 勝景" là những phong cảnh vượt trội hơn những phong cảnh khác, (khác với MỸ CẢNH 美景 chỉ có nghĩa là Cảnh đẹp mà thôi!) Nên DANH LAM THẮNG CẢNH là "nơi có phong cảnh đẹp vượt trội và những ngôi chùa nổi tiếng". Tại sao phải có chùa ở đây ? Nói chung, đây là đời sống tâm linh tín ngưỡng của dân Châu Á, của Trung Hoa và Việt Nam nói riêng, đạo Phật mấy ngàn năm nay đã ăn sâu vào đời sống quần chúng với thuyết "Sắc tức thị Không" lấy thanh tịnh làm gốc, nên thường chùa chiền đều được xây dưng ở những nơi hẻo lánh hay núi non vắng vẻ để dễ dàng cho việc tu tâm dưỡng tánh, mà những nơi núi non hẻo lánh nầy lại là những nơi có phong cảnh đẹp, như trong Tăng Quảng Hiền Văn có câu :

               世 間 好 語 書 說 盡 , Thế gian hảo ngữ thư thuyết tận,
               天 下 名 山 僧 佔 多 。 Thiên hạ danh sơn tăng chiếm đa.  
  Có nghĩa :    
          Trên thế gian nầy, những điều tốt, những lời nói hay, thì sách vở đã nói và ghi chép cả rồi. Và... trong thiên hạ nầy, phần lớn những núi non nổi tiếng đẹp đẽ đều đã bị các nhà sư chiếm cả rồi. Nên...
        Cảnh núi non hùng vĩ với non xanh nước biếc mà được điểm xuyết thêm hình ảnh của một mái chùa cong cong thấp thoáng ẩn hiện thì càng làm tăng thêm vẻ đẹp, vẻ nên thơ của phong cảnh lên gấp bội. Cho nên, hễ nơi nào có THẮNG CẢNH thì nơi đó có DANH LAM, và ngược lại, hễ nơi nào có DANH LAM thì nơi đó là THẮNG CẢNH, nên ta mới có thành ngữ DANH LAM THẮNG CẢNH. Theo tập quán ngôn ngữ sử dụng trong dân gian lâu ngày, thành ngữ nầy được dùng để chỉ tất cả những cảnh đẹp ở trên đời, kể cả những cảnh đẹp của Châu Âu, Châu Mỹ chỉ có nhà thờ, thánh đường chớ không có chùa chiền miếu mạo gì cả, hễ có cảnh đẹp là người ta dùng thành ngữ "DANH LAM THẮNG CẢNH" để diễn tả và gọi tên. Ví dụ :
       - Một trong những DANH LAM THẮNG CẢNH của Miền Trung Việt Nam là Phố cổ Hội An.
       - Tháp Eiffel, Khải Hoàn Môn, Nhà thờ Đức Bà, 37 cây cầu bắc ngang dòng sông Seine thơ mộng... đều là những DANH LAM THẮNG CẢNH của nước Pháp.

 Thông thường, người ta gọi người cầm đầu một băng nhóm, một tổ chức, một hội đoàn, một phong trào, thậm chí một quốc gia... là LÃNH TỤ. Vậy Cái gì là LÃNH, cái gì là TỤ và LÃNH TỤ là gì ?!...
    - LÃNH 領 : là Y Lãnh 衣領, là Bâu áo; còn TỤ 袖 : là Y Tụ 衣袖 là Tay áo. Tại sao gọi người đứng đầu là Bâu Áo và Tay Áo ? Thì ra trang phục ngày xưa của Trung Hoa, ngoài bộ đồ mặc sát mình bên trong ra, bên ngoài thường khoát thêm một chiếc áo dài với Bâu Áo Cao và hai Tay Áo Thật Rộng. Nên khi người cầm đầu đi trước thì những người đi phía sau phải nhìn vào cái Bâu Áo Cao (thường là với màu sáng hơn nếu không phải là màu trắng) để đi theo; và nếu người đi trước giơ cao Tay Áo ngăn lại, thì những người đi sau đứng lại, đến khi Tay Áo khoát về phía trước thì lại đi tiếp... Cái người mà mọi người phải nhìn theo BÂU ÁO (Lãnh) để đi theo và phải tiến thoái theo cái TAY ÁO (Tụ) của người đó khi ra hiệu; Cái người đi đầu đó chính là LÃNH TỤ, là người CẦM ĐẦU đó vậy ! Nên...
      Ý nghĩa ban đầu của từ LÃNH TỤ là chỉ người Cầm Đầu của một toán người, một nhóm người , một đội quân... Dần dà theo tập quán ngôn ngữ và thói quen sử dụng của quần chúng, từ LÃNH TỤ có nghĩa rộng lớn hơn, thường dùng để chỉ NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU của một phong trào, một tổ chức, một chính đảng và cả một quốc gia nữa. Ví dụ như :
      - Nguyễn Thái Học là LÃNH TỤ của Việt Nam Quốc Dân Đảng.
      - Dân Đài Loan gọi Tưởng Giới Thạch là "LÃNH TỤ của Chúng Ta 我們的領袖".
Ngoài từ LÃNH TỤ ra, ta còn có từ CHỦ TỊCH cũng dùng để chỉ người đứng đầu :

