Thứ Tư, 1 tháng 2, 2017
CHUYỆN SỦ NHI - Chuyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư
Sủ Nhi đi làm ở Viện chữ Nhà nước chưa được nửa năm đã nhận 69 bằng
khen, nghe nói còn sắp được cất nhắc lên làm viện phó trong vòng 3
tháng tới, nhằm vào kỷ lục viện phó trẻ tuổi nhứt châu Á - Thái Bình
Dương.
Chuyện thăng tiến nhanh tuyệt đối chẳng phải vì Sủ Nhi là cháu ruột
của viện trưởng, con trai của tỉnh trưởng, em vợ của phó bộ trưởng, mà
hoàn toàn bởi tài năng xuất chúng của nó. Má nó, quá tự hào về thằng
con đã phải đi thẩm mỹ viện nhiều lần, để thu gom cánh mũi lại, vì mũi
phồng quá mức, bởi sự nở không ngừng.
Cả nhà Sủ Nhi hạnh phúc thì đương nhiên rồi, nhưng nhiều khi tự vả vô
mặt mình, bởi tưởng đang mơ.
Ai mà dè được thằng nhỏ đã từng nhấn nước chết mèo, vặt trụi lông đuôi
chó, cho gà nuốt dây thun, nhái tướng đi của bà Bốn Cụt bán vé số,
chạy xe tạt nước cống vào người đi đường, cái thằng mà thiên hạ xúm
nói “Cái đồ vô cảm đó chừng lớn lên chỉ có nước đi phá làng phá
xóm...”, giờ lên tivi nhận giải công chức ưu tú trong lãnh vực cứu
thua.
Chính Sủ Nhi cũng không thể tin được, bởi lưu ban suốt hồi phổ thông,
và mảnh bằng đại học cũng do mua chợ đen mà có. Ngay hồi đầu năm thôi,
nó mần thử phó giám đốc một bệnh viện, đã bị người ta vây đánh khi ưu
tiên xếp lịch mổ bướu thịt cho một yếu nhơn, trong khi chục ca bịnh
nặng ngàn cân treo chỉ đang chờ, với lý do “làm đúng qui trình”.
Vụ đó báo chí làm rùm beng teng xeng lên, khui luôn chuyện có lần nó
bút phê vô bệnh án “Chết vì tắt thở”. May nhờ ba má nó dàn xếp kịp,
nhưng nhờ vậy mà ông bác ở Viện chữ Nhà nước phát hiện ra nhân tài
ngay trong nhà mình.
Sủ Nhi chính thức bước vô tòa lầu bự chà bá lửa, gia nhập vào đội quân
gần một trăm viện sĩ, những người gần như cả đời gom não để sáng tạo
ra những cụm từ, những câu chữ mang tính Nhà nước cao.
Thằng Sủ Nhi từng thắc mắc tính Nhà nước là tính gì, thì ông bác nói
khó mà định nghĩa được. Sủ Nhi càng thấy khoái tỉ, bởi những thứ không
có định nghĩa thì mông lung, nó làm sai bét cũng chẳng ai bắt bẻ. Nó
linh cảm mình mà mần viện sĩ viện đó thì như xe cọp xoáy nòng, Ferrari
đổ đầy xăng.
Vào buổi sáng đầu tiên nhận việc, Sủ Nhi nhận được đơn đặt hàng bên Sở
Bảo Vệ, nhân viên của họ tung cước một tiếp viên trên máy bay, gái đó
nằm vạ đòi xin lỗi. Và Sủ Nhi phán luôn khỏi cần nghĩ chi lâu: “Cứ nói
mình duỗi cẳng cho máu chảy đều, là êm ru bà rù hết!”.
Nhưng Sủ Nhi khẳng định tên tuổi phải từ vụ gỡ bàn thua trông thấy cho
Sở Cầu đường bởi cây cầu mới xây đã sập, nó phán: “Do biến động bất
ngờ của dòng chảy cùng với độ lún khó lường của lòng sông”. Không học
một ngày nào, nhưng thằng nhỏ nắm bắt nghề rất nhanh, bí quyết ở chỗ
chữ phải có độ mông lung cao, và phải vô cùng linh hoạt.
