Một năm có 4 mùa, mỗi tháng có 2 tiết, Thanh Minh 清明 là tiết đầu của tháng 3, thường nằm ở cuối tháng 2 và giữa tháng 3 trở lại. Tiết Thanh Minh năm nay nhằm vào ngày mùng 05 tháng Ba (Thứ Ba , 05 tháng Tư dương lịch 2022). Như ta đã biết qua Truyện Kiều :
Thanh Minh trong tiết tháng ba,
Lễ là Tảo Mộ, hội là Đạp Thanh.
Thanh 清 là trong, Minh 明 là sáng. Tiết Thanh Minh 清明節 là ngày
tiết trời trong sáng của cuối xuân sau những ngày mưa xuân phơi phới làm
lạnh lẽo lòng người ! Sau cái rét mướt của mùa đông, thì đây là dịp để
ra thăm lại mồ mả ông bà, nên mới có lễ Tảo Mộ, Tảo 掃 là quét dọn, Mộ 墓
là mồ mả. Tảo Mộ 掃墓 là quét dọn lại mồ mả ông bà cho sạch sẽ khang
trang, đồng thời cũng làm Lễ cúng bái như trình cho ông bà Tổ Tiên biết
để cùng bắt tay vào vụ mùa sắp đến. Sẵn dịp trời quang mây tạnh, sau
những ngày mưa phùn rét mướt, giờ đây thì :
Cỏ non xanh rợn chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
nên .... nam thanh nữ tú lại có dịp du xuân, đạp lên cỏ non mà dạo khắp núi đồi gò đống, nên mới có Hội Đạp Thanh. Đạp Thanh 踏青 là đạp lên trên những cỏ non xanh biếc, như trong bài thơ Bốn Mùa Ăn Chơi của các cụ ngày xưa : Xuân du phương thảo địa 春遊芳草地 vậy...
Nói thì nói thế, chứ thời tiết cũng còn lạnh lắm, không phải cái
lạnh hiu hắt của gió thu, cũng không phải cái lạnh buốt da của mùa đông ,
mà là cái lạnh dễ chịu của mưa xuân phơi phới, ta hãy nghe nhà thơ ĐỖ
MỤC đời Đường tả cảnh Thanh Minh như sau :
THANH MINH 清 明
Thanh minh thời tiết vũ phân phân, 清明時節雨纷纷
Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn. 路上行人欲断魂
Tá vấn tửu gia hà xứ hữu? 借問酒家何處有?
Mục đồng dao chỉ Hạnh Hoa Thôn ! 牧童遥指杏花村!
Đỗ Mục 杜 牧
Ghi Chú :
1. Phân Phân : Là Liên tục không dứt, là Phơi Phới, là Phơn phớt.
2. Dục Đoạn Hồn : là Muốn đứt cái hồn ra, là buồn da diết, buồn thúi ruột...
3. Tá Vấn : là Ướm hỏi, là Hỏi thăm (việc gì hoặc cái gì đó...).
4. Mục Đồng : là những đứa bé chăn dê, chăn cừu hoặc chăn trâu....
5. Hạnh Hoa Thôn : Có 2 nghĩa :
* Là cái Thôn tên là Hạnh Hoa, Xóm Hạnh Hoa.
* Là Cái xóm ở phía sau rừng hoa Hạnh.
Như trên đã nói, Thanh Minh là dịp để quét tước lại mồ mả ông bà,
là hội Đạp Thanh để nam thanh nữ tú du xuân... Nhưng, Đỗ Mục lại bảo là
"... dục đoạn hồn". À , thì ra , tác giả đang xa nhà, ta hãy đọc lại cả
câu xem sao...
路上行人欲断魂 Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn...
Người lữ khách xa nhà đi trên đường một thân một bóng, thay vì
cùng người nhà đi tảo mộ hoặc đạp thanh, nên càng cảm thấy thấm thía hơn
với nỗi buồn xa xứ trong cảnh mưa xuân lất phất... Cho nên mới muốn tìm ly rượu để sưởi ấm cỏi lòng tha hương chiếc bóng.....
Diễn nôm :
THANH MINH
Thời tiết Thanh minh lất phất mưa
Trên đường lữ khách muốn say sưa
Rượu ngon ướm hỏi nơi đâu bán ?
Xóm Hạnh, Mục đồng chỉ trỏ thưa !
Theo Giai Thoại Văn Chương Việt Nam của Thái Bạch thì : Các cụ
ta ngày xưa muốn tỏ rỏ cái tinh thần độc lập, cái đầu óc cầu tiến, không
quá lệ thuộc vào cổ nhân, nên đã "chê" bài thơ Thất ngôn Tứ tuyệt nầy
của Đỗ Mục là : Mỗi câu dư 2 chữ. Các Cụ lý luận như thế nầy : "Thời
tiết vũ phân phân" thì đã biết là thời tiết của Thanh Minh rồi, nên
không cần phải có 2 chữ Thanh Minh nữa. "Hành nhân dục đoạn hồn" là đủ
nghĩa rồi, không cần phải có 2 chữ "Lộ Thượng", đi trên đường chớ không
lẽ đi "dưới nước" ?!. "Tửu gia hà xứ hữu?" đã là câu hỏi rồi, cần chi
phải có từ "Tá Vấn"?. "Dao chỉ Hạnh Hoa Thôn" đủ nghĩa rồi, ai chỉ mà
chả được, cần gì phải "Mục đồng" chỉ mới được ! Nên bài thơ Thất Ngôn
trên nên viết lại thành Ngũ Ngôn cho nó gọn, như sau :
Thời tiết vũ phân phân
Hành nhân dục đoạn hồn
Tửu gia hà xứ hữu ?
