Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2019

Bắt nạt trí tuệ – Một hình thức bạo lực tinh thần không phải ai cũng nhận ra

Khi nghĩ đến tình trạng bắt nạt trẻ em, chúng ta thường liên tưởng đến hình ảnh của một đứa trẻ yếu đuối bị chế giễu đến phát khóc, hoặc bị bạo hành thể xác tàn bạo bằng một hình thức nào đó. Tuy nhiên có một hình thức bạo lực tinh thần khiến một đứa trẻ vô tội bị xấu hổ, bẽ mặt – đó là dùng trí tuệ nổi trội hơn và để khống chế chúng.



Có một hình thức bạo lực tinh thần khiến một đứa trẻ vô tội bị xấu hổ, bẽ mặt – đó là dùng trí tuệ nổi trội hơn và để khống chế chúng. (Ảnh: Giadinhvatreem)

So với hai hình thức bắt nạt phổ biến đã nêu, hình thức bắt bạt này tinh vi hơn, mang tính chế giễu nhiều hơn nhưng lại ít được biết đến hơn. Rohban Zahid đã nói thế này: “Người ta dường như quên mất một điều là mấy tên ác ôn chuyên hành hạ, bắt bạt những học sinh kém thông minh hơn”. Và tác giả này tiếp tục đưa ra một nhận xét sâu sắc hơn (một lời phê phán?) về nền văn hóa trọng nhân tài của chúng ta.
“Các cá nhân trong xã hội được xếp vào một ‘trật tự trí tuệ’ do các con số và chữ cái xác định – hay chính là điểm số các môn học, rồi điểm trung bình của học sinh. Vấn đề nảy sinh… khi các cá nhân ở top đầu của hệ thống phân cấp này được phép (một cách vô lý) coi thường học sinh ở phía top dưới. Chính điều đó tạo ra… bạo lực trí tuệ, chính là sự quấy rối về tình cảm và tâm lý mà người này gây ra cho người kia dựa trên sự hiểu biết trí tuệ của người đó. Bạo lực trí tuệ không khác gì với bạo lực thể xác vì nó có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng lâu dài đến lòng tự tôn của người đó”.
Vì thế, làm cách nào chúng ta có thể đưa ra định nghĩa tốt nhất cho hình thức bắt nạt đang ngày càng phổ biến này? Dưới đây là một số định nghĩa khả thi từ các trang web:
“Những kẻ bạo lực trí tuệ theo tôi nghĩ là những người thực sự thông minh hơn (có chỉ số IQ cao hơn), những người có kiến thức sâu rộng hơn trong một lĩnh vực nhất định và thường hay coi nhẹ, coi thường, lạm dụng tinh thần và tình cảm, và chơi khăm người khác. Và lạ lùng thay, chúng ta lại tôn vinh những người này trên các chương trình tivi, và không coi đó là một hình thức bắt nạt”. (Quora, Có phải chúng ta đang nhân từ với bạo lực trí tuệ hơn bạo lực thể chất không?, 2014).
Joe Bouchard đã đưa ra một định nghĩa khác cho hiện tượng bắt nạt này: “Bạo lực trí tuệ thường gắn với việc hạ mình, chiếu cố người khác. Nỗi bất an của họ được che giấu bằng những từ đao to búa lớn, những câu nói trừu tượng, kiêu ngạo. Hành vi của họ cũng thể hiện niềm tin rằng họ thông minh hơn so với đối thủ. Họ thích làm cho người khác cảm thấy thấp kém hơn mình”. (Bảng xếp hạng các loại bạo lực, Corrections.com, 2010).
Cuối cùng, hãy xem xét định nghĩa sâu sắc và súc tích của Urban Dictionary: “Một người cực kỳ thông minh sử dụng trí tuệ của mình với thái độ hách dịch bẩn thỉu”.
