Lời người dịch: Edgar Lawrence Doctorow (1931-2015) là
một trong những tác giả người Mỹ quan trọng nhất của thế kỷ 20. Ông viết
12 tiểu thuyết, 3 tập truyện ngắn và một vở kịch, trong đó ba cuốn
Ragtime (1975), Billy Bathgate (1989) và The March (2005) được trao
National Book Critics Circle Award. Tác phẩm của ông đặt những nhân vật
hư cấu vào khung cảnh lịch sử có thật. Truyện ngắn The Writer in the Family trích trong tập truyện Lives of the Poets, Ramdom House, Inc. xuất bản năm 1984. ISBN 0-394-52530-2.
Năm 1955 cha tôi qua đời trong khi bà nội già lụ khụ vẫn còn sống
trong nhà dưỡng lão. Bà già đã chín mươi và không hề biết con trai mình
đau ốm. Sợ là tin buồn ấy sẽ làm bà nội suy sụp, các cô tôi nói với bà
là cha tôi đã dọn đi Arizona để chữa chứng viêm phế quản. Với thế hệ di
dân của bà nội tôi, Arizona được xem như vùng Alps của nước Mỹ, tức là
nơi những người giàu có dọn đến để sống. Cha tôi vốn thất bại trong tất
cả những cơ hội làm ăn trong đời, thành ra bản tin ấy là nguồn hy vọng
mà bà nội tôi bám lấy, rằng cuối cùng thì con trai bà cũng thành công ít
nhiều. Thành ra khi chúng tôi rầu rĩ chuyện tang chế cha tôi ở nhà,
chân còn phải mang bí tất vì lạnh thì bà nội tôi huyênh hoang với đám
bạn dưỡng lão về cuộc sống mới của con trai bà trong khí hậu khô ráo của
sa mạc.
Các cô tôi quyết định màn diễn ấy mà không bàn với chúng tôi một câu
nào. Nghĩa là cả mẹ tôi lẫn anh em tôi đều không thể đến thăm bà nội vì
chúng tôi đã dọn về miền tây cùng với cha tôi. Anh tôi và tôi thì chẳng
bận tâm. Thăm mấy người già ở nhà dưỡng lão chẳng khác gì chìm vào ác
mộng, cái nơi mà những ông cụ bà cụ ngồi nhìn chúng tôi đăm đăm trong
khi chúng tôi cố gợi chuyện để nói với bà nội. Nhìn bà đâm nản, bệnh tật
đầy mình, và đầu óc cũng lông bông. Không được thăm bà cũng chẳng đem
lại chút thất vọng nào cho mẹ tôi, người không bao giờ hòa hợp được với
mẹ chồng và mỗi khi có thể tránh được là sẽ tránh không đến thăm bà cụ.
Tuy nhiên điều khó chịu là các cô của tôi cư xử như thể phía gia đình
bên ấy đóng vai chính phủ cai quản hết mọi người, những công dân thực
thụ qua máu huyết và những công dân hạng nhì qua hôn nhân. Chính cái
thái độ ấy đã tra tấn mẹ tôi suốt cuộc sống hôn nhân của bà. Bà nói gia
đình bên chồng không bao giờ chấp nhận bà. Suốt hai mươi lăm năm, bà đã
chiến đấu chống lại họ từ chỗ đứng của một kẻ ngoại cuộc.
Vài tuần sau khi kết thúc thủ tục tang chế, cô Frances điện thoại cho
chúng tôi từ nhà của cô ở Larchmont. Cô Frances là người giàu có nhất
trong các chị em của cha tôi. Chồng cô là luật sư, và cả hai đứa con của
cô đều theo học ở Amherst. Cô gọi điện thoại để nhắn lại lời bà nội là
tại sao không có tin tức gì của bố tôi hết. Tôi là người trả lời điện
thoại.
“Cháu là đứa văn hay chữ tốt trong nhà,” cô tôi nói. “Bố cháu đặt rất
nhiều niềm tin vào cháu. Cháu có thể phịa ra cái gì đó được không? Gửi
cho cô để cô đọc cho bà nội. Bà nội sẽ không biết thật hay giả đâu.”
Tối hôm ấy, ngồi ở bàn nhà bếp, tôi gạt bài vở sang một bên và soạn
một bức thư. Tôi cố hình dung cách thích ứng của cha tôi với cuộc sống
mới của ông. Ông chưa bao giờ về miền tây. Ông chả bao giờ đi du lịch
bất kỳ nơi đâu. Với thế hệ ông chuyến đi lớn lao nhất là cuộc du hành từ
tầng lớp lao động chân tay lên tầng lớp có nghề nghiệp chuyên môn.
