Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2019

Khảo Luận về Diêu Trì Kim Mẫu trong tín ngưỡng Cao Đài (Nguyễn Minh Việt Sơn )


I- ĐIỆN THỜ PHẬT MẪU
Trong phạm vi Toà Thánh Cao Đài Tây Ninh, ngôi đền thứ hai được các tín đồ chiêm bái nhiều nhất sau Toà Thánh là ngôi đền thờ Phật Mẫu (Điện Thờ Phật Mẫu, còn được gọi là Báo Ân Từ). Đền thờ nầy nằm trên con đường chính trên trục Bắc-Nam của nội ô Toà Thánh và gần như nghịch hướng với ngôi đền chính, nơi thờ Thiên Nhãn (Toà Thánh hướng về phương Tây trong khi Điện Thờ Phật Mẫu hướng về phương Đông). Trên phương diện tín ngưỡng, đây là ngôi đền thờ Mẹ (Âm) tạm thời đặt nơi Báo Ân Từ, trong khi Toà Thánh là nơi thờ Cha (Dương) và là một ngôi đền vĩnh viễn. Ngôi đền thờ Mẹ nầy thỏa mãn được nguyện vọng của rất nhiều người tín đồ vốn là dân Trung và Nam Bộ VN, thật thà chơn chất nhưng rất dễ mê tín dị đoan, nhiều khi lại tin tưởng nơi Trời Phật mà không cần nhiều suy nghĩ hay tra hỏi. Nhưng nếu ngồi lại xét suy cho kỹ, chúng ta sẽ thấy một yếu điểm là qua bao nhiêu năm rồi nhưng các tín đồ Cao Đài lại rất ít ai biết nhiều về “Diêu Trì Kim Mẫu” để mà nêu lên thắc mắc là tại sao bà lại đứng vào hàng Phật Mẫu mà nhân loại phải thờ phượng và có phải bà là “Tây Vương Mẫu” đang ngự trên chiếc ngai đâu đó trên trời xanh và được hầu hạ chung quanh bởi chín vị tiên cô xưng gọi là “Cửu Vị Tiên Nương” ? Các tín đồ chưa bao giờ dám hỏi những câu hỏi thành thật chẳng hạn như Phật Mẫu là ai và ảnh hưởng ra sao trong cuộc sống chúng ta ? Cửu Vị Tiên Nương là ai và đang làm gì trong vũ trụ nầy, nơi chúng ta đang sinh sống ? Ngày nay người ta nói đến khoa học và kỹ thuật và chúng ta ai ai cũng nhìn nhận là cuộc sống hiện tại đã bị thay đổi rất nhiều so với trăm năm hay ngàn năm trước. Chúng ta đã và đang sống và hưởng thụ một nền văn minh đầy vật chất như xe hơi, xe điện, máy bay, tàu thủy, điện toán, điện tử, viễn thông, v.v. nhưng xong việc vật chất rồi chúng ta vẫn cứ chui đầu vào các đền thờ để cầu nguyện với những hình tượng của những trăm năm hay ngàn năm xưa cũ mà không hề thắc mắc là những hình tượng đó là gì và các đấng Tiên Phật đó có ảnh hưởng như thế nào trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta ? Chúng ta ăn nói thế nào với các nhà khoa học kỹ thuật thời nay về nền tôn giáo của chúng ta ? Ai đang say và ai đang tỉnh trong cuộc sống nầy ? Nếu chúng ta chịu khó mang một chút kiến thức khoa học vào soi sáng trong các đền thờ, chúng ta sẽ thấy rằng những vị thần thánh mà chúng ta thờ phượng xưa nay lại gần gủi với chúng ta nhiều hơn là chúng ta được biết.

