Thứ Tư, 6 tháng 4, 2022

CRISPR baby & sự khủng hoảng đạo đức khoa học

 

Hôm nay, ở Trung Quốc, một nhà khoa học “nổi tiếng” và “tai tiếng” tên là He Jiankui đã được thả ra sau khi mãn hạn tù 3 năm. Ông bị chính quyền Trung Quốc bỏ tù vì đã phớt lờ các quy định về “đạo đức khoa học” để thực hiện “biến đổi gene” những đứa bé ngay từ ở giai đoạn phôi thai. Có ít nhất 3 đứa trẻ đã được sinh ra trong “thí nghiệm” của He đó là một cặp song sinh với tên giả là Lulu và Nana chào đời vào năm 2018 và một bé khác được sinh vào khoảng giữa năm 2019.
 
Phương pháp mà He sử dụng để biến đổi gene cho các đứa trẻ có tên là CRISPR (tạm đọc theo tiếng Việt là “Rít-Pơ”, được viết tắt từ nhóm từ “Clustered Regularly Interspaced Short Palindromic Repeats”). Hai nhà khoa học có công lớn khám phá ra công dụng chỉnh sửa gene của CRISPR là Emmanuelle Charpentier và Jennifer Doudna đã được trao giải Nobel vào năm 2020. Sau những phát hiện này vào khoảng năm 2010, CRISPR đã trở thành một công cụ chỉnh sửa gene rất tiện lợi, rẻ tiền, chính xác, được sử dụng rộng khắp bởi các nhà khoa học ở các phòng thí nghiệm trên thế giới và He Jiankui là một trong số đó. Trong nghiên cứu của mình He đã thực hiện chỉnh sửa bộ gene người ở giai đoạn phôi thai để bất hoạt một gene có tên là CCR5, gene này có vai trò quan trọng trong việc lây nhiễm của virus HIV. Với việc làm này, He cho rằng sẽ “giúp” những đứa trẻ không mắc virus HIV trong tương lai,… tuy nhiên sự thật vẫn chưa rõ ràng vì cho đến nay chưa hề có thử nghiệm như thế này trên người, các số liệu nghiên cứu của He vẫn chưa được công bố hoàn toàn và tên tuổi/thân phận thật sự của những đứa trẻ vẫn được giấu kín!
 