Chuyện ấy ông cũng chẳng làm được. Tuy nhiên ông yêu New York, nơi ông
chào đời và sống suốt cuộc đời ông, và ông luôn khám phá ra những điều
mới lạ ở đó. Ông đặc biệt yêu thích khu vực cũ kỹ của thành phố phía
dưới đường Canal, nơi ông có thể gặp đám bán đồ phụ tùng cho ghe thuyền
hay những cửa hàng bán sỉ gia vị và trà. Ông là người chào hàng cho một
công ty bán sỉ đồ phụ tùng có khách hàng khắp nơi trong thành phố. Ông
thích tha về nhà những thứ phó mát hiếm hoi hoặc những rau cỏ ngoại lai
lạ lẫm chỉ có bán ở một vài khu phố nhất định nào đó. Một lần ông đem về
nhà một cái phong vũ biểu, lần khác một viễn vọng kính từ một chiếc tàu
xưa cũ đặt trong một hộp gỗ có nắp gài bằng đồng.
“Thưa Mẹ,” tôi viết. “Arizona thật là đẹp. Nắng suốt ngày và khí hậu
ấm áp khiến con thấy khỏe khoắn hơn hẳn từ trước đến giờ. Sa mạc không
trơ trọi như mình vẫn tưởng, mà đầy hoa dại với những cây xương rồng và
những cây cong quẹo kỳ dị trông giống như người ta duỗi cánh tay vậy.
Quay qua hướng nào mình cũng nhìn thấy được rất xa và phía tây có một
rặng núi cách đây khoảng chừng năm chục dặm, tuy nhiên sáng sớm khi mặt
trời mới mọc, mình có thể nhìn thấy tuyết trên chóp núi.”
Vài ngày sau cô tôi gọi lại và bảo lúc mà cô lớn tiếng đọc lá thư ấy
cho bà nội, cái chết của cha tôi mới thực sự làm cô cảm động. Cô phải
xin phép để ra ngoài. Cô ra bãi đậu xe để khóc. “Cô khóc quá trời,” cô
tôi nói. “Cô nhớ bố mày khủng khiếp. Cháu nói đúng, bố mày thích đi đây
đi đó, nó yêu cuộc sống, nó yêu tất cả mọi thứ.”
Chúng tôi bắt đầu sắp xếp lại cuộc sống. Cha tôi đã mượn trước tiền
bảo hiểm nên chẳng còn lại bao nhiêu. Một ít tiền huê hồng cha tôi cũng
chưa nhận được nhưng có vẻ như chỗ làm của cha tôi muốn lờ đi luôn. Có
vài ngàn bạc trong sổ tiết kiệm ngân hàng cần giữ nguyên cho đến khi thu
xếp xong chuyện gia tài. Người luật sư lo chuyện này là chồng của cô
Frances và dượng ấy luôn làm việc đâu ra đó. “Tài sản!” mẹ tôi lẩm bẩm,
quơ tay như thể giật cho rụng hết tóc luôn. “Tài sản!” Bà xin việc bán
thời gian ở phòng nhận bệnh của bệnh viện nơi phát hiện ra chứng bệnh
thời kỳ cuối của cha tôi, và cũng là nơi ông trải qua vài tháng cuối đời
trước khi người ta cho ông xuất viện để về chết ở nhà. Bà biết rất
nhiều bác sĩ và nhân viên và bà cũng học được “kinh nghiệm cay đắng,”
như bà nói với họ, về những thủ tục bệnh viện. Bà được nhận vào làm.
Tôi ghét cái bệnh viện ấy, tối tăm u ám và đầy những con người bị tra
tấn. Tôi nghĩ mẹ tôi cũng mang cái tâm lý khổ dâm khi xin việc ở đó,
nhưng không nói ra với bà.
Chúng tôi sống ở tầng hai, trong căn chung cư ở góc đường 175 và
Grand Concourse. Ba phòng. Tôi ngủ chung phòng với anh tôi. Căn phòng
chật cứng đồ đạc vì cha tôi cần một giường bệnh trong những tuần lễ cuối
của cơn bệnh nên chúng tôi dọn một số đồ phòng khách vào phòng ngủ và
sắp xếp lại phòng khách cho ông sử dụng. Chúng tôi phải chuyển kệ sách,
giường, một cái bàn xếp, những bàn viết, một kệ để đĩa hát và radio,
chồng 78 cái đĩa nhạc, cái kèn trombone và bục để sách nhạc của anh tôi,
vân vân. Mẹ tôi tiếp tục ngủ trên chiếc giường xếp trong phòng khách
vốn là chỗ hai người vẫn ngủ trước khi cha tôi lâm bệnh. Hai căn phòng
nối với nhau bằng một hành lang hẹp và càng trở nên hẹp hơn với những kệ
sách đặt dọc theo vách tường. Cuối hành lang là một căn bếp nhỏ với
phòng ăn và nhà tắm. Trong nhà bếp cũng đầy những đồ dùng – vỉ nướng, lò
nướng, nồi áp suất, máy rửa chén, máy xay thịt – mà cha tôi đã tậu được
ở chỗ làm, với giá vốn. “Với giá vốn” là ba chữ đầy lôi cuốn ở nhà tôi.
Tuy vậy phần lớn những thứ này để đó chứ chẳng dùng bởi vì mẹ tôi không
quan tâm đến chúng. Những dụng cụ bằng nhôm có đồng hồ tính giờ hoặc
máy đo mà muốn sử dụng rành phải đọc những chỉ dẫn tỉ mỉ thì không phải
là thứ của bà. Chúng là những thứ chịu trách nhiệm cho việc làm chật
chội đời sống chúng tôi và bà muốn quăng chúng đi cho rảnh nợ. “Chúng nó
chôn sống mình,” bà nói. “Ai mà cần chúng nó chứ!”