II- DIÊU TRÌ KIM MẪU THEO NGHĨA CHỮ HÁN

Một điều chúng ta ít biết nhất là việc thờ phượng Diêu Trì Kim Mẫu và Cửu Vị Tiên Nương trong Cao Đài là do được mang vào từ Ngũ Chi Minh Đạo và nhất là từ Lão Giáo (Tiên Giáo). Đối với Ngũ Chi Minh Đạo (tiền thân của Cao Đài) thì họ quá rành rọt về Hán Tự nên không cần phải giải thích thêm. Với những người Việt bình thường thì có lẽ cần phải xem lại các từ điển Hán Việt mà tham khảo. Chữ “Diêu” ghi trong Điện Thờ Phật Mẫu lại đọc là “Dao” trong phần lớn các quyển Hán Việt Tự Điển nếu các bạn có thắc mắc và tìm kiếm. Quyển Cao Đài Tự Điển [1] của Đức Nguyên Nguyễn văn Hồng có ghi rõ hai chữ Diêu khác nhau: chữ Diêu bộ Ngọc (瑤) và chữ Diêu bộ Thủ (搖). Chữ Diêu hay Dao trong Diêu Trì Kim Mẫu là chữ Diêu bộ Ngọc 瑤 có nghĩa là một loại ngọc quý (ngọc Dao trong thành ngữ cây Quỳnh cành Dao). Trì (池) là một hồ (ao) nước. Kim (金) là màu vàng chói và Mẫu (母) là người mẹ. Như vậy Diêu Trì Kim Mẫu có nghĩa là người mẹ màu vàng chói giống như (hay ở nơi) một hồ chứa đầy ngọc Dao quý giá. Các bạn nhớ lấy nghĩa nầy để rồi sẽ không mấy ngạc nhiên khi tôi nói ra ở phần sau là chữ Diêu Trì Kim Mẫu có ngụ ý ám chỉ nơi Mặt Trời (the Sun). 

Hình 1: Ảnh chụp hình vẽ ở nơi thờ phượng Phật Mẫu trong phạm vi Toà Thánh Cao Đài Tây Ninh. Phía trên là Phật Mẫu và 13 hầu cận, bên dưới bên trái là Đông Phương Sóc nâng đĩa đào tiên, bên phải là tượng ngài Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư đang quì trước Hoa Điện cung nghinh các Tiên Phật giáng phàm.

III- DIÊU TRÌ KIM MẪU XUYÊN QUA TÍN NGƯỠNG CAO ĐÀI Theo tài liệu [2] của Đức Nguyên Nguyễn văn Hồng giải nghĩa về các kinh Thiên và Thế Đạo của Cao Đài, thoạt đầu theo lời ngài Hộ Pháp Phạm công Tắc (nhân ngày hội yến Diêu Trì năm 1947) thì khi mới mở đạo có chín vị nương nương và Phật Mẫu trong Đạo giáo xuống cơ bút làm thơ văn dạy đạo nhưng tuyệt nhiên không nghe nói đến công đức bà Diêu Trì Kim Mẫu. Mãi cho đến một ngày hội yến Diêu Trì nào đó (có lẽ trong lần đầu tiên trong Cao Đài, không rõ năm, có thể là 1926) mới có lời giảng dạy về công đức của bà. Mặt khác, bài kinh Phật Mẫu Chơn Kinh trong Cao Đài lại là một bài kinh tương đối mới, nhận được qua cơ bút ở Báo Ân Đường ở Nam Vang [1][3] chứ không phải du nhập từ Đạo giáo trong Ngũ Chi. Điều lý thú nhất trong bài kinh Phật Mẫu là mặc dù viết bằng chữ Hán Việt, các chữ nầy lại là các từ ngữ khá thông dụng trong tiếng Việt, lại viết bằng thể thơ “song thất lục bát”, một thể thơ được khá nhiều người ưa chuộng trong tiếng Việt. Có thể nói là bài kinh Hán Việt nầy tương đối dễ hiểu chớ không tuyệt đối thuần Hán văn (đọc hơi khó hiểu) như trong các bài kinh nhật tụng Cao Đài (vốn du nhập từ Ngũ Chi Đại Đạo mà chúng ta không biết rỏ là đã có từ lúc nào). Hình 1 là bức ảnh chụp nơi điện thờ Phật Mẫu trong Toà Thánh Tây Ninh. Bức hình nầy được vẽ theo góp ý của ngài Hộ Pháp Phạm công Tắc lúc làm điện thờ ở Báo Ân Từ. Trên cao nhất là hình bà Phật Mẫu cỡi Thanh Loan, bao bọc bởi 13 người hầu cận gồm 9 vị nương nương và 4 người Tiên đồng Nữ nhạc theo hầu. Bên dưới là tượng Ðông Phương Sóc, một vị tiên trong huyền thoại TQ (Trung Quốc), nâng mâm lên nhận đào tiên của bà Phật Mẫu bạn tặng, bên dưới là hình Hoa Điện, nơi vua Hán Vũ Đế làm lễ cung nghinh Diêu Trì Kim Mẫu và Cửu Vị Nương Nương ngày xưa. Cũng theo huyền thoại nầy, vua Hán Vũ Đế là vị vua tôn trọng Đạo giáo nên nhờ một vị Tiên tên là Đông Phương Sóc làm lễ cầu xin Phật Mẫu và Cửu Vị Nương Nương giáng trần. Sự việc xãy ra vào một ngày Trung Thu, Đức Phật Mẫu và đoàn tuỳ tùng đến Hoa Điện ban đào tiên cho nhà vua do lòng thành của ông và do lời thỉnh nguyện của Đông Phương Sóc.