Việc He Jiankui công bố là đã thực hiện việc chỉnh sửa gene trên phôi thai người bình thường đã gây sốc cộng đồng khoa học trên thế giới lúc đó vì nó được xem là “quá mạo hiểm” và “phi đạo đức” cho xã hội loài người! Các tranh cãi về tính đạo đức trong nghiên cứu này được tập trung vào một số điểm sau:
1️⃣ 
 CRISPR tuy là một công cụ chỉnh sửa gene tối tân hiện nay nhưng nó vẫn còn những hạn chế như có thể tạo ra những đột biến ở những điểm khác trên bộ gene mà chúng ta không mong đợi (trong chuyên môn gọi là off-target, tạm dịch cho dễ hiểu là “bắn nhầm”!). Việc tạo ra những đột biến không mong đợi trên bộ gene có thể gây những nguy cơ cho đứa trẻ phát triển những bệnh di truyền khác như: ung thư, tim mạch, miễn dịch, v.v… và thậm chí có thể di truyền tiếp cho thế hệ tiếp theo của chúng!
2️⃣ 
Để thay đổi gene hoàn toàn của một đứa trẻ thì việc thực hiện sửa đổi gene này phải thành công ngay từ tế bào phôi thai đầu tiên, nếu việc này thực hiện trễ hơn (khi phôi có nhiều tế bào) thì việc tạo ra một cơ thể với nhiều loại tế bào biến đổi khác nhau là rất có thể (trong chuyên môn gọi là mosaicism: có tế bào được sửa đổi hoàn toàn, có tế bào chỉ được sửa phân nữa hoặc có tế bào không có sự chỉnh sửa nào). Điều này rất có thể đã xảy ra trong thí nghiệm của He, khi một số bằng chứng được cho thấy từ các tế bào phôi của Lulu và Nana có chứa nhiều loại tế bào được biến đổi gene khác nhau và điều này còn thấy cả trong nhau thai của Lulu!
3️⃣ 
Mặc dù người cha của cặp song sinh này bị nhiễm HIV nhưng hầu như không có nguy cơ lây nhiễm HIV cho những đứa bé. Ngoài ra, bệnh HIV hiện nay đang được điều trị khá tốt với việc sử dụng các loại thuốc kháng virus và việc ngăn ngừa lây lan loại virus này được thực hiện khá hiệu quả với các biện pháp tình dục an toàn (sử dụng bao cao su, một vợ một chồng,...), không sử dụng chung kim chích.
4️⃣ 
 Ngay cả khi việc bất hoạt gene CCR5 thành công thì có thể cũng không mang lại khả năng miễn dịch hoàn toàn đối với HIV, vì một số chủng có thể xâm nhập vào các tế bào khỏe mạnh thông qua các protein thụ thể khác.
Tuy công nghệ CRISPR đã và đang được nghiên cứu rất nhiều trong việc chỉnh sửa gene của người, nhưng hầu hết là để chỉnh sửa những gene bị “hư hỏng” như gene “beta-globin” trong bệnh hồng cầu lưỡi liềm, gene “CEP290” trong bệnh mù bẩm sinh (Leber congenital amaurosis), gene “CFTR” trong bệnh xơ nang (Cystic fibrosis), gene DMD trong bệnh về cơ (Muscular dystrophy), v.v… Nhưng trong “thí nghiệm” của He, Lulu và Nana được xem như là 2 đứa trẻ “bình thường” và có cơ hội được sinh ra và phát triển như những đứa trẻ bình thường khác. Do vậy, việc biến đổi một “gene bình thường” của chúng với những rủi ro không lường trước được là một điều không thể thuyết phục được bất kỳ một hội đồng “đạo đức khoa học” ở bất cứ một quốc gia nào. Do vậy, việc này đã gây sốc cộng đồng khoa học trên thế giới lúc đó vì nó được xem là “quá mạo hiểm” và “phi đạo đức” cho xã hội loài người!
 
Nhìn lại những “sự kiện” như thế này khiến chúng ta giật mình về “văn minh” của con người chúng ta đã có những bước tiến quá xa, đôi khi vượt tầm cả suy nghĩ về “đạo đức” của loài người…
Con người chúng ta luôn lo sợ một ngày nào đó người ngoài hành tinh sẽ đến và tiêu diệt loài người nhưng biết đâu chính chúng ta sẽ làm điều đó trong một tương lai không quá xa nếu chúng ta không biết cách kiềm chế những tham vọng vượt giới hạn đạo đức và vượt tầm kiểm soát như thế này.
 
TS. Nguyễn Hồng Vũ,
Viện nghiên cứu City of Hope, California, USA
Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím
 
 
Tài liệu tham khảo:
https://www.science.org/.../creator-crispr-babies-nears... (As creator of ‘CRISPR babies’ nears release from prison, where does embryo editing stand?)
https://ashpublications.org/.../Where-Are-Dr-He-Jiankui... (Where Are Dr. He Jiankui and the “CRISPR Babies” Now?)
https://getanimated.uk.com/meet-lulu-and-nana-the-worlds.../ (Meet Lulu and Nana, the world’s first CRISPR genome-edited babies…)
https://www.labiotech.eu/.../crispr-technology-cure-disease/ (Eight Diseases CRISPR Technology Could Cure)


FB Vui Lethi

1 nhận xét:

ỚT HIỂM - Thơ Anh Khờ Và Bài Họa Của Các Thi Hửu

Bài Xướng ỚT HIỂM Ớt hiểm con con quả thật cay! Mằn sơ chút xíu... đỏ môi mày Sưng mồm xé lưỡi... thôi thì chạy... Nóng mặt phình mang... ch...