Thành ra chúng tôi đồng ý quăng bỏ hoặc bán những thứ không cần
thiết. Trong lúc tôi tìm hộp đựng những món đồ thì anh tôi lấy dây buộc
những thùng, những hộp ấy lại, còn mẹ tôi mở ngăn tủ của cha tôi moi áo
quần của ông ra. Ông có vài bộ đồ vét bởi vì nhân viên chào hàng cần ăn
mặc coi cho được. Mẹ tôi muốn anh em tôi thử mấy bộ đồ ấy xem cái nào
cần sửa hoặc còn mặc được. Anh tôi không chịu mặc thử. Tôi thử một cái
áo vét thấy quá rộng. Đường viền bên trong tay áo làm da thịt tôi gai
lạnh và mùi của cha tôi thoang thoảng quyện lấy tôi.
“Áo này rộng quá,” tôi nói.
“Đừng lo,” mẹ tôi nói. “Mẹ sẽ đem đi giặt. Mẹ có bao giờ chưa giặt mà bắt con mặc đâu!”
Lúc ấy trời đã tối, cuối mùa đông, tuyết rơi đầy bệ cửa sổ và tan
nhanh. Bóng đèn trần chiếu sáng trên một chồng áo vét và quần tây còn
nằm trong móc áo vắt ngang giường như hình hài một người quá cố. Chúng
tôi không chịu mặc thử thêm thứ nào nữa, thế là mẹ chúng tôi tỉ tê khóc.
“Mẹ khóc cái gì vậy?” anh tôi quát. “Mẹ muốn bỏ bớt đồ đi, phải không nào?”
Vài tuần sau đó cô tôi lại điện thoại bảo cô nghĩ cần thêm lá thư nữa
của cha tôi. Bà nội ngã từ ghế xuống bầm tím cả người và rất xuống tinh
thần.
“Cứ thế này mãi tới khi nào?” mẹ tôi nói.
“Có gì khó khăn đâu,” cô tôi nói, “còn chút thời gian ngắn ngủi cho bà cụ vui được lúc nào hay lúc ấy.”
Mẹ tôi đập cái điện thoại xuống bàn. “Anh ấy muốn chết cũng không
được nữa hay sao!” Mẹ tôi khóc. “Ngay cả sự chết cũng phải đi sau Bà
Nội! Sợ cái gì chứ, sợ tin buồn làm bà lăn ra chết à? Không có cái gì
giết bà ấy được hết á. Bà ấy bất khả xâm phạm! Đâm cọc vào tim bà ấy
cũng chẳng chết!”
Khi ngồi trong bếp để viết thư tôi thấy khó khăn hơn cái thư đầu
tiên. “Đừng nhìn em,” tôi nói với anh tôi. “Tự nó đã khó khăn lắm rồi.”
“Đâu phải cứ người khác muốn là mình phải làm theo,” Anh tôi nói. Anh
lớn hơn tôi hai tuổi và đã vào Đại Học Cộng Đồng; tuy nhiên khi cha tôi
lâm bệnh, anh chuyển qua học lớp đêm và nhận việc làm ở một tiệm bán
đĩa hát.
“Thưa Mẹ,” tôi viết. “Con mong mẹ mạnh khỏe. Tụi con ở đây ai cũng
khỏe như voi. Đời sống ở đây dễ chịu, người ta thân thiện và không kiểu
cách. Ở đây chẳng có ai mặc áo vét đeo cà vạt hết. Chỉ quần tây và áo sơ
mi cụt tay là xong. Chiều tối thì thêm cái áo len. Con vừa mua rất
thành công một cửa tiệm radio với đĩa nhạc và làm ăn rất phát đạt. Mẹ
còn nhớ Jack’s Electric, tiệm cũ của con ở đường Bốn Mươi Ba chứ nhỉ?
Bây giờ là Jack’s Arizona Electric và còn có bán cả máy truyền hình
nữa.”
Tôi gửi lá thư ấy cho cô Frances, và đúng như chúng tôi tiên đoán, cô
tôi gọi lại. Tay che cái điện thoại, anh tôi nói, “Cô Frances với bản
tin giờ chót đây.”
“Jonathan hở cháu? Cháu đúng là một thanh niên có tài. Cô muốn báo
cho cháu biết lá thư của cháu hệt như những lời chúc lành. Mặt bà nội
sáng lên lúc cô đọc cho bà nghe về cái tiệm của Jack. Mình cứ tiếp tục
như thế là tuyệt.”
“Ô, cháu hy vọng sẽ không phải làm chuyện này nữa, cô Frances à. Nó không được lương thiện cho lắm.”
Cô tôi đổi giọng. “Mẹ mày có đó không? Cho tao nói chuyện với nó.”
“Mẹ cháu không có ở đây,” tôi nói.