IV- HƯ THẬT CỦA NGÀY HỘI YẾN DIÊU TRÌ LẦN ĐẦU TIÊN

Như vậy ngày lễ Hội Yến Diêu Trì lần đầu tiên là ngày lễ Khánh thọ của vua Hán Vũ Đế năm nhà vua 61 tuổi (cũng là ngày Trung Thu). Nếu tính ra nhà vua mất đi năm 87 BC lúc nhà vua 70 tuổi thì năm nhà vua 61 tuổi là năm 96 BC (năm 96 trước công nguyên hay trước chúa giáng sinh). Bỏ qua huyền thoại về việc Diêu Trì Kim Mẫu cùng 13 người hầu cận cởi Thanh Loan giáng xuống Hoa Điện do lời thỉnh nguyện của vua Hán Vũ Đế và Đông Phương Sóc, thì có thể trên thực tế ông Đông Phương Sóc, một người tu theo Lão giáo (còn gọi là Tiên Giáo hay Đạo Giáo) mà cũng là một cựu quan nhà Hán, chính là người đã mang tín ngưỡng về Diêu Trì Kim Mẫu sang TQ từ miền Viễn Tây vì lúc đó các nước nhỏ ở vùng Thanh Hải, Tân Cương hiện nay đều là chư hầu của TQ. Cũng nên nhắc lại là Lão Tử, thủy tổ của Đạo Giáo cũng là người xuất thân từ phương Tây TQ. Như vậy thì bức tranh về Phật Mẫu trong Báo Ân Từ hiện nay có thể chỉ là một phiên bản của bức hình vẽ kỷ niệm ngày Hội Yến Diêu Trì đầu tiên tổ chức ở Hoa Điện vào ngày Trung Thu (15 tháng 8 âm lịch) năm 96 BC, tức là 2012 năm trước năm 1926, năm khai đạo của Cao Đài. Theo tài liệu Cao Đài [3] thì ngài Hộ Pháp Phạm công Tắc đã cho vẽ bức hình thờ Diêu Trì Kim Mẫu theo một bức hình của bà Phối Sư Hương Hiếu trong đó có hình tượng vua Hán Vũ Đế quì đón Tiên Phật giáng trần. Có thể nào bức hình nầy cũng giống như các hình ảnh để thờ Phật Mẫu trong các ngôi đền Lão Giáo hay Tam Giáo (Phật Khổng Lão) ở TQ từ hơn hai ngàn năm nay ? Rất tiếc tôi chỉ có một kiến thức giới hạn về Hoa ngữ cũng như về lịch sử tôn giáo của TQ nên không thể đào sâu hơn về đề tài nầy, mong các bạn nào đó giúp sức nếu có thể.
V- HÁN VŨ ĐẾ VÀ NGÀI CAO THƯỢNG PHẨM