Như khẩu quyết thần thánh của ông bác viện trưởng truyền lại, chữ của
viện này phải như nước chảy không ai bẻ được, chữ phải như bóng không
ai bắt được. Một viện sĩ giỏi thì biết thay chữ “tụt hậu” bằng “phát
triển chậm nhưng mà chắc”, cái đó Sủ Nhi phần năng khiếu từ trong máu,
phần được ông bác viện trưởng truyền chiêu, nên nó cũng sáng tạo hơn
người.
Sở Đi Lại để xảy ra bộn tai nạn xe cộ, Sủ Nhi cho mấy chữ: “Số lượng
tai nạn trong khuôn khổ cho phép”. Chỉ nhiêu đó thôi mà phần thưởng
của Sở không bị cắt xíu nào. Cũng vậy, Sở Sức Khỏe tai qua nạn khỏi
sau 1 năm bệnh dịch tràn lan, chỉ bởi một câu của Sủ Nhi tháo cũi sổ
lồng: “Tuy dịch bệnh xảy ra nhưng vẫn trong tầm kiểm soát”.
Tiếng tăm Sủ Nhi lên cao, Viện chữ Nhà nước càng được trọng vọng. Hôm
kỷ niệm 80 năm lập viện, người ta khẳng định lần nữa sự đóng góp vô
cùng bự của từng viện sĩ, giúp cho thiên hạ tránh được đại loạn, bởi
mỗi tế bào não ưu việt của họ đã sản sinh ra bao cụm chữ lay động lòng
người, xoa dịu vết thương, hàn gắn nỗi đau, như: “Lỗi do cơ chế”, “Sai
sót trong thiện chí”, “Khuyết điểm mang tính khách quan cao”.
Viện trưởng, người góp phần sáng tạo ra những cụm từ mang tính mỹ cảm
ngút trời ấy, vốn đau đáu lo lớp hậu sinh chưa có ai xứng đáng để giao
viện lại, may phát hiện ra thằng cháu mình, cảm thấy ưng bụng vô cùng.
Nhưng không phải là không chạnh lòng, khi mỗi lễ Tết về, khách nườm
nượp đổ về phòng thằng cháu, nhằm bày tỏ lòng biết ơn, nhờ nó mà ghế
ai cũng vững như bàn.
Ngoi lên cao, kẻ ghen ăn tức ở cũng nhiều. Có lần thằng Sủ Nhi bị họ
bắt quả tang đang chơi xếp hình với chục ngoài mỹ nữ, ai cũng nghĩ
phen này nó chết chắc, nhưng thế nào mà lỗi cuối cùng là do “Chưa được
chừng mực trong công tác gần gũi quần chúng”.
Cũng năm đó, Sủ Nhi say rượu lái xe vô đường ngược chiều bị chụp hình
đăng báo, trong bản kiểm điểm đầy nước mắt, nó kêu mình “Xác định
phương hướng chưa được sâu sắc”.
Chỉ duy nhất một lần Sủ Nhi phải chịu thua, khi có một em ngắn ngủn
tới nhà mang theo một que hai vạch bắt đền nó.
Dù chữ nó có ảo diệu cỡ nào, kiểu như “Rút chậm một nhịp so với thời
đại”, thì cuối cùng nó cũng bị em Ngắn nhốt vô tờ hôn thú, chỉ bằng
một câu trần trụi hơn: “Tía tui là vụ trưởng, cưng tính sao thì
tính!”. Sủ Nhi còn biết tính gì, đầu hàng vô điều kiện.
Ông Trời như thấu hiểu nỗi đau của nó khi có cô vợ ngắn quá cỡ, nên
đền bù xứng đáng. Năm sau, Sủ Nhi một bước lên viện trưởng, bởi ai
cũng thấy không cất nhắc nó sớm, là có tội với non sông!
NGUYỄN NGỌC TƯ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
GIẬN HỜN - Thơ Sông Thu Và 18 Bài Họa Của Các Thi Hửu
GIẬN HỜN Em giận chi mà chả nói năng Suốt ngày thần sắc lạnh như băng Quay lưng né mặt không thèm ngó Buông đũa rời mâm chẳng muốn ăn Lặng l...
-
CON MỂN VÀ ĐIỀM BÁO KHÔNG MAY MẮN Con thú rừng có tên “ Mển ” hay“ Mang” , còn gọi là hoẵng , kỉ , là mộ...
-
Năm nào cũng vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực kh...
-
Bối cảnh lịch sử: Nguyễn Du (chữ Hán: 阮攸; sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766–1820), tên tự Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồ...
ồ hay quá đi
Trả lờiXóa