“Bảo mẹ mày không phải lo,” cô tôi chì chiết. “Một bà già tội nghiệp
không mơ ước gì khác hơn là những điều tốt đẹp cho con mình chẳng bao
lâu nữa sẽ chết thôi.”
Tôi không nói lại với mẹ tôi, bởi với bà đó sẽ chỉ như thêm một dòng
vào tuyển tập những lời chua chát không thể dung thứ. Nhưng rồi tôi phải
chịu đựng một mình về sự thật mà nó gói ghém. Bên nào cũng đưa ra những
lý lẽ đanh thép để tự biện hộ, còn tôi, một kẻ chỉ muốn được yên ổn,
phân tích lý lẽ của hết bên này đến bên kia đưa ra để đấu đá nhau, mà
không ngả theo bên nào, như chính cha tôi đã làm.
Những năm trước cuộc sống của cha tôi là một chuỗi những thất bại
trong chuyện làm ăn và bỏ lỡ những cơ hội. Cuộc tranh luận gay gắt giữa
một bên là họ nội và bên kia là Ruth, mẹ tôi, như thế này: ai là người
chịu trách nhiệm cho sự kiện cha tôi không đáp ứng được những mong mỏi
của bất kỳ ai.
Mẹ tôi đã thắng, bà phán cứ như tiên tri. Khi mùa xuân về, bà nội vẫn còn sống.
Một Chủ Nhật trời mát dịu mẹ tôi và anh em tôi đón xe buýt đến nghĩa
trang Beth El ở New Jersey để viếng mộ cha tôi. Mộ nằm trên khu đất hơi
dốc lên. Chúng tôi đứng nhìn lớp lớp những cánh đồng trải dài lố nhố bia
mộ. Đó đây những đoàn xe màu đen ngoằn ngoèo bò trên những lối đi, hoặc
từng đám người đứng bên những huyệt mộ chưa lấp. Mộ cha tôi cắm đầy
những chồi trường xuân nhưng còn thiếu bia mộ. Chúng tôi đã chọn bia mộ,
đã trả tiền xong nhưng rồi đám thợ đục đá đình công. Thiếu cái bia mộ
cha tôi xem như không qua đời trong vinh dự. Và tôi cảm thấy như ông đã
không được an táng chu đáo.
Mẹ tôi nhìn đăm đăm khoảnh đất bên cạnh mộ cha, nơi bà sẽ an nghỉ.
“Lúc nào họ cũng nghĩ là không ai xứng đáng với họ hết,” bà nói. “Ngay
cả cái thời còn ở đường Stanton. Họ làm ra vẻ ta đây. Không một người
nào đủ để sánh với họ. Ngay đến Jack cũng không xứng đáng với họ. Chỉ
những lúc anh mua hàng giá vốn giùm cho họ thì họ mới đếm xỉa tới anh.”
“Mẹ à, thôi đi,” anh tôi nói.
“Phải như tao biết trước. Trước khi gặp tao ông ấy đã bám chặt lấy
gấu váy mẹ ông ấy. Mà gấu váy mẹ ông ấy thì chẳng khác gì xích xiềng,
tao nói cho chúng mày biết. Nhà mình phải sống chỗ nào gần nhà họ để Chủ
Nhật còn thăm viếng. Chủ Nhật nào cũng phải đi thăm mẹ, riết rồi hết cả
đời tao. Bất cứ thứ gì mà bà ấy biết là tao ao ước, một căn hộ tốt hơn,
một thứ đồ dùng gì đó, trại hè cho hai đứa bay, là bà ấy đều gạt đi.
Tụi bay cũng biết cha tụi bay thế nào rồi, mọi quyết định đều phải suy
đi tính lại. Cuối cùng chẳng có gì thay đổi hết. Không thứ gì thay đổi
hết.”
Bà bắt đầu khóc. Chúng tôi dìu bà ngồi xuống băng ghế cạnh đó. Anh
tôi bỏ đi lẩm nhẩm đọc những cái tên trên bia mộ. Tôi nhìn mẹ khóc, rồi
rảo bước theo anh tôi.
“Mẹ vẫn còn khóc,” tôi nói. “Mình có nên làm cái gì đó không?”
“Không sao,” anh nói. “Mẹ đến đây là để như vậy thôi.”
“Ừ,” tôi nói, và rồi một tiếng nấc bật ra từ cổ họng. “Nhưng em cũng muốn khóc.”
Anh tôi choàng cánh tay lên vai tôi. “Nhìn cái bia mộ đen cũ này,”
anh nói. “Cái cách người ta khắc. Em sẽ thấy những bia mộ cũng thay đổi
như thời trang – hệt như những thứ khác.”
Ở một nơi chốn nào đó trong khoảng thời gian này tôi bắt đầu mơ thấy
cha tôi. Không phải người cha của thời thơ ấu tôi, người đàn ông đẹp
trai với nước da hồng hào khỏe mạnh với râu mép và mái tóc thưa rẽ ngôi
đường giữa. Người cha đã qua đời của tôi. Chúng tôi đưa ông rời bệnh
viện về nhà. Chúng tôi hiểu ngầm với nhau là ông trở về từ cõi chết.