Sự khác biệt giữa bức hình trong đền thờ Phật Mẫu ngày nay và hình tượng kỷ niệm ngày Hội Yến Diêu Trì của năm 96 BC là hình tượng ngài Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư được dựng lên để đón tiếp Phật Mẫu thay vì hình tượng vua Hán Vũ Đế. Việc ngài Hộ Pháp Phạm công Tắc giải thích rằng hai người, Hán Vũ Đế và Cao Thượng Phẩm, đều xuất thân từ chơn linh của Hán Chung Ly, một vị tiên trong Bát Tiên trong huyền thoại Lão giáo, xem ra hơi huyền bí trong thời hiện đại. Hán Chung Ly (không có tiểu sử rõ ràng) hình như sinh ra sau Hán Vũ Đế. Xét ra thì có một điểm rất mơ hồ là qua tiểu sử thì hai người Hán Vũ Đế và Cao Thượng Phẩm lại hoàn toàn khác nhau về các hoạt động trong đời. Thử tìm đọc lịch sử TQ [4] về Hán Vũ Đế thì chúng ta sẽ thấy rằng mặc dù Hán Vũ Đế có công đã mở mang bờ cõi TQ, chinh Tây, bình Nam, đánh Đông, dẹp Bắc, nhưng điều căn bản là ông ta không phải là một người có lòng nhân đạo nếu không nói là một người tàn ác vô cùng. Chính ông ta gây chiến với Hung Nô phương Bắc, dẹp các xứ nhỏ tiền thân của Triều Tiên phía Đông, chiếm nước Nam Việt tiêu diệt hậu duệ của vua Triệu Đà, chiếm Mân Việt phía Nam, đặt ách chinh phục lên các bộ lạc miền Thanh Hải, Tân Cương phía Tây. Trong hàng các bạo chúa, ông ta xứng đáng rất ngang vai vế hay có thể còn hơn cả Tần Thủy Hoàng (và có thể hơn cả Mao Trạch Đông sau nầy) hay thậm chí có thể nói còn tàn bạo hơn cả Stalin. Chính ông là người đã ra lệnh cấm các chiến sĩ của ông không được rút lui khi thua trận, ép buộc họ vào những cái chết thê thảm trên chiến trường thay vì đầu hàng hay rút lui để rồi dòng họ cũng sẽ phải bị ông tru di tam tộc. Một thí dụ quan trọng là việc tướng Lý Lăng, một vị tướng tài đã lập biết bao nhiêu công trạng với nhà Hán, nhưng lúc sa cơ thất thế tàn quân bị bao vây bởi quân Hung Nô đông gấp mấy mươi lần, vì muốn cứu mạng các binh sĩ cuối cùng chung quanh ông mà ông phải chịu đầu hàng quân Hung Nô. Sử chép lại là khi vua Hán Vũ Đế nghe tin nầy liền ra lệnh tru di gia tộc Lý Lăng trước các cặp mắt kinh khiếp của các triều thần. Hơn thế nữa, khi Tư Mã Thiên dâng sớ xin giảm tội cho Lý Lăng thì chính Tư Mã Thiên lại bị buộc tội phải chịu cung hình (hoạn hay thiến), một trong những hình phạt nặng nề nhất thời bấy giờ. Tư Mã Thiên là một sử gia đầu tiên nổi tiếng nhất không những trong lịch sử TQ mà lịch sử thế giới đương thời. Tôi nghĩ đạo Cao Đài không nên và không bao giờ nên đồng nhất ngài Cao Thượng Phẩm cùng với bạo chúa Hán Vũ Đế, và dĩ nhiên không ai muốn theo như bức hình tham khảo của bà Hương Hiếu mà khắc tượng Hán Vũ Đế để thờ trong các Điện Thờ Phật Mẫu Cao Đài ngày nay. Việc dùng tượng ngài Cao Thượng Phẩm thay tượng Hán Vũ Đế trong điện thờ là điều có thể chấp nhận được nhưng việc đồng nhất hai nhân vật nầy với nhau về mặt tâm linh là điều xét ra không được ổn cho lắm.
VI- TÌM HIỂU VỀ PHẬT MẪU QUA BÀI PHẬT MẪU CHÂN KINH
Thử đọc bài kinh trong những câu đầu, chúng ta thử nghĩ xem bài kinh mô tả điều gì trong thế giới mà ta đang sống:

Tạo-Hóa Thiên Huyền-Vi Thiên-Hậu,
Chưởng Kim-Bàn Phật-Mẫu Diêu-Trì

. Sanh quang dưỡng-dục quần-nhi,
Chơn-linh phối nhứt thân vi Thánh hình.
Thiên-Cung xuất Vạn-linh tùng pháp,
Hiệp âm dương hữu hạp biến sanh.
Càn Khôn sản-xuất hữu hình,
Bát hồn vận-chuyển hoà thành chúng-sinh.

Câu thứ ba, “sanh quang dưỡng dục quần nhi” miêu tả rất rõ ràng người mẹ phát ra luồng ánh sáng có chứa sự sống để nuôi nấng con cái của mình. Câu thứ tư, “chơn linh phối nhất thân vi thánh hình” nói về sự duy nhất của chơn linh người mẹ có dạng hình của một bậc Thánh. Ngày nay khoa học của nhân loại đã tương đối tiến triển khá xa và hầu như tất cả các học sinh trung hay tiểu học đều biết rằng mặt trời là trung tâm của thái dương hệ mà trái đất là một trong những hành tinh quay chung quanh. Ánh sáng đến từ mặt trời có chứa nguồn năng lượng cần thiết cho sự sinh trưởng của vạn vật trên trái đất nầy. Nếu nói về người mẹ có nguồn ánh sáng để dưỡng dục đám con cái trên quả đất nầy, có lẻ không ai xứng đáng hơn là mặt trời. Trên phương diện khoa học hiện tại, người ta chỉ nhận ra mặt trời là một khối vật chất nhưng không ai nghĩ đến việc đây là một chơn linh vĩ đại trong vũ trụ đang làm một nhiệm vụ lớn giao phó bởi Thượng Đế : sinh thành và nuôi nấng các linh hồn bé nhỏ để rồi giúp đở chúng trên đường tiến hoá lên mà trở về với Thượng Đế. Chúng ta nên nhớ rằng không phải chỉ có loài người mới là đám “quần nhi” mà mặt trời đang nuôi nấng mà trong đó có cả đất đá, thảo mộc, côn trùng và cầm thú cũng đều là các đẳng cấp thấp hơn trong đám “quần nhi” của Phật Mẫu vậy. Đọc đến đây các bạn có nhận ra sự tương quan giữa Phật Mẫu và Mặt Trời rồi chứ ? Rất đúng, tôi nghĩ và tin rằng Mặt Trời chính là Phật Mẫu miêu tả trong các bài kinh. Bốn câu thơ còn lại cũng miêu tả đúng hình ảnh cũng như vai trò của Mặt Trời trong cỏi Thiêng Liêng. Câu thơ cuối có chữ “Bát Hồn” mà theo cơ bút Cao Đài, ngài Cao Thượng Phẩm có giải thích như sau: “Trong Càn Khôn Vũ Trụ có 8 đẳng Chơn hồn là: Kim thạch hồn, Thảo mộc hồn, Thú cầm hồn, Nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn và Phật hồn”. Rất rỏ ràng là Mặt Trời đang làm việc vận chuyển Bát Hồn để tạo ra chúng sinh trên trái đất nầy. Mặt Trời (Sun) chính là bình diện về thể chất của đấng Phật Mẫu mà chúng ta đang thờ phượng, bên trong khối vật chất vĩ đại nầy mới là chơn linh vĩ đại của Người. Nói cách khác thì Mặt Trời cũng chính là Đức Mẹ trong các tôn giáo khác mà chúng ta hằng biết. Câu thơ cuối của bài kinh, “Nhất triều nhất tịch kỉnh bài mộ khang” (mỗi buổi sáng hay mỗi hoàng hôn xin kính gửi lên lời thăm hỏi) một lần nữa xác nhận sự tương đồng giữa Mặt Trời và Đức Phật Mẫu trong bài Phật Mẫu Chơn Kinh. Trong bài kinh xưng tụng công đức của Diêu Trì Kim Mẫu, xét lại hai câu kinh sau:
Mớm cơm vú sữa cũng tay,
Dưỡng sanh đùm bọc với tài chí công”.