   - CHỦ 主 : Người Sở hữu hay Đứng đầu một tổ chức, tập đoàn hay tôn giáo... như Gia Chủ, Địa chủ, Giáo chủ, Quân Chủ...
   - TỊCH 席 : là Chiếu, như Thảo Tịch 草席 là Chiếu cói, chiếu lác. Trúc Tịch 竹席 là Chiếu tre .  
     TỊCH còn có nghĩa là Chỗ Ngồi, như NHẬP TỊCH 入席 là Vào chỗ ngồi. Nên...
   - CHỦ TỊCH 主席 là Người ngồi đầu chiếu. Ngày xưa, cuộc sống còn đơn giản, hễ có việc gì đó cần hội họp thì cứ trải chiếu xuống đất mà ngồi, nên người ngồi đầu chiếu là người ai cũng nhìn thấy, là người phát ngôn, người ra lệnh hay phân bố công tác... là người chỉ huy đứng đầu. Nghĩa phát sinh rộng ra là người đứng đầu một tổ chức, một hội đoàn, một tập thể, một nhà nước... Như : CHỦ TỊCH Tập Đoàn, CHỦ TỊCH Quốc Hội, CHỦ TỊCH Nước...

     Cũng cùng là người đứng đầu, nhưng LÃNH TỤ thiên về nghĩa đứng đầu để DẪN DẮT, còn CHỦ TỊCH thì đứng đầu để ĐIỀU HÀNH. 
Bất cứ đoàn thể hội đoàn hay một tổ chức nào đó cũng cần phải có QUY CỦ để duy trì trật tự, nề nếp sinh hoạt của tập thể tổ chức đó. Vậy Quy là gì, Củ là gì ? ta sẽ lần lượt tìm hiểu sau đây :
     - QUY 規 : là VIÊN QUY 圓規 là cái compass, dùng để vẽ đường tròn.
                    Không có QUY sẽ vẽ không tròn.
     - CỦ 矩 : là PHƯƠNG CỦ 方矩 là cây thước vuông góc (Ê-Ke), dùng để kẻ hình vuông.
                   Không có CỦ sẽ kẻ không vuông.

      QUY CỦ 規矩 có xuất xứ từ sách Chiến Quốc, Mạnh Tử, Li Lâu Thượng 戰國《孟子·離婁上》:"Li Lâu chi minh, Công Thâu Tử chi xảo, bất dĩ quy củ, bất năng thành phương viên 離婁之明,公輸子之巧,不以規矩,不能成方圓". Có nghĩa :
     "Có cặp mắt tinh tường như Li Lâu, có tay nghề khéo léo như Thâu Công Ban (Lỗ Ban), nếu không dùng đến QUY và CỦ cũng không thể kẻ thành hình vuông và vẽ thành vòng tròn cho được". 
  Ý của Mạnh Tử muốn nói là dù cho có giỏi giắn khéo léo hay tinh minh mẫn cán tới đâu, nếu không có QUY CỦ, không tuân theo nề nếp nguyên tắc, thì cũng sẽ không làm nên "cơm cháo" gì cả ! cho nên tất cả những hội đoàn đoàn thể hay bất cứ tổ chức nào cũng phải có QUY CỦ NỘI BỘ của tổ chức đó. Cái Quy Củ Nội Bộ đó thường được gọi tắt cho gọn là NỘI QUY 內規, và tất cả mọi thành viên của tổ chức đó đều phải nghiêm chỉnh tuân thủ và chấp hành NỘI QUY đó.
Hẹn bài viết tới :
                                 NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ BẤT NGỜ  (2)

                                                                                                杜紹德
                                                                                           Đỗ Chiêu Đức


1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...