Giây phút kỳ diệu và hạnh phúc. Mặt khác, ông đã tổn thương một cách
trầm trọng trong bí mật, hay nói khác đi là, tồi tàn và dơ dáy. Người
ông vàng ủng và tiều tụy vì cái chết, và không có gì bảo đảm là chẳng
bao lâu nữa ông sẽ lại chết. Có vẻ như ông hiểu điều đó và toàn bộ cá
tính ông thay đổi. Ông giận dữ và nhanh chóng nổi nóng với tất cả chúng
tôi. Chúng tôi cố gắng giúp đỡ ông trong một cách thế nào đó, vất vả đem
ông về nhà, nhưng có cái gì đó cản trở chúng tôi, một cái gì đó mà
chúng tôi phải sửa, một cái va li rách nát mở tung, một cái gì có vẻ máy
móc: ông có xe nhưng máy đề không nổ; hay là chiếc xe của ông làm bằng
gỗ; hoặc áo quần ông, trở nên quá rộng đối với ông, đã vướng vào kẹt
cửa. Trong giấc mơ khác của tôi cha tôi bị băng bó kín người và khi
chúng tôi khiêng ông từ xe lăn vào taxi, băng vải tuột ra vướng vào
những cây tăm bánh xe lăn. Điều ấy có vẻ như một chuyện phi lý về phần
ông. Mẹ tôi buồn phiền đứng nhìn và cố thuyết phục ông giúp chúng tôi
một tay.
Đó là giấc chiêm bao. Tôi chẳng kể lại cho ai nghe. Một lần tôi thức
giấc, và bật khóc, anh tôi bật đèn sáng. Anh muốn biết tôi nằm mơ thấy
gì nhưng tôi giả bộ không nhớ. Giấc mơ khiến tôi thấy tội lỗi. Tôi thấy
tội lỗi ngay cả trong giấc mơ bởi vì ông bố giận dữ của tôi biết là
chúng tôi không muốn sống với ông. Giấc mơ cho thấy chúng tôi đem ông về
nhà, hoặc cũng muốn đem ông về nhà, nhưng trong thâm tâm tất cả chúng
tôi đều muốn ông sống một mình. Ông là kẻ vật vờ trở về từ cõi chết, và
những điều chúng tôi làm là đem ông đến một nơi nào đó ông có thể sống
một mình không cần ai giúp đỡ cho đến khi ông lại chết.
Có một thời kỳ tôi sợ những giấc mơ tới mức cố gắng không đi ngủ. Tôi
cố nhớ đến những điều tốt đẹp về cha tôi và nhớ về ông giai đoạn trước
khi ông lâm bệnh. Ông thường hay gọi tôi là “matey.” “Hello matey,” ông
nói mỗi khi đi làm về. Ông luôn muốn chúng tôi đi đây đi đó – đến cửa
tiệm, ra công viên, đi chơi bóng. Ông thích đi bộ. Khi tôi bước đi bên
ông, ông thường nói, “Thẳng hai vai lên, đừng khom lưng. Ngẩng cao đầu
nhìn thế gian. Bước đi với chủ ý rõ rệt!” Khi rảo bước trên đường phố,
hai vai ông chuyển động như thể ông đang chìm vào vũ điệu lắc lư nào đó.
Ông bước đi nhún nhảy. Ông luôn háo hức tìm xem cái gì ở phía sau khúc
quanh.
Lần yêu cầu viết thư kế tiếp trùng vào một sự kiện đặc biệt trong gia
đình: anh tôi gặp một cô gái mà anh thích, hai người đã hẹn hò với nhau
mấy lần rồi. Kỳ này cô ấy đến nhà chúng tôi ăn tối.
Chúng tôi chuẩn bị từ mấy ngày trước, lau chùi mọi thứ trong tầm mắt,
kiểm soát lại toàn bộ căn nhà, kỳ cọ bụi bặm bám trên những ly tách,
chén đĩa không dùng tới. Mẹ tôi đi làm về sớm để lo bữa ăn tối. Chúng
tôi bày cái bàn xếp trong phòng khách và khiêng mấy cái ghế từ nhà bếp
lên. Mẹ tôi trải chiếc khăn trắng đã giặt ủi kỹ lên bàn và rải những
muỗng nĩa sáng loáng lên. Đây là dịp họp mặt gia đình đầu tiên từ khi
cha tôi ngã bệnh.
Tôi rất thích cô bạn gái của anh tôi. Cô ta có thân hình thon thả với
mái tóc buông dài và nụ cười tuyệt đẹp. Sự hiện diện của cô ấy làm
không khí sống động hẳn lên. Thật là kỳ diệu khi có được một người nữ
linh hoạt tươi tắn trong nhà chúng tôi. Cô nhìn quanh và cô nói thế này:
“Ô, em chưa bao giờ thấy nhiều sách như vậy!” Trong khi cô bạn và anh
tôi ngồi ở bàn ăn, mẹ tôi múc đồ ăn ra bát trong nhà bếp, tôi đi tới đi
lui giữa phòng khách và nhà bếp, diễn xuất như tay bồi bàn, với khăn
trắng vắt ngang cánh tay và cách phục vụ cao cấp, tươi cười đặt đĩa đậu
xanh trên bàn. Trong bếp, ánh mắt mẹ tôi sáng lấp lánh. Bà nhìn tôi gật
đầu và thì thầm: “Con bé quá là dễ thương!”