Ai dưỡng sinh, ai đùm bọc cho đám vạn linh trên cỏi trần nầy nếu không phải là “Mặt Trời” ?
VII- ĐỨC PHẬT MẪU VÀ CỬU TRÙNG THIÊN
Trong một bài viết vừa qua, tôi có vạch ra sự hiện hữu vật lý (physical existence) của Cửu Trùng Thiên và Diêu Trì Kim Mẫu [5]. Theo kinh từ Nhất Cửu đến Cửu Cửu, các linh hồn đắc đạo hay được ân xá sẽ phải mất 9 x 9 = 81 ngày để di chuyển từ mặt đất lên đến Mặt Trời và các linh hồn có thể ở dưới dạng hoà hợp lý tưởng của hai lớp Khí và Thần (trong Cao Đài nhiều khi lại dùng hai chữ Chơn Thần cho lớp Khí hoặc lớp Thần-Khí và Chơn Linh cho lớp Thần thuần tuý, rất dễ bị nhầm lẫn với nhau). Cửu Trùng Thiên tiêu biểu cho 9 cõi trời ngay trên đầu chúng ta mà có lẻ chúng ta vẫn chưa kiểm nhận được các tầng trời nầy, đơn giản là vì chúng ta sinh ra không có trong cơ thể một cảm quan để nhận thấy. Có thể nền khoa học của nhân loại sẽ có ngày biết được nhiều thêm về 9 cõi bên trên và đây là đề tài nghiên cứu khoa học mới mẻ cần sự chú trọng bởi lớp hậu sinh Cao Đài trong tương lai. Tôi hy vọng họ sẽ dùng lý trí khoa học của chính mình (món quà quí của Thượng Đế và Phật Mẫu ban cho) để tìm hiểu một cách khoa học chứ không phải là việc gì cũng dùng cơ bút hay đồng bóng như các bậc tiền bối đã làm trong quá khứ. Như tôi và nhiều người khác đã khẳng định, cơ bút và đồng bóng là những con dao hai lưởi vô cùng nguy hiểm vì chúng ta không biết rỏ và không nhận thức được cái gì ẩn khuất bên trong. Tiên Phật, Thần Thánh hay Ma Quỉ ? Đúng là thật giả khó phân ! Hình 2 ghi lại cấu trúc của Cửu Trùng Thiên theo các bài kinh Thiên Đạo của Cao Đài (theo phàm ý của chính tôi), chỉ có một điều không rõ là Diêu Trì Kim Mẫu nằm trong tầng trời thứ 9 hay nằm trên tầng trời thứ 9 mà thôi [5]. Phật Mẫu và Cửu Vị Tiên Nương chính là Mặt Trời và chín vị Thiên Thần đang cai quản 9 từng trời. Trên phương diện hữu hình, chúng ta chỉ thấy Mặt Trời chứ chưa từng thấy được 9 vị Thiên Thần nầy, chỉ biết được qua các huyền thoại tôn giáo.