Là một nhà tâm lý học, tôi đã phát hiện ra rằng một số khách hàng giỏi giang, tài năng của tôi đã bù đắp (hoặc là thực sự bù đắp hơi quá) cho cảm giác thấp kém về tình trạng sức khỏe, kinh tế, xã hội thời thơ ấu bằng một cách – đó là chế nhạo hoặc nói xấu những người thể hiện sự kém cỏi trong học hành. Sự khôn ngoan và lấn át về trí tuệ ấy hầu như không giúp họ nổi tiếng nhưng lại góp phần che giấu nỗi bất an của họ trong các lĩnh vực mà họ cảm thấy yếu kém hơn bạn bè mình.
Ví dụ, về mặt thể chất, cơ thể họ nhỏ bé, tay chân lóng ngóng, cho nên họ cảm thấy mình kém cỏi đến đau lòng. Hoặc họ xuất thân trong một gia đình nghèo khó, và những bộ quần áo họ mặc phản ánh mức thu nhập thấp hay địa vị tầng lớp dưới của họ trong xã hội.
Đó là một cơ chế đối phó, đặc biệt là vì họ thường bị chế giễu là những người tầm thường. Ít nhất họ có một cách (hoặc một vũ khí) để giảm bớt tổn thương và bảo vệ lòng tự trọng mong manh của họ. Đối với những người nhạy cảm và dễ phản ứng lại, họ thường không có đủ cả thể trạng và sức mạnh để trả đũa lại những người thường bắt nạt họ.
Cho nên, họ sử dụng trí tuệ vượt trội để làm giảm đi việc nghi ngờ bản thân, bảo vệ cái tôi mong manh, và họ đã vượt qua được kẻ thù của họ bằng sự khôn ngoan cũng như kỹ năng ăn nói lanh lợi của mình. Hơn nữa, nếu họ có thể tìm thấy những người bị gọi là “tầm thường” khác để cùng chơi, họ có thể tránh được cảm giác đau lòng vì bị bạn bè tẩy chay.
Vậy thì, mối nguy hiểm cuối cùng trong tất cả những điều này là gì? Làm thế nào mà cuối cùng thì chính những kẻ bạo lực trí tuệ này lại tự làm hại mình khá nhiều, hoặc thậm chí nhiều hơn, mục tiêu của họ?
Đơn giản thôi, ít nhất là đối với nhiều khách hàng giỏi giang mà tôi đã làm việc cùng (một số người ban đầu không ngừng cố gắng hạ bệ tôi!), việc công kích bằng lời nói, lúc mới đầu là để bảo vệ sự tự tin mong manh của họ, giờ đã trở thành thói quen – một phần quan trọng trong hành vi của họ. Và việc đó đã làm suy yếu đáng kể, thậm chí là phá hủy các mối quan hệ cá nhân và nghề nghiệp của họ. Mặc dù không cố tình nhưng việc thường xuyên hạ thấp người khác để khiến mình cảm thấy nổi trội đã xúc phạm và làm phật lòng những người (bị cho là) kém hơn họ. Đổi lại, những người bị xem thường, cảm thấy bị chèn ép do bạo lực trí tuệ như thế thường là mặc kệ hoặc tìm cách trả thù những người đã bắt nạt mình.
Đặc biệt nếu những người bị hại ở vị trí cấp dưới, hay bị giám sát, họ có thể giải tỏa sự giận dữ và oán hận của họ một cách thụ động – và trả thù ngược lại những người bắt nạt họ. Và việc bộc lộ cơn tức giận đó đem đến kết quả là việc đe dọa chức vị lãnh đạo của cấp trên. Nói tóm lại, các nạn nhân của nạn bạo lực trí tuệ đã cố gắng khiến những kẻ bắt nạt họ cũng trở thành nạn nhân. Hơn nữa, với những kẻ bắt nạt trí tuệ, sự thấu cảm thường kém phát triển, họ phải dựa vào năng lực trí tuệ của mình để cảm thấy tốt hơn người khác. Lúc đó, chính họ sẽ phải đối mặt với một nghịch cảnh mà chính trí tuệ của họ đã khiến họ không thể nào đối phó hiệu quả. (Gần như tình cờ, chính là gậy ông đập lưng ông).
Vậy vấn đề đạo đức trong tất cả những điều này thì sao? Bất cứ điều gì đã từng thích hợp để bù đắp cảm giác thiếu thốn của một người nào đó sau này đều có thể trở nên không phù hợp. Do đó, những kẻ bạo lực trí tuệ không chỉ cần có những kỹ năng giao tiếp xã hội phát triển tốt hơn mà còn phải chấp nhận một lối suy nghĩ hoàn toàn khác đối với những người kém thông minh hơn họ.