Anh tôi đau khổ vì bị phục vụ tới nơi tới chốn. Anh lo lắng không
biết chúng tôi sẽ nói những gì. Anh không ngừng liếc nhìn cô bạn – tên
cô là Susan – để đoán chừng cô có hài lòng với chúng tôi không. Cô ta
làm việc trong một văn phòng bảo hiểm và học thêm về kế toán ở Đại Học
Cộng Đồng. Anh tôi thì hết sức căng thẳng nhưng anh cũng thích thú và
sung sướng. Anh mua một chai rượu nho để uống với món gà quay. Anh giơ
cao ly mời mọi người cụng ly. Mẹ tôi nói: “Chúc sức khỏe và hạnh phúc,”
rồi chúng tôi uống, cả tôi cũng uống luôn. Ngay lúc ấy điện thoại reo,
tôi chạy vào phòng ngủ để trả lời.
“Jonathan hở cháu? Cô Frances đây. Mọi người khỏe cả chứ?”
“Dạ khỏe, cảm ơn cô.”
“Cô muốn nhờ cháu một lần chót. Cô cần một lá thư của bố cháu. Bà nội đang ốm nặng. Cháu nghĩ cháu có thể giúp cô không?”
“Ai thế?” mẹ tôi gọi từ phòng khách.
“Được, cô Frances ạ,” tôi nói nhanh. “Cháu xin phép cô, cháu đang ăn tối.” Và tôi cúp điện thoại.
“Thằng Louie bạn con,” tôi vừa nói vừa ngồi xuống ghế. “Nó không biết phải ôn bài toán ở trang nào.”
Bữa ăn tối thành công. Anh tôi và Susan rửa chén bát và khi họ làm
xong thì mẹ tôi và tôi đã xếp cái bàn lại và dựa nó vào tường, và tôi
cũng đã quét sạch vụn bánh mì vung vãi trên thảm. Mọi người ngồi trò
chuyện và nghe nhạc một lúc rồi anh tôi đưa Susan về nhà. Buổi tối trôi
đi một cách hoàn hảo.
Một lần khi mẹ tôi đi vắng anh tôi đã vạch ra rằng: những lá thư mạo
danh cha tôi thực sự không cần thiết. “Làm mãi cái trò gì thế?” anh nói,
ngửa bàn tay lên trời. “Bà nội coi như đã mù hẳn rồi, lại còn nặng tai
và tật nguyền. Đâu cần gì một bài luận văn chứ? Có cần phải giống như
thật không? Giả như thay vì đọc thư thì đọc từ cuốn niên giám điện
thoại, bà nội có thấy khác không?”
“Vậy thì cô Frances hỏi em làm gì?”
“Vấn đề là ở chỗ đó, Jonathan à. Tại sao cô ấy phải nhờ? Tại sao cô
ấy không tự viết lấy – có khác gì đâu chứ? Và nếu cô Frances không viết
thì sao con trai cô ấy không viết, mấy đứa sinh viên Amherst ấy? Tới giờ
thì chúng nó cũng biết viết rồi chứ.”
“Nhưng chúng nó không phải con trai của bố Jack,” tôi nói.
“Vấn đề là ở chỗ đó,” anh tôi nói. “Cái ý nghĩ phục vụ. Bố đã từng
cong lưng đi kiếm hàng mua sỉ, tìm hàng hạ giá cho họ. Cô Frances nhà
Westchester thực sự cần hàng bán giá vốn. Cả cô Molly nữa. Cả chồng cô
Molly, luôn cả chồng cũ của cô Molly nữa. Bà Nội mà cần đứa nào chạy
việc cho bà, là bố phải có mặt ngay. Họ không bao giờ nghĩ thời giờ của
bố cũng quan trọng. Họ không bao giờ nghĩ mỗi lần họ làm gì cho bố thì
bố luôn luôn phải đền đáp. Đồ dùng, đĩa hát, đồng hồ, đồ sứ, vé đi xem
opera, bất kỳ cái thứ con mẹ gì. Chỉ việc gọi Jack.”
“Đó là niềm hãnh diện bố có được khi được mọi người nhờ vả,” tôi nói. “Được nối kết với người thân.”
“Ừ, tao cũng thắc mắc tại sao,” anh tôi nói, rõi mắt nhìn ngoài cửa sổ.
Và bỗng dưng tôi nhận ra rằng anh tôi đang ám chỉ tôi.
“Mày phải tập suy nghĩ nhiều hơn nữa,” anh tôi nói.
Tuy nhiên vì đã hứa thêm một lá thư viết từ sa mạc thành ra tôi phải
viết. Tôi gửi đến cô Frances. Vài ngày sau, trên đường về nhà sau giờ
tan học, tôi nghĩ tôi thấy cô ngồi trong xe ngay trước nhà tôi. Cô ngồi
trong chiếc Buick Roadmaster màu đen, một chiếc xe lớn và sạch với vỏ xe
viền trắng. Đúng là cô Frances. Cô bóp còi xe lúc trông thấy tôi. Tôi
bước tới dựa trên cửa sổ xe.