Hình 2: Cấu trúc Cửu Trùng Thiên (chín từng trời bao bọc chung quanh địa cầu) theo như trong chín bài kinh cửu cửu của Cao Đài dùng để tụng cầu siêu cho người chết. Phải mất 9x9=81 ngày cho linh hồn vượt qua khỏi Cửu Trùng Thiên.

VIII- THAY LỜI KẾT
Ngày xưa khi tôi đi học tiểu học ở Đạo Đức Học Đường trong khuôn viên Toà Thánh Cao Đài ở Tây Ninh, tôi nhớ có một năm đó ông giáo dạy học dẫn cả lớp vào trai đường ăn bánh trái vào một ngày sau ngày lễ Hội Yến Diêu Trì, ông giáo bảo chúng tôi là chúng tôi đang nhận lộc ban phát từ Phật Mẫu và muốn chúng tôi phải cầu nguyện tạ ơn Phật Mẫu. Thú thật chúng tôi lúc bé cũng chẳng biết Phật Mẫu là ai. Khi lớn lên, mỗi lần đọc đến bài kinh Phật Mẫu Chân Kinh và bài Tán Tụng Công Đức Phật Mẫu, tôi liên tưởng ngay đến Mặt Trời. Tôi từng có ý tưởng nghĩ rằng Cửu Vị Tiên Nương là 9 hành tinh đang du hành chung quanh Mặt Trời cho đến khi tôi chợt nhận thức ra là 9 hành tinh nầy không có liên hệ gì đến các bài kinh của Cao Đài và định nghĩa về các hành tinh nầy cũng thay đổi theo nhận xét của các cộng đồng khoa học thiên văn. Điều thú vị nhất là trong thần thoại Hi Lạp ngày xưa cũng có 9 vị tiên nương chị em với nhau (The Nine Muses in Greek Mythology) và cùng là con của thần Zeus (Thượng Đế, theo tin tưởng của người Hi Lạp ngày xưa). Những điều mà nhiều người Cao Đài nghĩ là chỉ riêng có trong Cao Đài lại được biết đến từ lâu bởi các hiệp hội hay các tôn giáo xưa cũ hơn. Thí dụ như:
⁃ Thiên nhãn đã là biểu tượng của Thượng Đế từ 10 ngàn cho đến 50 ngàn năm nay qua các nền tôn giáo cổ xưa và đã từng xuất hiện trên quốc huy Mỹ từ năm 1776, tức là 150 năm trước ngày khai đạo Cao Đài (1926).
⁃ Cửu Trùng Thiên ít ra được biết đến bởi Freemasonry và người Mayan từ thuở xa xưa. Cửu vị Tiên Nương cũng đã từng được biết qua trong thần thoại Hi Lạp.
⁃ Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung đã có từ thời vua Hán Vũ Đế từ 96+2018=2114 (hai ngàn một trăm mười bốn) năm nay. Vẫn biết là trong Cao Đài chúng ta có một vũ trụ quan tương đối mới, chẳng hạn như Tam Thập Lục Thiên, Tam Thiên Thế Giới và Thất Thập Nhị Địa. Tuy nhiên, xét cho kỹ thì Tam Thập Lục Thiên có thể từng được biết đến bởi Đạo (Lão) Giáo từ ngàn xưa và cũng có thể cũng từng được biết đến bởi Freemasonry. Tam Thiên Thế Giới lại từng được nghe qua trong Phật Giáo. Chúng ta nói đến Thất Thập Nhị Địa mà địa cầu chúng ta đang ở là địa cầu thứ 68 (có thể chúng ta học lại từ Lão Giáo trong Ngũ Chi) nhưng nhở có ai hỏi địa cầu thứ 67 hay 69 ở nơi đâu thì chúng ta sẽ không biết làm sao mà trả lời. Đâu là hư và đâu là thật ? Chúng ta thiếu những dữ kiện cần thiết để biện minh cho các điều mà chúng ta tin tưởng, không lẻ chúng ta lại phải nhờ cậy vào cơ bút hay đồng bóng mà tìm ra các câu trả lời hay sao ? Nói tóm lại, chúng ta có trong tay các bộ kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, chúng ta lại còn có Tân Luật và Pháp Chánh Truyền, phần lớn nhờ vào phương tiện cơ bút, nhưng chúng ta thiếu chứng cứ khoa học cần thiết để giải thích cho người khác về sự tin tưởng trong tôn giáo của chúng ta. Biết đâu trong tương lai nền Đại Đạo của chúng ta nếu phải mai một có thể cũng vì những điều nầy mà ra ? Nghĩ cho kỹ, chúng ta không biết cái đẹp cái quí của những cái chúng ta có và không chịu tìm hiểu thêm về những cái đó mà chúng ta lại thích nói đến những cái mà chúng ta chỉ biết một cách hời hợt sơ sài và nhiều khi thiếu khoa học để minh chứng. Nhân loại dựng nên một nền khoa học ngày nay căn cứ trên những phương pháp suy diễn ra từ trí tuệ. Trừ phi nền văn minh của nhân loại bị sụp đổ hoàn toàn bởi thiên tai hay chiến tranh, tất cả các tôn giáo nếu muốn tồn tại sẽ phải dựa vào khoa học và kỹ thuật của nhân loại chứ không thể nào đi theo những con đường khác biệt như từ vài ngàn năm nay. Đạo Cao Đài xét ra không thể tránh khỏi điều nầy. Trong tương lai, tôi nghĩ rằng sự hợp nhất của tôn giáo, chánh trị, khoa học và kỹ thuật là chuyện tất nhiên, chắc chắn sẽ xảy ra ở một lúc nào đó trong quá trình tiến triển của trí tuệ nhân loại. Phải chăng Thượng Đế lập nên đạo Cao Đài để tạo ra một nền mống cho sự hợp nhất hoàn hảo nầy trong tương lai ?