Ngoài ra, những kẻ bắt nạt phải phát triển sự khiêm tốn – một yêu cầu rất cao so với hầu hết bọn họ. Họ không chỉ cần phải ngừng liên kết giá trị cốt lõi của một người với trí tuệ của người đó. Họ còn phải thực sự chấp nhận những người có chỉ số IQ di truyền thấp như những người đồng đẳng, mặc dù những người đó không thể nào có “vinh dự” được sở hữu khả năng nhạy bén ngôn ngữ như bản thân họ.
Một điều cũng rất quan trọng, họ cần phải nhận ra rằng họ không bao giờ thực sự giành được ưu thế về tinh thần. Đơn giản là ưu thế tinh thần đã được trao cho họ mà không cần phải nỗ lực chút nào. Nếu như điều đó có sẵn trong họ – một chữ “nếu” thật to bởi vì nhiều người trong số họ quá tin vào bản thân mình, cho nên họ sẽ cần được tư vấn sâu rộng hơn để thay đổi thái độ – họ phải nuôi dưỡng lòng cảm thông, sự hiểu biết và lòng nhân từ của họ đối với những người không có ưu thế về trí tuệ – những ưu thế mà họ may mắn có được từ khi sinh ra.
Điều đáng nói ở đây là, trớ trêu thay, những kẻ bạo lực thể chất khi còn nhỏ thực sự có nhiều khả năng thay đổi hơn là những kẻ bạo lực trí tuệ. Theo thời gian, việc bạo lực trí tuệ người khác có thể ăn sâu bén rễ chắc chắn vào trong tính cách của họ. Hãy xem xét câu nói của Paul M.Jones trong một bài báo có tựa đề “Hình mẫu của những kẻ bạo lực trí tuệ”,(ngày 07 tháng 11 năm 2008):
“Những kẻ bạo lực thể chất… bắt đầu với ý nghĩ rằng: ‘Nếu tôi có thể đánh bại bạn trong một cuộc thi thể chất, thì tôi là trùm và tôi giỏi hơn bạn’, nhưng cuối cùng họ được rèn giũa để chấp nhận rằng sự thống trị về thể chất không được xã hội chấp nhận. Người đó trưởng thành khi nhận ra rằng mình không thể sống hòa hợp với người khác bằng cách bắt nạt họ”.
“Ngược lại, những kẻ bạo lực trí tuệ… bắt đầu với ý nghĩ rằng: ‘Nếu tôi có thể đánh bại bạn trong một cuộc thi về kiến thức, thì tôi là trùm và tôi giỏi hơn bạn’. Tuy nhiên, kẻ bạo lực trí tuệ ít khi biết rằng sự thống trị về tinh thần cũng không thể nào được chấp nhận trong các cuộc thảo luận dân sự của người trưởng thành”.
Sau đó, ông kết luận bằng việc trích dẫn trực tiếp lời của Alan Cooper trong quyển sách The Inmates are Running the Asylum “Các bệnh nhân đang chạy trốn khỏi bệnh viện tâm thần”, (xuất bản năm 2004, trang 104): “Không có quá trình trưởng thành nào làm dịu đi sự phát tiết quyền lực ấy”.
Để kết luận bằng cách lặp lại tất cả những gì đã được đề cập đến, việc sinh ra với trí thông minh thực sự là một món quà. Vì vậy, cách thích hợp nhất để đáp lại sự may mắn đó là phải vun đắp lòng biết ơn và biết trân trọng, chưa kể đến việc phải biết khiêm tốn hơn. Cuối cùng, nếu những kẻ bạo lực trí tuệ có thể thực hiện được những thay đổi này, họ sẽ hạnh phúc hơn nhiều và chắc chắn những người xung quanh họ cũng sẽ hạnh phúc hơn.
Theo Tamlyhoctoipham

1 nhận xét:

Mời Nghe và Xem Thơ,Nhạc : HỬNG HỜ : Thy Lệ Trang,LHN Và Các Thi Hửu

Kính mời quí anh , chị nghe bài hát mới có tên Hững Hờ . Nhạc được trích từ một nhạc phẩm không lời tên Indifference . Lờ...