“Jonathan,” cô nói. “Cô vội lắm. Cháu vào xe được không?”
“Mẹ cháu không có nhà,” tôi nói. “Mẹ đi làm.”
“Cô biết. Cô đến để nói chuyện với cháu.”
“Cô muốn vào nhà không?”
“Không được, cô phải về ngay. Cháu vào xe với cô một tí thôi.”
Tôi chui vào xe. Cô Frances của tôi là một phụ nữ rất đẹp tóc trắng,
rất quý phái, ăn mặc toàn những áo quần thời trang. Tôi vẫn quý mến cô
và từ lúc tôi còn bé cô vẫn thích thú khoe với mọi người là tôi giống
như con trai của cô hơn là con của cha tôi. Hai bàn tay đeo găng trắng
đặt trên tay lái và cô nhìn thẳng phía trước lúc chúng tôi nói chuyện,
như thể chiếc xe đang chạy giữa đoàn xe cộ chứ không phải đang đậu bên
lề đường.
“Jonathan,” cô nói. “Lá thư của cháu cô để trên nệm xe. Khỏi nói cháu
cũng biết cô không đọc cho Bà Nội. Cô trả lại cho cháu và cô cũng không
hé môi nói với ai. Đây là chuyện giữa hai cô cháu mình. Cô không bao
giờ nghĩ cháu có thể cư xử thô bạo như thế. Cô không bao giờ tưởng tượng
ra được cháu có thể cố tình làm cái chuyện tàn bạo và ngang ngược như
thế.”
Tôi lặng thinh.
“Mẹ cháu lúc nào cũng có ác cảm với dòng họ và cô thấy nó đã truyền
nọc độc sang cho cháu. Nó luôn luôn cay đắng với gia đình bên chồng. Nó
là con người cứng đầu, ích kỷ.”
“Mẹ cháu không như vậy,” tôi nói.
“Cô không cần cháu đồng ý. Nó làm thằng Jack điên đầu vì những đòi
hỏi của nó. Nó luôn có những cao vọng mà chồng nó không cách nào thỏa
mãn. Khi bố mày còn cửa tiệm, bố mày trả lương cho cái thằng em vợ lúc
nào cũng say sưa. Sau khi hết chiến tranh và bố mày có được đồng ra đồng
vào, bố mày lại phải mua cho con Ruth cái áo lông chỉ vì con ấy thèm
một cái áo lông. Bố mày còn phải trả nợ nhưng nó muốn áo lông. Thằng em
trai của cô – tức là bố mày đấy – đúng ra cũng có làm được cái gì đó đặc
biệt, nhưng nó yêu mẹ mày, nó tận tụy cả đời nó cho mẹ mày. Trong khi
mẹ mày chỉ nghĩ tới một chuyện là làm sao cho nở mày nở mặt với thiên
hạ.”
Tôi nhìn xe cộ đi lên đi xuống Grand Concourse. Một đám trẻ con đứng
chờ xe buýt ở góc đường. Chúng quăng bừa cặp sách dưới đất và đuổi bắt
nhau.
“Cô tiếc là đã phải nói ra chuyện này,” cô Frances nói. “Cô không
thích nói sau lưng người khác như thế. Nếu như không nói tốt được về
người khác, cô thà chẳng nói gì hết. Thằng anh Harold của cháu sao rồi?”
“Tốt.”
“Có phải nó giúp cháu viết lá thư kỳ diệu đó không?”
“Không.”
Sau một lúc cô tôi đổi giọng dịu dàng, “Hai anh em có hòa hợp nhau không?”
“Được.”
“Cô muốn mời nhà cháu lên chơi dịp lễ Vượt Qua nếu cô nghĩ mẹ cháu sẽ nhận lời.”
Tôi không trả lời.
Cô đề máy xe. “Thôi cô phải đi đây, Jonathan. Cháu lấy lá thư lại đi.
Cô hy vọng cháu bỏ thời gian ra suy nghĩ về điều cháu làm.”
Tối hôm ấy khi mẹ tôi đi làm về tôi thấy mẹ không đẹp như cô Frances.
Tôi vẫn thường nghĩ mẹ là người đàn bà đẹp, nhưng giờ đây tôi thấy mẹ
quá nặng nề và mái tóc mẹ chẳng có gì đặc biệt.
“Sao lại nhìn mẹ thế?” bà nói.
“Đâu có.”
“Hôm nay mẹ tìm hiểu được vài điều thú vị,” mẹ tôi nói. “Mình có thể
lãnh tiền hưu cựu chiến binh thời gian bố con ở trong Hải Quân.”
Điều đó làm tôi ngạc nhiên. Không ai bảo cho tôi biết là cha tôi đã từng gia nhập Hải Quân.
“Hồi Thế Chiến Một,” bà nói, “ba con học ở Học Viện Hải Quân Webb
trên sông Harlem. Ông ấy được huấn luyện để thành thiếu úy. Nhưng rồi
chiến tranh kết thúc và ông không bao giờ ra trận.”