IX- THAM KHẢO
[1]- Đức Nguyên Nguyễn văn Hồng, Cao Đài Tự Điển, quyền 1 và 2, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Toà Thánh Tây Ninh, phổ biến dưới dạng PDF trên Internet qua Thánh Thất Sydney, Australia, ấn bản 2012. 

[2]- Đức Nguyên Nguyễn văn Hồng, Giải Nghĩa Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Toà Thánh Tây Ninh, phổ biến dưới dạng PDF trên Internet qua Thánh Thất Sydney, Australia, ấn bản năm 2000 ở California. 
3]- Kim Hương, Báo Ân Từ Hội Yến Diêu Trì Cung, Thánh Ngôn Sưu Tập, 1929-1969, ấn bản California 2013, phổ biến dưới dạng PDF trên Internet. 
4]- Tiểu sử Hán Vũ Đế, Wikipedia trên Internet.
[5]- Cùng tác giả với bài nầy, “George Washington, Freemasonry, đền thờ Thánh Kukulkan, đạo Cao Đài và Cửu Trùng Thiên”, Personal Note, March 2018. 

* Đền Báo Ân Từ Tai Tòa Thánh Tayninh
*Tượng thờ Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương nơi Báo Ân Từ

1 nhận xét:

ThaiLy: PHƯỢNG XƯA (T.Vấn và Bạn Hửu )

                        Cung Đàn Mùa Hạ – Tranh: CAO HOÀI TRÍ (Nguồn: www.ninh-hoa.com)   Râm ran đâu đó không phải tiếng ve mà lại là nhữ...