Thứ Tư, 8 tháng 12, 2021

Những con hẻm ở Sài Gòn - Đỗ Duy Ngọc

Sài Gòn có những con hẻm, có hẻm cạn chục nóc nhà, có hẻm sâu hun hút chạy ngoằn nghèo dẫn ta đi miết đến những xóm nhà khác nếu không quen sẽ khó tìm lối ra. Có hẻm giàu với những giàn hoa đẹp dưới nắng vàng và những ngôi nhà đóng cửa. Có hẻm nghèo bốn mùa nước đọng.

Cách đây hơn nửa thế kỷ có chàng trai tỉnh lẻ vào đất này kiếm chữ. Vì hoàn cảnh nên ở trọ trong những xóm nghèo của những con hẻm đó. Phương tiện di chuyển là đôi chân nên anh chàng len lỏi trong hẻm mà đi và nhờ vậy anh ta khám phá ta cái duyên của những con hẻm Sài Gòn. Ở đó người ta chen chúc nhau trong những căn nhà nhỏ. Ở đó người ta sống ở ngoài ngõ nhiều hơn ở trong nhà. Sáng ngồi cà phê ăn gói xôi, tô cháo, ổ bánh mì, dĩa bánh cuốn… rồi tản đi kiếm cơm.

Chiều chiều, tối tối tụ lại, bắt ghế ra ngồi tán bao nhiêu là chuyện. Đúng với câu tối lửa tắt đèn có nhau. Đùm bọc, chở che, giúp nhau lúc đau yếu, hoạn nạn. Nhưng cũng không thiếu những trận cãi cọ, xô xát nhau. Con hẻm đủ cả hỉ nộ ái ố của cuộc đời. Có sống trong những con hẻm với bà con lao động, những người nghèo tay làm hàm nhai mới hiểu hết lòng người Sài Gòn. Thành phố này không chỉ là những toà nhà cao, những nhà hàng sang trọng, những cuộc vui thâu đêm suốt sáng với ánh đèn màu xanh đỏ. Mà Sài Gòn còn là những con hẻm chằng chịt từ quận giàu cho đến quận nghèo. Sài Gòn ở đâu cũng có hẻm. Và là những con hẻm rất Sài Gòn.

Sài Gòn có hàng nghìn con hẻm. Có hẻm giàu với những biệt thự kín cổng cao tường. Cũng có rất nhiều con hẻm nghèo với những người lao động gắn bó với nhau qua mấy đời. Mỗi con hẻm có đặc trưng riêng và nó làm nên diện mạo của một thành phố. Hẻm Sài Gòn không chỉ có cái duyên mà nó còn chứa cái tình. Tình người.

Trong cơn đại dịch đi qua thành phố này. Khi những con đường phố vắng tanh vì phong toả. Khi con hẻm bị giăng dây và kéo kẽm. Những con hẻm đầy tình người vẫn duy trì được tấm lòng của người Sài Gòn che chở, giúp đỡ nhau trong cơn hoạn nạn. Củ khoai, con cá, bó rau, ký gạo đã được chia sẻ để tạm sống qua ngày trong thời gian bi thảm của thành phố. Những con hẻm đầy nước mắt khi những người ra đi và trở về trong hũ cốt. Những đứa bé ngơ ngác khi mồ côi cha mẹ được vòng tay thương yêu của những người hàng xóm chở che. Người ta quên mất những giận hờn, những cãi cọ thường ngày để cùng nhau đi qua những ngày giông bão.

Khi chán với cảnh người xe chen chúc, hãy đi về với hẻm. Về với những xóm nhỏ, những quầy hàng cũng nhỏ, những căn nhà cũng nho nhỏ, những con đường xi măng cũng nhỏ đôi chỗ chỉ lách được một chiếc xe qua. Ở đó ta sẽ tìm lại được tình cảm chân chất, giản dị, mộc mạc và bộc trực của người Sài Gòn. Ngồi với dân hẻm một buổi chiều, nghe người ta nói chuyện, nhấm một chút rượu, nâng một cốc bia, xé một con khô với tiếng khà sảng khoái, nhìn những đứa trẻ đùa vui trong tiếng nhạc, tiếng hát, tiếng ti vi vọng ra từ những căn nhà, sự lộn xộn có sắp xếp của một hẻm nhỏ, ta hiểu được thêm tấm lòng của người Sài Gòn một thuở.

Những con hẻm vẫn còn đó. Và sẽ còn mãi đó để làm nên một Sài Gòn. Nó cũng là cái hồn của một thành phố mà thiếu nó sẽ không trọn vẹn một Sài Gòn.

 

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...