Ngô Hoàng Long
Đây là trường hợp duy nhất trong lịch sử Việt Nam – một người Việt thi đỗ trạng nguyên và làm tể tướng dưới thời nhà Đường, một triều đại hưng thịnh của Trung Quốc.
Khương Công Phụ (731- 805), tự là Đức Văn, là một tể tướng người
An Nam dưới triều Đường Đức Tông. Theo "Đại Việt sử ký toàn thư", ông
người làng Sơn Ổi, xã Cổ Hiển, huyện Quân Ninh, Ái châu, quận Cửu Chân
nay là làng Tường Vân, xã Định Thành, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
Ông được vua Đường Đức Tông (742- 805) phong chức "Hiệu thư lang", thăng
dần đến chức "Gián nghị đại phu", rồi "Tể tướng".
Thông minh từ nhỏ
Theo gia phả của họ Khương ở Yên Định, Thanh Hóa, Khương Công Phụ và
Khương Công Phục là con của Khương Công Đĩnh, cháu nội của Khương Thần
Dực - Thứ sử vùng đất Ái Châu (tức Thanh Hóa ngày nay). Ngay từ nhỏ, cả
hai anh em Công Phụ, Công Phục đã thể hiện sự thông minh hơn người.
Khương Công Đĩnh rất mừng và tìm thầy giỏi dạy cho hai con.
Trong hai anh em thì Khương Công Phụ nổi tiếng thông minh, có trí nhớ
tuyệt vời. Tương truyền, lúc Khương Công Phụ còn nhỏ, cha ông là Khương
Công Đĩnh thấy con sáng dạ nên mừng lắm. Ông tìm người giỏi chữ cùng mở
cửa hàng thuốc bắc gần nhà gửi con theo học. Khương Công Phụ tiến bộ rất
nhanh khiến thầy giáo phải ngạc nhiên, khen ngợi. Cậu thuộc sách Tứ
thư, Ngũ kinh và thấu hiểu nghĩa lý trong Kinh thư, Kinh lễ...
Trí
tuệ và sức học của Khương Công Phụ được người dân đông đảo trong vùng
đều biết, thậm chí các quan nhà Đường ở quận Cửu Chân đều nể phục ông.
Trước khi được tới kinh đô Tràng An của nhà Đường dự thi, Khương Công
Phụ phải trải qua rất nhiều kỳ thi sát hạch. Dù về kinh sử hay thơ phú,
bài làm của Công Phụ đều đạt xuất sắc.
Dưới thời nhà Đường, mỗi năm đất An Nam được chọn 8 người sang thi tiến
sỹ và Khương Công Phụ và Khương Công Phục là 2 trong 8 người được chọn
dự thi khoa tiến sỹ ở Trường An vào năm 758.
Đỗ trạng nguyên - từng bước trở thành tể tướng
Tại kỳ thi đình ở Trường An- kinh đô nhà Đường, với tài năng xuất chúng
của mình, Khương Công Phụ đã vượt qua nhiều sỹ tử và đỗ đầu kỳ thi ấy.
Bài thi "Đối trực ngôn cực gián" của ông xuất sắc đến nỗi tất cả giám
khảo đều phải thừa nhận và khâm phục tài năng của sỹ tử đến từ xứ An
Nam.
Sau khi đỗ trạng nguyên, Khương Công Phụ được vua Đường phong chức "Hiệu
thư lang" (chức quan văn); còn người em là Khương Công Phục làm "Lang
trung bộ Lễ".
Với trí tuệ và phẩm cách hơn người, Khương Công Phụ đã có nhiều chính
sách và công lao lớn cho nhà Đường, được vua Đường Đức Tông rất kính nể,
rồi phong cho ông những chức vụ cao hơn như "Tả thập di Hàn lâm học
sĩ", kiêm chức "Hộ tào tham quân". Trong "Tân Đường thư", Âu Dương Tu
nói về ông là người "có tài cao, mỗi lần tiến tấu rất rõ ràng, Đức Tông
rất xem trọng".
Tháng
10 năm Kiến Trung thứ 4 (783), ông can gián vua trong vụ binh loạn
Trường An của Chu Thử nên được thăng chức làm "Gián định đại phu Đồng
trung thư môn hạ Bình Chương sự" được quyền can vua, xem xét mọi sai lầm
của các đại thần. Chức này trong các sách "Tư trị thông giám", "Uyên
giám loại hàm", "Đường hội yếu"… ghi chép ông vào hàng Tể tướng thời
Đường.
Trực ngôn can gián và cái kết không trọn vẹn
Năm 784, công chúa Đường An không may chết yểu. Quá thương con, vua
Đường xuất nhiều ngân khố làm lễ hậu táng xây tháp trong khi binh loạn
chưa dứt, người dân khốn khổ nên Khương Công Phụ đã thẳng thắn can gián
nhà vua.
Đang lúc thương tiếc con, lại nghe lời trái tai của Khương Công Phụ,
Đường Đức Tông đã tức giận giáng ông xuống làm "Tả thứ tử" (chức quan
coi việc giữ sổ sách và dạy học cho thái tử) nhưng vì mẹ mất nên ông
được giải chức về chịu tang.
Sách "An Nam chí lược" chép chuyện Khương Công Phụ can gián vua Đường như sau:
Công
Phụ can rằng: "Sơn Nam không phải là nơi ở lâu dài, vả lại nên tiết
kiệm để giúp vào khoản cần cấp của việc quân". Vua bảo Lục Chí rằng:
"Công Phụ muốn chỉ trích lỗi lầm của Trẫm để cầu danh mà thôi". Lục Chí
tâu rằng: "Công Phụ làm quan gián nghị, giữ chức Tể tướng, bày điều
phải, sửa điều trái, chính là bổn phận. Đặt gia phụ thần ở tả hữu để sớm
tối nghe lời can ngăn. Thấy nguy cơ thì giúp đỡ ngay, ấy việc của Phụ
Thần là như thế". Vua nói: "Không phải". Vua bèn đổi Công Phụ làm thái
tử tả thứ tử.
Năm Qúy Dậu (793), Khương Công Phụ bị biếm chức rồi sai đi biệt giá ở
Tuyền Châu. Mãi đến năm 805, sau khi vua Đường Đồng Thuận lên ngôi, nhận
thấy lẽ phải trong lời can ngăn của Khương Công Phụ, liền xuống chiếu
cử ông làm Thứ sử Cát Châu. Tuy nhiên vị lão thần tuổi già sức yếu đã
qua đời trước khi đến nơi nhậm chức. Thời Đường Hiến Tông đã truy tặng
ông chức "Lễ bộ Thượng thư".
(phamvietdao5.Blog )
https://nvphamvietdao5.blogspot.com/2019/08/khuong-cong-phu-nguoi-viet-duy-nhat-o.html
https://nvphamvietdao5.blogspot.com/2019/08/khuong-cong-phu-nguoi-viet-duy-nhat-o.html
Bài viết rất hay
Trả lờiXóa