Sau bữa ăn tối, ba mẹ con chúng tôi lục lọi hết các ngăn tủ để tìm
giấy tờ của cha tôi, hy vọng tìm ra thứ gì đó có thể nộp cho văn phòng
Bộ Cựu Chiến Binh. Chúng tôi tìm được hai thứ, một huy chương chiến
thắng, mà anh tôi nói là bất cứ ai tham gia Cuộc Chiến Tranh Vĩ Đại đều
nhận được, và một bức hình màu nâu tối đặc sắc của cha tôi chụp với các
bạn đồng ngũ trên boong một con tàu. Họ mặc quần ống loe và áo thun tay
cầm chổi lau, bàn chải và sô nước.
“Con chưa bao giờ biết chuyện này,” tôi nghe tôi nói. “Con chưa bao giờ biết chuyện này.”
“Tại mày không nhớ đấy,” anh tôi nói.
Tôi có thể nhận ra cha tôi. Ông đứng ở cuối hàng, một thanh niên đẹp
trai, thon gọn với mái tóc rậm, bộ ria mép, và một diện mạo tươi cười,
đầy thông minh.
“Ba mày vẫn hay đùa,” mẹ tôi nói. “Họ gọi chiếc tàu huấn luyện là Chiến Hạm Táo Bón bởi vì nó chẳng bao giờ ra khơi.”
Cả chiếc huy chương lẫn tấm hình chẳng chứng minh được điều gì, nhưng
anh tôi nghĩ bản sao của những giấy tờ quân ngũ của cha tôi nhất định
phải còn đâu đó ở Washington, vấn đề là biết cách tìm ra chúng thôi.
“Tiền hưu chẳng đáng bao nhiêu,” mẹ tôi nói. “Hai hay ba chục đô. Nhưng cũng còn hơn không.”
Tôi đem bức hình cha tôi với các bạn đồng ngũ đặt dựa vào cái đèn ở
đầu giường tôi. Tôi nhìn vào khuôn mặt trẻ trung của ông và cố tìm sự
nối kết giữa người trong hình và cha tôi ngoài đời sống mà tôi biết. Tôi
nhìn bức hình thật lâu. Và dần dần tia nhìn của tôi dạt xuống bộ Những
Tiểu Thuyết Vĩ Đại Về Biển Cả ở đáy kệ sách chỉ cách tôi vài bước chân.
Cha tôi đã cho tôi bộ sách ấy: những cuốn sách đóng bìa xanh với chữ
vàng gồm tác phẩm của Melville, Conrad, Victor Hugo và Thuyền Trưởng
Marryat. Và nằm ngang trên những đầu sách, chèn bên dưới khung kệ sách
xệ xuống dưới, là chiếc viễn vọng kính cũ của một con tàu trong chiếc
hộp gỗ có móc khóa bằng đồng.
Tôi thấy mình thực sự ngu ngốc, lơ đãng, và chỉ nghĩ đến mình khi
không hề biết rằng lúc cha tôi còn sống ông đã từng có những mơ ước gì
trong đời sống.
Mặt khác, tôi đã viết trong lá thư cuối cùng của tôi từ Arizona – lá
thư đã làm cô Frances của tôi nổi giận – một vài điều có thể cho phép
tôi, kẻ văn hay chữ tốt trong gia đình, làm dịu bớt sự phê phán tôi dành
cho chính mình. Tôi sẽ kết luận bằng cách ghi lại toàn bộ lá thư ấy.
Thưa Mẹ,
Đây là lá thư cuối cùng con viết cho mẹ bởi vì bác sĩ bảo con sắp chết rồi.
Con đã bán cửa tiệm với tiền lời cũng khá và con gửi chị Frances
tấm chi phiếu năm ngàn đô để tặng vào trương mục của mẹ. Món quà của con
dành cho mẹ, Mamaleh. Mẹ bảo chị Frances đưa sổ ngân hàng cho mẹ xem
nhé.
Về chứng bệnh của con thì bác sĩ không nói là thứ gì, nhưng con
biết đơn giản là con chết vì chọn lựa sai trong cuộc sống. Lẽ ra con
không nên vào ở trong sa mạc. Chỗ ấy không thích hợp cho con.
Con đã bảo vợ con và hai cháu hỏa táng con và đem tro rắc xuống đại dương.
Con yêu của mẹ.
Jack.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
FOULA - Hòn Đảo Xa vXoi6 Nhất Có Người Sinh Sống Ở Anh
Hòn đảo biệt lập này chỉ có khoảng 30 người sinh sống và là hòn đảo xa xôi nhất có người sinh sống ở Anh. Foula là một trong những hòn đảo...
-
CON MỂN VÀ ĐIỀM BÁO KHÔNG MAY MẮN Con thú rừng có tên “ Mển ” hay“ Mang” , còn gọi là hoẵng , kỉ , là mộ...
-
Năm nào cũng vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực kh...
-
Bối cảnh lịch sử: Nguyễn Du (chữ Hán: 阮攸; sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766–1820), tên tự Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồ...
Bài viết rất hay
Trả lờiXóa