Dao chỉ Hạnh Hoa thôn !
Cũng rõ ràng mà nhẹ nhàng gọn gàng và cũng nên thơ chán ! Nói thì nói thế, chứ thơ Ngũ ngôn và Thất ngôn âm điệu và tiết tấu vẫn khác nhau xa, nhưng dù sao đây cũng là một gợi mở của Cha Ông để cho con cháu đừng quá bị lệ thuộc vào cổ nhân mà thôi ! Âu cũng là một suy nghĩ một sáng kiến hay ho !....
............................. .........................
Học theo gương của người xưa, nhớ hồi còn trẻ (khoảng 15- 16
tuổi gì đó), khi vừa đọc được bài viết trên của Thái Bạch, cũng vừa là
lúc thầy đang cho đọc bài "Phùng Nhập Kinh Sứ" của Sầm Tham như sau :
逢入京使 PHÙNG NHẬP KINH SỨ
故園東望路漫漫, Cố viên đông vọng lộ man man,
雙袖龍鐘淚不乾。 Song tụ long chung lệ bất can.
馬上相逢無紙筆, Mã thượng tương phùng vô chỉ bút,
憑君傳語報平安. Bằng quân truyền ngữ báo bình an !
岑参 Sầm Tham.
NGHĨA BÀI THƠ :
GẶP NGƯỜI SỨ GIẢ ĐI VỀ KINH THÀNH.
Cố viên là cố hương, là quê nhà ở mãi tận phương trời đông
với đường xá xa xôi diệu dợi (lộ man man !). Hai tay áo già nua lụm cụm
(Song tụ long chung) không lau sạch hết dòng lệ nhớ quê hương không lúc
nào khô cạn (lệ bất can). Gặp nhau giữa đường trên lưng ngựa đây, lại
không có bút mực giấy viết gì cả ! Chỉ nhờ anh nhắn miệng lại dùm là :
Tôi rất khỏe mạnh bình an mà thôi !
DIỄN NÔM :
GẶP SỨ LAI KINH
Vườn xưa diệu dợi mõi mòn trông,
Mời Xem : 1/ Ông Đồ Thiệt, Ông Đồ Dõm.- Đỗ Chiêu Đức
Lụm cụm khôn ngăn lệ nhỏ ròng.
Trên ngựa gặp nhau không giấy viết,
"Bình an" nhờ báo kẽo nhà mong !
Bắt chước tiền nhân, lúc đó tôi cũng lý luận với Thầy rằng :
Trông ngóng về hướng đông, vì quê nhà ở nơi đó, cho nên chỉ nói : "Đông
vọng lộ man man" là đủ rồi, đâu cần phải có từ "Cố Viên"?! Già nua lụm
cụm nên lau không khô dòng lệ nhớ quê hương, lau bằng gì mà chả được,
đâu cần phải lau bằng 2 tay áo, nên câu 2 cũng không cần phải có từ
"Song Tụ", chỉ "Long chung lệ bất can" là đủ. Tương tự câu 3 cũng vậy,
gặp nhau ở đâu cũng được, không nhất thiết là gặp nhau trên ngựa mới
không có giấy bút, nên chỉ "Tương phùng vô chỉ bút" là đủ rồi ! Câu chót
thì lại lịch sự đến khách sáo, gặp anh, không nhờ anh (Bằng quân) thì
nhờ ai đây ?, nên đơn giản là "Truyền ngữ báo bình an" cũng gọn gàng và
lịch sự lắm rồi !. Nên, bài thơ Thất ngôn trên sẽ trở thành bài thơ Ngũ
ngôn như sau :
Đông vọng lộ man man,
Long chung lệ bất can.
Tương phùng vô chỉ bút,
Bằng ngữ báo bình an !
Thầy lúc bấy giờ khen lấy khen để, cho là học sinh thông minh linh động, có
ý kiến và suy nghĩ hay ho, không đọc thơ một cách cứng ngắc bài bản....
Thầy đâu có biết rằng, cái thằng học trò ranh mảnh nầy chỉ bắt chước và
làm theo "Giai Thoại Văn Chương Việt Nam" của Thái Bạch mà thôi, chớ
cũng chẳng hay ho gì hơn ai hết !
Chuyện qua đã hơn 60 năm, bây giờ nhắc lại, lại cảm thấy bồi hồi
xúc động, thời gian không chờ đợi ai cả, thoáng cái mà tuổi đã hơn 70
rồi ! Muốn nói cho Thầy biết là mình chỉ nhại lại cái việc làm của người
đi trước mà thôi, thì Thầy đã không còn nữa !... Thầy ơi !...
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
bài rất hay
Trả lờiXóa